Vĩnh Phúc chú trọng phát triển các sản phẩm làng nghề- nông nghiệp tiêu biểu giúp kích cầu Du lịch

Việc chú trọng phát triển song song với các chương trình triển lãm, quảng bá, tuyên truyền, xúc tiến sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trong những năm qua của Vĩnh Phúc đã giúp doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất có cơ hội tiếp cận thị trường và góp phần cho du lịch phát triển.

Với tiềm năng, thế mạnh cho phát triển du lịch sẳn có, Vĩnh Phúc đang từng bước tận dụng, phát huy những tiềm năng để đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển du lịch mang tính cạnh tranh cao, bền vững, phát huy lợi thế về du lịch văn hóa – tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Nâng cao chất lượng các dịch vụ, hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp thì việc nâng cao chất lượng các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, việc quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm đến với du khách khi cũng góp phần cho việc kích cầu du lịch của địa phương.

Hiện nay toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 19 làng nghề truyền thống và 478 hợp tác xã; trong đó, 235 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp… Ngoài ra, còn có một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng như: chăn nuôi gia cầm ở Tam Dương, chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Tường, Lập Thạch, vùng sản xuất thanh long ruột đỏ ở Lập Thach, vùng sản xuất rau an toàn, rau nguyên liệu phục vụ chế biến ở Tam Dương… Đây là tiềm năng sẵn có để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tham gia Chương trình OCOP, góp phần tạo ra những sản phẩm giá trị và có sức cạnh tranh trên thị trường.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại, cải thiện đáng kể mẫu mã, bao bì, được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin tưởng lựa chọn. Nhiều sản phẩm được các địa phương phát triển dựa trên lợi thế sẵn có, từ đó phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương. Đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 100 sản phẩm đã được phân hạng, cấp Giấy chứng nhận OCOP. Các sản phẩm nổi tiếng như bộ sản phẩm được sản xuất từ mật ong, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo Tam Đảo, rượu cỏ đĩ, gạo ngon Phú Xuân, thanh long ruột đỏ, cao rắn gia truyền Tiến Sỹ,…

Việc triển khai xây dựng hệ thống các sản phẩm quà tặng du lịch với mục tiêu xây dựng những sản phẩm chất lượng cao, mang đậm nét văn hóa đặc trưng vùng miền tại các khu du lịch để du khách mua làm quà lưu niệm, sử dụng, biếu tặng nhằm tạo dấu ấn, kích cầu tiêu dùng của du khách mỗi khi đặt chân đến Vĩnh Phúc đã có những kết quả tích cực. Thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển.

Bên cạnh việc phát triển mẫu mã, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch thì thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng việc quảng bá, xúc tiến, giới thiệu các sản phẩm đến tay người tiêu dùng, du kháchBên cạnh việc phát triển mẫu mã, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch thì thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng việc quảng bá, xúc tiến, giới thiệu các sản phẩm đến tay người tiêu dùng, du khách.

Trong thời gian tới, để du khách thập phương biết đến các sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của tỉnh mỗi khi đến, tỉnh Vĩnh Phúc đã mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều mẫu, sản phẩm đã được tỉnh lựa chọn vào các gian hàng trưng bày sản phẩm của tỉnh tại các chương trình, ngày hội du lịch, hội chợ thương mại tổ chức trên địa bàn tỉnh và nhiều địa phương trong cả nước.

Nhiều DN, đơn vị đã không ngừng sáng tạo, tìm tòi hướng đi để lan tỏa sản phẩm đặc trưng của quê hương mình, trong đó, việc phát triển, sử dụng các sản phẩm OCOP làm quà tặng, sản phẩm lưu niệm đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan chức năng tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ đúng mức và nhiều mặt cho các đơn vị, DN đẩy mạnh nghiên cứu, kinh doanh bộ quà tặng, sản phẩm lưu niệm du lịch từ các sản phẩm OCOP sẽ góp phần tạo “cú huých” thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh “cất cánh”.

Đức Nam