Vụ tai nạn 13 người chết: Nỗi đau lớn nhất bên dòng Ô Lâu từ sau chiến tranh
(CAO) Nỗi đau thương, mất mát chất chồng bao trùm quê nghèo trong những ngày lo hậu sự cho 13 người tử vong trong đoàn đi đón dâu. Sự quan tâm, san sẻ của mọi người giúp vơi đi sự mất mát ấy đối với các gia đình có người tử nạn.
Đau thương chất chồng
Đó là cảm nhận của nhiều người dân Quảng Trị và những ai quan tâm, theo dõi về vụ tai nạn thảm khốc ở tỉnh Quảng Nam vào rạng sáng 30-7, đã cướp đi sinh mạng 13 người, làm bị thương nặng 4 người.
17 con người vừa rời thôn Lương Điền (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) để vào Bình Định đón cô dâu về cho anh Nguyễn Khắc Long (SN 1990).
Nhưng ngày cưới trở thành đại tang. Tại nhà cô dâu ở Bình Định, rạp cưới đã được dựng lên cùng với hàng chục mâm cơm được chuẩn bị để làm lễ đưa dâu, đón đoàn người nhà chú rể vào. Trong sáng 30-7, người thân, họ hàng, bạn bè đến nhà gái để chúc phúc cho đôi trẻ nhưng lại là lời tiễn biệt đối với chú rể cùng gia đình nhà trai.
Nhận được cuộc điện thoại báo tin lúc gần 4 giờ sáng, chị Lê Thị Yên (vợ sắp cưới của anh Long) như chết lặng khi biết tin chồng cùng 12 người đã không còn. Gắng đau thương, chị Yên tức tốc lên đường ra Quảng Trị để lo hậu sự cho anh Long. Làm sao không nghẹn ngào trước những tiếng khóc, gào thét xé lòng ở trong các gia đình tại thôn Lương Điền. “Chồng ơi chồng! Đáng lẽ hôm nay em làm cô dâu, anh làm chú rể mà”, chị Yên thét gào.
Thôn Lương Điền nghi ngút khói hương, ảm đạm không khí thê lương, sầu não. Thôn nghèo bên dòng Ô Lâu từ sau ngày giải phóng đến nay chưa bao giờ chịu cảnh tang thương, mất mát nhiều đến như vậy. Thôn nghèo như vừa hứng một trận bom trong chiến tranh. Những tiếng khóc tỉ tê, thét gào không dứt.
12/13 nạn nhân cùng trong dòng họ Nguyễn Khắc, chỉ trừ tài xế Lê Ngọc Cường (ngụ xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế).
Từ đường họ Nguyễn Khắc nghi ngút khói hương, những chiếc bài vị trên những chiếc bàn gỗ đơn sơ ở giữa sân từ đường và mọi người đang tất bật lo lễ tế cho con cháu xấu số trong họ.
Còn gì đau đớn hơn khi gia đình chú rể Nguyễn Khắc Long với 3 chiếc quan tài nằm thẳng hàng trong căn nhà; hai chiếc quan tài của vợ chồng ông Nguyễn Khắc Nguyền – bà Nguyễn Thị Gái; hai anh em Nguyễn Khắc Bình – Nguyễn Khắc Mỹ… Những nạn nhân còn lại đều là anh em, bà con họ hàng thân thiết.
Dòng sông Ô Lâu phân chia địa giới 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Bên này sông là không khí tang thương của 12 nạn nhân xấu số. Bên kia sông Ô Lâu cũng chia buồn với gia đình anh Lê Ngọc Cường (32 tuổi, ngụ xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) – tài xế chiếc xe khách BS: 75B – 000.52 cũng tử vong trên hành trình định mệnh và đầy đau thương.
Chính quyền, các ban ngành, người dân địa phương cũng bày tỏ sự đau buồn, mất mát đối với gia đình. Người mẹ già, vợ trẻ và 2 đứa con thơ dại của anh Cường khóc như chết điếng mỗi lần nhắc đến tên anh. Nhưng trong nỗi đau, họ cũng bày tỏ sự xin lỗi đến các gia đình nhà chú rể vì trong tai nạn có phần lỗi của anh Cường (tài xế có dấu hiệu ngủ gật khiến xe loạng choạng, lạc tay lái trước khi đâm vào xe container).
