Vụ án tử tù Hồ Duy Hải: dấu vân tay ở hiện trường là của ai? – BBC News Tiếng Việt

Vụ án tử tù Hồ Duy Hải: Dấu vân tay ở hiện trường là của ai?

Hồ Duy Hải trong một phiên tòa

Nguồn hình ảnh, NGUYEN THI LOAN

Chụp lại hình ảnh,

Hồ Duy Hải trong một phiên tòa

  • Tác giả,

    Luật sư Ngô Ngọc Trai

  • Vai trò,

    Gửi cho BBC từ Hà Nội

  • 18 tháng 2 2023

Hôm 2/2/2023 tôi có bài viết ‘Từ vụ án bên Trung Quốc áp dụng công nghệ mới nghĩ về vụ án tử tù Hồ Duy Hải’.

Trong bài báo đã cho biết quá trình điều tra vụ án Bưu Điện Cầu Voi cơ quan điều tra đã thu giữ được ở hiện trường một số dấu vân tay nhưng qua giám định thì các dấu đó không trùng khớp với mười đầu ngón tay của Hồ Duy Hải.

Mới đây nhà nước đã tiến hành cấp lại Thẻ căn cước công dân mới cho người dân, tôi cho rằng kho dữ liệu số hóa dấu vân tay dân cư mới có được từ chương trình này sẽ giúp đối chiếu tìm ra người đã để lại dấu vân tay ở hiện trường.

Sau đấy có ý kiến nhắn lại là Bưu điện Cầu Voi là nơi công cộng nhiều người ra vào, nếu bây giờ xác định được người có dấu vân tay trùng khớp với dấu vân tay thu được thì họ chỉ việc cãi là khi đó tôi đến mua thẻ sim card hoặc gọi điện cho người thân.

Tôi trả lời là thông thường trong việc điều tra sẽ lấy dấu vân tay ở những nơi có ý nghĩa trong việc xác định thủ phạm, ví như lấy dấu trên những đồ vật được cho là hung khí gây án hoặc ở những vị trí nhiều khả năng thủ phạm sẽ để lại dấu vết.

Nếu dấu vân tay trong hồ sơ vụ án Bưu Điện Cầu Voi thu giữ được trên cốc uống nước mời khách để trên bàn, trên người bị hại, trên thớt gỗ, ghế gấp, trên tay nắm cánh cửa nhà vệ sinh, trên vòi khóa nước lavabo nhà vệ sinh, hoặc trên các vật dụng có ở hiện trường gần thi thể các nạn nhân, nay xác định được người trùng khớp thì có thể xác định đó là thủ phạm.

Bởi nếu không thì làm sao người đó lý giải được vì sao dấu vân tay của mình có ở những vị trí đó?

Hai nửa dấu vân tay giúp tìm ra thủ phạm

Mới đây tôi đọc được bài báo cho biết câu chuyện vụ án ở nước Mỹ, nhờ vào dấu vết vân tay mà cảnh sát đã xác định được nghi phạm trong một vụ án mạng từ trước đó nửa thế kỷ.

Năm 1957 ở Los Angeles xảy ra vụ án một kẻ cướp đã cướp một chiếc xe ô tô, rồi khi chạy trốn đã dùng súng bắn chết hai cảnh sát, khi khám xét chiếc xe ô tô do nghi phạm bỏ lại cảnh sát đã xác định được hai nửa dấu vân tay và khi ghép lại thì cho thấy đó là dấu vân tay ngón cái của một người.

Dấu vân tay đó trở thành căn cứ quan trọng cho việc xác định thủ phạm nhưng qua sàng lọc đối chiếu với hàng trăm kẻ tình nghi có tiền án ở thành phố khi đó thì không thấy có dấu tay nào trùng khớp. Vụ án sau đó bị bế tắc kéo dài đến nửa thế kỷ sau.

Một tình tiết trong vụ án là trước khi chết một trong hai cảnh sát đã nổ súng bắn lại ba phát đạn vào chiếc xe ô tô, nhưng khi tìm kiếm thì chỉ thấy hai đầu đạn rơi ở xe, còn đầu đạn thứ ba không tìm thấy cho biết khả năng đầu đạn đã trúng và găm vào người nghi phạm.

