Vissai Group » Phần 1: Loạt bài viết về Hoa Lư – Ninh Bình xưa & nay

Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng long, vissaigroup.com giới thiệu loạt bài viết về Cố đô Hoa Lư xưa và Ninh Bình ngày nay để quý độc giả phần nào hiểu thêm về vùng đất ngàn năm văn hiến. Nơi đã từng là Kinh đô của nước Đại Cố Việt một giai đoạn lịch sử hào hùng của Dân tộc Việt Nam.

Bài thứ nhất: Cố đô Hoa Lư – Lịch sử & Lễ hội

Di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam có cách đây hơn 10 thế kỷ, nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam.
Kể từ năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan loạn 12 xứ quân thống nhất đất nước lên ngôi Hoàng đế đóng đô ở Hoa Lư thì kinh đô Hoa Lư tồn tại 42 năm (968 – 1010) trong đó 12 năm là triều đại nhà Đinh (Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt) và 29 năm kế tiếp là triều đại nhà Lê (người đầu tiên là Lê Hoàn lên ngôi Hoàng Đế hiệu là Lê Đại Hành).

Hơn ngàn năm trước, Hoa Lư là đế đô thật nguy nga, tráng lệ. Những núi đồi trùng điệp bao bọc xung quanh vòng đai kinh đô như tấm bình phong; sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là hào sâu thiên nhiên rất thuận lợi về mặt quân sự.
Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300 ha, gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ, khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8 – 10 mét.
Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận thôn Yên Thành, xã Trường Yên. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền Ðinh, đền Lê là trung tâm và cũng chính là nơi vua Ðinh Tiên Hoàng cắm cờ dựng nước. Trước cung điện có núi Mã Yên tương truyền vua Ðinh đã lấy nơi này làm án.
Thành Nội thuộc thôn Chi Phong, xã Trường Yên có tên là Thư nhi xã, nơi nuôi trẻ em và những người giúp việc trong cung đình.
Thành Nam (thành ở phía Nam, nằm đối diện và nối liền với khu Thành Ngoại) xung quanh có núi cao bao bọc, án ngữ phía Nam kinh thành, bảo vệ mặt sau, từ đây có thể nhanh chóng rút ra ngoài bằng đường thủy.
Phía Ðông kinh thành có núi Cột cờ – nơi có lá quốc kỳ Ðại Cồ Việt, có ghềnh tháp – nơi vua Ðinh duyệt thủy quân, hang Tiền nơi lưu giữ tài sản quốc gia, động Thiên Tôn – tiền đồn của Hoa Lư và hang nhốt hổ, báo để xử kẻ có tội.

                                              Đền Vua Đinh nhìn từ Mã Yên Sơn

Ðến đời Lê Hoàn đã cho xây thêm nhiều cung điện lộng lẫy: điện Bách Thảo Thiên Tuế, điện Phong Lưu ở phía Ðông, điện Vinh Hoa ở phía Tây, điện Bồng Lai bên tả, điện Cực Lạc bên hữu, lầu Hỏa Vân và điện Trường Xuân, điện Long Lộc được lợp ngói làm bằng bạc.
Đến năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Kinh đô Hoa Lư trở thành cố đô.
Trải qua mưa nắng hơn 10 thế kỷ, các di tích lịch sử ở cố đô Hoa Lư hầu như bị tàn phá, đổ nát. Hiện nay chỉ còn lại đền vua Ðinh và đền vua Lê được xây dựng vào thế kỷ XVII.
Ðền vua Ðinh được xây theo kiểu “Nội công ngoại quốc” trên nền cung điện chính thuở xưa, uy nghi với ngọ môn quan, hồ sen, núi Giả, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba toà bái đường, Thiêu hương và hậu cung. Tại bái đường có “Long Sàng” làm bằng đá nguyên khối với đôi nghê đá rất sống động. Tiếp đó là nhà thiêu hương thờ các vị khai quốc công thần. Trong cùng là hậu cung đặt tượng vua Ðinh Tiên Hoàng cùng các con trai ông. Các hình chạm khắc trên đá, trên gỗ với các đề tài rồng, mây, tiên nữ, hoa lá… trang trí tại đền đều khá tinh xảo.
Ðền vua Lê nằm cách đền vua Ðinh chừng 500 mét thờ vua Lê Ðại Hành. Ðền vua Lê có quy mô nhỏ hơn nhưng có có ba toà: Bái đường, Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng, người đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi; Chính cung – thờ vua Lê Ðại Hành (tức Lê Hoàn) ở giữa, bên phải là Lê Ngoạ Triều (con trai vua Lê), bên trái là Hoàng hậu Dương Vân Nga. Ðền vua Lê còn giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện. Tại đây người ta đã tìm thấy di tích nền cung điện cũ cùng một số gốm sứ cổ. Những hiện vật quý này được lưu giữ tại phòng bảo tàng phía trái khu đền.
Khu di tích Hoa Lư còn có một số ngôi chùa khá đẹp như: chùa Ngân Xuyên (gần chân núi Mã Yên), chùa Nhất Trụ (cách đền vua Lê khoảng 200 mét) thu hút được nhiều du khách đến dâng hương, vãn cảnh.
Ngoài ra, điều khiến du khách tâm đắc khi thăm khu di tích cố đô Hoa Lư là được gặp những người hướng dẫn rất thú vị. Câu chuyện về triều đại vua Ðinh, vua Lê được họ kể một cách giản dị mà vẫn sâu sắc, đặc biệt trong đó chứa đầy niềm tự hào, thành kính của những người con cố đô với tổ tiên.
Ngày nay trên nền cung điện năm xưa là hai ngôi đền cách nhau chừng 500m. Một đền thờ Đinh Tiên Hoàng và một đền thờ Lê Đại Hành. Cũng vì hai ngôi đền thờ hai vị hoàng đế rất gần nhau nên nhân dân quen gọi là đền Đinh – Lê.

