Vụ patê Minh Chay nhiễm độc tố thần kinh cực mạnh: Cơ quan chức năng chậm trễ?
Patê Minh Chay vừa bị cảnh báo khẩn cấp có chứa độc tố độc lực mạnh – Ảnh: website nhà sản xuất
Sáng 30-8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát đi văn bản ký ngày 29-8 gửi chi cục an toàn thực phẩm, ban an toàn thực phẩm các tỉnh thành yêu cầu giám sát, thu hồi sản phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới, đơn vị sản xuất patê Minh Chay, đang làm nhiều người liệt, khó thở, khó nuốt, phải thở máy.
Điều đáng nói là những trường hợp ngộ độc patê Minh Chay đã bắt đầu xuất hiện từ ngày 17-7. Đến 18-8, Cục An toàn thực phẩm nhận được báo cáo từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nghi ngờ ngộ độc liên quan đến thực phẩm và hai ngày sau đó xác định liên quan đến sản phẩm này, nhưng đến ngày 29-8 mới cảnh báo rộng rãi và yêu cầu thu hồi.
Người tiêu dùng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước thông tin về sản phẩm nguy hại như vậy là quá chậm trễ.
Theo ông Nguyễn Trung Nguyên – giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trung tâm đã báo cáo gửi Bộ Y tế, gửi các cơ quan chức năng từ gần hai tuần trước. “Mọi việc với cơ quan chức trách chúng tôi đã làm hoàn tất rồi” – ông Nguyên cho biết vắn tắt.
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, hôm 18-8 cục nhận được báo cáo từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết qua hội chẩn, các bác sĩ của Trung tâm chống độc đã phát hiện ca bệnh nghi ngộ độc liên quan đến vi khuẩn có trong thực phẩm. Đó là nghi vấn nhưng chưa rõ loại thực phẩm có liên quan cụ thể là gì?
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Cục An toàn thực phẩm cho biết ghi nhận 5 bệnh nhân cùng có biểu hiện liệt cơ, yếu cơ, khó nuốt, khó thở, trong đó một số người đang ở tình trạng nặng, phải thở máy. Đáng tiếc là thuốc giải độc phù hợp với tình trạng của bệnh nhân không có ở thời điểm bệnh nhân nhập viện, mà mới được nhập khẩu về một vài ngày trước đây.
Ngày 18-8, sau khi nhận được thông tin, Cục An toàn thực phẩm đã gửi mẫu patê Minh Chay (loại bệnh nhân đang dùng dở) đi xét nghiệm, kết quả xét nghiệm trả ngày 20-8 cho biết mẫu patê nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum type B, là loại vi khuẩn kỵ khí có độc lực mạnh, ảnh hưởng kéo dài đến sức khỏe, có nguy cơ gây tử vong.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm giải thích “do lấy mẫu từ hộp đang dùng dở nên chưa xác định vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào hay có sẵn trong sản phẩm.
Ngày 19-8 cơ quan chức năng kiểm tra tại cơ sở sản xuất, ngày 20-8 tạm đình chỉ sản xuất kinh doanh, đồng thời lấy mẫu tiếp. Ngày 23-8 có kết quả mới nhưng mẫu mới chưa phát hiện vi khuẩn.
Ngày 26-8 lại có báo cáo có các ca ngộ độc liên quan đến patê Minh Chay tại TP.HCM.
Ngày 28-8 tiếp tục làm việc với doanh nghiệp, lấy 18 mẫu để xét nghiệm và 29-8 mới cảnh báo rộng rãi cho người tiêu dùng”.
Trả lời Tuổi Trẻ về lý do của sự chậm trễ này, một đại diện Cục An toàn thực phẩm cho rằng sẽ cảnh báo rộng rãi “khi có đủ căn cứ pháp luật và cân bằng giữa lợi ích của người tiêu dùng, nhà sản xuất”. Tuy nhiên dường như Cục An toàn thực phẩm chưa xem xét khía cạnh vi khuẩn này chứa chất độc cực mạnh, có thể gây tử vong và đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc lần này là người trẻ tuổi (từ 19, 20, 26 tuổi…).
Hiện cũng đang là tháng 7 âm lịch, là thời điểm tháng Vu lan theo truyền thống và nhiều người phát tâm ăn chay, nguy cơ ngộ độc vì thế càng nhiều hơn. Nếu người dân được cảnh báo sớm (ca bệnh đầu tiên nhập viện từ nửa cuối tháng 7, ngày 29-8 mới được cảnh báo) và nếu có mối liên hệ sớm giữa các bệnh viện, rất có thể số bệnh nhân không tăng đến mức như hiện tại, trong đó có nhiều bạn trẻ và có cả phụ nữ mang thai.
