Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra > TinTucA > ChiTietTin
Khái niệm “kinh tế ban đêm” đã xuất hiện trên thế giới từ những năm cuối thế kỷ 20, tạo ra bước chuyển lớn cho các ngành du lịch, dịch vụ, giải trí, văn hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong xu thế hội nhập quốc tế, với tham vọng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ ngành du lịch nói riêng, nền kinh tế nói chung sau đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Quan điểm, mục tiêu và những nội dung của Đề án đặt ra vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách, bộ máy và công tác thanh tra, nhằm đáp ứng các nhiệm vụ của quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế mới này.
1. Kinh tế ban đêm – một vấn đề mới của quản lý nhà nước
Thuật ngữ “Kinh tế ban đêm” (Night-time economy) đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 1970. Chuỗi sự kiện văn hóa buổi tối mùa hè tại thủ đô Roma (I-ta-lia) vào năm 1977 đã đặt dấu ấn đầu tiên cho khái niệm này, cùng với sự ra đời của một khái niệm tương đồng khác là Thành phố 24 giờ (24-hour city). Kinh tế ban đêm có thể hiểu đơn giản là khái niệm bao trùm các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau [1].
Theo cách hiểu truyền thống, một thành phố được thiết kế để vận hành và hoạt động vào ban ngày thay vì hướng tới mục đích hoạt động về đêm. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, nhiều quốc gia đã nhận thức được tiềm năng khai thác lợi nhuận khổng lồ từ các ngành, dịch vụ bắt đầu từ buổi tối và đặc biệt sau 12h. Đi đầu trong việc phát triển kinh tế ban đêm trên thế giới hiện nay phải kể đến các nước như: Mỹ, Pháp, Anh, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan.
Các hình thức hoạt động chính và đóng góp của kinh tế ban đêm tại một số quốc gia
Nội dung
Vương quốc Anh
Hoa Kỳ
Ausralia
Pháp
Nhật Bản
Thái Lan
Trung Quốc
Đóng góp vào GDP quốc gia
Doanh thu trung bình 66 tỷ Bảng Anh/năm; Quy mô khoảng 6% GDP Vương quốc Anh
Doanh thu 6 tỷ USD tại San Francisco (năm 2015); Doanh thu 10 tỷ USD tại New York
Doanh thu gần 134 tỷ USD (năm 2018); Quy mô khoảng 4% GDP Australia
Doanh thu khoảng 2 triệu Euro tại Paris
Quy mô thị trường ước đạt khoảng 3,7 tỷ USD (năm 2020)
Doanh thu khoảng 5,5 tỷ USD/năm
Quy mô thị trường đạt 2400 tỷ USD (cuối năm 2020)
Tạo việc làm
1,3 triệu việc làm
300.000 việc làm tại New York
1,1 triệu việc làm
3,5 triệu việc làm
Không có số liệu
Không có số liệu
Không có số liệu
Lĩnh vực kinh tế ban đêm chủ yếu
Dịch vụ ăn uống, quầy bar, mua sắm, giải trí, nghệ thuật, thể thao
Dịch vụ ăn uống, quầy bar, mua sắm, nghệ thuật, sân khấu kịch, bảo tàng
Dịch vụ ăn uống, quầy bar, mua sắm, giải trí
Dịch vụ ăn uống, quầy bar, mua sắm, nghệ thuật, bảo tàng, giải trí
Dịch vụ ăn uống, quầy bar, câu lạc bộ, giải trí
Dịch vụ ăn uống, quầy bar, câu lạc bộ, giải trí
Dịch vụ ăn uống, giải trí, thương mại điện tử, phim ảnh trực tuyến, trò chơi trực tuyến
Nguồn: Bài viết “Kinh nghiệm phát triển kinh tế ban đêm tại một số quốc gia”, TS. Nguyễn Đức Bảo, PGS.TS Trần Đức Hiệp, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Những thống kê trên cho thấy phát triển kinh tế ban đêm không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, mà hiệu quả xã hội là rất rõ rệt, thể hiện ở việc tạo ra số lượng việc làm rất lớn đối với các khu vực thành thị có hoạt động thương mại, dịch vụ về đêm. Có thể nói, kinh tế ban đêm đã và đang là xu thế tất yếu mang tính toàn cầu mà các quốc gia (đặc biệt là các nước có thế mạnh về du lịch) không thể bỏ qua.
