Vụ án gian lận thi ở Hà Giang: 8 năm tù cho người chủ mưu

Vụ án gian lận thi ở Hà Giang: 8 năm tù cho người chủ mưu - Ảnh 1.

Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án – Ảnh: CHÍ TUỆ

Sau 5 ngày xét xử, nghị án, sáng nay (25-10) hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên án 5 bị cáo trong vụ án này.

Theo đó bị cáo Nguyễn Thanh Hoài bị tuyên mức án 8 năm tù, bị cáo Vũ Trọng Lương 7 năm tù, bị cáo Triệu Thị Chính 2 năm tù. Cả ba bị cáo bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý trong ngành giáo dục 1 năm). 

Riêng bị cáo Lê Thị Dung bị tuyên 2 năm tù và bị cáo Phạm Văn Khuông 1 năm tù nhưng được cho hưởng án treo.

Bị cáo Hoài giữ vai trò chủ mưu

HĐXX nhận định, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài là người chủ động liên hệ với bị cáo Vũ Trọng Lương để bàn bạc các thông tin liên quan đến việc sửa điểm, nâng điểm bài thi cho các thí sinh. Bị cáo Hoài là người giữ vai trò chủ mưu, bị cáo Lương là người duy nhất trực tiếp sửa bài thi, cả 2 đã có sự câu kết chặt chẽ với nhau. 

Theo HĐXX, nếu Hoài không đưa chìa khoá thì Lương sẽ không thể sửa được điểm và ngược lại, nếu Lương không nhận lời nâng điểm thì hậu quả nâng điểm không xảy ra. Hành vi của 2 bị cáo này thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức. 

Ngoài ra, bị cáo Hoài không phải chịu trách nhiệm hình sự cho 14 danh thí sinh tự nhận của bị cáo Lương, và bị cáo Lương không chịu trách nhiệm cho 12/13 thí sinh của Hoài tự nhận do bị cáo Chính đưa. 

Vụ án gian lận thi ở Hà Giang: 8 năm tù cho người chủ mưu - Ảnh 2.

Đại diện HĐXX của TAND tỉnh Hà Giang tại phiên tòa sáng nay – Ảnh: CHÍ TUỆ

HĐXX khẳng định các bị cáo đã thực hiện hành vi cố ý trực tiếp, là do nể nang bạn bè, người thân. Khám xét nơi ở của Hoài và Lương, cơ quan điều tra không lưu giữ được tài liệu đưa, nhận hối lộ. 

Với bị cáo Phạm Văn Khuông, mặc dù là phó giám đốc Sở GD-ĐT nhưng có con trai tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, theo quy chế không được phân công nhiệm vụ gì. Tuy vậy, bằng mối quan hệ đồng nghiệp nhiều năm công tác và là phó giám đốc phụ trách bị cáo Hoài, có tầm ảnh hưởng với bị cáo Hoài. 

Trước và trong kỳ thi, bị cáo Khuông biết bị cáo Hoài có quyền hạn, 2 lần nói Hoài giúp đỡ, bị cáo Hoài thừa nhận 2 lần không nói nâng điểm nhưng bị cáo Khuông và bị cáo Hoài đều hiểu là nâng điểm, ngoài ra bị cáo Khuông không đưa tiền hay vật chất nào khác.

Kết quả con trai bị cáo Khuông được nâng 13,3 điểm do bị cáo Hoài giúp đỡ. Lợi ích không phải là tiền, số điểm con bị cáo nâng lên để đạt nguyện vọng. Thoả mãn các yếu tố về tội danh truy tố.

Bị cáo Lê Thị Dung, trong kỳ thi 2018 không được phân công nhiệm vụ, thông qua công tác phối hợp các năm trước, lợi dụng ảnh hưởng trong mối quan hệ công tác với bị cáo Hoài đã nhờ nâng điểm 20 thí sinh. Kết quả 20 đều được nâng điểm rất cao, trong đó có thí sinh được nâng 29,95 điểm/4 môn thi trắc nghiệm. 

Hành vi của bị cáo gây mất niềm tin cho nhân dân 

Vụ án gian lận thi ở Hà Giang: 8 năm tù cho người chủ mưu - Ảnh 3.

Bị cáo Triệu Thị Chính tới tòa sáng 25-10 – Ảnh: CHÍ TUỆ

Đối với bị cáo Triệu Thị Chính, HĐXX khẳng định trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 bị cáo Chính là người có chức vụ quyền hạn, trong kỳ thi diễn ra đã đưa danh sách 13 thí sinh cho bị cáo Hoài. 

Mặc dù trong giai đoạn điều tra và xét xử đều cho rằng không phạm tội như cáo trạng truy tố, chỉ nhờ xem điểm cho 13 thí sinh, không nhờ nâng điểm. Bị cáo cho rằng quy trình chấm văn chặt chẽ, bị cáo Hoài không đủ khả năng để nâng được điểm, bị cáo không được thoả thuận với Hoài. 

Tuy nhiên, tại biên bản làm việc với đoàn Thanh tra Bộ GD-ĐT, bị cáo Chính đã thừa nhận việc nhờ nâng điểm cho từng thí sinh. Người làm chứng là mẹ đẻ của 1 thí sinh ban đầu bà chỉ nhờ bị cáo Chính xem điểm, sau khi HĐXX công bố lời khai, bà xác nhận lời khai là đúng. 

Trong kỳ thi nhờ bị cáo Chính nâng điểm, kết quả không được nâng. Ngoài bà Chính, phụ huynh này không quen ai ở Sở GD-ĐT, không cung cấp tin cho ai ngoài bị cáo Chính. Hơn nữa, bị cáo Chính và bị cáo Hoài đều khẳng định trong công tác và trong cuộc sống không có mâu thuẫn, điều này để lý giải cho việc bị cáo Chính khai tại toà bị bị cáo Hoài lôi vào cuộc. 

