Viết hoa trong văn bản hành chính như thế nào là đúng ?! – Câu lạc bộ Toán Tiểu học Lộc Hà, Hà Tĩnh

10-3-2014_8-10-35_pm

Ngày 19/01/2011, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 01/2011/TT-BNV hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính, nhưng trong thực tế ở các nhà trường và cơ quan hành chính đang có nhiều chỗ chưa thống nhất. Toán Tiểu học Lộc Hà trao đổi một số nội dung xung quanh việc viết hoa trong các văn bản hành chính như sau để các bạn tham khảo và tiếp tục trao đổi, bổ sung:

1. Văn bản hành chính bao gồm

Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế; quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản cam kết, bản thỏa thuận, giấy chứng nhận, giấy ủy quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, giấy đi đường, giấy biên nhận hồ sơ, phiếu gửi, phiếu chuyển, thư công.

2. Viết hoa vì phép đặt câu và sử dụng dấu

– Sau khi xuống dòng, viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu dòng (sau khi xuống dòng, chữ cái đầu của âm tiết đầu dòng phải viết hoa).

– Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất của câu nằm sau dấu chấm câu (.); sau dấu chấm hỏi (?); sau dấu chấm than (!); sau dấu hai chấm mở ngoặc kép (: “).

– Sau dấu hai chấm, có thể viết hoa, có thể không viết hoa, tùy thuộc từng trường hợp.

+ Viết hoa trong trường hợp liệt kê thành phần vị ngữ của câu đơn có động từ “là”, hoặc trong thành phần vị ngữ có các từ biểu thị sự liệt kê ở sau các từ “sau đây”, “như sau”, “để”.

Ví dụ: Một số yêu cầu khi viết bài trên diễn đàn là: Viết đúng chính tả; trình bày dễ nhìn; không sử dụng các ngôn ngữ thiếu văn hóa. Họ tự hỏi: Không biết tương lai đi về đâu.

+ Không viết hoa trong trường hợp cần giải thích, thuyết minh cho một phần trong câu.

Ví dụ: Cầu vồng có bảy màu cơ bản: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Năm nay các loại rau như: rau muống, mồng tơi, su hào, bắp cải đều lên giá. Chiến công kì diệu đã diễn ra trong thời gian rất ngắn: năm mươi lăm ngày đêm. Hoa bưởi thơm rồi: đêm đã khuya.

– Sau dấu phẩy (,); sau dấu chấm phẩy (;); sau dấu chấm lửng (…) không viết hoa. Trừ trường hợp dấu chấm lửng nằm ở cuối câu, trong nó có chứa một dấu chấm câu (.).

Ví dụ: Rau muống, mồng tơi, su hào, bắp cải… đều lên giá. Lũ trẻ cầm lên từng thứ, coi đi coi lại, coi quyển sách, coi bức tranh, coi cái áo, coi cái quần… Sau đó bỏ tất cả vào túi và chạy ra đường.

– Trong dấu ngoặc kép (” “) và dấu ngoặc đơn ( ) nói chung không viết hoa. Trừ trường hợp mệnh đề trong dấu phải viết hoa vì một lý do khác, như: Sau dấu (: “); một câu trích dẫn; tên của một phong trào; tên của danh hiệu thi đua.

Ví dụ 1: Chúng tôi đều được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Nó thành thật trả lời: “Tôi đã lấy những thứ đó”. Câu “Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” là có ý khuyên người ta cẩn trọng trong ăn ở, đừng để tiếng xấu ở đời.  

Ví dụ 2: Chúng đề xướng nào là văn nghệ “chủ quan”, “viễn kiến”, nào là triết lý “duy linh”. Có lẽ các anh chị ở đây đều theo chiều hướng “trăm năm cô đơn” hết cả rồi. Nhân dân ta đang trau dồi đạo đức của những người lao động “ta vì mọi người, mọi người vì ta”. Tiếng trống của phìa ( trưởng) thúc gọi nộp thuế vẫn rền rĩ. Anh ấy không đến dự đám cưới của Vân (bảo là bận) nhưng mọi người  đều hiểu anh ấy không tán thành đám cưới này. Tôi quen anh (rất tình cờ) qua một người bạn thân.

– Sau dấu gạch ngang (-) không viết hoa. Trừ trường hợp phải viết hoa vì lí do khác, như dấu gạch ngang nằm ở đầu dòng.

