Vốn chủ sở hữu là gì ? So sánh vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ

Vốn là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự vận hành, phát triển của doanh nghiệp. Trong đó bên cạnh vốn điều lệ là số vốn doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp thì vốn chủ sở hữu là một trong những yếu tố hình thành nên nguồn vốn của doanh nghiệp.

 

1. Vốn chủ sở hữu là gì?

Mặc dù là một trong những thành tố hình thành nên nguồn vốn của doanh nghiệp song Luật Doanh nghiệp hiện hành không có quy định giải thích và quy định cụ thể về vốn chủ sở hữu. Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Thông tư 200/2014/TT-BTC thì vốn chủ sở hữu là phần tài sản thuần của doanh nghiệp còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông, thành viên góp vốn (chủ sở hữu). Có nghĩa là nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp và các thành viên trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc các cổ đông trong công ty cổ phần sau khi lấy tổng tài sản doanh nghiệp trừ đi nợ phải trả.

Vốn chủ sở hữu được phản ánh theo từng nguồn hình thành như:

(i) Vốn góp của chủ sở hữu bao gồm: vốn góp thực tế của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông

(ii) Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh: các quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển; lợi nhuận chưa được phân phối (khoản lợi nhuận còn lại chưa chia)

(iii) Chênh lệch đánh giá lại tài sản gồm:

+ Chênh lệch đánh giá lại tài sản phản ánh số chênh lệch do đánh giá lại tài sản hiện có của doanh nghiệp. Tài sản đánh giá lại chủ yếu là tài sản cố định, bất động sản đầu tư, hay thậm chí là hàng tồn kho…

+ Chênh lệc tỷ giá hồi đoái: Chênh lệch tỷ giá hồi đoái thường phát sinh trong các trường hợp: thực tế mua bán, trao đổi, thanh toán phát sinh bằng ngoại tệ; đánh giá lại các mục tiền tệ có gốc ngoại tệ; chuyển đổi báo cáo tài chính từ ngoại tệ sang Việt Nam đồng

Vốn chủ sở hữu được kế toán ghi nhận theo số thực góp, không ghi nhận theo số cam kết sẽ góp của các chủ sở hữu như vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu bao gồm cả các loại tài sản vô hình như bản quyền, quyền khai thác, sử dụng tài sản, thương hiệu, nhãn hiệu…

Công thức tính vốn chủ sở hữu = Tổng tài sản của doanh nghiệp – Nợ phải trả

 

2. Vốn điều lệ là gì?

Theo giải thích tại khoản 34 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Theo đó, vốn điều lệ được ghi nhận không chỉ là khoản thực tế đã góp mà còn là khoản cam kết sẽ góp khi thành lập công ty. Và vốn điều lệ là một con số cụ thể được xác định trong hồ sơ, giấy tờ khi tiến hành thành lập doanh nghiệp và sẽ được ghi cụ thể trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Vốn điều lệ đăng ký khi thành lập doanh nghiệp do người thành lập doanh nghiệp quyết định, trong một số ngành nghề theo quy định pháp luật có yêu cầu về vốn pháp định thì mức vốn điều lệ đăng ký tối thiểu bằng mức vốn pháp định này.

Vốn điều lệ theo quy định tại Điều 34 Luật doanh nghiệp 2020, có thể là Đồng tiền Việt Nam, vàng, quyền sử dụng đất, ngoại tệ tự do chuyển đổi, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật hay các loại tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

 

3. So sánh vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ

Điểm giống nhau: Vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu đều là nguồn hình thành vốn của doanh nghiệp, được sử dụng phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Điểm khác nhau:

Có thể phân biệt vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ thông qua các tiêu chí sau đây:

Tiêu chí
Vốn chủ sở hũu
Vốn điều lệ

Bản chất
Là số vốn từ các chủ sở hữu mà doanh nghiệp không phải cam kết thanh toán, do các chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư góp vốn hoặc được hình thành từ kết quả kinh doanh
Là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu hay các thành viên trong công ty đã góp/cam kết gố khi thành lập được ghi đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh

Cơ chế hình thành
 Từ ngân sách nhà nước, do doanh nghiệp bỏ ra hoặc do góp vốn cổ phần, bổ sung từ lợi nhuận để lại hoặc từ những nguồn thu khác của doanh nghiệp
Được hình thành trên số vốn do các thành viên và chủ sở hữu đóng góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ doanh nghiệp

Quy mô
Lớn hơn vốn điều lệ
Nhỏ hơn vốn chủ sở hữu

Ý nghĩa
Vốn chủ sở hữu phản ánh tình hình tăng, giảm  các nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp, của các thành viên góp vốn trong doanh nghiệp
Là cơ sở để xác địnhtỷ lệ phần vốn góp của các thành viên trong doanh nghiệp, làm cơ sở để phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các thành viên góp vốn/cổ đông trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ghi nhận về mặt pháp lý
Không phải thông báo, đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp, được hoạch toán chi tiết theo nghiệp vụ kế toán của doanh nghiệp
Phải đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp và ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ của doanh nghiệp. Khi tăng hoặc giảm vốn điều lệ phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh (Điều 30 Luật doanh nghiệp 2020)

Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về nội dung “Vốn chủ sở hữu là gì? So sánh vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ”. Bài viết được biên soạn trên cơ sở quy định pháp luật và tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu đã đăng tải trước đó trên internet nên không tránh khỏi những thiếu sót. Hy vọng sẽ phần nào giúp bạn đọc nhận diện được hai loại vốn này trong doanh nghiệp. Trường hợp có vướng mắc nào chưa rõ hoặc cần tư vấn pháp lý về doanh nghiệp vui lòng liên hệ qua Hotline 1900.6162 để được tư vấn hỗ trợ trực tiếp với đội ngũ luật sư luật doanh nghiệp của Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!