Viện nghiên cứu giáo dục

Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường Đại học Sư phạm TP.HCMTiền thân của Viện Nghiên cứu Giáo dục (NCGD) thuộc Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh là Viện Khoa học Giáo dục – cơ sở II được thành lập năm 1976 trên cơ sở của Phân viện Khoa học Giáo dục miền Nam thuộc Bộ Giáo dục và Thanh niên Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập 11/1975. Trong suốt 30 năm qua, nhiệm vụ của Viện ở từng thời kì luôn gắn với những vấn đề của giáo dục. Những hoạt động nghiên cứu khoa học thể hiện phần nào quá trình phát triển của Viện và những đóng góp không mệt mỏi của cán bộ Viện trong suốt 30 năm qua.

Năm 1976 là Phân viện Khoa học Giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục. Thời kì 1991 – 1997 là Viện Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo phía Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Từ năm 1999 đến nay là Viện Nghiên cứu Giáo dục thuộc Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Chức năng chủ yếu của Viện hiện nay là: Nghiên cứu các vấn đề lí luận và thực tiễn của giáo dục, gắn liền với chính sách giáo dục của Nhà nước, trước hết là các tỉnh phía Nam với hoạt động đào tạo của Trường Đại học Sư phạm; tham gia đào tạo Sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) về tâm lí giáo dục học, quản lí giáo dục, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao năng lực cho giáo viên Trung học phổ thông, Trung học cơ sở; về nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy, sử dụng phương tiện dạy học, sử dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao chất lượng dạy học, đánh giá, thẩm định các công trình nghiên cứu về giáo dục; giao lưu, hợp tác quốc tế với các trường đại học, tổ chức giáo dục trong và ngoài nước về lĩnh vực giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học; triển khai các chương trình đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục các cấp từ Tiểu học đến Đại học.

Lãnh đạo Viện qua các thời kì

  • Từ 1976 – 1979: Ông Đỗ Đức Uyên
  • Từ 1979 – 1983: TS. Nguyễn Duy Minh
  • Từ 1983 – 1986: PGS. Trần Thanh Đạm
  • Từ 1986 – 1988: TS. Võ Quang Phúc
  • Từ 1988 – 1990: TS. Nguyễn Gia Quí
  • Từ 1990 – 2000: PGS.TS. Đào Trọng Hùng
  • Từ 2001 – 2005: GS.TSKH. Lê Ngọc Trà (Viện trưởng)
  • Từ 2005 đến 2006:  
    • Viện trưởng    : PGS. TS. Phạm Xuân Hậu
    • Phó Viện trưởng    : TS. Nguyễn Thị Quy – TS. Nguyễn Kim Dung
  • Hội đồng khoa học
  • Các Trung tâm nghiên cứu
  • Bộ phận Hành chính văn phòng – Kế toán
  • Bộ phận Thông tin Tư liệu và Thư viện

Nhân sự: có 33 cán bộ cơ hữu, 15 cán bộ kiêm nhiệm và hợp đồng.
Trong đó có: 1 giáo sư, 1 phó giáo sư, 12 tiến sĩ, 1 tiến sĩ khoa học, còn lại là cán bộ nghiên cứu có bằng thạc sĩ.

Các Trung tâm nghiên cứu

  1. Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Phổ thông: Nghiên cứu các vấn đề về tổ chức quản lí, nội dung và phương pháp giáo dục ở các bậc Tiểu học và Trung học.
  2. Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học: Nghiên cứu các vấn đề tổ chức đại học và cao đẳng, quản trị đại học, chương trình và phương pháp giảng dạy ở bậc Đại học.
  3. Trung tâm Đánh giá và Kiểm định chất lượng Giáo dục: Nghiên cứu các hình thức tổ chức thi cử, đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên cũng như chất lượng đào tạo của nhà trường trên các phương tiện và các loại hình hoạt động khác nhau.
  4. Trung tâm Công nghệ Dạy học: Nghiên cứu việc đưa công nghệ thông tin vào Nhà trường cũng như phương pháp sử dụng công nghệ thông tin trong học tập, giảng dạy, đặc biệt là ở các trường sư phạm, các cơ sở đào tạo giáo viên.
  5. Trung tâm Phát triển Nghiệp vụ Sư phạm: Nghiên cứu các vấn đề thuộc về nghiệp vụ sư phạm, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên, giáo viên phổ thông và mầm non, cung cấp cơ sở lí luận cho hoạt động tư vấn, tổ chức các hoạt động tư vấn học tập và hướng nghiệp trong nhà trường, cung cấp các dịch vụ xã hội về tư vấn tâm lí, giáo dục trẻ em và tìm kiếm việc làm.
  6. Trung tâm Nghiên cứu và Giao lưu Văn hóa Giáo dục Quốc tế: Tìm hiểu kinh nghiệm phát triển giáo dục của các nước, tổ chức các hoạt động liên kết, nghiên cứu, đào tạo và giao lưu về văn hóa giáo dục với các tổ chức quốc tế, các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu giáo dục nước ngoài.

