Vòng đời của Trùn Quế – tratrasa

Muốn nuôi Trùn quế đạt hiệu quả cao thì bà con cần hiểu rõ vòng đời của con Trùn quế như thế nào?

Những đặc tính sinh sản cũng như tập quán sinh sinh của chúng để tránh các vấn đề thiệt hại không nên có khi nuôi Trùn Quế. Vì vậy việc tìm hiểu rõ về vòng đời của Trùn Quế là hết sức cần thiết cho việc nuôi Trùn Quế.

1/ Trùn Quế là loài sinh vật như thế nào?

Trùn quế hay giun quế có tên khoa học là Perionyx excavatus, chi Pheretima, họ Megascocidae. Chúng thuộc nhóm trùn ăn phân, thường sống trong môi trường nhiều chất hữu cơ đang phân hủy, trong tự nhiên chúng ít tồn tại với quần thể lớn và không có khả năng cải tạo đất trực tiếp như một số loài trùn khác sống trong đất.

2/ Đặc điểm sinh học của Trùn Quế

Trùn quế là một trong những giống trùn đã được thuần hoá, nhập nội và đưa vào nuôi công nghiệp với các quy mô vừa và nhỏ. Đây là loài trùn mắn đẻ, xuất hiện rải rác ở vùng nhiệt đới, dễ dàng bắt bằng tay, vì vậy rất dễ thu hoạch. Chúng được sử dụng rộng rãi trong việc chuyển hóa các chất thải ở Philippines, Australia và một số nước khác.

Trùn quế có kích thước tương đối nhỏ, dài khoảng 10 – 15cm, thân hơi dẹt, bề ngang của con trưởng thành có thể đạt 0,1 – 0,2 cm, có màu từ đỏ đến màu mận chín tuỳ theo độ tuổi, màu nhạt dần về phía bụng, hai đầu hơi nhọn. Cơ thể trùn quế có hình thon dài, nối với nhau bằng nhiều đốt, trên mỗi đốt có một vành tơ. Trùn quế hô hấp qua da, chúng có khả năng hấp thu O2 và thải CO2 trong môi trường nước, điều này giúp cho chúng có thể sống trong nước nhiều ngày, thậm chí trong nhiều tháng.

Hệ thống bài tiết bao gồm một cặp ở mỗi đốt. Các cơ quan này bảo đảm cho việc bài tiết các chất thải dưới dạng Amoniac và Urê. Trùn quế nuốt thức ăn bằng môi ở lỗ miệng. Thức ăn sau khi đi qua hệ thống tiêu hoá với nhiều vi sinh vật sống cộng sinh, chúng thải phân ra ngoài và những vi sinh vật cộng sinh có ích trong hệ thống tiêu hoá này cũng theo phân ra khỏi cơ thể trùn quế nhưng vẫn còn hoạt động ở màng dinh dưỡng trong một thời gian dài. 

Trùn quế rất nhạy cảm, chúng phản ứng mạnh với ánh sáng, nhiệt độ và biên độ nhiệt cao, độ mặn và điều kiện khô hạn. Nhiệt độ thích hợp nhất với trùn quế từ 20 – 27oC, độ ẩm thích hợp nhất là 60 – 70%. Trùn quế rất thích sống trong môi trường ẩm ướt và có pH ổn định (khoảng 7 – 7,5). trùn quế có khả năng chịu được phổ pH khá rộng từ 4 – 9, nếu pH quá thấp chúng sẽ bỏ đi.

3/Quá trình sinh sản của Trùn Quế

Trùn quế sinh sản rất nhanh trong môi trường khí hậu nhiệt đới. Từ một cặp giun ban đầu trong điều kiện sống thích hợp có thể tạo ra từ 1000 – 1500 cá thể mới trong một năm.

Trùn quế là động vật lưỡng tính, có đai sinh dục và lỗ sinh dục nằm ở phía đầu cơ thể, chúng có thể giao phối chéo cho nhau để hình thành kén ở mỗi con, kén được hình thành ở đai sinh dục, trong mỗi kén mang từ 1 – 20 trứng. Kén sau khi hình thành sẽ di chuyển về phía đầu và rơi xuống đất để nở thành giun con.

4/Vòng đời của Trùn Quế

Vòng đời của Trùn Quế rất ngắn, dao động khoảng 35-50 ngày. Vì vậy khi nuôi Trùn Quế cần chú ý đến đặc điểm này để không phải thu hoạch quá muộn làm ảnh hưởng đến năng suất nuôi trùn quế, và còn ảnh hưởng đến sự sống của các con Trùn còn sống, đang trong quá trình phát triển.

