Vụ tử vong nghi uống thực phẩm chức năng giảm cân, chuyên gia cảnh báo
Theo nội dung toàn văn báo cáo nghiên cứu đăng trên trang Docdroid.net, cô gái 24 tuổi xấu số người Ấn Độ, ngoài việc bị suy tuyến giáp và phải bổ sung thuốc thyroxine (liều lượng 75microgram – mcg hàng ngày trong 5 năm qua) không mắc bệnh kinh niên nào khác. Chỉ số khối cơ thể của cô là 32,1.
Cô gái đã sử dụng bộ sản phẩm giảm cân 3 loại của một công ty lớn, mua từ một câu lạc bộ dinh dưỡng địa phương tại Kottakal, bang Kerala, Ấn Độ trong 2 tháng.
Cô gái cũng đang không sử dụng thuốc hay những loại thuốc bổ sung, thay thế nào khác trước hoặc trong khoảng thời gian dùng bộ sản phẩm thực phẩm chức năng giảm cân nói trên.
Hai tháng sau khi bắt đầu dùng chúng, cô gái trải qua một tuần chán ăn, sau đó bị vàng da và thi thoảng bị ngứa.
Kết quả sinh thiết mô gan cho thấy các mô bị hoại tử từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng, viêm đường mật, nhiễm mỡ, ứ mật trong mao mạch.
Cô gái đã được chuyển tới trung tâm ghép tạng để thay gan nhưng đã qua đời không lâu sau đó trong khi chờ đợi.
Các bác sĩ đã nghi ngờ về khả năng sản phẩm giảm cân có liên quan tới tổn thương gan của cô gái, nhưng không thể nhận được chính bộ sản phẩm cô đã sử dụng từ gia đình. Tuy nhiên, họ cũng đã có được một sản phẩm từ chính cửa hàng đã bán sản phẩm cho cô.
Qua phân tích, tất cả sản phẩm có xuất xứ từ công ty nói trên đều chứa hàm lượng cao các kim loại nặng, 75% mẫu sản phẩm chứa các hợp chất độc hại không được công bố, trong khi 63% các mẫu sản phẩm chứa axit deoxyribonucleic cho thấy tình trạng nhiễm khuẩn.
Báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Clinical and Experimental Hepatology cũng nhận định rằng những phát hiện nêu trong báo cáo nghiên cứu của Ấn Độ có những điểm tương đồng với các báo cáo nghiên cứu tương tự đã công bố tại các nước khác, gồm Israel, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Iceland, Argentina và Mỹ.
Cần cẩn trọng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Hồng Vũ hiện đang công tác tại Viện nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ, cho biết: “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng nói chung. Chúng không phải là thuốc nên chưa thực sự được kiểm tra chặt chẽ về thành phần có trong đó.
Hiện tượng bị nhiễm các chất độc hại, vi sinh vật hoặc thuốc cấm nguy hiểm do vô tình hay cố ý có thể xảy ra trước khi các cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn.
Ngoài ra, việc bán hàng qua các hệ thống bán hàng đa cấp với những lời quảng cáo thái quá, sử dụng bằng chứng giả khoa học hoặc “thần thánh” hóa sản phẩm cũng là nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng.
Tin dùng thuốc giảm cân, coi chừng ‘chết’ vì thiếu hiểu biết