Lễ hội cố đô

Hàng năm lễ hội Truyền thống Cố đô Hoa lư được tổ chức vào mùa xuânđầu tháng 3 âm lịch tại khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư để tưởng niệm công lao của các nhân vật lịch sử được nhân dân thờ tại đây mà tiêu biểu là hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Lễ hội trước đây còn có tên là lễ hội Trường Yên, lễ hội Cờ lau.

  • Lễ hội Cố đô Hoa Lư là lễ hội cổ truyền, có lịch sử từ khi Hoa Lưtrở thành Cố đô. Lễ hội còn có tên là lễ hội Cờ Lau vì có phần hội với trò diễn tái hiện cảnh Đinh Bộ Lĩnh với trò chơi “Cờ lau tập trận”.
  • Từ năm 2006, tỉnh Ninh Bình đề nghị đổi tên “Lễ hội Trường Yên” thành “Lễ hội Cố đô Hoa Lư”. Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư là một lễ hội cấp tỉnh. Đây là một lễ hội hướng về cội nguồn dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
  • Lễ hội Cố đô Hoa Lư được mở vào mùa xuân, có thể vào ngày sinh của Đinh Bộ Lĩnh (15/2 âm lịch), hoặc đầu tháng 3 bắt đầu từ 6/3 đến 10/3 âm lịch (Tương truyền, ngày 10/3 là ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, ngày 8/3 là ngày mất của vua Lê Đại Hành).
  • Không gian lễ hội: hầu hết các di tích tại khu di tích cố đô Hoa Lư như đền và lăng mộ vua Đinh, vua Lê, nhà bia tưởng niệm vua Lý, sông Hoàng Long, chùa Nhất Trụ, chùa Ngần Xuyên, đền Phất Kim .v.v.

Nhắc đến lễ hội Trường Yên dân gian có câu:

“Ai là con cháu rồng tiên

Tháng ba mở hội Trường Yên thì về”.

Phần lễ

Lễ Rước nước: Mở đầu là lễ Rước nước, Đoàn người khởi hành từ đền vua Đinh đến kiệu Long Đình trên có đặt một cái ché để đựng nước Thánh đến bên sông Hoàng Long thì dừng lại lấy nước vào ché đem về đền. Cuộc rước được chuẩn bị khá công phu. Trước ngày khai hội, ở sông Hoàng Long chọn một cây tre lớn. Trên ngọn tre có treo một dải phướn màu vàng, ghi lời chú. Nội dung những lời chú đại lược là Thần dân, con cháu trăm họ luôn nhớ ơn rồng vàng ở sông này đã cứu giúp vị Hoàng Đế nhà Đinh; Cầu mong thần sông giữ cho dòng nước mát hiền hoà, phù trợ cho dân tránh mọi điều ác dữ… Đoàn rước đi theo thứ tự dẫn đầu là những người mang cờ ngũ sắc các loại, đi hàng đôi. Kế tiếp là phường nhạc bát âm, phường trống. Tiếp đến là một kiệu bát cống lớn có hương án do tám nam thanh niên trong trang phục lính tráng nhà Đinh xưa khoẻ mạnh khiêng, tiếp theo là các vị quan khách, đại biểu trung ương, địa phương. Rồi tiếp đến là những kiệu bát cống có tán do các trinh nữ mang các lễ vật. Đoàn người đi sau là các bô lão, những đội tế nữ quan của nhiều địa phương xa gần, nhân dân và du khách.
Lễ tế: Ngay sau khi đoàn rước nước trở về sân khấu trung tâm lễ hội, tại đàn tế của khu di tích là nơi khởi điểm phần lễ tế. Sau lời diễn văn khai mạc là màn trống hội Hoa Lư, các màn diễn tái hiện lịch sử trọng đại diễn ra tại kinh đô Hoa Lư xưa như: sự kiện lên ngôi hoàng đế của Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn; đánh thắng giặc Tống; dời đô về Thăng Long và kết thúc là màn thả rồng bay lên cho tới hết buổi sáng khai mạc. Lễ tế được tiến hành sau đó cả ban ngày và ban đêm ở cả đền vua Đinh và vua Lê với nội dung ca ngợi công đức của hai vị vua, sau đó khách hành hương vào thắp hương tưởng niệm và tri ân ngưỡng tượng thờ, các công trình điêu khắc và kiến trúc xưa. Tham gia lễ tế có nhiều đoàn trong vùng.