Lời khai danh sách 12/13 thí sinh chính đưa là thực tế khách quan, nếu có ý đồ đổ lỗi đã khai khác. Như vậy, lời khai của bị cáo Hoài nói bị cáo Chính đưa danh sách 12/13 thí sinh, lời khai của bị cáo Lương được nhìn thấy danh sách 13 thí sinh là có căn cứ đáng tin cậy. 

Với chức vụ của mình, bị cáo Chính đã dùng ảnh hưởng của mình để tác động ghép phách, kiểm dò, nâng điểm cho môn Ngữ văn. Tội phạm hoàn thành từ khi bị cáo Chính đưa danh sách cho bị cáo Hoài. Hành vi của bị cáo Chính được HĐXX xác định là lỗi cố ý trực tiếp. Ngoài ra, không có căn cứ chứng minh bị cáo nhận tiền, tài sản khác để chuộc lợi.

Vụ án gian lận thi ở Hà Giang: 8 năm tù cho người chủ mưu - Ảnh 4.

Bị cáo Vũ Trọng Lương được đưa tới tòa sáng 25-10 – Ảnh: CHÍ TUỆ

Từ đó, đủ cơ sở khẳng định VKS truy tố Chính là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Điểm thi môn Ngữ văn chưa được nâng là khách quan, phạm tội chưa đạt. Toà không chấp nhận yêu cầu của các luật sư bào chữa cho bị cáo Chính, tuyên bị cáo không phạm tội. 

HĐXX đánh giá hành vi phạm tội của 5 bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Các bị cáo đều là người có chức vụ quyền hạn, đủ năng lực trách nhiệm hình sự, trong đó có 4/5 thầy, cô giáo am hiểu quy định của ngành, lẽ ra phải gương mẫu đi đầu, cương quyết chống tiêu cực trong thi cử, chỉ vì nể nang, các bị cáo đã thực hiện hành vi vi phạm quy chế thi bằng hình thức nâng điểm, làm kỳ thi diễn ra không khách quan, minh bạch và công bằng. 

Việc làm này gây mất uy tín, công bằng trong xã hội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong dư luận xã hội. Tòa đồng ý cần xử phạt bị cáo Hoài cao hơn bị cáo Lương, mức án VKS đề xuất là tương xứng tính chất với hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra. Đồng thuận VKS, áp dụng mức hình phạt cho bị cáo Dung cao hơn bị cáo Khuông, cho bị cáo Khuông hưởng án treo là phù hợp. 

Với bị cáo Chính, không được áp dụng giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đồng ý để viện áp dụng tình tiết phạm tội chưa đạt, mức hình phạt VKS đề nghị là phù hợp.

Kiến nghị Bộ Công an điều tra hành vi đưa, nhận hối lộ

 Về kiến nghị, HĐXX cho biết do sự việc xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang nên để đảm bảo yếu tố khách quan công bằng, sau khi nghiên cứu hồ sơ, HĐXX kiến nghị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra những người có liên quan trong vụ án về vấn đề có đưa, nhận hối lộ hay không.

Về việc luật sư kiến nghị HĐXX khởi tố vụ 2 thí sinh Sùng Văn Đ. và Nguyễn Văn T. ở huyện Xín Mần trong kỳ thi năm 2017 thi đỗ vào trường công an với số điểm rất cao và ‘chạy điểm’ với số tiền 500 triệu đồng, HĐXX kiến nghị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an điều tra đối với 2 thí sinh này, nếu có căn cứ thì xử lý theo quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, HĐXX chấp nhận kiến nghị của các luật sư về việc giữ lại toàn bộ bài thi năm 2017 trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Vụ án gian lận thi ở Hà Giang: 8 năm tù cho người chủ mưu - Ảnh 5.

Bị cáo Vũ Trọng Khuông tới tòa sáng 25-10 – Ảnh: CHÍ TUỆ

Trước đó, từ ngày 14 đến 18-10, tại TAND tỉnh Hà Giang đã diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở phương này.

5 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương bị truy tố tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; bị cáo Phạm Văn Khuông và Lê Thị Dung bị truy tố tội “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”; bị cáo Triệu Thị Chính bị truy tố tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

74209258_258865141706882_991290911616925696_n

Các bị cáo nghe tòa tuyên án – Ảnh: Chí Tuệ

Trước đó, ngày 17-10, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang (VKS) đã đưa ra quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với 5 bị cáo trên.

Trên cơ sở đánh giá chứng cứ và toàn bộ nội dung vụ án, đại diện VKSND đề nghị bị cáo Nguyễn Thanh Hoài từ 8-9 năm tù. Bị cáo Vũ Trọng Lương từ 7-8 năm tù. Đại diện VKS cũng đề nghị các bị cáo Triệu Thị Chính và Lê Thị Dung cùng mức án từ 2 đến 2 năm 6 tháng tù. Bị cáo Phạm Văn Khuông từ 1 đến 1 năm 6 tháng năm tù treo.

Về hình phạt bổ sung, đại diện VKS đề nghị HĐXX cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ quản lý trong ngành giáo dục từ 1-3 năm.

Những câu nói nổi bật trong xét xử vụ án nâng điểm thi Hà Giang Những câu nói nổi bật trong xét xử vụ án nâng điểm thi Hà Giang

TTO – Trong phiên tòa xét xử vụ án gian lận thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, một số bị cáo cúi đầu nhận tội nâng điểm cho hàng loạt thí sinh, nhưng cũng có bị cáo, người liên quan vẫn luôn khẳng định chỉ nhờ xem điểm chứ không nhờ nâng điểm.