Vũ Đức Sao Biển – nghệ sĩ đa tài, đau đời và khiêm tốn

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trong một lần ra mắt sách năm 2018 – Ảnh: L.ĐIỀN

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên: Vũ Đức Sao Biển đa tài và khiêm tốn Anh Vũ Đức Sao Biển là người con Quảng Nam, vào sống trong Bạc Liêu một thời gian lâu và sáng tác nhiều bài, trong âm hưởng bản Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu, có nhiều bài được nhiều người hâm mộ. Anh là người đa tài và là nhạc sĩ rất khiêm tốn. Anh chơi rất trân trọng với những người trong giới nhạc với nhau, dù là những người ít tuổi đời ít tuổi nghề hơn anh vẫn trân trọng. Anh còn là người trầm tĩnh, không hề khoe khoang, chính anh em cảm nhận về tài năng của anh trong nhiều lĩnh vực, chứ bản thân anh ít nói về mình.

Ca sĩ Cao Minh: Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển luôn kỹ càng thấu đáo trong công việc Tôi nhận thấy ở Vũ Đức Sao Biển là một người nghiêm túc, trong âm nhạc cũng nghiêm túc và quan hệ giao tiếp cũng nghiêm túc. Bài Thu hát cho người của ông, tôi thường xuyên hát, cho bạn bè nghe, hát trên đài, trên những sân khấu lớn, từng ca từ, từng nốt nhạc của ông hình như là cả hai hòa quyện thành một. Ông là nhạc sĩ có tài. Đúng như tính cách của ông, trong nghệ thuật, cái nào thật kỹ mới làm, còn chưa dụng công suy nghĩ kỹ càng thấu đáo thì ông không làm, làm để đáp ứng sơ sài là ông không làm. Như với bản Dạ cổ hoài lang , mặc dù không phải dân miền Nam nơi bản Dạ cổ hoài lang ra đời, nhưng ông chắt chiu từng nốt nhạc, có công rất lớn lưu giữ lại những giai điệu tài tử cổ. Nhớ có lần tôi và ông cùng tâm sự trên đài về sự kiện đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận di sản, tôi và ông cùng trả lời rằng tại sao UNESCO công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Và một đóng góp lớn của Vũ Đức Sao Biển chính là ký âm lại bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Bản nhạc này ra đời và truyền miệng trong giới mộ điệu, cho đến khi Vũ Đức Sao Biển, chỉ có ông “dám” viết lại thành nốt nhạc, tôi thấy đây là một việc dũng cảm và có đóng góp thật sự. Theo thời gian, những nhạc sĩ tài hoa cũng mất dần, hay tin nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển qua đời, tôi thật sự rất buồn.

