“Vỡ mộng” với cây trầm hương

PHI LONG – HỮU LIỀU

  –  

Thứ sáu, 08/04/2022 10:12 (GMT+7)

Quảng Bình – Trồng cây dó bầu (còn gọi là cây trầm hương) với mong muốn tạo trầm, nhưng đến nay nhiều người dân tại xã Trường Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) lại ” vỡ mộng ” vì vẫn chưa thu được lợi gì sau nhiều năm chăm sóc.

"Vỡ mộng" với cây trầm hươngÔng Nguyễn Văn Quý, một trong số những người còn trồng hàng trăm cây dó bầu tại xã Trường Thủy. Ảnh: H.L

Bán không được, chặt không xong

Đến xã Trường Thủy, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi trong vườn nhà người dân đều có trồng cây dó bầu, hay người dân tại đây vẫn thường gọi là cây trầm hương. Nhà ít thì có vài chục cây, nhà nhiều thì trồng lên đến cả héc-ta dó bầu, đa phần các cây ở đây đều đã có tuổi đời từ 15 – 20 năm.

Tìm gặp ông Nguyễn Văn Quý (SN 1960, trú thôn Giang Sơn, xã Trường Thủy) là một trong những người trồng nhiều dó bầu nhất trong xã. Hiện tại vườn dó bầu của ông Quý còn khoảng 200 gốc, trồng trải dài trên khoảng 1ha đất rừng.

Theo ông Quý, vào khoảng những năm đầu 2000, có công ty bán giống đến quảng cáo, bảo là cây trồng lâu năm sẽ cho trầm, bán được với giá rất cao nên ông Quý quyết định mua 300 gốc dó bầu, lúc đó mỗi cây giống ông Quý mua với giá khoảng 6.000 đồng/cây.

“Tính ra tiền bỏ ra mua giống thì khoảng 2 triệu đồng, lúc đó người ta hứa hẹn nhiều làm mình cũng mơ mộng một chút, sau này một cây chỉ cần cho vài lạng trầm thôi là cũng bán được nhiều tiền rồi”, ông Quý cho hay.

Tại xã Trường Thủy, dó bầu đa phần đều đã có tuổi đời 15 – 20 năm. Ảnh: H.LTại xã Trường Thủy, dó bầu đa phần đều đã có tuổi đời 15 – 20 năm. Ảnh: H.L

Hiện tại, vườn dó bầu của ông Quý đang có khoảng 200 gốc dó bầu, trong đó có gần 100 gốc được trồng từ năm 2003 đến tận bây giờ.

Tuy nhiên, theo ông Quý, mỗi gốc cây dó bầu có tuổi đời trên dưới 20 năm này, chỉ được các thương lái mua với giá vỏn vẹn 1.200.000 đồng. Đến nay, ông Quý đã bán được khoảng 150 gốc dó bầu, nhưng lợi nhuận đem lại chỉ gần 200 triệu đồng.

Tương tự, bà Trương Thị Hồng (SN 1952, trú tại xã Trường Thủy) cho biết, trước đây gia đình bà cũng trồng khoảng 400 cây giống dó bầu nhưng cách đây khoảng 5 năm bà cũng bán hết với giá rất rẻ.

“Lúc trước hồi 2001, nghe người ta bảo là trồng cây này sau 10-15 năm sẽ bán được từ 3 đến 5 triệu nên tôi cũng trồng chứ không biết trầm ở cây như nào. Lúc đó trồng được gần 1 mẫu, trồng hơn chục năm mà bán không được bao nhiêu tiền, tầm 10.000 đồng một cân, tính ra chưa đến 1 triệu 1 cây, quá bèo bọt. Giờ thấy trồng cây này mất thời gian mà không ra gì”, bà Hồng chia sẻ.

