Vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình: Bài học cho những kẻ thương mại hóa tương lai con trẻ

15 bị cáo đứng trước bục khai báo trong phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình là những giáo viên, cán bộ phòng giáo dục, sĩ quan công an… có vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong kỳ thi PTTH quốc gia năm 2018 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Tuy nhiên, tất cả họ đều bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, bởi những hành vi gian lận trong thi cử, sửa điểm, nâng điểm cho thí sinh để đổi lấy giá trị vật chất và quyền lực. Câu chuyện không phải chỉ là những điểm số, kết quả của kỳ thi mà hành vi của họ đã làm ảnh hưởng tới tương lai của con trẻ, họ đã đem tương lai con trẻ ra… thương mại hóa. Một bài học thật đau xót.

Các bị cáo trước tòa.

Kế hoạch hoàn hảo

Phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Hòa Bình dự kiến kéo dài từ ngày 11 đến 18 tháng 5. 15 bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao truy tố về các tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Nhận hối lộ”; “Đưa hối lộ” được TAND tỉnh Hòa Bình đưa ra xét xử. Tại phiên xét xử, từ lời khai của các bị cáo cho thấy một kế hoạch tinh vi, hoàn hảo, nâng, sửa điểm thi.

Không công nhận kết quả thi

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình, các bị cáo đã can thiệp theo hướng nâng điểm cho 65 thí sinh gồm 64 em thi năm 2018 và 1 em dự thi năm 2017. Các thí sinh này đã sử dụng kết quả sai nói trên để xét tốt nghiệp THPT và dự tuyển vào các trường đại học.

Trong đó, có 45 thí sinh trúng tuyển nhưng bị buộc thôi học; 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển; 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học; 1 thí sinh xét nhưng không trúng tuyển; 3 thí sinh không xét tuyển.

Đứng trước bục khai báo, trả lời các câu hỏi của đại diện VKSND, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (cựu Phó Hiệu trưởng Trường nội trú Lạc Thủy) khai, trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bị cáo và Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng phòng khảo thí Sở GD&ĐT Hòa Bình) ngồi uống nước tại nơi làm việc trong Sở GD&ĐT Hòa Bình. Lúc đó, Vinh đề cập có một số thí sinh là con em cán bộ và các mối quan hệ ngoại giao cần nâng, sửa điểm để đủ xét tuyển đại học, cao đẳng và bảo Tuấn xem thế nào.

Sau đó, Tuấn trả lời việc này rất khó nên phải làm từ gốc, từ bài thi của thí sinh thì Vinh đồng ý. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Mạnh Tuấn thực hiện tội phạm, Vinh đã lựa chọn, đề xuất Mạnh Tuấn là thành viên tổ chấm bài thi trắc nghiệm… Đỗ Mạnh Tuấn cũng khai, trong một lần đi công tác ở Sở GD&ĐT Hòa Bình có gặp bị cáo Khương Ngọc Chất  (cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình) và 2 người trao đổi với nội dung gần giống với nội dung trao đổi cùng bị cáo Vinh. Trong cuộc trao đổi lần này với bị cáo Chất, Đỗ Mạnh Tuấn có nói về việc tác động tới bên công an đừng làm khắt khe quá thì Chất đồng ý với việc này.

Bùi Thanh Trà.

Thời gian sau, Tuấn trao đổi với Vinh về việc bản thân sẽ thay đổi kết quả bài thi còn Vinh và Khương Ngọc Chất tạo điều kiện cơ sở vật chất, con người, chìa khóa, mở cửa, niêm phong. Theo đó, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án các môn thi trắc nghiệm trên mạng, Mạnh Tuấn đã chuẩn bị bút chì, tẩy, dao rọc giấy, đáp án các môn thi trắc nghiệm do Bộ công bố; danh sách thông tin các thí sinh cần nâng điểm. Danh sách này do Vinh cung cấp cho Mạnh Tuấn.

Quá trình thực hiện việc nâng, sửa điểm thi, bắt đầu khoảng tối ngày 30-6 đến ngày 3-7-2018, Vinh đã đưa chìa khóa phòng chứa bài thi kèm danh sách thí sinh cần nâng điểm cho Tuấn. Mạnh Tuấn cùng Khắc Tuấn bóc niêm phong cửa phòng, sử dụng chìa khóa do Vinh cung cấp để vào trong thực hiện can thiệp nâng điểm bài thi cho thí sinh.

Lúc này, các bị cáo lấy bài thi của thí sinh cần nâng điểm, đối chiếu với đáp án của Bộ GD&ĐT, tẩy đáp án sai, tô lại đáp án đúng; sau đó cất lại bài thi vào túi thi, dập ghim hoặc phết hồ dán niêm phong túi bài thi để tránh bị phát hiện.