Qua các thí nghiệm kiểm chứng, các nhà khoa học đã nhận định rằng: Trùn quế là loài trùn thích hợp nhất để xử lý phân bón nông nghiệp. Trùn quế (Perionyx excavatus) có tỉ lệ phát triển cao nhất, thời gian xuất hiện đại sinh sản sớm nhất, trọng lượng cao nhất. Thời gian phát triển kén ngắn nhất, tỷ lệ phát triển kén cao nhất, tỷ trọng kén cao thứ hai và thời gian kén nở sớm nhất (2-3 tuần) so với các loài Trùn khác.

-Thời gian thích hợp để trùn có thể giao phối là khi sương đêm xuống thì chúng mới bò lên mặt để đi tìm nhau. Chúng bắt đầu bắt cặp và giao phối( do trùn là loài sinh vật lưỡng tính nên mỗi con trùn đều có 2 bộ phận sinh dục đực và cái vì thế khi giao phối cả hai con trùn đều làm nhiệm vụ như nhau là nuôi Trứng Trùn). Chúng trườn lên nhau theo hướng ngược chiều, con này gối lên con kia, bụng sát bụng. Lúc này cả hai con đều tiết ra dịch nhầy để chuẩn bị cho quá trình giao phối diễn ra dễ dàng hơn. Mỗi con đều có tinh dịch và tiết ra tinh dịch sau đó chúng đẩy vào túi nhận tinh của con kia. Sau khi hoàn thành xong chúng tách nhau ra và bắt đầu cho quá trình nuôi trứng đã được thụ tinh. Tuy nhiên tinh trùng sẽ được nằm trong túi thụ tinh mà không được thụ tinh ngay do ở Trùn trứng lại chín muộn hơn vài ngày so với sự thành thục của tinh trùng. Dịch nhầy tiết ra tạo thành một vòng. Khi vòng nhầy bong ra, nó sẽ tuột lên phía trước. Lúc đi qua lỗ cái nó sẽ nhận được một ít trứng chín và lúc đi qua túi nhận tinh nó sẽ nhận được tinh trùng đã được nhận từ con khác ở trước đó. Tiếp theo, đó sự thụ tinh giữa trứng và tinh trùng sẽ xảy ra ngay trên vòng nhầy, vòng nhầy tuột tiếp về phía trước và rơi ra ngoài. Lúc này nó tự thắt hai đầu lại để thành kén và chuẩn bị nở thành trùn con sau khi đã đủ thời gian phát triển trong kén trùn.

Trùn trưởng thành (0,12g/con) → Trùn quế bắt đầu giao phối → Trùn làm kén trứng (nở sau 2 – 3 tuần). Mỗi kén có thể nở từ 1 – 20 trùn con → Trùn con (<0,05g/con, dài 2 – 3mm). Sau 5 – 7 ngày cơ thể chúng sẽ chuyển dần sang màu đỏ và bắt đầu xuất hiện một vằn đỏ thẫm trên lưng dài 1 – 2cm.

5/Trùn Quế  mang lại những lợi ích gì?

Thành phần hóa học trong cơ thể trùn quế: nước chiếm khoảng 80 – 85%, chất khô chiếm khoảng 15 – 20%. Hàm lượng các chất (tính trên trọng lượng chất khô) như sau:

Protein: 68 –70%

Lipid: 7 – 8%,

Chất đường: 12 –14%

Tro 11 – 12%.

Do có hàm lượng Protein cao nên Trùn Quế được xem là nguồn dinh dưỡng bổ sung quý giá cho nhiều loại gia súc, gia cầm, thủy hải sản… Ngoài ra, Trùn Quế còn được dùng trong y học và công nghệ chế biến thức ăn gia súc. Phân trùn là loại phân hữu cơ sinh học có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, thích hợp cho nhiều loại cây trồng, không gây ra tình trạng “sốc” phân, yêu cầu trữ dễ dàng, đặc biệt thích hợp cho các loại hoa kiểng, làm giá thể vườn ươm và là nguồn phân thích hợp để sản xuất rau sạch.

Hữu Lai – TTS

Đặt hàng online
Đến trực tiếp các trang trại
Gọi 0945.777.900
https://tratrasa.vn