Vụ dâu tây chín sớm
Còn gần 1 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch quả dâu tây, nhưng ở xã Lóng Phiêng và xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, đã có nhiều hộ dân bắt đầu thu hoạch quả chín sớm, bán giá gấp đôi so với quả dâu tây chính vụ, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.
Người dân xã Lóng Phiêng thu hoạch quả dâu tây.
Thăm gia đình chị Nguyễn Thị Thắm, bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng, là một trong những hộ đầu tiên đưa cây dâu tây về trồng ở địa phương. Năm 2020, chị Thắm học hỏi kinh nghiệm trồng dâu tây của một số hộ dân tại huyện Mộc Châu, sau đó đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới ẩm, tấm phủ ni-lông trồng 3.000 m2 dâu tây; vụ đầu tiên, trừ chi phí còn lãi hơn 270 triệu đồng. Thấy hiệu quả, năm nay, chị đầu tư trồng 3 ha dâu tây. Thông thường, các hộ dân sẽ trồng dâu tây từ tháng 10 năm trước; vụ thu hoạch quả từ giữa tháng 1 đến hết tháng 4 năm sau. Nhưng ngay từ đầu tháng 9, chị đã thuê nhân công làm đất trồng dâu tây; giữa tháng 12, dâu tây của gia đình bắt đầu ra quả. Hiện nay, 3 ha dâu tây của gia đình chị Thắm mỗi ngày cho thu 1 tạ quả; bán trung bình từ 170 – 200 nghìn đồng/kg, thu gần 18 triệu đồng tiền bán dâu tây/ngày.
Người dân xã Lóng Phiêng thu hoạch dâu tây.
Chia sẻ về cách trồng dâu tây chín sớm, chị Thắm nói: Phiêng Khoài có khí hậu mát hơn những nơi khác, nên thuận lợi trồng dâu sớm; từ khâu chọn giống phải chọn cây khỏe và mua giống ở những nơi có uy tín; xử lý đất, đảm bảo độ tơi xốp. Trong quá trình chăm sóc dâu tây, phải sử dụng các loại phân vi sinh, phân hữu cơ và kết hợp với phân chuồng để chăm bón. Mỗi ngày tưới nước từ 2-3 lần, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Đồng thời, thực hiện tốt các quy định an toàn thực phẩm và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” để quả dâu ngon, sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Quả dâu tây của gia đình tôi thu hoạch đến đâu, thương lái mua hết đến đó và tiêu thụ chủ yếu ở thị trường thành phố Sơn La và các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa và Hà Nội.
Dâu tây chín sớm tại xã Lóng Phiêng có mẫu mã đẹp, quả to
Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng, thông tin: Năm nay, xã nhân rộng hơn 10 ha dâu tây, trồng chủ yếu ở bản Yên Thi. Qua nắm bắt, cây dâu tây rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn. Đặc biệt, có một số hộ dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trồng dâu tây chín sớm, đem lại thu nhập cao hơn hẳn so với dâu chính vụ. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền người dân mở rộng diện tích trồng dâu tây; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc dâu tây trên địa bàn.
Chia tay xã Lóng Phiêng, chúng tôi về thăm xã Phiêng Khoài. Trước đây người dân trong xã chủ yếu trồng dâu tây nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm chăm bón nên hiệu quả không cao. Từ năm 2020, xã đã khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dâu tây. Đến nay, diện tích dâu tây ở xã đã tăng lên 13 ha, tập trung tại các bản: Kim Chung 2, Thanh Yên, Hang Mon, Con Khằm; trong đó, có 5 ha dâu tây vụ sớm. Hiện, giá dâu tây được bán tại vườn phân làm 3 loại: Quả chọn 270 nghìn đồng/1kg; quả thường 200 nghìn đồng/1kg và quả bé 170 nghìn đồng/1kg.
Nông dân xã Phiêng Khoài thu hoạch quả dâu tây
Gia đình ông Phan Văn Đấu, bản Con Khằm, xã Phiêng Khoài, đang tất bật thu hoạch dâu tây, cắt cuống, xếp hộp để bán cho thương lái. Ông Đấu cho hay: Nhà tôi trồng 0,6 ha dâu tây, hơn 10 ngày nay bắt đầu cho thu hoạch; hai vợ chồng ngày nào cũng thu được 10-15 kg, trung bình bán hơn 200 nghìn đồng/kg; thu hái đến đâu, thương lái đến tận vườn thu mua đến đó.
Quả dâu tây ở Phiêng Khoài được bán tại các siêu thị và cửa hàng hoa quả an toàn tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước
Còn vườn dâu tây gần 3 ha của gia đình anh Bùi Tuấn Anh cũng đang cho thu hoạch quả. Anh Tuấn Anh nói: Muốn dâu cho nhiều quả trái vụ, phải đảm bảo nước tưới hằng ngày. Thời kỳ dâu tây đang phát triển nên bổ sung lân, kali cho cây; thường xuyên theo dõi sâu bệnh để phát hiện kịp thời và có biện pháp phòng trừ. Gia đình tôi đã đầu tư hơn 200 triệu đồng khoan giếng, mua hệ thống ống nước tưới nhỏ giọt để đảm bảo nước cho vườn dâu; hiện nay, mỗi ngày, tôi thu hoạch 60 kg quả dâu tây bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng hoa quả an toàn dưới Hà Nội với giá từ 200-300 nghìn đồng/1 kg.
Cùng nguồn thu từ các loại cây ăn quả, như: Mận hậu, nhãn, bưởi, người dân xã Phiêng Khoài và xã Lóng Phiêng đã và đang mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình trồng dâu tây mang lại nguồn thu nhập cao, mở ra hướng sản xuất, làm giàu mới cho nông dân.
Nguyễn Thư