Vụ kiện Google và Twitter có thể làm đảo lộn các quy tắc pháp lý của Internet
Tòa án tối cao Mỹ (Ảnh: Getty)
Vụ kiện được đưa ra bởi gia đình một nạn nhân trong vụ tấn công hồi năm 2017 nhằm vào một câu lạc bộ ban đêm ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ do IS tiến hành.
Bên nguyên đơn cáo buộc Twitter đã không ngăn chặn và dỡ bỏ các dòng chia sẻ của IS được cho là hỗ trợ cho hành động khủng bố.
Về phần mình, Twitter – với sự hậu thuẫn từ nhiều công ty công nghệ lớn – đã khẳng định chỉ là một nền mạng xã hội và không chủ ý hỗ trợ bất cứ nhóm khủng bố nào.
Trước đó 1 ngày, một vụ việc tương tự nhằm vào YouTube cũng được đưa ra điều trần tại Tòa án tối cao Mỹ.
Tâm điểm trong cả hai vụ kiện trong tuần này là các nguyên đơn đã cáo buộc Google và Twitter phải chịu trách nhiệm về các thuật toán cuả họ khiến các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên truyền các video khủng bố. Tuy nhiên, sau nhiều giờ tranh luận, các thẩm phán Toà án tối cao Mỹ đều thừa nhận, các thách thức pháp lý phải đối mặt khi áp dụng luật của 25 năm trước vào thời kỳ bùng nổ Internet hiện nay.
Bà Elena Kagan – Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ – cho rằng: “Các thuật toán là đặc tính cố hữu của Internet. Bất kỳ ai truy cập gì trên Internet đều có một thuật toán liên quan, cho dù là công cụ tìm kiếm Google, YouTube hay Twitter. Mọi thứ đều liên quan đến cách sắp xếp và thứ tự tài liệu ưu tiên. Đó cũng là cái liên quan đến Điều 230”.
Điều 230 trong Đạo luật Chuẩn mực truyền thông của Mỹ năm 1996, vốn bảo vệ các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube tránh khỏi kiện cáo, quy định rằng, các nhà cung cấp dịch vụ Internet không chịu trách nhiệm về các nội dung người dùng đăng tải.
Thông qua các thuật toán phức tạp, các nhà cung cấp dịch vụ Internet dễ dàng đoán được cái người dùng quan tâm. Câu hỏi được các thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ đang tranh luận hiện nay là liệu các công ty này có phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm ra sao nếu các nội dung đăng tải trên nền tảng của họ là sai lệch và nguy hiểm?
Đây là lần đầu tiên Toà án tối cao Mỹ thụ lý hồ sơ vụ kiện liên quan đến Điều 230 trong Đạo luật Chuẩn mực truyền thông tại Mỹ. Vụ kiện được đánh giá có thể làm đảo lộn các quy tắc pháp lý của Internet.
Dự kiến, sau các phiên tranh luận, Tòa án tối cao Mỹ sẽ đưa ra phán quyết về các vụ kiện Twitter và YouTube trước ngày 30/6.
Google mất 100 tỷ USD vốn hoá vì một câu trả lời sai
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!