Vĩnh Phúc: Điểm sáng trong công tác cải cách hành chính

Bứt phá để vươn lên dẫn đầu

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính nhà nước đã được các cấp, các ngành tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện.

Thể chế nền hành chính được cải cách và hoàn thiện hơn, cơ bản phát huy dân chủ, công khai, minh bạch. Công tác ban hành văn bản được tiếp tục đổi mới về chất lượng, nội dung và quy trình. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về cải cách hành chính và tinh thần, thái độ, ý thức, trách nhiệm trong giải quyết công việc không ngừng được nâng cao.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và mang lại hiệu quả thiết thực. Bộ máy hành chính nhà nước được tổ chức khoa học, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.


Cải cách hành chính góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. 

Thủ tục hành chính được đơn giản hóa, thời gian giải quyết được rút ngắn. Qua đó tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân trong thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước có nhiều cải thiện tích cực. Với phương châm phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt các cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư của tỉnh, các chỉ tiêu đều đạt và vượt nhiều so với mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 60/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Kết quả, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS) của tỉnh luôn được cải thiện và duy trì trong nhóm các địa phương đạt kết quả cao.

Đặc biệt, Vĩnh Phúc đã có nhiều sáng kiến, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính như áp dụng phần mềm Zalo trong việc tra cứu, thông báo tình trạng giải quyết và kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Phối hợp với Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc kết nối liên thông giữa phần mềm “Một cửa hành chính công” và phần mềm chuyển phát nhanh (EMS) để thực hiện tiếp nhận và đăng ký dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Chuyển kinh phí thi đua khen thưởng đối với tập thể và cá nhân được khen thưởng qua tài khoản. Cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thi đua khen thưởng từ 25 ngày xuống còn 12 ngày, giảm 13 ngày so với quy định của Trung ương…

Hằng năm, tỉnh Vĩnh Phúc đều tiến hành điều tra, khảo sát sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công. Qua khảo sát, mức độ hài lòng trung bình của các dịch vụ công đạt trên 80%. Năm 2017, Chỉ số SIPAS của Vĩnh Phúc đạt 95,75%, xếp thứ nhất trên 63 tỉnh, thành phố. Năm 2018, đạt 88,2%, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Năm 2019, đạt 83,37%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố. 

Tỉnh áp dụng phần mềm ứng dụng dùng chung (tỉnh, huyện, xã liên thông ngang, dọc) cho bộ phận một cửa các cấp. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, Hội đồng thẩm định Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đã thẩm định và công nhận 157 sáng kiến tiêu biểu của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Theo kết quả công bố từ Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính của Vĩnh Phúc đã có sự bứt phá ngoạn mục, vươn lên xếp vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành phố với tổng điểm 89,28%, tăng 10 bậc so với năm 2020. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt 8,70/10 điểm, đạt 87,14%, xếp thứ 29/63 tỉnh thành phố.

Đến hết tháng 10/2022, toàn tỉnh đã tích hợp và cung cấp gần 2.000 dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Riêng 10 tháng năm 2022, các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tiếp nhận 121.640 hồ sơ thủ tục hành chính, với tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt trên 99%.

Cải cách hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân

Với những thành quả đạt được, Vĩnh Phúc được coi là điểm sáng trong công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc chưa quyết liệt; việc công khai hóa thủ tục hành chính, áp dụng phần mềm tin học trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính còn chậm so với yêu cầu đề ra; vẫn còn tình trạng chậm hạn trong giải quyết thủ tục hành chính…

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 –  2030 và thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả một số nội dung, cụ thể:

Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh ở địa phương. 


UBND tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt
các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước, tập trung nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết và tối ưu quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông với mục tiêu thực hiện phi địa giới hành chính trên môi trường điện tử và đa dạng hóa phương thức tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ công khai, minh bạch hướng đến sự hài lòng cao của người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng trong việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước.

Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đổi mới phương thức tuyển dụng, bổ nhiệm, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đổi mới đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức đúng thực chất, gắn thẩm quyền với trách nhiệm người đứng đầu.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác cải cách hành chính gắn với kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ nhằm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và khung năng lực theo quy định.

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương…

Tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ thúc đẩy xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Tập trung nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4…

Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp

Nhằm thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tại Vĩnh Phúc, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Để hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, công dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương đã và đang được thực hiện tốt.

Các dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình Đề án 06 Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đang được các sở, ngành tích cực triển khai. Đối với 11 dịch vụ công thiết yếu của Công an tỉnh, từ tháng 7/2022 đến nay đã có trên 90% thủ tục hành chính được tiếp nhận trực tuyến, hoàn thành 11/11 dịch vụ công trực tuyến theo đề án;. Đối với 14 dịch vụ công thiết yếu của các ngành, đã tiếp nhận trên 189.190 hồ sơ, trong đó có 25.235 hồ sơ trực tuyến.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường và đối tác đầu tư; xây dựng tài liệu, cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến đầu tư. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách đầu tư. Chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư nhằm kịp thời giải quyết, tạo lập và củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư đã và đang thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến ngày 15/10/2022, toàn tỉnh có 1.123 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 20.531 tỷ đồng, tăng 18,7% về số doanh nghiệp, tăng gần gấp đôi về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực với 407 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2022 lên 1.530 doanh nghiệp. Như vậy, trung bình mỗi tháng, trên địa bàn tỉnh có 153 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Yên Sơn