Một cây dó bầu 20 năm tuổi chỉ bán được trên 1 triệu đồng. Ảnh: H.LMột cây dó bầu 20 năm tuổi chỉ bán được trên 1 triệu đồng. Ảnh: H.L

Bán được cây đã tốt, nhiều người dân tại xã Trường Thủy bỏ tiền và công sức, diện tích đất ra để trồng cây dó bầu, nhưng đến nay không thấy bóng dáng thương lái tìm đến hỏi mua. Cây đã trồng lâu năm, nhiều người tiếc không dám chặt bỏ để lấy diện tích đất canh tác, nhưng để cây lại thì cũng không thu được lợi gì.

Theo một số số hộ dân trồng dó bầu tại đây, họ cũng đã từng được các thương lái tìm đến, sau đó đục lỗ, cho thuốc vào cây rồi hứa hẹn một thời gian sau sẽ quay lại mua các cây này. Tuy nhiên, sau một vài năm không thấy quay lại, người dân cũng dần vơi bớt hy vọng bán được cây.

Cả xã chưa có ai tạo được trầm

Trao đổi với PV, ông Phan Hữu Tình – Chủ tịch UBND xã Trường Thủy xác nhận, hiện tại trên địa bàn có đến trên trăm hộ dân trồng cây dó bầu này theo hình thức tự phát từ nhiều năm trước, tuy nhiên trên thực tế thì đến nay vẫn chưa có hộ nào trồng cây dó bầu này mà thu lợi tiền tỉ như lời đồn cả. Trong thời gian tới, xã sẽ khuyến khích người dân chuyển sang trồng các loại cây khác phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng hơn, đồng thời có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cũng theo ông Tình, trước đây trên địa bàn có khoảng 20ha dó bầu, tuy nhiên đến nay, sau nhiều năm trồng cây mà không thu được lợi gì, nhiều người đã quyết định chặt bỏ để lấy diện tích trồng trọt.

Được biết, theo khoa học, Trầm Hương được sinh ra từ vết thương của cây dó bầu. Vết thương từ cây dó bầu sau khi đọng nước sẽ tiết ra một chất nhựa tự vệ xung quanh vết thương. Nhựa cây tiết ra một thời gian sẽ trở nên đậm đặc hơn, mùi thơm hương, trải qua một thời gian rất dài, thiên thời địa lợi và chịu ảnh hưởng tác đông từ thiên nhiên thì trầm hương mới được sinh ra. Tuy nhiên, tỉ lệ xuất hiện trầm hương và kì nam là cực kì thấp.

Để tạo trầm, các thương lái sẽ đến đục, khoan vào thân cây, sau đó tiêm axit hoặc chế phẩm sinh học. Ảnh: H.LĐể tạo trầm, các thương lái sẽ đến đục, khoan vào thân cây, sau đó tiêm axit hoặc chế phẩm sinh học. Ảnh: H.L

Trầm hương là sản phẩm rất được ưa chuộng và có giá rất cao, mỗi kg trầm hương có thể có giá lên đến vài chục triệu đồng, tùy vào chất lượng của trầm hương. So với trầm hương thì kỳ nam còn hiếm và đắt đỏ hơn rất nhiều.

Từ cây dó bầu tạo thành trầm hương phải trải qua rất nhiều thời gian và tác động, tuy nhiên nhiều người dân nghĩ rằng chỉ cần trồng cây lâu năm, sau đó khoan cây rồi tiêm axit, chế phẩm sinh học vào rồi đợi vài năm thì cây sẽ cho trầm hương, thu lợi tiền tỉ.

Bà Hồng trước đây cũng trồng 400 cây dó bầu nhưng lợi nhuận không được bao nhiêu. Ảnh: H.LBà Hồng trước đây cũng trồng 400 cây dó bầu nhưng lợi nhuận không được bao nhiêu. Ảnh: H.L

Theo một người làm nghề sản xuất hương trầm trên địa bàn thôn Giang Sơn (xã Trường Thủy), dù có nhiều hộ dân xung quanh trồng rất nhiều dó bầu có tuổi đời đã lâu năm, nhưng cơ sở vẫn nhập nguyên liệu từ các nơi khác vì có chất lượng tốt hơn.