Vụ tai nạn thảm khốc 13 người chết ở Lai Châu: Đại tang ngày về giỗ bố, mong có một phép màu

Cường Ngô

  –  

Chủ nhật, 16/09/2018 10:00 (GMT+7)

13 nạn nhân xấu số tử vong trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Lai Châu đã được đưa về quê nhà an táng theo phong tục địa phương trong nỗi đau mất mát của người thân, còn 3 nạn nhân thương tích đang được các y, bác sĩ cố gắng giành giật sự sống.

Vụ tai nạn thảm khốc 13 người chết ở Lai Châu: Đại tang ngày về giỗ bố, mong có một phép màu
Người thân chăm sóc các nạn nhân ở BV ĐK tỉnh Lai Châu

Nén nỗi đau để chăm con

Ngày 15.9 – ngày buồn của rất nhiều người, là ngày cướp đi sinh mạng của 13 nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở cầu Tiêu Bính (thị trấn Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Là ngày đang yên bình, bỗng chốc, trong tích tắc, hóa thảm họa. Cũng là ngày mệt nhoài của người thân các nạn nhân, lực lượng chức năng dọn dẹp hiện trường.

Chiều tối 15.9, bà Nguyễn Thị Loan (57 tuổi, trú tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) cùng con trai, họ hàng, vội vã dựng tạm rạp đám tang cho bà thông gia Lim Thị Bức và cháu nội Phạm Tùng Lâm.

Sau đó, bà Loan tức tốc đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu để chăm sóc con dâu Trần Tú Hường (SN 1990) đang trong tình trạng hôn mê sâu sau vụ tai nạn giao thông kinh hoàng vừa xảy ra.

Bà Loan sức khỏe yếu, lại bị chứng tiền đình, cho nên chẳng thể phân thân cùng một lúc làm nhiều việc. Song, bà không an lòng khi để ai đó chăm sóc con dâu trong bệnh viện. 

Ngồi bên giường bệnh, bàn tay gầy gò, những thớ thịt xô lại, nhăn nheo của bà Loan xoa nhẹ vào cánh tay đã bó chặt của con dâu. Bà khóc nghẹn! Tiếng gọi ú ớ mê sảng và vết thương đau trên cơ thể mỗi khi thị Trần Tú Hường cử động khiến tim bà thắt lại.

Nhìn con dâu đau đớn, bà Loan nghẹn ngào kể, ngày giỗ bố nên con trai bà (chồng chị Hường) tranh thủ về nhà trước để toàn sự lo đám giỗ. Sáng 15.9, con dâu bà cùng mẹ ruột và hai đứa cháu bắt xe khách về Than Uyên.

“Trước khi lên xe, nó gọi điện thoại thông báo cho tôi và dặn nấu một bát cháo lớn để cho hai đứa nhỏ ăn cả ngày. Con dâu còn dặn không phải mua đồ cúng giỗ vì nó đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ rồi”, bà Loan kể.

Đến khoảng 9h30, bà Loan gọi điện hỏi thăm con dâu về đến đâu nhưng nhận lại là những tiếng “bíp” liên hồi. Bà Loan nóng ruột, gọi nhiều cuộc điện thoại hơn, nhưng đều vô vọng.

Chị Trần Tú Hường cùng con gái Phạm Thu Hà nằm điều trị tại phòng cấp cứu Bệnh viện ĐK tỉnh Lai Châu.
Chị Trần Tú Hường cùng con gái Phạm Thu Hà nằm điều trị tại phòng cấp cứu Bệnh viện ĐK tỉnh Lai Châu.

Đến 10h, một người hàng xóm chạy sang nhà báo có vụ tai nạn xe khách ở huyện Tam Đường, chết nhiều người, hỏi xem có người nhà ngồi trên xe không. Sau đó, biết tin con dâu, bà thông gia, hai cháu nội gặp nạn, bà hoảng hồn, đau xót, nhưng phải nén nỗi đau để cùng người nhà bắt taxi đến bệnh viện”.