Kể từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế và hội nhập quốc tế, ngành du lịch đã có những bước phát triển vượt bậc, chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế quốc dân[2]và đóng góp nhiều giá trị văn hóa – xã hội. Tại Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/01/2017, Đảng đã đưa ra quan điểm: “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác…” Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn, ngành du lịch và dịch vụ nói chung ở Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Trong đó, nổi bật phải đề cập đến thực trạng doanh thu du lịch và mức chi tiêu của du khách thấp, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ khoảng trống trong việc khai thác các dịch vụ sau 12h đêm [3]. Nhận thức được bất cập trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý đầu tiên để các cấp, các ngành nghiên cứu triển khai các dịch vụ, hoạt động về đêm. Từ đó đến nay đã có một số địa phương bắt đầu thí điểm phát triển kinh tế ban đêm, bước đầu hình thành những tour du lịch về đêm, mở rộng không gian, kéo dài thời gian trải nghiệm, khám phá của du khách. Có thể nói, khơi thông tiềm năng kinh tế đêm nhằm tạo ra bước chuyển lớn cho các ngành dịch vụ đi kèm là chiến lược đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19, tạo ra lợi thế cạnh tranh mới cho Việt Nam trên đường đua trở thành cường quốc du lịch trong khu vực.
Thanh tra là một bộ phận quan trọng trong công tác quản lý nói chung, có vai trò kiểm định, đánh giá hiệu quả của quản lý nhà nước. Các tổ chức thanh tra nhà nước, trong phạm vi thẩm quyền của mình, có trách nhiệm đảm bảo trật tự, kỷ cương, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm nảy sinh trong quản lý nhà nước, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Việc Nhà nước chính thức thừa nhận và cho phép các địa phương phát triển kinh tế ban đêm chắc chắn sẽ đặt ra những nhiệm vụ mới cho công tác thanh tra, kiểm tra. Đề án phê duyệt phát triển kinh tế ban đêm đã đặt ra mục tiêu cụ thể: “khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”. Với quan điểm về “mục tiêu kép” trong Đề án nêu trên, công tác thanh tra, kiểm tra rất cần có những điều chỉnh phù hợp nhằm kiểm soát những bất cập, rủi ro đến từ lĩnh vực tương đối mới mẻ này.
2. Những thách thức từ phát triển kinh tế ban đêm
Theo Luật Thanh tra 2010, mục đích của hoạt động thanh tra là “nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.” Do vậy, để phân tích những nhiệm vụ đặt ra cho ngành Thanh tra trong bối cảnh phát triển kinh tế ban đêm thì trước tiên cần phải làm rõ những thách thức đặt ra cho quản lý nhà nước từ hoạt động kinh tế này.
Thứ nhất, kinh tế ban đêm sẽ làm vấn đề ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng hơn. Như đã đề cập, theo cách hiểu truyền thống, hoạt động của một thành phố sẽ chủ yếu diễn ra vào ban ngày, giảm cường độ dần vào buổi tối và đa số sẽ chấm dứt sau 12 giờ. Khi đó, buổi đêm với số lượng hoạt động ít, cùng với lưu lượng giao thông thưa thớt, được xem là “quãng nghỉ” cần thiết để giảm các tác động tiêu cực đối với môi trường đô thị. Nhưng mục tiêu phát triển thành phố theo mô hình “thành phố không ngủ” sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát ô nhiễm.