Đến năm 2002, sau khi xảy ra vụ khủng bố 11.9, khi ấy cảnh sát nước Mỹ đã tiến hành đăng nhập các cơ sở dữ liệu vân tay của dân cư lên hệ thống máy tính, tức là tiến hành số hóa, họ đã tạo ra một kho dữ liệu dấu vân tay của khoảng 47 triệu người Mỹ.

Lúc này cảnh sát mới tiến hành so sánh trên máy tính dấu vân tay thu được trong vụ án nửa thế kỷ trước với các dấu vân tay trong kho dữ liệu mới số hóa được thì tìm ra được một người trùng khớp, người đàn ông khi ấy đã 70 tuổi, là một người thuộc tầng lớp trung lưu thành đạt sở hữu một chuỗi cây xăng.

Người đàn ông đã rất bất ngờ khi cảnh sát tìm đến hỏi về vụ án hơn nửa thế kỷ trước, khi khám người thì thấy có vết sẹo trên lưng của vết đạn khi xưa, sau đó vụ án được giải quyết lại và người đàn ông bị kết án chung thân về tội giết người.

fingerprint

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Dấu vân tay ở hiện trường là của ai?

Trở lại với vụ án Bưu Điện Cầu Voi, mặc dù dấu vân tay của Hồ Duy Hải không trùng khớp với dấu vân tay thu giữ được ở hiện trường, nhưng tòa án vẫn cho rằng đó không phải là bằng chứng ngoại phạm.

Mặc dù Hồ Duy Hải đã bị kết án là thủ phạm bởi đã khai nhận nhưng vụ án vẫn để lại mối băn khoăn là dấu vân tay thu giữ được ở hiện trường không phải của Hải thì là của ai.

Việc xác định chủ nhân của dấu vân tay thu giữ được ở hiện trường sẽ giải tỏa những hoài nghi và giúp vụ án được giải quyết trọn vẹn.

Trong quá trình điều tra thì cơ quan điều tra cũng đã nỗ lực đối chiếu với 144 người tình nghi trong vùng nhưng không tìm ra dấu tay trùng khớp.

Tới bây giờ kho dữ liệu số hóa có được từ việc cấp mới Thẻ căn cước công dân sẽ là cơ sở để tiến hành đối chiếu lại để tìm ra người có dấu vân tay ở hiện trường.

Khi tìm ra người có dấu tay trùng khớp thì đó sẽ là tình tiết quan trọng mới, khi đó căn cứ theo Điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự đó sẽ là căn xem xét lại vụ án.

Điều 404 quy định sau khi có được tình tiết quan trọng mới nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp để xem xét lại quyết định giám đốc thẩm trước đó với cơ sở bằng chứng mới mà khi trước chưa biết được.

Nhưng cũng có một khả năng là nghi phạm do lo ngại bị phát giác nên đã cố ý không đi làm lại Thẻ căn cước công dân mới để bị lấy dấu vân tay hoặc có thể đã chết trước đó.

Khi ấy thì cơ sở dữ liệu số hóa những dấu vân tay của dân chúng có được từ chương trình cấp lại Thẻ căn cước công dân mới sẽ không giúp tìm ra người để lại dấu tay ở hiện trường vụ án.

Nhưng nếu người để lại dấu vân tay ở hiện trường là người đã thành niên khi vụ án xảy ra và trước đó đã được làm Chứng minh nhân dân lấy mẫu dấu vân tay khi đủ 14 tuổi theo quy định.

Thì lúc này tình huống sẽ lại giống như vụ án ở nước Mỹ nêu trên, khi nào cảnh sát tiến hành đăng nhập kho hồ sơ dân cư bản giấy khi làm Chứng minh nhân dân trước kia lên hệ thống máy tính, thì khi ấy mới lại có thêm cơ sở dữ liệu số hóa giúp so sánh tìm ra người đã để lại dấu vân tay ở hiện trường.

Bài thể hiện quan điểm riêng của luật sư Ngô Ngọc Trai.