Sản phẩm ra thị trường rất nhiều
Xưởng sản xuất patê Minh Chay số 53, tổ 2, thị trấn Đông Anh, Hà Nội – Ảnh: DANH TRỌNG
Chiều 30-8, phóng viên Tuổi Trẻ tìm đến địa chỉ của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới theo địa chỉ công khai trên website tại số 53, tổ 2, thị trấn Đông Anh (Hà Nội). Tuy nhiên, theo biển hiệu gắn trước cổng ngôi nhà lại ghi tên Công ty cổ phần MT Việt Nam. Liên hệ theo số điện thoại trên biển hiệu của công ty, một người đàn ông xác nhận đây là số điện thoại của Công ty patê Minh Chay.
Website minhchay.com phát thông báo thu hồi sản phẩm loại sản xuất từ ngày 1-7 đến 28-8. Phóng viên liên hệ với số điện thoại trên thông báo này, một phụ nữ nghe máy cho biết công ty đã thông qua nhà mạng gửi tin nhắn đến tất cả khách hàng từng mua sản phẩm patê của công ty trong khoảng thời gian đã thông báo.
Phóng viên muốn đến tận nơi để trả sản phẩm thì người phụ nữ này nói: “Công ty đảm bảo sẽ thu hồi sản phẩm và hoàn tiền cho khách hàng. Do lượng khách hàng quá nhiều, khoảng 10.000 khách hàng, 20.000 hũ patê nên chúng tôi phải lên kế hoạch thu hồi.
Nếu ai cũng mang sản phẩm đến trả trực tiếp thì chúng tôi không thể xử lý kịp. Nếu ai mua hàng trong khoảng thời gian trên mà chưa nhận được tin nhắn thu hồi thì liên hệ với số điện thoại trên thông báo để công ty kiểm tra lại”.
DANH TRỌNG
Nhiều người liệt khi ăn patê Minh Chay
Trong số 7 bệnh nhân có 2 người đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và 5 người ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Bước đầu 5/7 người bị liệt một phần hoặc toàn thân, đang phải thở máy sau khi sử dụng patê Minh Chay.
TS Lê Quốc Hùng – trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết từ ngày 24-7 đến 30-7 bệnh viện tiếp nhận 5 trường hợp được chuyển đến từ các địa phương sau khi ăn patê Minh Chay.
Cụ thể, có một cặp vợ chồng cùng 36 tuổi, ngụ Nha Trang, Khánh Hòa qua khai thác bệnh sử được biết trưa 19-7 cả hai ăn patê Minh Chay và sáng hôm sau người chồng đột ngột bị nôn ói, chóng mặt, nuốt khó, sụp mi mắt. Hai ngày sau người vợ rơi vào tình trạng tương tự. Cả hai được vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu, đến ngày 24-7 được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị do diễn biến trở nặng.
Ba trường hợp còn lại đều là bạn bè, có độ tuổi 20-24 ngụ tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày 24-7 cả ba ăn patê Minh Chay rồi lần lượt có biểu hiện đột ngột nôn ói, đau họng, khó nuốt, khó thở. Sau khi nhập điều trị tại bệnh viện địa phương, cả ba được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy lần lượt vào các ngày 27, 29 và 30-7 với tình trạng sụp mi hoàn toàn, suy hô hấp, thở máy, sức cơ tứ chi còn từ 2/5-3/5. “Tình trạng sức khỏe chung của cả 5 bệnh nhân đều bị liệt, phải thở máy. Đặc biệt, có một bệnh nhân bị liệt toàn thân”, ông Hùng nói.
Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – giám đốc bệnh viện – cho biết 2 ca nhiễm độc tố botulinum đang được đơn vị điều trị là chị em tuổi trung niên, sống cùng nhau, nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó nuốt, không há miệng được.
“Có lúc tình trạng bệnh nhân trở xấu khi liệt cơ toàn thân (kể cả cơ hô hấp) và cho thở máy. Nhưng sau hơn hai tuần điều trị, một trong hai người cai máy thở ngắt quãng, cử động được chân tay. Người còn lại chỉ mới cử động được các đầu chi và mấp máy môi, hiện đang tiếp tục thở máy”, ông Châu nói.
TS Lê Quốc Hùng cho biết botulinum là một chất độc tác động lên các dây thần kinh, nó được vi khuẩn C. botulinum sản sinh ra trong quá trình phát triển (nhân đôi hay sinh bào tử).
Trung bình 12-36 giờ (có thể vài ngày) sau khi ăn phải các loại thức ăn bị nhiễm vi khuẩn này, con người hay động vật sẽ bị ngộ độc botulinum dẫn tới các triệu chứng như đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân, sau cùng là khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Tính đến ngày 30-8, chỉ riêng tại TP.HCM ghi nhận có 7 bệnh nhân phải nhập viện điều trị sau khi ăn patê Minh Chay có chứa độc tố clostridium botulinum.
H.LỘC
Hà Nội yêu cầu rà soát người ngộ độc do sản phẩm của Pate Minh Chay