Ví dụ: Chồng chị – anh Nguyễn Văn Dậu – tuy mới hai mươi sáu tuổi nhưng đã học nghề làm ruộng đến mười bảy năm. Một số biên tập viên, vì nhiều lý do – trong đó có lý do được viện dẫn nhiều nhất là “không có thời gian” – đã để cho các sai sót xuất hiện trên mặt báo.

Chú ý:

– Cuối một mệnh đề, một câu phải dùng dấu câu. Hiện nay tiếng Việt dùng mười dấu câu là: dấu chấm (.); dấu hỏi (?); dấu cảm (!); dấu lửng (…); dấu hai chấm (:); dấu chấm phẩy (;); dấu phẩy (,); dấu ngoặc kép (” “); dấu ngoặc đơn ( ); dấu ngang (-). Trước dấu chấm, dấu hỏi, dấu cảm, dấu hai chấm, dấu chấm phẩy, dấu phẩy không có ký tự trống, sau các dấu này để trống một ký tự. Trước và sau dấu ngoặc kép “”, dấu ngoặc đơn ( ), dấu gạch ngang (-) có một ký tự trống (phía trong dấu ngoặc kép và dấu ngoặc đơn không có ký tự trống.

Ví dụ: Chồng chị – anh Nguyễn Văn Nam – tuy mới hai mươi tuổi nhưng đã làm thợ đến mười năm. Chúng tôi được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Văn học nghệ thuật là gì, xưa nay người ta định nghĩa nhiều rồi. (Phạm Văn Đồng)

– Cần phân biệt dấu gạch ngang với dấu nối. Dấu gạch ngang dùng để chỉ danh giới của thành phần chú thích; đặt trước những lời đối thoại; đặt ở đầu những bộ phận cần liệt kê, mỗi bộ phận cần trình bày riêng thành một dòng; đặt giữa hai hay ba, bốn tên riêng, hay ở giữa con số để ghép lại, để chỉ một liên doanh, một liên số. Trước và sau dấu gạch ngang có cách một ký tự. Dấu nối (-) không phải là dấu câu. Dấu nối thường dùng trong trường hợp phiên âm từ tiếng nước ngoài; dùng trong trường hợp liên kết hai hoặc nhiều từ thành một từ. Trước và sau dấu nối không có ký tự trống.

Ví dụ 1: Cầu truyền hình Hà Nội – Huế – TP. Hồ Chí Minh đã sẵn sàng. Văn học Việt Nam thời kỳ 1930 – 1945 có nhiều tác phẩm đáng để đọc. Các năm học trong thời kỳ 2001 – 2010. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin.

Ví dụ 2: Lê-nin; Lê-nin-grát; po-li-me; pô-pơ-lin; năm học 2010-2011.

– Có thể lược bớt một số dấu phẩy, dấu hai chấm để cho câu trong sáng, phù hợp với ngữ điệu khi đọc. Trong tên của người, tên của đơn vị, tổ chức không nên dùng các dấu câu. 

Ví dụ 1: Lúc ấy Mai cũng vừa tới bản Đáy. Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột thì Đảng vẫn đau thương. Hầm chông hố chông trong ruộng lúa được nước lụt che, thằng giặc chẳng biết đâu mà mò. (Sau các từ đậm có thể đặt dấu phẩy)

Ví dụ 2: Một đoàn cán bộ, doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh gồm Sở Thương mại, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Ban Chủ nhiệm CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao đã đến Hà Nội. Đoàn đã đi thăm và làm việc tại các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn. Ông Trần Kiều cho biết đã triển khai thực nghiệm môn Tin học tại hơn 100 trường PTTH. (Sau từ đậm có thể đặt dấu hai chấm)

Ví dụ 3: Phó Giáo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng; Giáo Viện sĩ Nguyễn Văn H; Phòng Hành chính Tổng hợp; Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường; Khoa Tài chính Ngân hàng.

– Trong các bài viết, thống nhất dùng cách viết chữ “một”, “hai”, “ba”, … thay cho số “1”, “2”, “3” trong một câu văn; trừ phi con số có đơn vị đo lường kèm theo sau hoặc con số nằm trong danh sách, bảng số liệu.

Ví dụ: Trong sáu năm gần đây, đơn vị đã được tặng ba Bằng khen.