Mặc dù đã can thiệp nâng điểm nhưng quá trình chấm thi, Mạnh Tuấn phát hiện một số bài thi của thí sinh có số điểm nâng chưa đạt yêu cầu thì đối tượng tiếp tục can thiệp; sau đó dùng máy tính quét lại bài thi, ghi đè lên file ảnh đã quét, đổi ngày giờ trên máy tính và gửi kết quả về Bộ GD&ĐT. Hai người đã thực hiện việc sửa 145 bài thi của 58 thí sinh.

Theo kết quả giám định trưng cầu của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an về các bài thi trắc nghiệm của thí sinh kết luận: Có 145 bài thi của 58 thí sinh bị can thiệp tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án; các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng một người tô ra. Căn cứ kết quả giám định, Bộ GD&ĐT đã chấm thẩm định số bài thi này, kết quả xác định 145 bài thi trắc nghiệm của 58 thí sinh (có danh sách kèm theo) được can thiệp nâng điểm, số điểm nâng từ 0,2 điểm đến 9,25 điểm/môn thi.

Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn cũng khai nhận, bị cáo còn nhận một số trường hợp nâng điểm thi khác từ nhiều người như Hưng, Hoàng, Trúc, Thụ, Thập… “Trong khoảng thời gian chấm thi trắc nghiệm thì anh Chất đến phòng chấm thi của bị cáo và nói có 10 trường hợp cần nâng, sửa điểm. Trong đó 8 trường hợp đã xin ý kiến của anh Vinh còn 2 trường hợp nhận giúp”. Thời gian sau, Tuấn nhận của các bị cáo Trúc 300 triệu đồng, Thuần 250 triệu đồng và của bị cáo Chất là 500 triệu.

Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Quang Vinh.

Nâng điểm vì “bài này của sếp”

Tại phiên xét xử, HĐXX  thẩm vấn đối với nhóm bị cáo thuộc tổ chấm thi môn ngữ văn trong vụ án sửa điểm thi THPT quốc gia 2018 xảy ra tại tỉnh này. Trong số đó, các bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan (giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân), Nguyễn Thị Hồng Chung (giáo viên Trường THPT Ngô Quyền), Bùi Thanh Trà (giáo viên Trường THPT Lương Sơn) đều khai họ là tổ trưởng chấm thi và đã nhận sự chỉ đạo từ bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu phó trưởng phòng khảo thí) về việc nâng điểm thi môn ngữ văn.

Bị cáo Bùi Thanh Trà khai đã nhận mảnh giấy chứa thông tin bài thi cần nâng điểm từ bà Liên. Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Chung khai khi đang chấm môn ngữ văn thì được bà Liên 3 lần đưa cho các tờ giấy có ghi mã túi, số phách và số điểm cần nâng và nói đây là quan hệ của lãnh đạo: “Thời điểm đó tôi nghĩ rằng bà Liên phụ trách chấm tự luận, có quyền hạn cao hơn nên nói gì phải làm theo vậy. Tôi khẳng định mình không trực tiếp nâng điểm mà chỉ làm nhiệm vụ trung gian”.

Nhiều giám khảo chấm thi được triệu tập tới tòa bày tỏ sự bức xúc, khẳng định họ bị ép buộc phải nâng điểm cho các thí sinh. Giám khảo Bùi Thị Thu Hiền cho biết được bà Bùi Thanh Trà đưa thông tin thí sinh kèm theo số điểm cần đạt, tuy nhiên bà không chấm theo yêu cầu này.

“Buổi sáng, Trà yêu cầu tôi chấm lên 7,5 điểm. Tôi không chấm và buổi chiều Trà yêu cầu ký khống vào phiếu chấm, khi tôi phản ứng thì Trà quát “Ký đi, không hiểu à”. Trà có nói đây là người nhà lãnh đạo nhưng không biết cụ thể là lãnh đạo nào”, bà Hiền nói.

Giám khảo Lê Thị Hạnh cũng khai rằng được bà Trà yêu cầu chấm một bài đạt điểm 8. Tuy nhiên, sau khi xem bài làm, bà Hạnh nhận thấy không thể đạt được số điểm đó. Lúc này, bà Trà nói nếu không được 8 thì cũng phải được 7,5 điểm. Bà Hạnh cảm thấy khó chịu và hỏi tại sao cứ phải chấm theo số điểm đó, Trà đáp lại “bài này của sếp”.

Tương tự, giám khảo Dương Thị Nghĩa “tố” bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan chỉ đạo và ép buộc bà phải nâng điểm thi. “Tôi có vai trò làm giám khảo 2 chấm ký hoàn thiện, khi thấy một bài thi đạt 8,75 điểm đã mở ra xem. Ngược lại với số điểm cao, bài làm của thí sinh này rất sơ sài, không thể nào được mức điểm như đã chấm. Tôi liền hỏi giám khảo 1 và được trả lời bài này không do giám khảo 1 mà do bà Loan chấm”, bà Nghĩa khai.

