Vụ nâng khống cổ phiếu ROS: Vai trò giám sát có lỏng lẻo?
Khách hàng theo dõi thị trường chứng khoán tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt thuộc Tập đoàn Bảo Việt. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN
Từ vụ việc trên, nhiều chuyên gia rằng vai trò giám sát của các cơ quan quản lý vẫn còn lỏng lẻo khi để “con voi chui lọt lỗ kim”. Để tìm hiểu rõ hơn, TTXVN trích dẫn ý kiến của một số luật sư, chuyên gia về vụ việc trên.
* Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW: Cơ quan quản lý chưa hành động kịp thời
Từ năm 2014 đến 2016, ông Trịnh Văn Quyết cùng 3 bị can khác “thổi” vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros từ 1,5 tỷ đồng lên tận 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần, trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Ông Quyết và những người liên quan thành lập 20 công ty; sử dụng CMND của 25 người thân để mở 450 tài khoản chứng khoán đứng tên mình, nhằm đẩy giá các mã chứng khoán FLC, ROS, ART, HAI, AMD, GAB. Khi FLC Faros niêm yết giá cổ phiếu, ông Quyết cùng các đồng phạm bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của người mua, thu được hơn 6.400 tỷ đồng.
Chính vì vậy, ngày 25/8, Cơ quan cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung để điều tra về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị can Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và các cá nhân khác liên quan.
Theo Khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”. Với tổng số tiền bị chiếm đoạt trên, ông Quyết và các bị can có thể sẽ phải đối diện với mức án phạt tù 12 tới 20 năm hoặc phạt tù chung thân.
Từ vụ việc trên, nhiều người cho rằng vai trò của các cơ quan quản lý ở đâu? Thiết nghĩ, ở vụ việc trên các cơ quan quản lý chưa hành động kịp thời để bảo vệ quyền lợi, tổn thất cho người mua cổ phiếu. Hai cơ quan có trách nhiệm giám sát, kiểm tra sàn chứng khoán là Trung tâm lưu ký Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nhận thấy giá cổ phiếu lớn mạnh bất thường, các cơ quan đáng lẽ ra phải có trách nhiệm ngăn chặn, xử lý.
Ngoài ra, do ông Quyết cùng các đồng phạm tạo ra nhiều tài khoản chứng khoán giả để “thổi” giá cổ phiếu, các cơ quan đáng lẽ ra cũng phải kiểm tra hoạt động, hành vi bất thường của những tài khoản này; xác thực chủ sở hữu của tài khoản, ngăn chặn doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng tham gia phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Nay vụ việc đã diễn ra rồi, người mua cổ phiếu đã phải chịu tổn thất, các cơ quan này có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra, xét xử các bị can; tạm dừng các hoạt động chuyển nhượng, mua, bán cổ phiếu với tài sản của các bị can; điều tra, xem xét thiệt hại gây ra đối với người mua cổ phiếu. Bộ Công an cũng đang trong quá trình đề nghị ngân hàng cung cấp hồ sơ, thông tin tài khoản, số tiền vay, tiết kiệm… của các bị cáo.
Từ sự việc trên, thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần thực hiện giám sát, kiểm tra hoạt động chứng khoán nghiêm ngặt hơn; không cho phép một doanh nghiệp, cá nhân tạo ra nhiều tài khoản chứng khoán khác nhau; xác thực giấy tờ tùy thân cá nhân nhằm tránh trường hợp giả mạo giấy tờ để lập tài khoản chứng khoán như trên; ngăn chặn các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng tham gia hoạt động chứng khoán.
Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân khi mua chứng khoán cũng cần đề cao cảnh giác. Không được thấy giá cổ phiếu “thổi” mạnh mà chạy theo đám đông; luôn nghiên cứu thị trường, theo sát lời khuyên, cảnh báo của các cơ quan quản lý; không bị người quen dụ dỗ, chào mời mà chưa có sự hiểu biết; có kế hoạch đầu tư chứng khoán lâu dài, danh mục đầu tư đa dạng giúp giảm thiểu rủi ro.
* PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính: Cần thêm tổ chức giám sát, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư
Qua sự việc nâng khống cổ phiếu ROS, có 2 khía cạnh cần bàn tới: Thứ nhất, nếu việc nâng khống cổ phiếu xảy ra trước khi lên sàn chứng khoán thì trách nhiệm lớn thuộc về các cơ quan quản lý, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị cấp phép cho doanh nghiệp.
Bởi trong quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp có một khoảng thời gian nhất định sau khi đăng ký vốn pháp định, doanh nghiệp mới phải chứng minh đã nộp đủ tiền để hình thành nên doanh nghiệp. Do đó, trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp có thể “nói” vốn pháp định là bao nhiêu cũng khó kiểm chứng. Đã từng xảy ra tình trạng doanh nghiệp đăng ký thành lập với vốn hàng tỷ USD nhưng rồi không góp được như đăng ký.
Thứ hai, nếu việc tăng giá cổ phiếu thực hiện khi doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán thì trách nhiệm quản lý giám sát việc tăng giá cổ phiếu này lại nằm trong tay của Sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Thực tế, doanh nghiệp muốn tăng giá trị cổ phiếu phải có đăng ký với các cơ quan quản lý. Theo lẽ thường, khi giá cổ phiếu tăng đột biến phải được đặt trong vòng kiểm soát và nghi ngờ của cơ quan quản lý. Nhưng trong trường hợp này, dường như đã có sự buông lỏng quản lý.
Để ngăn chặn các vụ tương tự, cần có sự quản lý, giám sát và những quy định về pháp lý chặt chẽ hơn. Nhà nước cho doanh nghiệp quyền kê khai đăng ký, nộp đủ vốn pháp định đăng ký sau một khoảng thời gian nhất định. Nhưng cần phải kiểm tra giám sát việc thực hiện vốn này của doanh nghiệp để tránh hiện tượng đăng ký vốn ào ào, bừa bãi.
Mặt khác, trên thị trường chứng khoán cũng cần trách nhiệm giám sát cao hơn từ các cơ quan quản lý để các doanh nghiệp có thay đổi đột biến về vốn, tài sản thì các cơ quan này vẫn phải quản lý được một cách đầy đủ, nghiêm túc.