Viết bài giới thiệu sản phẩm [Cách viết tăng tỷ lệ chuyển đổi] | Kim_Content
Đây là bài viết thứ 3 của chuỗi “bài quảng cáo”. Bài đầu tiên bàn về tư duy khi viết, bài thứ 2 bàn về tiêu đề gây sự chú ý, được xem như là phần “mở bài” của bài quảng cáo. Còn bài viết này mình sẽ bàn cách viết bài giới thiệu sản phẩm, hay nói cách khác là tập trung về “thân bài”và “kết bài”, là phần sẽ giữ chân người đọc và thôi thúc họ hành động sau khi họ đã bị tiêu đề thu hút.
Lợi ích sản phẩm: Phần duy trì sự chú ý của độc giả
Nếu như một tiêu đề gây tò mò đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình là gây sự chú ý của người đọc vào bài quảng cáo thì duy trì sự chú ý lại là một việc hoàn toàn khác.
Nếu chỉ trình bày lợi ích của sản phẩm bằng cách liệt kê thì bài quảng cáo sẽ chỉ là nơi bạn nói về chính mình. Mục tiêu cuối cùng của quảng cáo là bán được hàng, nghĩa là bạn phải cho khách hàng cảm nhận rằng “đây chính là sản phẩm mình cần”, “bài quảng cáo này đang nói về mình” và nó sẽ giải quyết được vấn đề mình đang gặp phải.
Vì thế, là một người viết nội dung quảng cáo, bạn cần phải đóng cả hai vai trò: Là người mua hàng và cũng là nhà sản xuất để vừa giữ chân được họ đọc quảng cáo, đồng thời đạt được mục tiêu bán hàng như kỳ vọng.
Với vai trò là nhà sản xuất, bạn cần phải hiểu thật rõ về sản phẩm của mình. Đó là những kiến thức cơ bản và thông số của sản phẩm, là thành phần, chất lượng, độ bền, chế độ bảo hành, ưu điểm vượt trội, v.v…
Với vai trò là người mua hàng, bạn cần phải biết họ muốn gì từ sản phẩm của mình (insigh). Thấu hiểu insight khách hàng thật kỹ sẽ giúp bạn có ý tưởng rõ ràng (dựa trên kiến thức về sản phẩm) về cách trình bày sản phẩm và phương pháp “chạm” vào họ như thế nào là tốt nhất.
Cách viết lợi ích sản phẩm “chạm” vào khách hàng
Bí quyết để trình bày lợi ích sản phẩm “chạm” vào khách hàng là tập trung nhấn mạnh vào điểm thu hút về mặt cảm xúc và bản năng của độc giả trong bài quảng cáo vì đây cũng là động lực cơ bản nhất của con người trong đời sống thường ngày.
Vậy làm thế nào để gắn liền sản phẩm của bạn với những ưu điểm và lợi ích cụ thể mà người đọc đang khao khát? Những cách viết dưới đây sẽ giúp bạn.
(1) Áp dụng 2 công thức viết “chạm” vào khách hàng
Để khơi gợi khao khát sử dụng sản phẩm trong họ, bạn hãy cố gắng “chạm” vào họ càng nhiều lần càng tốt thông qua hình ảnh và nội dung của bài quảng cáo. Để làm được điều này, mình nhắc lại 2 cách tiếp cận độc giả đã đề cập ở bài trước. Đó là: Tiếp cận tích cực và tiếp cận tiêu cực. Hai công thức viết content bán hàng này đều “chạm” vào độc giả theo hai hướng khác nhau nhưng đều cùng mục tiêu thu hút sự chú ý của họ và duy trì sự chú ý này.
- Tiếp cận tích cực là khơi gợi sự thích thú từ họ và đưa vào giá trị cộng thêm cho họ, ví dụ như họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn, hài lòng hơn, v.v.. khi sử dụng sản phẩm này.
- Tiếp cận tiêu cực là đề cập đến nối đau, sự mất mát mà khách hàng gặp phải và sản phẩm của bạn sẽ giúp họ giảm thiểu được những cảm xúc tiêu cực này.
(2) Viết cụ thể – càng cụ thể càng tốt
Viết cụ thể về những mong muốn, khao khát căn bản nhất của con người. Đó có thể là những khao khát về:
- Sưc khoẻ
- Sự giàu có
- Ngoại hình đẹp
- Thời gian
- Sự nổi tiếng
- Tự do thoải mái
- Thành đạt
Và họ mong muốn trở thành:
- Những người làm cha mẹ tốt nhất
- Người giao tiếp rộng
- Người hào phóng
- Người có tầm ảnh hưởng
- Người thu hút đám đông
- Người có quyền lực
- Người giàu có
Danh sách một vài những khao khát, mong muốn của con người trên đây đồng thời cũng chính là động cơ mua hàng của họ. Bạn sẽ gắn liền sản phẩm của mình với những ưu điểm và lợi ích mà độc giả khao khát muốn trở thành hoặc cả những bất lợi mà họ muốn giảm thiểu như sự lo âu, rủi ro và xấu hổ, v.v…
Việc bạn đầu tư tìm hiểu về tâm lý khách hàng mang lại rất nhiều lợi ích. Nó giúp loại bỏ những chi tiết thừa trong bài quảng cáo và tiệm cận nhất đến khách hàng mục tiêu.
