Vĩnh Phúc: Tạo đột phá trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính trong từng giai đoạn theo quy định, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác kiểm soát, công bố, công khai và thực hiện thủ tục hành chính.
Ban hành quy chế phối hợp, quy định rõ thời gian giải quyết và trách nhiệm giữa các cơ quan hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị; Rút ngắn 20% thời hạn giải quyết của 825 thủ tục hành chính có thời hạn giải quyết trên 10 ngày làm việc.
Tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; Chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính chậm; Xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Người dân được hướng dẫn thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công
Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã công bố hơn 6.600 lượt nội dung các thủ tục hành chính được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Tất cả các thủ tục hành chính sau khi được công bố đều được niêm yết, công khai tại nơi tiếp nhận hồ sơ của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và được cập nhật kịp thời lên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và được kết nối, tích hợp, đồng bộ tại Cổng Dịch vụ công; Trên hệ thống thông tin một cửa dùng chung, Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh và các trang thông tin của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố.
Điểm nổi bật trong công tác kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính là các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng tăng cường trách nhiệm giải trình trong thực hiện thủ tục hành chính, kiểm soát quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; Có phiếu biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả; Sổ theo dõi tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả; Có văn bản nêu rõ lý do gửi cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trong trường hợp xin gia hạn thời gian giải quyết, đề nghị bổ sung, hoàn thiện hoặc từ chối giải quyết hồ sơ.
Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trường cho biết, trung tâm thường xuyên chấn chỉnh phong cách, thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, đẩy mạnh thu phí, lệ phí trực tuyến. Sáu tháng đầu năm 2021, số hồ sơ trả trước hạn và đúng hạn đạt 99,49%…
Tại huyện Yên Lạc, đến nay địa phương đã triển khai 290 dịch vụ công cấp huyện, 100 dịch vụ công cấp xã; Trong đó, 46 dịch vụ công trực tuyến cấp huyện và 32 dịch vụ công cấp xã đạt mức độ 3, 4. Tính từ ngày 1/1 đến 10/9/2021, bộ phận một cửa cấp huyện tiếp nhận 1.513 hồ sơ, trong đó giải quyết 1.447 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 99,03%; Bộ phận một cửa các xã, thị trấn tiếp nhận 13.804 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 13.648 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt xấp xỉ 94%. Phần lớn các hồ sơ được giải quyết qua ứng dụng công nghệ thông tin góp phần bảo vệ an toàn cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Còn tại huyện Vĩnh Tường, trong 7 tháng năm 2021, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” cấp huyện và các xã, thị trấn đã giải quyết đúng và trước hạn đạt trên 80%. Tổng số TTHC đang thực hiện ở cấp huyện là 238 thủ tục, cấp xã là 80 thủ tục được tiếp nhận và trả kết quả giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính và thực hiện mục tiêu tăng bậc trong bảng xếp hạng cải cách hành chính cấp huyện năm 2021, huyện Lập Thạch đã kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung những thủ tục không còn phù hợp. Từ đầu năm 2021, bộ phận một cửa của huyện tiếp nhận trên 5.000 hồ sơ, đã giải quyết hơn 4.000 hồ sơ; Trong đó, gần 90% tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn.
Là một trong những điểm sáng về công tác cải cách hành chính ở huyện Lập Thạch, tại bộ phận một cửa UBND xã Tử Du vào cuối giờ chiều ngày cuối tuần nhưng vẫn còn khá đông người dân đến làm thủ tục về đất đai, hộ tịch… Khi phóng viên bày tỏ sự lo ngại về thời gian còn lại không đủ để giải quyết hết số hồ sơ tồn đọng, một người dân niềm nở chia sẻ: “Không phải lo ngại vì ở đây hôm nào nhiều hồ sơ, cán bộ sẽ làm thêm giờ để giải quyết dứt điểm, không để lại đến hôm sau”. Với sự chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ một cửa, chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, tất cả các trường hợp đều được giải quyết nhanh gọn, đúng trình tự. Nhờ đó, từ đầu năm 2021 đến nay, xã đã giải quyết trước hạn gần 400 hồ sơ đã tiếp nhận, đạt tỷ lệ trên 80% và không có hồ sơ giải quyết quá hạn.
Cùng với đó, các sở, ban, ngành, địa phương đã tăng cường thực hiện các giải pháp, sáng kiến đẩy mạnh cải cách quá trình giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Rút ngắn quy trình xử lý, cắt giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính được giải quyết trên thực tế so với trình tự, thời gian thực hiện thủ tục hành chính được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó, tỷ lệ trung bình hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh ở cả 3 cấp đạt 95,5%.
Nhằm thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” đảm bảo hiệu quả, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh. Hiện, cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được triển khai tại 136/136 xã, phường, thị trấn; 100% các đơn vị cấp huyện và các sở, ban, ngành của tỉnh.
Đến nay, hầu hết các sở, ngành đã đưa 100% thủ tục hành chính vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. UBND tỉnh đã phê duyệt quy trình nội bộ hơn 1.000 thủ tục hành chính, trong đó, việc luân chuyển hồ sơ, kết quả giữa các cơ quan chuyên môn và UBND tỉnh, UBND cấp huyện thông qua bộ phận “Một cửa” và cập nhật trên hệ thống thông tin một cửa điện tử theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và việc thực hiện quy định hành chính được UBND tỉnh thường xuyên quan tâm và chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc theo quy định.
Người dân đến nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại “Một cửa liên thông”
Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND tỉnh tiếp nhận 21 lượt phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức. Các phản ánh, kiến nghị đã giao cho các cơ quan có liên quan, xử lý theo quy định, qua đó tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Cũng từ năm 2011 đến nay, Văn phòng UBND tỉnh và Sở Tư pháp đã tổ chức các Đoàn kiểm tra về việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại 20 sở, ngành. Thông qua đó, giúp công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các đơn vị, địa phương dần đi vào nền nếp.
Nhờ vậy, 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh thu hút được 48 dự án mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 9,62% so với cùng kỳ, là mức tăng cao so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và bình quân cả nước. Những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đã được Đoàn kiểm tra và các đơn vị, địa phương làm rõ, thống nhất biện pháp tháo gỡ, khắc phục những hạn chế, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân.
Qua kiểm tra, đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành một số văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh về công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Việc kiểm soát tốt các thủ tục hành chính và thực hiện hiệu quả cơ chế “Một cửa” và “Một cửa liên thông” đã tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021