Vốn kinh doanh là gì? Các loại vốn kinh doanh?

Vốn là tiền đề của hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế hàng hóa – tiền tệ. Trước khi bước vào hoạt động kinh doanh, mỗi doanh nghiệp nhất thiết phải có một lượng vốn kinh doanh nhất định. Vậy vốn kinh doanh là gì? Có bao nhiêu loại vốn kinh doanh? Hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.

1. Vốn kinh doanh là gì?

Vốn kinh doanh của doanh nghiệp có thể được hiểu như là khối lượng giá trị được tạo lập và đưa vào kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi. Theo đó, vốn kinh doanh là tài sản, phương tiện và các yếu tố vật chất khác (tiền tệ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, nguyên vật liệu, …) mà một doanh nghiệp phải có để tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình.

Có thể thấy rằng, vì vốn nói chung luôn là tiền đề của hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế hàng hóa – tiền tệ, nên vốn kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn kinh doanh vừa là nhân tố đầu vào, vừa là nhân tố ảnh hưởng tới kết quả phân phối thu nhập đầu ra của doanh nghiệp.

Nói tóm lại, vốn kinh doanh là một nhân tố không thể thiếu được trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 

2. Đặc điểm của vốn kinh doanh

Để quản lý, sử dụng vốn kinh doanh trong doanh nghiệp một cách hợp lý và hiệu quả đòi hỏi các chủ doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà đầu tư phải có sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ về các đặc điểm của vốn kinh doanh, cụ thể như sau:

Thứ nhất, vốn kinh doanh thể hiện bằng giá trị thực của tài sản được sử dụng để doanh nghiệp sản xuất ra một lượng giá trị thực sản phẩm khác. Hay nói cách khác, vốn kinh doanh biểu hiện bằng giá trị của những tài sản như nhà xưởng, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, … của doanh nghiệp.

Thứ hai, vốn kinh doanh phải được tích tụ tập trung tới một lượng nhất định mới có thể phát huy tác dụng. Có nghĩa là để tiến hành bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào, doanh nghiệp cũng cần có một lượng vốn tối thiểu nhất định. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, vốn kinh doanh là nhân tố không thể thiếu của một doanh nghiệp.

Thứ ba, vốn kinh doanh luôn cần phải vận động để sinh lời. Vốn được thể hiện bằng tiền nhưng tiền phải luôn vận động để sinh lời mới có thể trở thành vốn. Lượng tiền thu về phải lớn hơn lượng tiền ban đầu bỏ ra. Đây là nguyên tắc của việc bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nói chung và vốn kinh doanh nói riêng.

Thứ tư, vốn kinh doanh có giá trị về mặt thời gian. Bởi lẽ trong điều kiện nền kinh tế thị trường như hiện nay, nên một đồng tiền tại các thời điểm khác nhau sẽ có các giá trị khác nhau do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như chi phí cơ hội, giá cả, lạm phát, … Và vì thế, khi tính toán, so sánh giá trị của đồng vốn kinh doanh thì tất yếu phải đưa về cùng một thời điểm để so sánh.

Thứ năm, vốn kinh doanh phải gắn liền với chủ sở hữu (chủ doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà đầu tư, …) và phải được quản lý chặt chẽ. Tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp mà người sở hữu vốn kinh doanh có đồng thời là người sử dụng vốn hay không, nhưng trong trường hợp nào thì vốn kinh doanh cũng sẽ gắn liền với một chủ sở hữu nhất định và việc xử lý vốn như thế nào phụ thuộc lớn với ý chí của chủ sở hữu cùng như lợi ích của mỗi doanh nghiệp. Do đó, việc sử dụng vốn phải luôn chặt chẽ và hiệu quả, tránh tình trạng bị thất thoát, lãng phí nguồn vốn doanh nghiệp.

 

3. Các loại vốn kinh doanh

Tùy thuộc vào từng cách tiếp cận, góc độ đánh giá mà sẽ có những cách phân loại vốn kinh doanh khác nhau. Việc phân chia này sẽ giúp các chủ sở hữu hiểu rõ hơn về bản chất của vốn kinh doanh, cũng như các nguồn hình thách khác nhau của vốn kinh doanh. Dưới đây là một số cách phân loại vốn kinh doanh phổ biến được nhiều doanh nghiệp áp dụng hiện nay, cụ thể:

Thứ nhất, dựa trên đặc điểm luân chuyển (hay chu chuyển) của vốn kinh doanh, vốn kinh doanh được chia thành hai loại là vốn cố định và vốn lưu động.

