Vụ án tử tù Hồ Duy Hải: Luật sư cung cấp tình tiết bất ngờ
Bảy nhân chứng “thấy Hồ Duy Hải ở đám tang”
Theo đó, luật sư cho biết đơn này được gửi đến cơ quan chức năng.
Bị án Hồ Duy Hải tại phiên tòa sơ thẩm. (Ảnh: CTV)
Luật sư Trần Hồng Phong là người suốt nhiều năm qua đã hỗ trợ pháp lý, kêu oan cho bị án Hồ Duy Hải – trong vụ án 2 nữ nhân viên bị sát hại tại Bưu cục Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) tối 13/1/2008.
Với chứng cứ mới này, đã có 7 nhân chứng có đơn cam kết, xác nhận Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Hồ Chi (Tư Lan) từ 20h-21h ngày 13/1/2008, ngay tại thời điểm Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định Hải vào Bưu cục Cầu Voi và sát hại 2 nữ nhân viên từng gây xôn xao dư luận.
Vụ án này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) xét xử giám đốc thẩm (theo Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 ngày 22/11/2019 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao – VKSNDTC) và có Quyết định giám đốc thẩm số 05/2020/HS-GĐT ngày 8/5/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Theo luật sư Phong, sau phiên tòa giám đốc thẩm, trên cơ sở tiếp nhận được nhiều tài liệu chứng cứ mới, từ tháng 10/2020 ông và gia đình Hồ Duy Hải đã có đơn kêu oan, tố giác làm sai lệch hồ sơ vụ án và kiến nghị kháng nghị tái thẩm gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.
Hồ sơ và tư liệu luật sư Phong thu được, có những tài liệu, chứng cứ có nội dung đặc biệt quan trọng, thể hiện việc tối 13/1/2008, bị án Hồ Duy Hải không hề vào Bưu cục Cầu Voi mà đi dự đám tang ông Hồ Chi (tên gọi khác là Tư Lan) – một người hàng xóm cách nhà Hải 500m.
Luật sư Phong khẳng định: Thời điểm Hải có mặt tại đám tang là từ lúc 19h50 đến 21h – trùng với thời điểm mà từ trước đến nay Hồ Duy Hải bị CQĐT Công an tỉnh Long An quy kết đã vào Bưu cục Cầu Voi (khoảng 19h30) và sau đó sát hại 2 nữ nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thu Vân lúc khoảng 20h30. Những chứng cứ mới này cũng hoàn toàn phù hợp với 2 bản lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải (ngày 20/3/2008) có trong hồ sơ điều tra, nhưng không có trong hồ sơ vụ án…
Hồ Duy Hải có oan?
“Tất cả 7 nhân chứng trên đã tự nguyện cung cấp thông tin và gửi đơn xác nhận cho tôi khẳng định lời trình bày là đúng sự thật và cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời trình bày của mình. Hiện bản chính các bản khai tôi đang giữ, cùng các đoạn ghi hình (clip) về cuộc tiếp xúc, trao đổi với các nhân chứng. Trong quá trình tiếp xúc, các nhân chứng đều cho biết sẵn sàng trình bày đúng sự thật khi được cơ quan chức năng mời làm việc. Tôi sẵn sàng giao nộp bản chính những tài liệu này cho CQĐT VKSNDTC khi được yêu cầu. (Không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục có thêm các nhân chứng khác nữa)…” – luật sư Trần Hồng Phong nói.
Luật sư Trần Hồng Phong. (Ảnh: CTV)
“Sau khi xem xét nội dung và cẩn trọng đánh giá, chúng tôi cho rằng 100% những thông tin do các nhân chứng nêu trên cung cấp là sự thật. Đó là tối 13/1/2008, từ lúc khoảng 19h50 đến 21h, Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Tư Lan, phụ giúp việc bưng bê, rót nước. Nhiều người nhìn thấy và nói chuyện với Hải.
Việc Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Tư Lan, không hề vào Bưu cục Cầu Voi tối 13/1/2008 cũng hoàn toàn phù hợp với những tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải và hàng loạt điểm mâu thuẫn khác trong hồ sơ vụ án mà chúng tôi đã phân tích và nêu ra trong các đơn kêu oan cho Hồ Duy Hải đã gửi trong suốt hơn 10 năm qua…” – luật sư Phong nêu trong đơn.
Một chi tiết đặc biệt khác còn phù hợp với nội dung nêu trong 2 bản lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải 1 ngày trước khi bị bắt. Đó là Bản tường trình do Hải tự viết tay và Biên bản ghi lời khai của Hồ Duy Hải ngày 20/3/2008. Đây là tài liệu được VKSNDTC xác định là “lời khai ban đầu của Hồ Duy Hải”, là tài liệu có trong hồ sơ điều tra, nhưng đã bị CQĐT Công an tỉnh Long An rút khỏi hồ sơ vụ án. Vấn đề này được nêu rõ trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 ngày 22/11/2019 của VKSNDTC (trang 9) và Quyết định giám đốc thẩm số 05/2020/HS-GĐT ngày 8/5/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (trang 19, 20).