3. Viết hoa danh từ riêng chỉ tên người

– Tên người ViệtNam: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết của danh từ riêng chỉ tên người, tên hiệu, tên gọi lịch sử.

Ví dụ: Nguyễn Ái Quốc; Trần Phú; Nguyễn Thị Minh Khai; Giàng A Pao; Vua Hùng Vương; Bà Triệu; Ông Gióng; Bác Hồ; Cụ Hồ.

– Tên người nước ngoài được phiên chuyển sang tiếng Việt: Trường hợp phiên âm qua âm Hán – Việt, viết theo quy tắc viết tên người ViệtNam; trường hợp phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ, viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất trong mỗi thành tố.

Ví dụ: Kim Nhật Thành; Mao Trạch Đông; Thành Cát Tư Hãn; Vla-đi-mia I-lích Lê-nin; Phri-đrích Ăng-ghen; Phi-đen Cat-xtơ-rô.

4. Viết hoa tên địa lý

– Tên địa lý ViệtNam:

+ Thông thường, chỉ viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng và không dùng gạch nối.

Ví dụ: tỉnh Nam Định; tỉnh Đắc Lắc, tỉnh Kon Tum; thành phố Đà Nẵng; thành phố Thái Nguyên; thị trấn Cầu Giát; quận Hải Châu; phường Thanh Bình; huyện Krông Pa, huyện Ea H’leo; xã Ia Rtô, xã Ia Yeng.

+ Trường hợp tên đơn vị hành chính được cấu tạo danh từ chung kết hợp với chữ số, tên người, tên sự kiện lịch sử: Viết hoa cả danh từ chung chỉ đơn vị hành chính đó.

Ví dụ: Quận 1; Thành phố Hồ Chí Minh; Phường Điện Biên Phủ; Quận Lê Chân.

+ Trường hợp đặc biệt. Ví dụ: Thủ đô Hà Nội.

+ Trường hợp tên địa lý được cấu tạo giữa danh từ chung chỉ địa hình (biển, cửa, bến, vũng, lạch, vàm, buôn, bản, v. v…) với danh từ riêng (có một âm tiết) trở thành tên riêng của địa danh đó: Viết hoa tất cả các chữ cái tạo nên địa danh.

        Ví dụ: Cửa Lò, Bến Thành, Vũng Tàu, Lạch Trường, Vàm Cỏ, Buôn Hồ.

+ Trường hợp tên địa lý chỉ một vùng, miền, khu vực được cấu tạo bằng từ chỉ phương hướng kết hợp với từ chỉ phương hướng khác: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi.

Ví dụ: Bắc Bộ, Nam Kỳ, Nam Trung Bộ; Đông Bắc; Tây Bắc; Miền Nam Việt Nam; Miền Bắc.

– Tên địa lý nước ngoài được phiên chuyển sang tiếng Việt:

+ Tên địa danh đã phiên chuyển sang âm Hán Việt: Viết theo quy tắc viết hoa tên địa lý ViệtNam.

Ví dụ: Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Pháp, Anh, Mỹ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha…
+ Tên địa danh phiên âm không qua âm Hán Việt (phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa theo quy tắc viết hoa tên người nước ngoài.

         Ví dụ: Mát-xcơ-va, Men-bơn, Sing-ga-po, Cô-pen-ha-ghen, Béc-lin…

4. Viết hoa tên cơ quan, tổ chức

– Tên cơ quan, tổ chức của ViệtNam: Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Ví dụ:

+ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đảng uỷ Quân sự Trung ương; Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn.

+ Bộ Nội vụ; Tổng cục Thuế; Tổng cục Du lịch; Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước; Tổng công ty Dầu khí Việt Nam; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam…

+ Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh; Ủy ban nhân dân Quận Ba Đình; Ủy ban nhân dân huyện Vụ Bản; Ủy ban nhân dân Phường Điện Biên Phủ…

+ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Trung học phổ thông Chu Văn An; Trường Tiểu học Thành Công.

+ Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam; Trung tâm Tư vấn Giám sát chất lượng công trình; Xí nghiệp Trắc địa Bản đồ 305; Công ty Đo đạc Địa chính và Công trình; Hội đồng Thi tuyển viên chức; Hội Người cao tuổi Hà Nội.