  • Vốn cố định: Là một phận quan trọng của vốn đầu tư nói riêng, của vốn kinh doanh nói chung, được biểu hiện bằng tiền của tài sản cố định và tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất. Vốn cố định là phần đầu tư ứng trước để hình thành nên tài sản cố định. Quy mô của vốn cố định sẽ quyết định đến lượng tài sản cố định được hình thành và ngược lại, đặc điểm hoạt động của tài sản cố định chi phối đặc điểm luân chuyển của vốn cố định.
  • Vốn lưu động: Là số vốn tiền tệ ứng trước để hình thành các tài sản lưu động sản xuất, tài sản lưu động lưu thông và một phần để trả tiền công cho người lao động (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, tiền lương, … và những giá trị này sẽ được hoàn lại hoàn toàn cho chủ doanh nghiệp sau khi đã bán hàng hóa). Hay nói cách khác, vốn lưu động là biểu hiện bằng tiền của tài sản lưu thông và là phần tham gia hoàn toàn vào quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Một điều cần lưu ý nữa là vốn lưu động tương ứng với mỗi loại hình doanh nghiệp khác nhau thì sẽ khác nhau.

Thứ hai, dựa trên nguồn hình thành, vốn kinh doanh được chia thành hai loại là vốn chủ sở hữu và vốn nợ phải trả (hay còn gọi là vốn huy động của doanh nghiệp).

  • Vốn chủ sở hữu: Là số vốn thuộc quyền sở hữu doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ có đầy đủ các quyền chiếm hữu, chi phối và định đoạt đối với vốn kinh doanh. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp sẽ gồm vốn điều lệ do chủ sở hữu đầu tư, vốn bổ sung từ lợi nhuận và các quỹ của doanh nghiệp hay vốn tài trợ của Nhà nước (nếu có).
  • Vốn nợ phải trả: Là phần vốn do doanh nghiệp huy động dưới nhiều hình thức khác nhau như vay nợ, liên doanh liên kết, đi thuê, … hình thành lên. Tuy nhiên, khi sử dụng số vốn này, doanh nghiệp cần xem xét giữa sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay và chi phí sử dụng vốn. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần phải cân nhắc hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng bởi lãi suất tiền vay.

Thứ ba, dựa trên thời gian huy động vốn, vốn kinh doanh được chia thành hai loại là nguồn vốn thường xuyên và nguồn vốn tạm thời.

  • Nguồn vốn thường xuyên: Là nguồn vốn có tính chất lâu dài và ổn định mà doanh nghiệp có thể sử dụng, nguồn này được dùng cho việc hình thành tài sản lưu động thường xuyên cần thiết cho doanh nghiệp. Nguồn vốn thường xuyên sẽ bao gồm nguồn vốn riêng và các khoản vay dài hạn.
  • Nguồn vốn tạm thời: Là các nguồn vốn có tính chất ngắn hạn mà doanh nghiệp sử dụng để đáp ứng nhu cầu tạm thời, bất thường phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Nguồn vốn tạm thời sẽ bao gồm các khoản vay ngắn hạn và nợ ngắn hạn.

 

4. Vai trò của vốn kinh doanh

Có thể khẳng định rằng, vốn kinh doanh có tầm quan trọng đặc biệt đối với mỗi doanh nghiệp. Dù là doanh nghiệp thuộc bất kỳ thành phần kinh tế nào, doanh nghiệp với quy mô dù lớn hay nhỏ thì vốn kinh doanh vẫn là điều kiện tiên quyết, không thể thiếu khi doanh nghiệp được thành lập và tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Không dừng lại ở đó, vốn kinh doanh còn là điều kiện quyết định đến quy mô kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. 

Vì có vai trò quan trọng như vậy, mà nhu cầu về vốn kinh doanh đã và đang trở thành động lực và là yêu cầu cấp bách đối với tất cả các doanh nghiệp hiện nay. Việc đảm bảo đủ nguồn vốn và sử dụng, quản lý vốn hiệu quả sẽ giúp cho doanh nghiệp tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh một cách thường xuyên, liên tục và tăng lợi thế trong cạnh tranh.

>> Xem thêm Vốn FDI là gì? Quy định pháp luật về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam?

Trên đây là toàn văn bài viết của Luật Minh Khuê về vốn kinh doanh. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào liên quan tới bài viết hoặc các câu hỏi về Luật Doanh nghiệp, quý khách hàng vui lòng gọi đến tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí 24/7 1900.6162 để được Luật sư tư vấn qua tổng đài trực tuyến.