Thứ hai, phát triển kinh tế ban đêm sẽ tạo môi trường thuận lợi làm gia tăng các loại tội phạm và kéo theo những tệ nạn xã hội như: cờ bạc, mại dâm, ma túy…gây khó khăn cho công tác quản lý. Khi chưa có chủ trương về kinh tế ban đêm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật vốn đã tồn tại và gây ra những bất cập ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh từ trước tới nay. Theo quy định hiện hành, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, bar vốn là điểm “nóng” đối với quản lý nhà nước phải đóng cửa sau 12 giờ đêm [4]. Hợp thức hóa kinh tế ban đêm vô tình sẽ tạo cơ hội cho các cơ sở này được tiếp tục mở cửa và hoạt động hợp pháp sau thời gian trên, khiến tình hình tội phạm và các tệ nạn xã hội dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp hơn.
Thứ ba, để phục vụ các hoạt động giải trí, văn hóa hướng tới tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, kinh tế ban đêm chắc chắn sẽ gây ra bất cập lớn về tiếng ồn. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là người dân sống trong các khu vực trung tâm, nơi có nhiều dịch vụ, hàng quán, tụ điểm vui chơi, giải trí. Tiếng ồn kéo dài thông đêm gây ra bất cập lớn đối với sức khỏe cộng đồng, bao gồm cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, đặc biệt đối với đối tượng là người già, trẻ nhỏ. Đối với người trong độ tuổi lao động, giấc ngủ buổi đêm bị ảnh hưởng cũng gián tiếp làm giảm năng suất lao động của ngày hôm sau.
Ngoài những vấn đề lớn nêu trên, kinh tế ban đêm dự báo sẽ còn tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, rác thải đô thị…Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sẽ cần phải nhận diện rõ ràng, đầy đủ, toàn diện tất cả những rủi ro trước khi hiện thực hóa chủ trương phát triển kinh tế ban đêm tại địa phương mình.
3. Định hướng và giải pháp cho quản lý nhà nước và công tác thanh tra trong bối cảnh phát triển kinh tế ban đêm
Có thể nhận định rằng kinh tế ban đêm xuất hiện và tồn tại như một hiện thực khách quan, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân (đặc biệt là du khách quốc tế, giới trẻ) và dòng chảy tất yếu của thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Theo TS. Trần Thị Thu Hương, kinh tế ban đêm có khả năng mang lại lợi ích lớn về văn hóa, xã hội và kinh tế; đồng thời cũng tiềm ẩn rủi ro, thách thức về vấn đề trật tự an ninh xã hội cho các thành phố. Tuy nhiên, thay vì chỉ quan ngại và đưa ra các giải pháp nhằm xử lý rủi ro, thách thức từ kinh tế ban đêm, Nhà nước có thể chủ động phát triển kinh tế ban đêm thông qua các kế hoạch, chính sách và đặc biệt sử dụng tốt công cụ quy hoạch phù hợp, gắn kết được sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và cộng đồng. Du lịch Việt Nam sau quá trình bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19 rất cần những động lực thúc đẩy mạnh mẽ từ chính sách. Trong bối cảnh đó, kinh tế ban đêm sẽ là mô hình đang và tiếp tục được quan tâm, triển khai áp dụng ở nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian tới.
