Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra > TinTucA > ChiTietTin
Ngày 27/12/2021 tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT), Ban chủ nhiệm đề tài cấp bộ: “Xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ” tổ chức họp đánh giá cơ sở nhằm hoàn thiện nội dung nghiên cứu. Đề tài do TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm. TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP chủ trì cuộc họp.
Theo TS. Nguyễn Quốc Văn, về cơ bản, các cán bộ, công chức của ngành thanh tra luôn nêu cao tinh thần, ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và các quy tắc, chuẩn mực ứng xử của ngành. Các đoàn thanh tra khi làm việc với các đối tượng thanh tra luôn được đối tượng và nhân dân địa phương tin tưởng, phối hợp trong thực thi nhiệm vụ, góp phần tạo nên hình ảnh chuẩn mực và tốt đẹp về đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra. Tuy nhiên, trong thực tiễn, vẫn xảy ra một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thanh tra vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý. Những vi phạm của cán bộ, công chức thanh tra thường xảy ra ở lĩnh vực thanh tra kinh tế – xã hội, thanh tra các lĩnh vực đất đai, xây dựng, trật tự an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, kiểm lâm, y tế, giao thông… Trong đó, có một số vụ việc cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định của pháp luật thanh tra hoặc quy tắc ứng xử của ngành đã bị xử lý kỷ luật, nhiều trường hợp bị xử lý hình sự… Một số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật, tham nhũng của Đoàn thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ đã xảy ra, được báo chí phản ánh và dư luận quan tâm…
Chính vì vậy, trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thi hành Hiến pháp năm 2013 và các chỉ đạo của Đảng về tăng cường kiểm soát quyền lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển; việc nghiên cứu Đề tài: “Xử lý hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ” là cần thiết và mang tính thời sự.
Theo đó, đề tài được thiết kế gồm ba chương: (1) Những vấn đề chung về xử lý hành vi vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) của Thanh tra Chính phủ; (2) Thực trạng xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ; (3) Giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ.
Cho ý kiến góp ý vào kết quả nghiên cứu của đề tài, TS. Trần Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP, Ủy viên Hội đồng cho rằng, việc lựa chọn hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Cách tiếp cận mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong đề tài phù hợp. Thông tin, số liệu sử dụng trong đề tài phong phú, có tính chính xác, độ tin cậy cao. Kết quả nghiên cứu chỉ ra cần phải có quy định điều chỉnh về việc VPHC trong quản lý nhà nước của TTCP nhằm đảm bảo thực hiện tốt hoạt động thanh tra, bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Các giải pháp, kiến nghị đưa ra trong đề tài đảm bảo tính đồng bộ và khả thi.
Theo ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, Ủy viên thư ký Hội đồng, đề tài có nội dung nghiên cứu sâu, luận giải từ nội dung lý luận cho đến đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp. Nội dung khá cân xứng ở cả ba chương. Hệ thống các nhóm giải pháp có tính đồng bộ cao, các kiến nghị cụ thể, rõ ràng và tương đối khả thi. Tuy nhiên, một số nội dung nghiên cứu trong đề tài chưa có kết cấu chưa hợp lý: Nội dung nhận diện hành vi tham nhũng bị trùng lặp trong cả chương 1 và 2, do vậy cần cơ cấu lại cho hợp lý. Chương 2 cần lược bớt phần liệt kê các quy định pháp luật, do dung lượng nội dung này tại phần này khá nhiều. Về các vụ việc thực tế được thể hiện trong các hộp, cần giảm bớt chỉ nên chọn một số vụ việc mang tính điển hình tránh trùng lặp nhiều vụ việc có cùng tính chất, sự việc. Chương 3, phần giải pháp về hoàn thiện pháp luật có đề xuất hai phương án nhưng chưa đưa ra sự lựa chọn, do vậy đề tài cần có đánh giá nhằm lựa chọn phương án nào có tính khả thi, hiệu quả hơn.
TS. Đinh Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng cho ý kiến và đưa ra kết luận về kết quả nghiên cứu của đề tài. Theo đó, đề tài đã làm rõ được những vấn đề chung về xử lý VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của TTCP. Thông tin, số liệu cung cấp trong đề tài đa dạng, phong phú, đảm bảo tính chính xác. Tuy nhiên, việc đưa ra khái niệm: “Xử lý VPHC là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế…” cần làm rõ luôn đó là trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý. Ngoài ra, cần làm xác định rõ đối tượng thanh tra là cơ quan hành chính nhà nước hay đối tượng thanh tra chuyên ngành. Thực tế cho thấy, hầu hết đối tượng thanh tra chuyên ngành đều chấp hành pháp luật, ít xẩy ra việc chống đối, do vậy việc đề xuất biện pháp, chế tài xử phạt VPHC đối với đối tượng này cần cân nhắc trong đề tài. Về đối tượng là công dân đi khiếu nại, tố cáo, xét về mặt chính trị cũng cần cân nhắc khi đề xuất biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với các đối tượng này.
Bên cạnh đó, nội dung quản lý nhà nước của TTCP và nội dung về nhận diện VPHC trong đề tài chưa thực sự logic. Đối với hai phương án hoàn thiện pháp luật: Phương án 1: Ban hành Nghị định của Chính phủ về xử lý VPHC trong lĩnh vực QLNN của TTCP; Phương án 2: Sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL có liên quan, bảo đảm tính thống nhất và khả thi trong các quy định về xử lý VPHC trong lĩnh vực QLNN của TTCP, đề tài cần nêu rõ tính khả thi, hiệu quả của từng phương án.
Với những kết quả đạt được, Hội đồng phê duyệt thuyết minh đồng ý thông qua để nghiệm thu chính thức. Ban chủ nhiệm đề tài bổ sung, chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của Hội đồng tại cuộc họp.
Tin: Lan Hương
Ảnh: Hữu Thắng