Việt Nam đạt bước tiến lớn trong phổ cập giáo dục và xóa mù chữ
Mục Lục
Việt Nam tiến bộ lớn
về phổ cập giáo dục và xóa mù chữ
Theo Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), xóa nạn mù chữ là đầu tư một cách thông minh cho tương lai và là giai đoạn đầu tiên cho tất cả các hình thức phổ cập giáo dục mới trong thế kỷ XXI.
Tại Việt Nam, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
Sự nghiệp nâng cao dân trí đạt nhiều thành tựu
Theo UNESCO, khả năng biết đọc, biết viết là “khả năng nhận biết, hiểu, sáng tạo, truyền đạt, tính toán và dùng chữ được in và viết ra, liên kết cùng với văn cảnh khác nhau.” Và mù chữ được hiểu là tình trạng người không biết đọc, không biết viết.
Tất cả các nước trên thế giới, từ những nước phát triển nhất đến những nước chậm phát triển, đều có người không biết chữ. Tuy nhiên, ở hầu hết các nước đang phát triển, chất lượng giáo dục cơ sở thấp khiến số người mù chữ liên tục tăng cao. Mù chữ gắn liền với các thách thức xã hội như nghèo đói, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng về thu nhập…
Xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
Chính vì vậy, năm 1965, UNESCO đã chọn ngày 8/9 hằng năm là Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ.
Ngày này được kỷ niệm lần đầu tiên vào năm 1966, với mục đích nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục cho các công dân, các cộng đồng và toàn xã hội; đồng thời tích cực vận động cộng đồng quốc tế và thúc đẩy công cuộc xóa nạn mù chữ như một công cụ để trao quyền cho các cá nhân, cộng đồng và xã hội.
Một lớp Bình dân học vụ ở Hà Nội những ngày đầu độc lập. Bình dân học vụ là phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân, được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động ngày 8/9/1945, ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, nhằm giải quyết “giặc dốt” – một trong các vấn đề cấp bách nhất của đất nước thời gian đó. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ở Việt Nam, ngay từ ngày đầu thành lập nước, xác định rằng “một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu,” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch xóa mù chữ. Người coi mù chữ là một quốc nạn và “dốt” cũng là một loại giặc nguy hiểm cần phải tiêu diệt.
Chính vì vậy, tháng 9/1945, Nha bình dân học vụ được thành lập, từ đó phong trào “Diệt giặc dốt” được dấy lên trong toàn xã hội.
Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng triệu người nô nức đi học, hàng vạn người biết chữ tham gia dạy người chưa biết chữ tại các lớp bình dân học vụ. Sau một năm phát động, đã có hơn 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ. Đây là một kỳ tích về xã hội hóa học tập trong lịch sử giáo dục nước nhà.
Lớp học Diệt giặc dốt cấp tốc của bộ đội và dân quân tự vệ trong giờ nghỉ trên thao trường. (Ảnh: TTXVN)
Kinh nghiệm thực tiễn xóa mù chữ ở miền Bắc đã trở thành những bài học quý báu, bổ ích cho công cuộc xóa nạn mù chữ ở miền Nam ngay sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất. Cuối tháng 2/1978, toàn bộ 21 tỉnh, thành phố ở miền Nam đã cơ bản thanh toán nạn mù chữ.
Sự nghiệp nâng cao dân trí của đất nước tiếp tục tiến lên một bước mới, được đánh dấu bằng thập kỷ 1990-2000, cả nước triển khai công cuộc xóa mù chữ-phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện mục tiêu thế giới bước vào thế kỷ 21 không còn nạn mù chữ do UNESCO khuyến cáo và Liên hợp quốc phát động để đến năm 2000, tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước với 98,03% số quận/huyện; 98,53% số xã/phường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ-phổ cập giáo dục tiểu học; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đi học tiểu học; 94% dân số trong độ tuổi 15-35 đã biết chữ. Đó thực sự là một mốc son lớn trong lịch sử giáo dục nước nhà.