Ở khía cạnh quản lý nhà nước, Quyết định số 1129/QĐ-TTg thể hiện quan điểm và quyết tâm chính trị của Nhà nước Việt Nam đối với phát triển kinh tế ban đêm, theo đó bộ máy quản lý nhà nước cần “hướng tới tư duy mở hơn, nhìn nhận và đánh giá đủ đa chiều về vai trò, cơ hội và rủi ro của kinh tế ban đêm. Phát triển kinh tế ban đêm nhất thiết phải vượt qua được rào cản tư duy “không quản được thì cấm” trong các cơ quan quản lý nhà nước. Nhìn nhận đầy đủ, song không e ngại quá mức vào rủi ro bất ổn an ninh trật tự để bỏ qua các cơ hội để phát triển kinh tế ban đêm. cần nhìn nhận kinh tế ban đêm nếu được quản lý tốt sẽ có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng các hoạt động du lịch, dịch vụ, mua sắm, quảng bá văn hóa và nền ẩm thực Việt Nam ra thế giới.” Nhằm chủ động trong công tác dự báo những nguy cơ, rủi ro từ kinh tế ban đêm và giải quyết các vấn đề có thể phát sinh từ mô hình kinh tế mới này, một số định hướng đặt ra đối quản lý nhà nước nói chung và công tác thanh tra nói riêng như sau:
Thứ nhất, đối với quản lý nhà nước:
Một là, về thể chế, chính sách, cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách và tạo hành lang pháp lý thống nhất cho việc phát triển kinh tế ban đêm. Những vấn đề mới phát sinh của nền kinh tế này chưa được pháp luật hiện hành điều chỉnh có thể kể đến: quy định về loại hình kinh doanh; khu vực kinh doanh; khu vực hạn chế; khung thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; lĩnh vực hoạt động; chính sách về giao thông…Sau hơn hai năm kể từ khi Quyết định số 1129/QĐ-TTg được ban hành, đã đến lúc các cơ quan nhà nước cần bắt tay vào việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Quyết định này bằng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh kịp thời các vấn đề cụ thể của nền kinh tế ban đêm.
Hai là, về công tác quy hoạch, cần nghiên cứu để thiết kế các phương án quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của quy hoạch, qua đó tạo cơ sở nền tảng để triển khai phát triển kinh tế ban đêm. Chính quyền các địa phương có nhu cầu phát triển kinh tế ban đêm cần lồng ghép nội dung này vào quy hoạch tỉnh; Nếu các địa phương gần nhau cùng có nhu cầu thì nghiên cứu để lồng ghép vào quy hoạch phát triển vùng. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, các cơ quan tham mưu cần xác định cụ thể khu vực, địa bàn, tuyến dự kiến sẽ tập trung phát triển kinh tế ban đêm. Bên cạnh quy hoạch theo lãnh thổ, các Bộ quản lý những lĩnh vực có liên quan như: Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch…cũng cần nghiên cứu để lồng ghép nội dung kinh tế ban đêm trong quy hoạch ngành mình. Trong tương lai gần, quy hoạch để phát triển kinh tế ban đêm cũng cần được xem xét để đưa vào Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ba là, về tổ chức bộ máy, cần phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế ban đêm; đồng thời nghiên cứu, chủ động bố trí phương án nhân lực, vật lực, tài lực phục vụ cho quản lý nhà nước đối với kinh tế ban đêm.
Thứ hai, đối với công tác thanh tra:
Một là, phát triển kinh tế ban đêm dự báo sẽ làm xuất hiện những vấn đề mới trong quản lý nhà nước. Do vậy, công tác lập kế hoạch thanh tra phải có những điều chỉnh phù hợp, đặc biệt về tần suất, số lượng tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra. Đối với các loại hình hoạt động xuyên suốt, liên tục, không ngừng nghỉ trong nền kinh tế đêm thì cần xem xét áp dụng hình thức kiểm tra thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh những sai phạm có thể xảy ra của các đối tượng quản lý.
Hai là, nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành đáp ứng các yêu cầu của quản lý nhà nước. Kinh tế ban đêm là lĩnh vực mang tính chất tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Do vậy, các cuộc thanh tra, kiểm tra áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong mô hình kinh tế đêm nên được thiết kế theo hướng liên ngành, nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả. Việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra liên ngành đồng thời sẽ giảm thiểu nguy cơ chồng chéo thẩm quyền của các đoàn thanh, kiểm tra, tạo áp lực không cần thiết cho đối tượng quản lý và tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, tham nhũng.