+ Trường Đại học Sư phạm; Ban Thanh tra Pháp chế và Thi đua; Phòng Nghiên cứu khoa học; Phòng Chính sách xã hội; Khoa Cơ khí; Bộ môn Công nghệ Chế tạo Máy; Bộ môn Nguyên lý Chi tiết máy; Hội Sinh viên Trường Đại học Bách khoa; Hội Cựu chiến binh Đại học Đà Nẵng.

– Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài:

+ Đối với tên cơ quan, tổ chức nước ngoài đã dịch nghĩa: Viết hoa theo quy tắc viết tên cơ quan tổ chức của ViệtNam.  

Ví dụ: Liên hợp quốc (UN); Tổ chức Y tế thế giới (WHO); Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

+ Đối với tên cơ quan, tổ chức nước ngoài được sử dụng trong văn bản ở dạng viết tắt: Viết bằng chữ in hoa như nguyên ngữ hoặc chuyển tự La-tinh nếu nguyên ngữ không thuộc hệ La-tinh.

Ví dụ: WTO, UNDP, UNESCO, SARBICA…

4. Viết hoa các trường hợp khác

– Tên các huân chương, huy chương, các danh hiệu vinh dự: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết của các thành tố tạo thành tên riêng và các từ chỉ thứ hạng.

Ví dụ: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Sao vàng; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang; Bằng Tổ quốc ghi công; Giải thưởng Nhà nước; Nghệ sĩ Nhân dân; Nhà giáo Ưu tú; Anh hùng Lao động.

– Viết hoa tên chức vụ, học vị nếu đi liền với tên người cụ thể.

Ví dụ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó Thủ tướng; Phó Tổng Cục trưởng; Phó Giám đốc; Trưởng Phòng; Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn H; Tiến sĩ khoa học Phạm Văn M.

– Viết hoa danh từ chung đã riêng hóa.

Ví dụ: Bác, Người (chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đảng (chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam). Chúng tôi đã đến thăm một trường đại học ở Miền Trung. Đó là Trường Đại học Bách khoa. Đa số giảng viên của Trường có trình độ trên đại học.

– Viết hoa tên các ngày lễ, ngày kỷ niệm.

Ví dụ: ngày Quốc khánh 2-9; ngày Quốc tế Lao động 1-5; ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10; ngày Lưu trữ Việt Nam lần thứ Nhất.

– Viết hoa tên các sự kiện lịch sử và các triều đại.

Ví dụ: Phong trào Cần vương; Cách mạng tháng Tám; Phong trào Phụ nữ Ba đảm đang; Triều Lý; Triều Trần.

– Viết hoa tên các loại văn bản và các điều khoản trong văn bản.

Ví dụ: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng; Bộ luật Dân sự; Luật Giao dịch điện tử; căn cứ Điều 10 Bộ luật Lao động; căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 5 của Luật Giao dịch điện tử.

– Viết hoa tên các tác phẩm, sách báo, tạp chí.

Ví dụ: tác phẩm Đường kách mệnh; từ điển Bách khoa toàn thư; tạp chí Cộng sản.   

– Viết hoa tên các năm âm lịch, ngày tiết, ngày lễ, ngày và tháng trong năm.

Ví dụ: năm Kỷ Tỵ; Tân Hợi; tiết Lập xuân; tết Đoan ngọ; tết Nguyên đán; tết Trung thu; thứ Hai;Hai; thứ Tư; tháng Năm; tháng Tám.

– Viết hoa tên gọi tôn giáo, giáo phái, ngày lễ tôn giáo.

Ví dụ: đạo Cơ Đốc; đạo Tin Lành; đạo Hòa Hảo;… Nho giáo; Thiên chúa giáo; Hồi giáo;… lễ Phục sinh; lễ Phật đản.

Ghi chú: Một số từ có hai cách viết, được dùng trong các văn bản đang có hiệu lực.

Ví dụ: “Huân chương Lao động” hạng nhì; Huân chương Lao động hạng Nhì; “Tập thể lao động tiên tiến”; Tập thể Lao động tiên tiến; “Tập thể lao động xuất sắc”; Tập thể Lao động xuất sắc. 

Trân trọng kính mời các bạn tiếp tục trao đổi để hoàn thiện hơn!

(Nguồn Tham khảo qua Internet)

Số lượt xem: 10327