Trước khi nhận chở gia đình chú rể đi đón dâu, anh Cường đã “chạy sô” chở khách từ Huế vào Đà Nẵng sau đó quay đầu trở về và tối đến nhà chú rể để chở đoàn đi Bình Định. Vì hoàn cảnh khó khăn, vì mưu sinh mà anh Cường phải chạy những cuốc xe liên tục. Trong khi đó chiếc xe không có phù hiệu, không có hợp đồng chở khách, dịch vụ.
Và vì nghèo khó mà gia đình chú rể đành phải thuê chiếc xe nhỏ và đã cũ để đi đón dâu trong tình trạng cấp tốc cho quãng đường hơn 400 cây số để kịp giờ lễ ở nhà gái. Nếu như họ khấm khá hơn, có thể đi trên những chuyến xe chất lượng cao, đảm bảo an toàn hơn, đến Bình Định sớm hơn để nghỉ ngơi trước khi đến nhà cô dâu…
San sẻ đau thương, mất mát
Hàng nghìn người dân địa phương, lãnh đạo chính quyền, các ban ngành đoàn thể đến thôn Lương Điền chia buồn với những nạn nhân xấu số. Ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đến chủ trì lo hậu sự cho các nạn nhân.
Trong những ngày diễn ra tang gia, gia đình, thân nhân nào cũng bối rối nên chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, người dân các nơi chung tay mỗi người mỗi việc lo tang lễ, túc trực hương khói để bà con đến thắp hương, dâng hoa…
Chia sẻ với nỗi đau, mất mát quá lớn lao của các gia đình, Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cùng Công an huyện Hải Lăng cũng cử các đoàn đến thăm viếng các nạn nhân, cử hàng chục cán bộ chiến sĩ túc trực trên các tuyến đường để phân luồng giao thông, hỗ trợ tang gia, chăm sóc những người thân của các nạn nhân trong lúc bối rối…
Trong khi đó tại Bệnh viện Đà Nẵng, đội ngũ y bác sĩ đang nỗ lực hết mình với tất cả tâm huyết, sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị hiện đại, phương thuốc hữu hiệu để cứu chữa cho 4 nạn nhân may mắn không tử vong trong vụ tai nạn nhân bị thương rất nặng.
Các bác sĩ cho biết, cháu Đặng Xuân Tiến (4 tuổi) vừa tỉnh sau cơn mê sâu do xuất huyết vùng não 2 bên và cần phải tích cực theo dõi. Cháu Dương Nguyễn Trúc Hân (6 tuổi, bị biến dạng nặng, vỡ xương vùng hàm mặt) vừa được phẫu thuật nên đang trong giai đoạn đau đớn ở phần mềm. Ông Nguyễn Khắc Cát (70 tuổi, bị đa chấn thương nặng) và bà Nguyễn Thị Kim Oanh (49 tuổi, đa chấn thương não và dập 2 tay, 2 chân).
Nghe tin về 13 người trong đoàn đi đón dâu từ Quảng Trị vào Bình Định tử vong do tai nạn giao thông thảm khốc, nhiều bạn đọc, các nhà hảo tâm, các cá nhân, đơn vị, con em Quảng Trị tại miền Nam… đã đến Báo Công an TP.HCM bày tỏ sự chia sẻ và đóng góp những phần quà ý nghĩa. Đến chiều 31-7, Báo Công an TP.HCM đã tiếp nhận được 100 triệu đồng để hỗ trợ các nạn nhân.
Trong ngày mai (1-8), Đại tá Trần Trọng Dũng – Tổng Biên tập Báo Công an TP.HCM cùng một số nhà hảo tâm sẽ về thôn Lương Điền (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) và xã Phong Bình (huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) để thăm hỏi, động viên, trao quà đến các gia đình, các thân nhân những người tử vong.
Những phần quà này trích từ Quỹ từ Xã hội thiện của Báo Công an TP.HCM và sự chung tay đóng góp của bạn đọc…