Đọc thêm:
(3) Đoạn văn đầu tiên: “Cây cầu” chuyển tiếp sự chú ý của độc giả
Như ta đã biết, “sức mạnh” của bài quảng cáo nằm ở tiêu đề và hình thức trình bày (bao gồm cả hình ảnh minh hoạ trong này) vì nó có nhiệm vụ thu hút sự chú ý của độc giả. Nếu sự kết hợp này đủ lớn thì sự chú ý của họ sẽ được chuyển đến đến phần tiếp theo của bài quảng cáo. Đoạn văn đầu tiên chính là “cây cầu” chuyển tiếp này và nó cũng có nhiệm vụ thuyết phục độc giả rất lớn vì nó sẽ quyết định độc giả có đọc tiếp bài quảng cáo hay không.
Tuy nhiên, giữa một loạt các ưu điểm và lợi ích của sản phẩm thì bạn nên chọn cái nào để đủ sức lôi kéo khách hàng và thúc đẩy họ đọc tiếp một cách tự nhiên nhất ? Đó là bạn có thể bắt đầu bằng một câu hỏi xác đáng hoặc “khiêu khích” khiến độc giả quan tâm ngay và phải đọc tiếp để tìm câu trả lời. Trình bày ngắn gọn, dễ hiểu và dứt khoát những lợi ích nổi bật của sản phẩm. Hãy chỉ cho độc giả cách lấy thứ mà họ đang muốn bằng cách hé lộ dần phần thưởng cho những độc gỉả đọc hết bài giới thiệu như đã hứa hẹn ở phần tiêu đề.
(4) Chứng minh sản phẩm là lựa chọn phù hợp nhất với khách hàng
Nếu như trình bày lợi ích sản phẩm là yếu tố đánh vào cảm xúc của khách hàng thì chứng minh sản phẩm là lựa chọn phù hợp với khách hàng nhất là yếu tố đánh vào lí trí của họ. Đây cũng là việc bạn phải làm nhằm chứng minh cho tuyên bố của mình về sản phẩm trước đó bằng cách cung cấp những thông tin xác thực về thương hiệu của bạn. Các bằng chứng này cũng là cái cớ để họ quyết định chọn mua vì họ an tâm rằng đó là lựa chọn đúng đắn, đã được suy xét kỹ càng chứ không phải do cảm xúc nhất thời, và họ sẽ không phải mang cảm giác áy náy hay hối tiếc sau này.
Bạn càng có nhiều bằng chứng thì bạn càng có cơ hội bán được nhiều hàng. Tuy nhiên, hãy dẹp bỏ cái tôi cá nhân để đóng vai một người bình thường nhằm tránh rơi vào “cái bẫy” tiếp thị bản thân. Khách hàng ít khi quan tâm đến những mẩu quảng cáo phô trương hết cỡ, họ quan tâm nhiều đến lợi ích mà họ nhận được hay những giải pháp đơn giản, thực tế cho những vấn đề rất đời thường của họ.
Vậy những loại thông tin nào cần thiết để làm bằng chứng ? Đó là những thông tin giúp khách hàng thấy được sản phẩm của bạn mang lại lợi ích cho họ. Đó có thể là:
Bằng chứng thương hiệu:
- Thông tin và danh tiếng về nhà sản xuất: Quy mô công ty, tình hình tài chính, đạo đức kinh doanh, v.v…
- Thông số sản phẩm, kiểu dáng, chi tiết thiết kế.
- Bằng sáng chế hoặc giấy phép lưu hành sản phẩm.
- Chính sách vận chuyển và chế độ bảo hành.
- Miễn phí sản phẩm dùng thử.
Bằng chứng về lợi ích sản phẩm:
- Năng lực của sản phẩm.
- Hình ảnh minh hoạ trước sau của khách hàng đã sử dụng (ảnh chụp người thật, việc thật).
- Mức độ phổ biến hoặc thành công của sản phẩm.
Bằng chứng khách quan:
- Phản hồi của khách hàng đã sử dụng sản phẩm.
- Các giải thưởng dành cho sản phẩm
- Các báo cáo khoa học đã được chứng minh hoặc lời khuyên của các chuyên gia
Mức độ tin tưởng của độc giả phụ thuộc rất nhiều vào bằng chứng mà bạn thể hiện trong bài quảng cáo. Hãy chọn lọc những thông tin thực sự có giá trị và cụ thể chứ không phải liệt kê một danh sách dài sáo rỗng.
Kêu gọi hành động
Kêu gọi hành động là bước cuối cùng trong bài quảng cáo. Bạn muốn bán được hàng ? hãy kêu gọi họ mua hàng. Bạn muốn họ đăng ký sử dụng dịch vụ ? Hãy kêu gọi họ để lại thông tin cá nhân.