Cũng theo luật sư Phong, nếu những chứng cứ mới này được kiểm tra, điều tra lại và làm rõ sẽ tránh oan sai cho Hồ Duy Hải. “Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 399 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về việc công dân có quyền phát hiện tình tiết mới của vụ án, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền, nay chúng tôi có đơn này, trình bày và giao nộp các chứng cứ, tài liệu nêu trên đến quý cơ quan và quý lãnh đạo; với mong mỏi vụ án được giải quyết khách quan, đúng pháp luật…” – luật sư Phong nêu.
Bà Nguyễn Thị Loan (SN 1963, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) – mẹ của Hồ Duy Hải cùng em gái Hải suốt nhiều năm qua đi kêu oan. (Ảnh: CTV)
Diễn biến vụ án
Tóm tắt vụ án và kết luận của CQĐT, VKSND tỉnh Long An về hành vi phạm tội giết người của Hồ Duy Hải:
Đêm 13/1/2008, tại Bưu cục Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi).
Khám nghiệm hiện trường sáng 14/1/2008, CQĐT thu giữ được một số dấu vân tay dính máu của hung thủ – ghi nhận trong Biên bản khám nghiệm hiện trường.
Ngày 21/3/2008, Hồ Duy Hải bị bắt và khởi tố về hành vi giết người, cướp tài sản.
Kết luận điều tra số 68/KLĐT.PC14 ngày 29/8/2008 và Cáo trạng số 97/QĐ.KSĐT ngày 1/10/2008 kết luận: Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất đã thực hiện hành vi giết 2 nữ nạn nhân. CQĐT xác định như sau:
Tối 13/1/2008, Hải đi xe máy đến Bưu cục Cầu Voi lúc “khoảng 19h30”, vào bên trong ngồi nói chuyện với nạn nhân Hồng. Lúc khoảng 20h30, Hải đưa tiền cho nạn nhân Vân ra ngoài mua trái cây và giết nạn nhân Hồng. Khi nạn nhân Vân mua trái cây về bị Hải giết tiếp. Hải đã dùng một con dao inox tại bưu cục cắt cổ 2 nạn nhân.
Việc kết tội giết người đối với Hồ Duy Hải của CQĐT Công an tỉnh Long An dựa vào 2 cơ sở/chứng cứ sau:
1. Bản thân Hồ Duy Hải đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.
2. Có nhân chứng Đinh Vũ Thường vào bưu cục gọi điện thoại lúc 19h39 và nhìn thấy Hồ Duy Hải đang ngồi nói chuyện với nạn nhân Hồng, cùng một chiếc xe gắn máy đậu ngoài sân.
Ngày 28/11/2008, TAND tỉnh Long An xét xử sơ thẩm, ra bản án số 97/2008/HSST tuyên phạt tử hình Hồ Duy Hải về hai tội “giết người” và “cướp tài sản”.
Ngày 28/4/2009, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM xử phúc thẩm, có bản án số 281/2009/HSPT, tuyên y án sơ thẩm.
Kháng nghị của VKSNDTC và Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đều nói về “lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hồ Duy Hải”:
Suốt 14 năm qua, gia đình Hồ Duy Hải và các luật sư liên tục gửi đơn kêu oan cho Hồ Duy Hải, đề nghị giám đốc thẩm đối với 2 bản án kết tội Hải. Vì cả tại 2 phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm Hải đều kêu oan, có quá nhiều tình tiết mâu thuẫn…
Ngày 22/11/2019, VKSNDTC có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSNDTC-V7. Trong quyết định này, VKSNDTC đã chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm, sai phạm trong quá trình điều tra và đề nghị huỷ cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại.
Đặc biệt, tại trang 9 nội dung như sau: “Lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của bị cáo Hồ Duy Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án, những tài liệu này có trong hồ sơ lưu trữ của Cơ quan điều tra”.
Sau đó, tại phiên toà giám đốc thẩm ngày 6-8/5/2020, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ra Quyết định giám đốc thẩm số 05/2020/HS-GĐT, bác bỏ toàn bộ nội dung kháng nghị của VKSNDTC.
Phiên tòa giám đốc thẩm năm 2020 tại Hà Nội. (Ảnh: CTV)
Hoãn thi hành án phút 89
Sáng 4/12/2014, mẹ của Hồ Duy Hải – bà Nguyễn Thị Loan (SN 1963, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) được cán bộ xã mời lên thông báo có cán bộ tòa án đến gặp. Hai cán bộ này cho biết con bà sắp bị tử hình, nếu gia đình xin nhận xác thì làm đơn. Thời gian thi hành án không được tiết lộ cụ thể. Linh tính của người mẹ khiến bà dự cảm chuyện lớn sắp xảy ra. Khoảng 10h cùng ngày, bà cùng các em và các con đến TAND tỉnh xin hoãn thi hành án cho Hải để tiếp tục kêu oan.
Lúc này, bà Nguyễn Thị Rưỡi (dì của Hải) đề xuất mua vé máy bay ra Hà Nội để tiếp tục kêu oan. Trưa 4/12/2014 (một ngày trước khi Hồ Duy Hải sẽ ra pháp trường), Văn phòng Chủ tịch nước đã có thông báo truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoãn thi hành án Hồ Duy Hải.