Nhà văn Phan Hoàng: Vũ Đức Sao Biển là người đam mê đầy trách nhiệm Anh Vũ Đức Sao Biển có nét độc đáo trong tính cách là vừa nghệ sĩ vừa rất mô phạm, có lẽ do xuất thân làm giáo viên. Và tính cách hòa trộn giữa người miền Trung và người miền Tây, làm thành nét độc đáo rất riêng. Từ khi mình vào làng báo là đã thân với Vũ Đức Sao Biển, lúc này anh làm ở báo Công An TP.HCM và cộng tác thường xuyên với tạp chí Kiến Thức Ngày Nay , tính đến nay đã tròm trèm ba mươi năm rồi. Chính biệt danh “nhà Kim Dung học” của ông là xuất hiện từ Kiến Thức Ngày Nay , và đây cũng là mảnh đất để anh tung tẩy với những bài viết về Kim Dung. Còn trong thái độ làm việc, anh là một người đam mê đầy trách nhiệm. Những đóng góp của anh rất nhiều, bản thân anh là một tài năng đa dạng bởi ít ai hoạt động trong nhiều lĩnh vực và đều đạt thành tựu như anh: báo chí, âm nhạc, viết sách, khảo cứu… và còn có chút lãng tử.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, phó giám đốc Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM, nguyên ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 7): Âm nhạc của Vũ Đức Sao Biển đa dạng về màu sắc Với Thanh Thúy, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển có mối quan hệ công việc trước đây rất thường xuyên, và Thúy ngưỡng mộ ông ở chỗ ông là nghệ sĩ có rất nhiều hoạt động văn học nghệ thuật: Từ vai trò một nhạc sĩ đến nhà văn, nhà báo, và ấn tượng hơn cả là vai trò nhạc sĩ với rất nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng. Khi hay tin ông mất do cơn bạo bệnh như vậy, Thúy rất buồn, quá trình làm việc và kỷ niệm trở về, Thúy muốn gửi đến gia đình nhạc sĩ lời chia buồn sâu sắc. Những năm tháng khi Thúy còn trong quân ngũ, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng có vài lần vào trong Đoàn nghệ thuật Quân khu 7 để trao đổi công việc, về những hoạt động sáng tác… Qua đó cho thấy ông là nhạc sĩ giỏi nghề và đầy tâm huyết với nghệ thuật, luôn luôn mong muốn có những sáng tạo nghệ thuật. Thúy cũng biết ngay cả trong lúc thọ bệnh, ông vẫn không ngừng làm việc và sáng tạo. Với Thúy, âm nhạc của Vũ Đức Sao Biển đa dạng về màu sắc và đặc biệt là giai điệu rất đẹp. Có một sự hài hòa giữa ca từ và giai điệu. Điều này đặc biệt lắm, bởi ông là người sinh ra ở miền Trung, nhưng khi ông viết những bài hát mang phong cách dân ca Nam Bộ như Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang , hay bài rất nổi tiếng là Điệu buồn phương Nam, Trở về Bạc Liêu, Đau xót Lý chim quyên… thì giai điệu trong những bài hát đó thấm đẫm chất Nam Bộ, khi nghe, mình cứ tưởng đây là một người con đất Nam Bộ, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Thúy rất quý trọng phong cách nghệ thuật âm nhạc của Vũ Đức Sao Biển.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: Vũ Đức Sao Biển luôn đau đáu nỗi đau đời Có thể nói bộ sách Kim Dung giữa đời tôi của anh Vũ Đức Sao Biển là cái duyên đưa tôi làm quen với anh. Hồi mới xuất bản, bộ sách này gồm 4 quyển: thượng, trung, hạ và kết được lần lượt xuất bản từ cuối những năm 90 thế kỷ 20 cho đến đầu năm 2000 của thế kỷ 21. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là chuyến đi cùng anh với nhà văn Sơn Nam, nhà văn Trần Kim Trắc và nhà văn Võ Đắc Danh giao lưu với bạn đọc tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau. Một chuyến đi đầy ắp kỷ niệm thuộc loại vừa đi đường vừa kể chuyện. Chuyến đi gần nhất cùng anh là chuyến về thăm quê hương Duy Xuyên, Quảng Nam nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Duy Xuyên và tái bản tập nhạc của các nhạc sĩ quê Duy Xuyên. Dù là Vũ Đức Sao Biển hay Đồ Bì, Mạc Đại…, trong tôi anh là một người luôn đau đáu nỗi đau đời. Cái cười trong những truyện phiếm của anh dường như có chút gì đó đắng cay của một ông thầy mê chữ nghĩa.

Nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển – ông Đồ Bì quen thuộc trên Tuổi Trẻ Cười những năm qua – vừa qua đời lúc 23h35 ngày 6-5 tại nhà sau thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư phổi.

Sinh năm 1948 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, tên thật là Võ Hợi, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực: phong trào thanh niên, báo chí, văn thơ, nhạc… tại Sài Gòn và miền Nam trước 1975.

Tác giả Vũ Đức Sao Biển giới thiệu tập sách được xem là đúc kết cả một đời làm báo với nhiều cuộc tiếp xúc cùng các bạn trẻ ngày 15-4-2018 tại TP.HCM - Ảnh: L.ĐIỀN

Tác giả Vũ Đức Sao Biển giới thiệu tập sách được xem là đúc kết cả một đời làm báo với nhiều cuộc tiếp xúc cùng các bạn trẻ ngày 15-4-2018 tại TP.HCM – Ảnh: L.ĐIỀN

Từ 1975 đến cuối đời, Vũ Đức Sao Biển hoạt động trên lĩnh vực báo chí và sáng tác ca khúc. Ông viết báo ở nhiều lĩnh vực: chính sự, xã hội, tòa án, đặc biệt ông là cây bút của Tuổi Trẻ Cười với bút danh Đồ Bì được nhiều bạn đọc mến mộ.

Vũ Đức Sao Biển có khoảng 36 đầu sách đã xuất bản, sáng tác hơn 60 ca khúc, trong đó có những ca khúc đi vào lòng người như Thu hát cho người, Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang…

Vũ Đức Sao Biển còn là người đam mê tiểu thuyết kiếm hiệp, đặc biệt say mê tác phẩm của Kim Dung, đã xuất bản bộ Kim Dung giữa đời tôi rất được bạn đọc ủng hộ (4 tập: thượng, trung, hạ, kết).

Vũ Đức Sao Biển mắc bệnh ung thư vòm họng từ năm 2018, đến tháng 5-2019 di căn sang phổi và điều trị ung thư phổi đến nay.

Hiện linh cữu nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đang quàn tại nhà (22/7 TTN18, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM).

Chương trình lễ tang:

– 13h ngày 7-5: nhập quan

– Lễ viếng bắt đầu từ 15h ngày 7-5

– 6h ngày chủ nhật 10-5 sẽ làm lễ động quan, an táng tại hoa viên nghĩa trang Bình Dương.