Theo bà Loan, khi đến bệnh viện, bà thấy con dâu bất tỉnh, hôn mê sâu, chấn thương toàn thân. Cháu gái Phạm Thu Hà (SN 2013, con gái đầu của chị Hường) bị gẫy chân, tay. Cháu trai Phạm Tùng Lâm – mới được 16 tháng tuổi đã tử vong do chấn thương nặng. Đến 11h trưa, bà nghe tin lực lượng chức năng tìm được thi thể của bà thông gia Lim Thị Bức dưới đống đổ nát của hai chiếc xe.

“Vợ chồng nó ăn ở phúc đức, hàng xóm láng giềng ai cũng quý mến. Hai đứa nhỏ ngoan ngoãn, biết nghe lời bà và bố mẹ. Ấy vậy mà, chưa kịp về nhà làm giỗ bố thì tai nạn thảm khốc xảy ra. Thương con, nhớ cháu, giờ tôi chẳng thiết sống nữa”, bà Loan xót xa.

Nằm bên cạnh giường bệnh của chị Hường là con gái Phạm Thu Hà. May mắn cháu Hà chỉ bị gãy chân, tay nhưng do sức khỏe yếu nên Hà ngất lịm.

Theo lời bà Loan, cháu Hà là người tỉnh táo nhất sau khi vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra. Trong đống đổ nát, la liệt người tử vong, cháu Hà được một người dân hỏi về gia đình để báo tin, cháu đã nói rõ họ tên bố mẹ, bà nội, bà ngoại và công việc của từng người. Nhờ đó mà có người báo tin về.

22h đêm (15.9), hành lang phòng cấp cứu Bệnh viện ĐK tỉnh Lai Châu vẫn còn đông người, đó là những người đồng nghiệp của chị Phạm Tú Hường làm ở Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Lai Châu, các giáo viên mầm non – nơi cháu Hà theo học và bạn bè của chồng chị luôn túc trực để chăm sóc cho hai mẹ con.

Mong một phép màu

Sau 4 ngày công tác tại Lai Châu, anh Trần Bình (SN 1983, trú tại Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) cùng đồng nghiệp của mình là anh Lê Ngọc Xuân Sơn (Hà Nội) lên chiếc xe khách định mệnh để về quê.

Cuộc điện thoại báo về cho vợ và gia đình để sum họp của các anh cứ ngỡ sẽ hạnh phúc, nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi vụ tai nạn thảm khốc ấy đã cướp đi sinh mạng của anh Sơn và 12 người trên xe. Còn tính mạng của anh Bình thì “ngàn cân treo sợi tóc”.

Nằm trên giường bệnh trong tình trạng đa chấn thương, chằng chịt dây chuyền và ống thở oxy, anh Bình luôn được các y bác sĩ của Bệnh viện tỉnh Lai Châu túc trực theo dõi diễn biến sức khỏe. Hiện một kíp bác sĩ đầu ngành ở Hà Nội đã lên đến Lai Châu để cứu chữa các nạn nhân, cần thiết sẽ đưa các nạn nhân về Bệnh viện Việt Đức chữa trị.

Cơ quan chức năng đến thăm hỏi, động viên nạn nhân.
Cơ quan chức năng đến thăm hỏi, động viên nạn nhân.

Nhận tin dữ về chồng, từ Hà Nội, chị Hải (SN 1985, vợ anh Bình) phải mất 8 tiếng đồng hồ mới lên đến Bệnh viện tỉnh Lai Châu để chăm chồng. Quãng đường xa khiến chị mệt mỏi, nhưng chị vẫn gắng gượng thức trọn đêm bên giường bệnh của chồng.

Chia sẻ với PV, chị Hải cho biết: “Những lần trước, anh đi công tác sẽ có xe của công ty đưa đón, nhưng lần này do xe công ty bị hỏng, anh và đồng nghiệp phải đi xe khách, không ngờ tai họa lại ập đến”.

Chị Hải nói thêm, bác sĩ đã thông tin về tình trạng sức khỏe của anh Bình, song là tiên lượng rất xấu. Mong muốn lớn nhất của chị Hải ở thời điểm này được nắm tay anh Bình, tiếp sức cho chồng có đủ sức mạnh vượt qua cơn nguy kịch.

Chị Hải vẫn hy vọng “có một phép màu”.