Những kết quả đạt được
Nghiên cứu khoa học
Đến năm 2006, Viện đã thực hiện số lượng đề tài nghiên cứu khoa học các cấp với các lĩnh vực thuộc hệ thống giáo dục: 05 đề tài nhánh cấp Nhà nước, 05 đề tài cấp Bộ trọng điểm, 57 đề tài cấp Bộ trong lĩnh vực Giáo dục và một số đề tài thuộc cấp Sở Khoa học – Công nghệ các tỉnh, thành phố, điển hình như:

a. Các đề tài trọng điểm

  • Vấn đề xây dựng, cải tạo tư tưởng cho giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh các trường Trung học phổ thông ở các tỉnh miền Nam sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975; những giải pháp, biện pháp giáo dục tư tưởng chính trị cho học sinh vùng tôn giáo.
  • Nghiên cứu phát triển giáo dục Phổ thông vùng dân tộc Khe-me ở đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp tổ chức hoạt động dạy nghề cho thanh niên nông thôn phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở đồng bằng sông Cửu Long.
  • Giải pháp đổi mới công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên các trường Cao đẳng và Đại học.
  • Nghiên cứu về những tiêu cực trong việc dạy thêm, học thêm và  những giải pháp làm giảm thiểu tiêu cực trong giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh.

b. Các dự án chính

  • Nghiên cứu một số vấn đề về giáo dục Trung học cơ sở ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
  • Dự án xây dựng chuẩn giáo dục giáo viên Tiểu học.
  • Dự án biên soạn và thử nghiệm môđun giáo dục và môđun kiểm tra – đánh giá kết quả giáo dục ở Tiểu học cho các trường Cao đẳng và Đại học Sư phạm.

c. Tổ chức các hội thảo lớn

  • Thực trạng và giải pháp giáo dục Tiểu học
  • Đổi mới phương pháp dạy học ở bậc Trung học phổ thông
  • Xây dựng chương trình đào tạo Đại học
  • Xây dựng hội đồng trường trong trường Đại học
  • Nâng cao chất lượng các môn nghiệp vụ sư phạm trong các trường sư phạm.
  • Xây dựng chương trình đào tạo đại học theo tín chỉ có sử dụng internet.

Chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế
Về quan hệ hợp tác quốc tế: đây là hoạt động trọng tâm thứ 2 của Viện Nghiên cứu Giáo dục.
Viện đã có quan hệ hợp tác với:

  • Văn phòng giáo dục quốc tế Liên hiệp quốc đặt tại Thụy Sỹ (Interational Bureau of Education – IBE).
  • Trường Giáo dục và Giao tiếp – Đại học Josnkosping (Thụy Điển)
  • Trường Đại học Melbourne (Ô-xtrây-li-a)
  • Viện nghiên cứu Giáo dục quốc tế Cộng hòa liên bang Đức (Institut fusr Internationale Bildungsforschung)
  • Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc gia Nhật Bản
  • Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc
  • Viện Giáo dục Hồng Kông
  • Viện Giáo dục Đại học quốc gia Sin-ga-po.
  • Trường Giáo dục, Đại học Tây Washington (Hoa Kỳ)

Với phương thức là hợp tác trao đổi học tập kinh nghiệm, mời các chuyên gia, các giáo sư đầu ngành báo cáo một số chuyên đề cho các trường đại học Việt Nam, liên kết thực hiện một số dự án, tổ chức các hội thảo và các lớp bồi dưỡng chuyên đề cho đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục và giảng viên.

Các chương trình đào tạo và bồi dưỡng chuyên đề

  • Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục, trang bị kiến thức, kĩ năng nghiên cứu.
  • Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở nhà trường từ Tiểu học đến Đại học.
  • Giáo dục thẩm mĩ trong nhà trường.
  • Đánh giá và kĩ năng đánh giá trong hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.
  • Kĩ năng soạn thảo các câu hỏi đề thi trắc nghiệm
  • Phương pháp luận nghiên cứu khoa học
  • Phương pháp giảng dạy ở Đại học.
  • Xây dựng chương trình đào tạo có sự hỗ trợ của Internet
  • Cải tiến các phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh phổ thông.

