Viên chức là gì? Đặc điểm, quyền và nghĩa vụ của viên chức 2023
Viên chức là gì? là thắc mắc chung của nhiều người về khái niệm của một loại chức danh nghề nghiệp khá phổ biến hiện nay. Bài viết dưới đây sẽ giúp quý độc giả biết được viên chức là gì? Đặc điểm, quyền và nghĩa vụ của viên chức và cách mà nhà nước ban hành các quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý đối với chức vụ này.
Viên chức theo quy định của pháp luật
Mục Lục
Viên chức là gì?
Khái niệm về viên chức được quy định tại Điều 2 Luật Viên chức năm 2010. Cụ thể viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, có hiểu đơn giản viên chức trước hết phải là công dân Việt Nam, được tuyển dụng theo vị trí làm việc bằng hợp đồng làm việc và nhận lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập nơi mà viên chức trực tiếp làm việc. Các khái niệm về vị trí làm việc, đơn vị sự nghiệp công lập, chế độ hợp đồng của viên chức sẽ lần lượt được quy định tại Điều 7, Điều 9 Luật Viên chức năm 2010 và Điều 25 Luật Viên chức năm 2010 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cán bộ, công chức và luật viên chức năm 2019.
Đặc điểm của viên chức
Từ khái niệm trên, viên chức theo quy định của pháp luật sẽ có những đặc điểm cơ bản sau đây:
- Viên chức bắt buộc phải là công dân Việt Nam theo Điều 2 Luật Viên chức năm 2010.
- Viên chức chỉ được tuyển dụng theo chế độ việc làm. Khác với cán bộ, công chức được tuyển dụng theo hình thức xét tuyển và thi tuyển được quy định tại Khoản 1,5 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cán bộ, công chức và luật viên chức năm 2019, viên được tuyển dụng vào vị trí việc làm.
- Viên chức chỉ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Viên chức làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc nên viên chức có quyền thỏa thuận về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên…với bên tuyển dụng. Khác với viên chức, công chức và cán bộ chỉ được hưởng lương theo chính sách và quy định của pháp luật.
>>> Tham khảo thêm: Công chức là gì?
Đặc điểm của viên chức
Quyền và nghĩa vụ của viên chức
Quyền của viên chức
Quyền của viên chức được quy định cụ thể qua Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Luật Viên chức năm 2010, bao gồm:
Quyền của viên chức về hoạt động nghề nghiệp gồm:
- Được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp.
- Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
- Được bảo đảm trang bị, thiết bị và các điều kiện làm việc.
- Được cung cấp thông tin liên quan đến công việc hoặc nhiệm vụ được giao.
- Được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao.
- Được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật.
- Được hưởng các quyền khác về hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương gồm:
- Được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.
- Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
Quyền của viên chức về nghỉ ngơi gồm:
- Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.
- Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 02 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 03 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Đối với lĩnh vực sự nghiệp đặc thù, viên chức được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định của pháp luật.
- Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định gồm:
- Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Viên chức được khen thưởng, tôn vinh, được tham gia hoạt động kinh tế xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở; được tạo điều kiện học tập hoạt động nghề nghiệp ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị thương hoặc chết do thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao thì được xét hưởng chính sách như thương binh hoặc được xét để công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của viên chức
Nghĩa vụ của viên chức được quy định Điều 16 và Điều 17 Luật Viên chức năm 2010, cụ thể:
Nghĩa vụ chung của viên chức
- Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
- Có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
- Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Bảo vệ bí mật nhà nước; giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài sản được giao.
- Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức.
Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp gồm:
- Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng.
- Phối hợp tốt với đồng nghiệp trong thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.
- Chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền.
- Thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.
- Khi phục vụ nhân dân, viên chức phải tuân thủ các quy định sau: Có thái độ lịch sự, tôn trọng nhân dân; có tinh thần hợp tác, tác phong khiêm tốn; không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân; chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp.
- Chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của viên chức
Viên chức khác gì với viên chức quản lý
Bên cạnh viên chức, viên chức quản lý cũng là một chức danh nghề nghiệp tương đương với viên chức nhưng tồn tại một số điểm khác nhau như sau:
Tiêu chí
Viên chức thông thường
Viên chức quản lý
Khái niệm
Công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 2 Luật Viên chức năm 2010).
Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không phải là công chức và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý (Khoản 1 Điều 3 Luật Viên chức năm 2010).
Nghĩa vụ
Nghĩa vụ được quy định tại Điều 16, 17 Luật Viên chức năm 2010.
Viên chức quản lý thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 của Luật Viên chức năm 2010.
Hình thức tuyển dụng
Tuyển dụng theo vị trí làm việc thông thường. Đáp ứng được điều kiện dự tuyển viên chức và được xem xét tiếp nhận vào viên chức (Khoản 1,2 Điều 13 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức).
Viên chức quản lý được tuyển dụng thông qua hình thức bổ nhiệm. Theo đó, viên chức quản lý có đủ điều kiện dự tuyển viên chức thì không phải thực hiện quy trình xem xét tiếp nhận nhưng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm (Khoản 1,4 Điều 13 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức).
Thời hạn
Không quy định thời hạn
Viên chức quản lý khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm theo quy định thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm phải tiến hành quy trình xem xét bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ quản lý (Điều 49 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức).
Tư vấn về viên chức
- Tư vấn quy định về tuyển dụng viên chức.
- Tư vấn về quyền và nghĩa vụ của viên chức.
- Tư vấn về chế độ bồi dưỡng viên chức.
- Tư vấn soạn thảo hồ sơ tuyển dụng viên chức.
Viên chức là một chức danh nghề nghiệp làm việc và hưởng lương theo vị trí việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, tuy nhiên, chức danh này lại được điều chỉnh về quyền, nghĩa vụ và các vấn đề khác có liên quan một cách cụ thể trong các quy định pháp luật. Nếu có khó khăn hoặc thắc mắc gì kiến thức pháp luật về vấn đề trên, hãy vui lòng liên hệ đến hotline 1900.633.716 để được các luật sư tư vấn kỹ hơn. Xin cảm ơn.
☆
☆
☆
☆
☆
Scores: 4.5 (32 votes)
Thank for your voting!