Theo bà Nghĩa, khi bà Loan đến nói “các chị không cần ý kiến, đây là bài của con em lãnh đạo, em sẽ chịu trách nhiệm”, bà Nghĩa không đồng tình và bà Loan đã đáp: “không ký thì để đó, không phải lôi thôi”.

Tiếp đó, bà Nghĩa khai, ông Nguyễn Văn Quang, trưởng môn chấm thi tự luận, cũng gặp và trấn an: “Đây là bài thi của người nhà lãnh đạo, nếu có thanh tra sẽ không rút ra kiểm tra nên không phải chịu trách nhiệm”.

Bị cáo Nguyễn Quang Vinh.

Cái giá phải trả

Tại phiên xét xử, đại diện VKS xác định, đây là vụ án có tổ chức. Chủ mưu trong vụ án này là Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng khảo thí, phó trưởng ban chấm thi. Kết quả xác định có 145 bài thi trắc nghiệm của 58 thí sinh được nâng từ 0,2-9,25 điểm cho một môn.

Bị cáo Khương Ngọc Chất, cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, trước kỳ thi đã cung cấp thông tin 10 thí sinh để bị cáo Mạnh Tuấn sửa bài thi nâng điểm và kết quả 3 người được nâng điểm thành công.

Số tiền đưa hối lộ từ đâu ra?

Bị cáo Hồ Chúc là bị cáo duy nhất bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”. Trả lời trước tòa, Chúc khai, đặt vấn đề có hai người cháu nhờ Mạnh Tuấn xem xét có giúp đỡ. Từ sự can thiệp của Tuấn, hai thí sinh này lần lượt được nâng 18,8 và 14,95 điểm. Chúc đưa Tuấn 300 triệu đồng, nói rằng gia đình học sinh có quà cảm ơn. Khẳng định với hội đồng xét xử, Hồ Chúc nói số tiền trên là của phụ huynh hai thí sinh được nâng điểm. Tuy nhiên, cả hai phụ huynh phủ nhận toàn bộ, không nhờ Chúc nâng điểm mà chỉ nhờ khi nào có kết quả của Bộ GD&ĐT thì xem điểm giúp.

Theo quan điểm của VKS, hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, vi phạm Điều 7, Điều 8 Quy chế thi của Bộ GD&ĐT, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây mất lòng tin cho Nhân dân, xúc phạm danh dự các thầy cô, làm tổn thương niềm tin của học sinh trên cả nước. Trước kỳ thi, nhiều bị cáo vì động cơ vụ lợi cá nhân, vụ lợi kinh tế đã cùng nhau tổ chức phạm tội. Nếu vụ án không được ngăn chặn thì việc học giả, thi giả sẽ đẩy các mầm mống tương lai đi về đâu không ai hay.

VKSND tỉnh Hòa Bình cho rằng đây là vụ án có tổ chức, các bị cáo cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội với vai trò giúp sức tích cực dưới sự chỉ đạo chủ mưu của ông Vinh. Theo đó, ông Vinh phải chịu trách nhiệm với việc nâng điểm của 65 bài thi, ông Mạnh Tuấn chịu trách nhiệm 65 bài thi, ông Khắc Tuấn chịu trách nhiệm 100 bài thi, ông Chất chịu trách nhiệm 10 bài thi, bà Liên chịu trách nhiệm 20 bài thi. VKS cho rằng bị cáo Khắc Tuấn phạm tội 2 lần vào năm 2017 và 2018 nên phải chịu tình tiết phạm tội nhiều lần, còn những người khác đều phạm tội trong năm 2018 nên xin rút tình tiết truy tố phạm nhiều lần.

VKSND tỉnh Hòa Bình đề nghị mức án dành cho các bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong đó Nguyễn Quang Vinh bị đề nghị 7 đến 8 năm tù; Khương Ngọc Chất từ 5 đến 6 năm, Nguyễn Khắc Tuấn từ 5 đến 6 năm tù, Đào Ngọc Thuật từ 3 đến 4 năm, Diệp Thị Hồng Liên từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù. Hai giáo viên Nguyễn Thị Thu Loan và Nguyễn Thị Hồng Chung mỗi người từ 2 đến 2 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (cựu Hiệu phó Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy) từ 7 đến 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, từ 3 đến 4 năm tù về nhận hối lộ, tổng hợp hình phạt từ 10 đến 12 năm tù. Bị cáo Hồ Chúc (giáo viên Trường THPT Thanh Hà, huyện Lạc Thủy) từ 2 đến 3 năm tù về tội đưa hối lộ. Các bị cáo còn lại được đề nghị các mức án từ 12 tháng đến 30 tháng nhưng cho hưởng án treo.