Tóm lại, muốn gì thì hãy viết ra, ngay ở phần kết luận của bài quảng cáo. Nếu một bài quảng cáo không có lời kêu gọi mua hàng thì bài quảng cáo đó đang phí phạm khả năng mua hàng của độc giả và không thể hoàn thành sứ mệnh căn bản của mình.
Vậy viết phần kêu gọi hành động như thế nào để việc bán hàng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn? Bạn có thể tham khảo 3 cách viết chủ yếu sau:
Cách 1: Đưa ra một lời kêu gọi mua hàng “thẳng thừng”
Cách kết bài trực tiếp này thường được thực hiện ở cuối bài quảng cáo mà không có sự chuyển tiếp từ phần nội dung trước đó. Dạng này thường được sử dụng trong các bài viết về sản phẩm thông dụng như thực phẩm, đồ uống hay đồ dùng sinh hoạt.
Cách 2: Kêu gọi gián tiếp
Dạng kết bài này không yêu cầu độc gỉa mua hàng cũng không đề nghị liên lạc với người bán mà đề xuất độc gỉả thực hiện một hành động nào đó nhằm củng cố mối liên hệ giữa độc giả và nhà sản xuất. Bạn có thể trình bày độc lập hoặc liên kết với những nội dung khác trong bài quảng cáo.
Ví dụ: “Một công ty chuyên sản xuất thắng xe ô – tô phát hành các tờ bướm in hình ảnh của bốn tình huống lái xe phổ biến và yêu cầu độc giả xác định xem đâu là tình huống không an toàn trong đó”.
Cách kết bài này giúp tăng hứng thú của độc giả đối với sản phẩm và tạo thêm các kết nối giữa họ và nhà sản xuất, khiến độc giả có thể ghi nhớ sản phẩm lâu hơn và khả năng họ bị thuyết phục mua hàng sẽ cao hơn.
Cách 3: Kêu gọi phản hồi NGAY LẬP TỨC
Ví dụ như nếu độc gỉả mua hàng thì họ sẽ nhận được phần thưởng hay quyền lợi miễn phí nào đó có liên quan mật thiết đến sản phẩm.
Đây là dạng kết bài rất hữu ích, giúp bạn có thể thử nghiệm mức độ thành công của bài giới thiệu sản phẩm, đồng thời nó cũng giúp bạn định hướng kế hoạch tiếp thị lâu dài trong tương lai.
Bạn có thể áp dụng một số cách thuyết phục dưới đây để có thể nhận được sự phản hồi tức thì của độc giả:
- Đưa ra lời đề nghị, hay còn gọi là “mồi nhử” như sản phẩm dùng thử miễn phí, cẩm nang hướng dẫn, nạp thẻ cào điện thoại, phiều giảm giá, v.v..
- Gia hạn thời gian và số lượng sản phẩm: Đưa ra một cột mốc thời gian và sản phẩm bán ra có giới hạn nhằm hối thúc độc gỉa nhanh chóng ra quyết định.
- Nâng giá sản phẩm: Thông báo cho độc giả biết thời gian sản phẩm sẽ được điều chỉnh giá bán tăng trong tương lại. Điều này khuyến khích độc giả phải mua hàng ngay để được hưởng giá bán cũ và không sợ mua đắt về sau.
- Giảm giá sản phẩm: Thông báo cho độc giả về thời gian khuyến mãi. Kết hợp cách này với cách gia hạn thời gian và số lượng để khơi gợi tâm lý mua hàng nhanh chóng nếu không sẽ bị bỏ lỡ của độc giả.
- Các chế độ bảo hành, hậu mãi: Tuyên bố rõ ràng các thông tin này để xua tan tâm lý trì hoãn của độc giả.
Lời kết
Viết bài giới thiệu sản phẩm (bài quảng cáo sản phẩm) vừa dễ vừa không dễ. Dễ là nếu chỉ liệt kê cách tính năng và lợi ích của sản phẩm, thông tin thương hiệu của nhà sản xuất kèm các chế độ bảo hành sản phẩm thì ai cũng có thể viết một bài giới thiệu được. Cái khó ở đây là làm sao “chuyển hoá” được danh sách “vô hồn” đó thành cảm xúc tò mò, thích thú sang quyết tâm tìm đọc cho hết bài quảng cáo và cuối cùng thực hiện một hành động nào đó như đăng ký dùng thử hoặc mua hàng (thực hiện theo lời kêu gọi hành động của người viết).
Loạt bài về viết quảng cáo sẽ được mình cải thiện liên tục về nội dung vì bản thân mình cũng đang là người vừa học vừa làm nên việc viết bài chia sẻ như thế này giúp mình rất nhiều, và hi vọng nó cũng hữu ích cho bạn ở một số khía cạnh nào đó.
Bạn đọc thêm về các bài viết quảng cáo khác TẠI ĐÂY nhé !!!