Tất cả những công trình nghiên cứu, các báo cáo trong hội thảo nội dung các chuyên đề bồi dưỡng đã được tập hợp, phổ biến rộng rãi thường xuyên qua các ấn phẩm do Viện Nghiên cứu Giáo dục phát hành hàng tháng, hàng quí, và cuối năm.

  • Bản tin nghiên cứu Giáo dục (2 số /1 tháng)
  • Thông tin giáo dục quốc tế (1 số /1 tháng)
  • Tư liệu tham khảo Giáo dục quốc tế (1 số/ 3 tháng)
  • Kỉ yếu hội thảo khoa học của các năm
  • Kỉ yếu các công trình nghiên cứu khoa học hàng năm

Hướng hoạt động của Viện trong tương lai
Hội đồng khoa học xác định hướng nghiên cứu phát triển cụ thể:

Đối với giáo dục các tỉnh phía Nam
Nghiên cứu đưa ra những giải pháp giúp giáo dục các tỉnh thuộc các lĩnh vực sau:

  • Tổ chức quy hoạch mạng lưới giáo dục đào tạo các tỉnh cho các giai đoạn phát triển của tỉnh.
  • Bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí về năng lực quản lí, chuyên môn v.v…
  • Giải pháp giải quyết các vấn đề bỏ học của học sinh dân tộc ít người ở vùng sâu vùng xa, xóa mù chữ cho các vùng này.
  • Nâng cao khả năng sử dụng các phương tiện dạy học cho giáo viên các cấp đáp ứng nhiệm vụ mới.
  • Giải pháp nâng cao năng lực đánh giá, kiểm tra cho giáo viên và lãnh đạo các trường.

Đối với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
Tập trung vào nghiên cứu, đưa ra những giải pháp để xây dựng Trường Đại học Sư phạm trọng điểm.

  • Đánh giá tổng hợp môi trường học hiện nay – xác định hướng tương lai cho giáo viên và sinh viên.
  • Đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học Đại học.
  • Đánh giá: 
    • Thực trạng việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở các khoa
    • Việc sử dụng các phương tiện dạy học trong cán bộ giảng dạy
  • Cùng đơn vị quản lí và các khoa xây dựng hệ thống chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ trong trường Sư phạm.
  • Nghiên cứu thiết lập hệ thống các trường thực hành trong trường Sư phạm
  • Những giải pháp thực hiện việc giảng dạy kết hợp công tác nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ trẻ trong Trường
  • Bồi dưỡng nghiệp vụ về kiểm định – đánh giá chất lượng cho cán bộ quản lí và giảng viên.
  • Đánh giá thực trạng và giải pháp nghiên cứu khoa học của sinh viên trong Nhà trường.
  • Nghiên cứu tổng hợp thực trạng nguồn học sinh được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua (1986 – 2006).

Về hợp tác quốc tế

  • Viện tiếp tục duy trì mối quan hệ với các tổ chức, các trường đại học lớn của các nước tiên tiến để mời những giáo sư giỏi giúp một số chuyên đề bồi dưỡng cán bộ quản lí và giảng viên như thời gian vừa qua.

Đầu mối để tổ chức các hoạt động khi được Trường giao nhiệm vụ

  • Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên cuối khóa
  • Tổ chức các lớp bồi dưỡng thay sách giáo khoa phân ban thí điểm và đại trà cho giáo viên các trường Phổ thông.
  • Tổ chức điều hành hoạt động bồi dưỡng thường xuyên vào dịp hè cho giáo viên Trung học phổ thông theo các chu kỳ.
  • Quản lí, giảng dạy các chuyên đề sau đại học, phương pháp nghiên cứu khoa học, lí luận dạy học, phương pháp giảng dạy đại học, quản lí giáo dục v.v…

Các danh hiệu được phong tặng
Tập thể

  • Tập thể lao động xuất sắc: các năm 2001, 2002, 2003, 2004, 2005.
  • Bằng khen cấp Bộ, cấp Tỉnh: các năm 2001 – 2005
  • Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Phổ thông: Tập thể lao động giỏi: 2003 – 2004

Cá nhân

  • GS.TSKH. Lê Ngọc Trà: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 1991 – 2000, 2001 – 2005, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích 25 năm xây dựng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
  • PGS. TS. Phạm Xuân Hậu: 10 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích công tác, chiến sĩ thi đua 9 năm cấp Cơ sở và 1 năm cấp Bộ.
  • TS. Nguyễn Thị Quy: Giấy khen về thành tích xây dựng Trường 5 năm (2001 – 2005), Chiến sĩ thi đua năm học 2002 – 2003.
  • TS. Nguyễn Kim Dung: Chiến sĩ thi đua năm 2003 – 2004
  • ThS. Đào Thị Vân Anh: Chiến sĩ thi đua năm 2004 – 2005.