Viên chức là gì? Viên chức được phân loại thế nào?
Viên chức là một trong những đối tượng có số lượng lớn hiện nay ở nước ta. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều người chưa thật sự hiểu và phân biệt rõ ràng viên chức là ai.
Viên chức là ai?
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập (theo Điều 2 Luật Viên chức năm 2010).
Trong đó:
– Vị trí việc làm: Là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (căn cứ Điều 7 Luật Viên chức).
– Đơn vị sự nghiệp công lập: Là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thành lập, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý Nhà nước (theo Điều 9 Luật Viên chức).
– Chế độ hợp đồng: Hiện nay, viên chức được ký một trong hai loại hợp đồng làm việc: Không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Luật Viên chức, 02 loại hợp đồng này được quy định như sau:
- Hợp đồng làm việc xác định thời hạn: Là hợp đồng hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian từ 12 – 60 tháng;
- Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn: Là hợp đồng hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
Như vậy, chỉ những đối tượng đáp ứng các điều kiện nêu trên thì được coi là viên chức.
Xem thêm: Phân biệt cán bộ, công chức, viên chức
Điều kiện tuyển dụng viên chức mới nhất
Căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức được tuyển dụng theo 02 hình thức: Thi tuyển hoặc xét tuyển.
Tuy nhiên, dù tuyển dụng theo phương thức nào thì người dự tuyển cũng phải đáp ứng điều kiện đăng ký dự tuyển nêu tại Điều 22 Luật Viên chức:
– Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
– Từ đủ 18 tuổi trở lên. Riêng một số lĩnh vực như văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn 18 nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên và phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật (theo khoản 2 Điều 5 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP).
– Có đơn đăng ký dự tuyển;
– Có lý lịch rõ ràng;
– Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;
– Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;
– Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không trái pháp luật và không phân biệt loại hình đào tạo.
Đáng chú ý: Theo Điều 4 Nghị định 115, trước mỗi kỳ tuyển dụng, việc quyết định hình thức và nội dung thi tuyển hay xét tuyển nằm trong nội dung kế hoạch tuyển dụng của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức.
Viên chức là gì? Được phân loại thế nào? (Ảnh minh họa)
Viên chức được phân loại như thế nào?
Nếu như trước đây, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, Chính phủ phân loại viên chức theo 02 tiêu chí:
– Theo vị trí việc làm: Viên chức quản lý, viên chức không giữ chức vụ quản lý gồm những người chỉ thực hiện chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập;
– Theo chức danh nghề nghiệp trong từng lĩnh vực hoạt động với các cấp độ từ cao xuống thấp: Hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV.
Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 115, Chính phủ đã thay đổi các tiêu chí phân loại viên chức:
– Theo chức trách, nhiệm vụ: Viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý;
– Theo trình độ đào tạo: Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp.
Có thể thấy, việc phân loại viên chức không còn căn cứ vào hạng chức danh nghề nghiệp nữa. Theo đó, về chức danh nghề nghiệp của viên chức, khoản 2 Điều 28 Nghị định 115 nêu rõ:
Căn cứ vào mức độ phức tạp công việc của chức danh nghề nghiệp các chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một lĩnh vực sự nghiệp được xếp loại từ cao xuống thấp như sau:
– Chức danh nghề nghiệp hạng I;
– Chức danh nghề nghiệp hạng II;
– Chức danh nghề nghiệp hạng III;
– Chức danh nghề nghiệp hạng IV;
– Chức danh nghề nghiệp hạng V (mới).
So với 04 hạng trước đây, hiện nay, viên chức được xếp theo 05 hạng chức danh nghề nghiệp gồm các tiêu chuẩn sau:
– Tên của chức danh nghề nghiệp;
– Nhiệm vụ bao gồm những công việc cụ thể phải thực hiện có mức độ phức tạp phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp;
– Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Xem thêm: Tổng hợp 14 điểm mới của Nghị định 115/2020 về viên chức
Khi nào viên chức chuyển sang công chức?
Theo khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập còn có thể được người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận vào làm công chức nếu đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm:
– Nếu không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời hạn thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật;
– Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có từ đủ 05 năm trở lên, tính từ thời điểm được tuyển dụng, không kể thời gian tập sự công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên (theo khoản 3 Điều 1 Thông tư 03/2019/TT-BNV).
Ngoài ra, tại khoản 11 Điều 1 Nghị định 161/2018, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập còn phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn.
Như vậy, để được chuyển sang công chức, viên chức phải đáp ứng những điều kiện nêu trên.
Chuyển đổi giữa viên chức và công chức được quy định thế nào? (Ảnh minh họa)
Công chức có được xét chuyển sang viên chức không?
Không chỉ viên chức được xét chuyển sang công chức mà ngược lại, công chức hoàn toàn có thể chuyển sang viên chức nếu đáp ứng các điều kiện để được tuyển dụng viên chức đã nêu ở trên: Có đơn đăng ký dự tuyển, có quốc tịch và cư trú tại Việt Nam, có lý lịch rõ ràng…
Đồng thời, theo quy định tại Điều 13 Nghị định 115, công chức nếu muốn được xem xét tiếp nhận vào làm viên chức còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Đang là công chức cấp xã:
- Có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng;
- Có đóng BHXH bắt buộc không kể thời gian tập sự, thử việc. Nếu có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn;
– Đã từng là công chức sau đó được chuyển đến làm việc tại lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ….
Khi đó, những người này phải chuẩn bị hồ sơ gồm:
– Sơ yếu lý lịch viên chức, được lập chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ, có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác;
– Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng;
– Giấy chứng nhận sức khỏe cấp chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ;
– Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Đặc biệt, khi xem xét tiếp nhận công chức vào làm viên chức không giữ chức vụ quản lý thì phải thành lập Hộ đồng kiểm tra, sát hạch; nếu tiếp nhận để bổ nhiệm làm viên chức quản lý thì không phải thực hiện sát hạch nhưng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm.
Trên đây là những vấn đề quan trọng để trả lời cho câu hỏi viên chức là gì theo quy định hiện nay. Nếu còn thắc mắc về các vấn đề liên quan đến viên chức, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.
>> Từ 01/7/2020, những ai được gọi là công chức?