Ba là, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong bộ máy thanh tra nhà nước, đặc biệt tại các địa phương dự kiến thí điểm triển khai hoạt động kinh tế ban đêm cần nghiên cứu để xây dựng phương án bố trí nhân sự, bảo đảm cho việc thực thi nhiệm vụ xuyên suốt vào ban đêm. Nhiệm vụ này đặc biệt quan trọng đối với các lĩnh vực thanh tra, kiểm tra chuyên ngành dự báo khối lượng công việc sẽ tăng đột biến khi mô hình kinh tế đêm được hiện thực hóa như: vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng chống cháy nổ; an toàn giao thông…
Bốn là, ngay ở thời điểm hiện tại, cần tiếp tục rà soát, tăng cường thanh tra, kiểm tra các loại hình kinh doanh dịch vụ đang là điểm nóng trong công tác quản lý nhà nước như dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar. Phát triển kinh tế ban đêm nhằm mục tiêu khai thác tốt hơn tiềm năng về du lịch, dịch vụ, mua sắm, nhưng đồng thời cũng hướng tới việc quảng bá nền văn hóa Việt Nam. Để làm được điều đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết triệt để những bất cập đang tồn tại ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, “lành mạnh hóa” thị trường kinh tế về đêm, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho chiến lược xây dựng hình ảnh các thành phố về đêm sôi động, trẻ trung nhưng giàu văn hóa và đậm đà bản sắc dân tộc./.
————-
Ghi chú:
[1] Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam không đưa ra định nghĩa khái niệm “kinh tế ban đêm”. Tuy nhiên, nội dung Quyết định có quy định “Kinh tế ban đêm không phải là một bộ phận tách rời của nền kinh tế. Trước mắt, phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau”.
[2] Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng. Năm 2015 đạt 6,3%; năm 2016: 6,9%; năm 2017: 7,9%; năm 2018: 8,3% và năm 2019: 9,2%. Nguồn: Tổng cục Du lịch.
[3] Ông John Lindquist, cố vấn cấp cao BCG, thành viên Hội đồng cơ quan du lịch Vương quốc Anh cho biết: “Năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, nhưng số này ở Indonesia là 12,6 tỷ USD; Singapore là 18,4 tỷ USD, Thái Lan là 52,5 tỷ USD”. Cố vấn cấp cao BCG cũng so sánh, khách quốc tế lưu lại Việt Nam và Thái Lan cùng khoảng thời gian hơn 9 ngày nhưng chỉ tiêu 96 USD mỗi ngày ở Việt Nam, còn ở Thái Lan là 163 USD. Khoảng cách về mức độ chi tiêu của du khách tại Việt Nam so với Thái Lan là không dễ để san lấp, dù du lịch Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực. Lý giải điều này, theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân quan trọng là nền kinh tế đêm của Thái Lan đang bỏ cách khá xa Việt Nam. Người phương Tây ví Bangkok là thành phố không bao giờ ngơi nghỉ vì các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra suốt ngày đêm ở đây. Theo số liệu thống kê năm 2018 của Master Card, Bangkok tiếp tục dẫn đầu danh sách những thành phố có lượng khách du lịch hằng năm lớn nhất thế giới. Trung bình, du khách tại Bangkok có thời gian lưu trú là 4,7 đêm và chi tiêu mỗi ngày khoảng 173USD. Nguồn: https://www.annhome.vn/kinh-te-dem-night-time-economy-nhung-dieu-phai-biet/.
[4] Khoản 9 Điều 27 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ) quy định vũ trường không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng; Khoản 7 Điều 32 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ) quy định kinh doanh karaoke không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng.
[5] Ý kiến trình bày tại Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế ban đêm và hàm ý chính sách đối với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức. Link: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=61488
Đinh Lương Minh Anh
Giảng viên, Khoa Pháp luật Hành chính
Đại học Nội vụ Hà Nội