Vinh danh 15 công trình, sáng kiến ‘Tri thức trẻ vì giáo dục’ năm 2020
Tối 14.11, T.Ư Đoàn đã tổ chức Lễ tổng kết 5 năm và trao giải thưởng chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020. Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng Ban dân vận T.Ư; anh Bùi Quang Huy, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam; bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã tham sự buổi lễ.
Tại lễ trao giải thưởng, anh Bùi Quang Huy cho biết, nhằm góp phần đổi mới giáo dục đào tạo, T.Ư Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”. Chương trình được xem là một điểm nhấn trong việc cụ thể hóa phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” của T.Ư Đoàn.
Trải qua 5 năm triển khai, chương trình đã thể hiện được vai trò trong việc tạo môi trường cho trí thức trẻ cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Trong 5 năm qua, đã có 2.668 công trình, sáng kiến tham gia chương trình, với sự tham gia của 2.822 tác giả đến từ 67 tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc.
Anh Bùi Quang Huy phát biểu tại chương trình
Ảnh Bảo Anh
“Sau khi tham gia và đạt giải cao trong chương trình, nhiều công trình, sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, thu hút sự quan tâm của thầy, cô giáo và các bạn học sinh, sinh viên. Một số công trình, sáng kiến tiếp tục phát triển dưới sự tư vấn của các chuyên gia đầu ngành và đã đạt được những thành quả nhất định trong các giải thưởng, chương trình như: giải thưởng Nhân tài Đất Việt, ghi danh vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam. Nhiều công trình, sáng kiến nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư và đưa đã vào thương mại hóa với quy mô lớn, phục vụ nhu cầu của đại bộ phận người dùng”, anh Huy cho hay.
3 công trình đoạt giải 100 triệu đồng
Anh Huy cũng cho biết năm 2020, chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” đã tiếp nhận được 1.132 hồ sơ công trình, sáng kiến của của 1.182 tác giả trên cả nước, từ đó chọn ra 15 công trình tiêu biểu tham dự vòng chung khảo.
“So với 4 năm trước, đây là một kết quả rất ấn tượng, là bước tiến của sự lan tỏa rộng rãi chương trình trong đối tượng trí thức trẻ. Không chỉ dừng lại ở tăng trưởng số lượng hồ sơ, chất lượng của hồ sơ ngày một nâng cao, trong đó: các đề tài nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp hữu ích; nhiều sản phẩm là công cụ hỗ trợ học tập, giảng dạy được đầu tư nghiên cứu bài bản, có sản xuất vật mẫu, có đăng ký bảo hộ quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp; nhiều sản phẩm dành cho giáo dục đã ứng dụng những công nghệ hiện đại”, anh Huy nói.
Các tác giả tham gia giao lưu tại buổi lễ trao giải
Ảnh Bảo Anh
Tại buổi lễ Ban tổ chức đã trao giải cho 15 công trình vào chung khảo, trong đó 3 sáng kiến tiêu biểu nhất được trao giải thưởng 100 triệu đồng; các công trình còn lại được nhận giải thưởng 10 triệu đồng.
Công trình sáng kiến tiêu biểu nhất gồm: Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn vật lý của tác giả Lê Thanh Liêm (Hậu Giang); Ứng dụng tư vấn hướng nghiệp JobWay, của nhóm tác giả Đào Lê Hòa An, Nguyễn Thị Hoàng Anh, Đào Lê Tâm An, Lâm Tùng (TP.HCM); Thiết bị hỗ trợ công tác dạy nghề trong lĩnh vực điều khiển tự động của tác giả Hà Quốc Trung (Bà Rịa – Vũng Tàu).
15 công trình, sáng kiến đoạt giải gồm:
1. Ứng dụng tư vấn hướng nghiệp JobWay (của nhóm tác giả Đào Lê Hòa An, Nguyễn Thị Hoàng Anh, Đào Lê Tâm An, Lâm Tùng ở TP.HCM).
2. Nền tảng xây dựng bài giảng tương tác trực tuyến lý tưởng dành cho giáo viên và học sinh (của nhóm tác giả Võ Nguyễn Đình Trí, Trần Anh Quân, Phan Đình Cường, Lê Văn Anh Tín, Hoàng Trọng Gia Huy ở Đà Nẵng).
3. Sáng chế thiết bị thí nghiệm vật lý phổ thông mới của (Nguyễn Trường Vũ, ở Thừa Thiên-Huế).
4. Thiết bị hỗ trợ công tác dạy nghề trong lĩnh vực điều khiển tự động (của Hà Quốc Trung ở Bà Rịa – Vũng Tàu).
5. Cá nhân hóa thiết bị định vị đồ dùng cho học sinh khiếm thị (của nhóm tác giả Trần Tuấn Minh, Phạm Ngọc Anh ở Bà Rịa – Vũng Tàu).
6. Thiết kế và chế tạo mô hình hiệu chỉnh động cơ giao tiếp với máy tính (của Tô Ngọc Luật, Phan Hoàng Sơn, Võ Trọng Hữu ở Vĩnh Long).
7. Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn vật lý (của Lê Thanh Liêm ở Hậu Giang).
8. Sgarden – Thiết bị hỗ trợ trồng cây cho học sinh (của Cao Thọ Hoàng Long, Hoàng Lý Đình Duy, Đinh Thị Yến Nhi ở Bà Rịa – Vũng Tàu).
9. STEM khơi nguồn sáng tạo (của Trần Trung Hiếu, Đinh Thị Thủy, Lê Thị Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Hồng Nhung ở Hà Nội).
10. Tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học cho học sinh ở trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (của Nguyễn Hữu Quyết ở Hà Nội).
11. Thiết kế, chế tạo thiết bị chống quên trẻ em trê xe ôtô (của Thân Quý Mùi, Đỗ Bảo Ngọc ở Thái Nguyên).
12. Bàn học chữ nổi dành cho học sinh khiếm thị (của Đinh Thị Giàu, Lữ Xuân Minh ở Bà Rịa – Vũng Tàu).
13. Hệ thống nhận dạng vứt rác bừa bãi tại trường, xây dựng ý thức, nếp sống văn minh cho học sinh (của Nguyễn Thị Hương Giang, Đào Thiên Long, ở Tây Ninh).
14. Ứng dụng Android “Toán học tiểu toàn thư” của Huỳnh Phú Sĩ ở Vĩnh Long).
15. Đàn piano trái cây (của Lưu Hoàng Bảo Khang, Huỳnh Hải Đăng, Lê Quang ở Trà Vinh)