10 năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục phổ cập giáo dục trung học cơ sở và hoàn thành vào năm 2010.
Theo báo cáo được Ngân hàng thế giới công bố ngày 15/3/2018, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới đang nằm ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, sự phát triển thực sự ấn tượng thuộc về hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)
Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia
Mặc dù là một quốc gia đang phát triển, còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam luôn được các tổ chức quốc tế đánh giá là cao về thành tích giáo dục và phổ cập giáo dục so với các nước có mức thu nhập tương đương.
Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số.
Sự nghiệp giáo dục phát triển trên nền tảng xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam đã và đang vận động đúng quỹ đạo của xu thế chung và đạt được những thành tựu quan trọng. Các cơ sở giáo dục ngày càng được quan tâm đầu tư tốt hơn cả về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.
63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. 21/63 tỉnh, thành phố (33,3%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 11/63 tỉnh, thành phố (17,5%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 03 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở mức cao nhất – mức độ 3.
Theo số liệu tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 4 mục tiêu chính, Đề án đã đạt được 2 mục tiêu lớn là “Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục,” “Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.”
63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; trong đó 34/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; các địa phương đã tổ chức xóa mù chữ cho trên 300.000 người trong độ tuổi 15-60.
63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. 21/63 tỉnh, thành phố (33,3%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 11/63 tỉnh, thành phố (17,5%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 03 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở mức cao nhất – mức độ 3.
Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.
Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 619 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện; 10.469 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ-tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh dạy học từ xa, dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và từng bước xây dựng các khóa học trực tuyến mở đại chúng.
Thầy và trò Lớp 9A2, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mèo Vạc thực hiện lễ chào cờ tại lớp học. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)
Theo thống kê, cả nước đã có trên 53.000 trường học tổ chức dạy-học trực tuyến, nâng tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến trung bình đạt 80%. Số lượt người tham gia các lớp cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ, các lớp phổ cập ngoại ngữ, tin học ứng dụng, giáo dục kỹ năng sống, nghề ngắn hạn tại các trung tâm học tập cộng đồng tăng hằng năm…
Theo Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong: “Kết quả lớn nhất khi thực hiện Đề án là hình thành được mô hình xã hội học tập ở cấp xã. Đây là bước đi chiến lược chỉ có ở Việt Nam. Trong khi các nước xây dựng xã hội học tập ở cấp thành phố trở lên thì chúng ta đã tiếp cận tới cấp nhỏ hơn là cơ sở và tạo động lực, huy động được người dân tham gia học tập. Cách làm riêng thú vị này đã được UNESCO và các quốc gia công nhận.”
Còn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia. Trách nhiệm của chúng ta là phát triển một xã hội hiếu học, một xã hội biết học, biết tạo ra những nhu cầu học tập và có đầy đủ khả năng thoả mãn mọi nhu cầu học tập. Trước khi xây dựng một xã hội học tập thì cần phải xây dựng được mỗi con người, mỗi cá nhân học tập suốt đời.”
Đề cập đến những công việc trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần xác định rõ vai trò của các thành tố và các bên liên quan đến công cuộc phát triển xã hội học tập. Mỗi người cần nhận thức được nhu cầu học tập để tự phát triển bản thân. Từng cá nhân phải được hỗ trợ, thúc đẩy, ghi nhận trong phát triển học tập. Các cơ sở giáo dục phải đóng vai trò nòng cốt, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển xã hội học tập.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai rà soát, đánh giá hiệu quả mô hình hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng.
Đồng thời, chọn một số việc ưu tiên, tập trung làm tốt, như xoá mù chữ; phát triển hệ thống đào tạo từ xa; tăng cường hiệu quả của hệ thống khuyến học; tăng cường các hoạt động truyền thông và định hướng xã hội đối với việc học tập; gia tăng nguồn tài nguyên, dữ liệu số phục vụ việc học tập thường xuyên./.