Phần hội

Phần hội có các trò chơi dân gian đặc sắc như cờ lau tập trận, đua thuyền, múa gậy, cờ người, xếp chữ, ném còn, thi hát chèo, vật, viết chữ nho .v.. Cơ bản các trò chơi ở lễ hội cố đô Hoa Lư giống với các trò của các lễ hội dân gian Việt Nam khác. Ở đây có một số trò chơi hội đặc trưng, tiêu biểu như:

Cờ lau tập trận là trò diễn dân gian nhằm diễn tả lại những buổi tập dượt, rèn luyện của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh tuổi niên thiếu và trò chơi kéo chữ.
Tham gia màn diễn trò Cờ lau tập trận gồm 60 em thiếu niên 13-15 tuổi. Em khôi ngô nhất được chọn đóng Đinh Bộ Lĩnh, đội mũ bình thiên bằng rơm, tay cầm bông lau có tán vàng, tán tía. Quân Thung Lau, Thung Lá có chiêng, trống cái, thanh la, đứng hai bên múa hát đối đáp và diễn cảnh vua Đinh cầm cờ lau tập trận. Hội diễn thể hiện ý chí của Đinh Bộ Lĩnh và ba quân.
Xếp chữ Thái Bình: màn diễn xếp chữ Thái Bình để tưởng nhớ niên hiệu mà vua Đinh đặt khi lên ngôi, đây cũng là tên gọi của đồng tiền Thái Bình đầu tiên ở Việt Nam. Tham gia màn này có 120 thiếu nữ mặc áo tứ thân màu xanh, tay cầm cờ, theo nhịp trống giục 3 tiếng một mà chạy kéo chữ. Hàng thứ nhất kéo chữ Thái, chạy vòng lên phía trước kéo xuống thành nét “thanh”, rồi lại vòng lên phía tay trái kéo xuống thành nét “mác”, cuối cùng chạy vòng lên phía tay phải kéo xuống tạo thành nét “chấm”. Vậy là thành chữ “Thái”. Trong khi đó, ở hàng thứ 2, các em chạy và kéo chữ “Bình”. Cả hai hàng hạ cờ làm nổi rõ hai chữ “Thái bình”.
Người đẹp kinh đô Hoa Lư: Từ năm 2005 trở đi Ninh Bình đã quyết định chọn dịp lễ hội để tổ chức cuộc thi “Người đẹp kinh đô Hoa Lư” nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Người đẹp kinh đô Việt Nam”. Các vòng loại đã diễn ra trước đó, vòng chung kết diễn ra tại sân khấu lễ hội Hoa Lư.
Hội thi hát chèo: Là cái nôi sản sinh nghệ thuật sân khấu chèo, vào dịp lễ hội Hoa Lư, hội thi hát chèo diễn ra với sự tham gia của nhiều cá nhân, các đoàn nghệ thuật trong vùng. Riêng sự kiện dời đô và màn trống hội Thăng Long thường do đoàn chèo Hà Nội đảm nhiệm.

 

                    Du khách trong và ngoài nước về thăm khu di tíchVề thăm lại đất Hoa Lư lịch sử là dịp để chúng ta chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc, những nét đẹp hoành tráng của toàn bộ khu di tích, ghi dấu thời kỳ mở nước huy hoàng, độc lập, tự chủ của đất nước Đại Cồ Việt. Tham gia lễ hội để hoà mình vào lịch sử một vùng đất văn hiến nơi từng là Kinh đô trong lịch sử ngàn năm hào hùng của dân tộc Việt Nam(Vũ Huỳnh Ngọc sưu tầm và biên soạn)