Viêm phổi bội nhiễm khi mắc Covid-19 – VnExpress
Các trường hợp viêm phổi bội nhiễm cần chẩn đoán nhanh, chính xác, dùng kháng sinh đúng, kịp thời để bệnh không tiến triển nặng, giảm nguy cơ tử vong, hồi phục tốt hơn.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết hầu hết bệnh nhân mắc Covid-19, các triệu chứng sẽ hồi phục trong khoảng một tuần. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có diễn biến lâm sàng xấu đi sau một tuần, tiến triển đến bệnh nặng bao gồm hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS). Khoảng 5-10% bệnh nhân có thể giảm oxy máu thầm lặng, bệnh nhân không có cảm giác khó thở nhưng SpO2 giảm rất dễ bị bỏ qua.
Bên cạnh đó, khi mắc Covid -19, nguy cơ nhiễm trùng hay còn gọi là bội nhiễm vi khuẩn rất lớn. Viêm phổi bội nhiễm là một trong những biến chứng đáng lo ngại trên nền những bệnh nhân có tổn thương phổi do Covid-19. Người bệnh có bội nhiễm vi khuẩn do nhiều nguyên nhân, trong đó có vi khuẩn cơ hội trên nền tổn thương phổi sẵn có do Covid -19 gây ra, tiếp theo là suy giảm miễn dịch khi điều trị bằng Dexamethasone (Dexamethasone cải thiện tỷ lệ tử vong trong điều trị Covid-19 nặng và nguy kịch).
Viêm phổi bội nhiễm là một trong những biến chứng đáng lo ngại trên nền những bệnh nhân có tổn thương phổi do Covid-19, cần được điều trị kịp thời. Ảnh: Clinica Medica Familiar
Theo bác sĩ Thiệu, bệnh nhân nam tuổi càng cao, có các bệnh đi kèm càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi bội nhiễm. Béo phì, tiểu đường, các bệnh lý phổi nền. Những người uống thuốc ức chế hệ miễn dịch và phụ nữ có thai cũng thuộc đối tượng nguy cơ cao. Đối với những người nhập viện do Covid-19, 15-30% sẽ tiếp tục phát triển hội chứng suy hô hấp cấp tính liên quan đến viêm phổi bội nhiễm.
Trong quá trình theo dõi F0 tại nhà, ngoài thuốc dùng đúng phác đồ, thì việc theo dõi chỉ số oxy máu bằng máy đo SpO2 cầm tay rất quan trọng. Việc không đảm bảo SpO2 là cơ sở để đánh giá sơ bộ bệnh nhân có tổn thương phổi hoặc bội nhiễm. Những người bệnh này bắt buộc nhập viện. Các triệu chứng thường xuất hiện vào khoảng ngày thứ 5 đến 12 của bệnh, đây cũng là giai đoạn nguy hiểm nhất.
Với những người bị viêm phổi bội nhiễm do Covid-19, việc đầu tiên là phải đảm bảo thông số oxy phù hợp bằng liệu pháp thở oxy, kết hợp với thuốc kháng virus Remdesivir, Dexamethasone, kháng sinh thích hợp, thường khởi đầu là Ceftriaxone 1g x 2 lọ mỗi ngày. Bác sĩ cần theo dõi đánh giá đáp ứng của bệnh nhân với tình trạng nhiễm trùng và xét nhiệm để đánh giá đề phòng cơn bão Cytokin. Ngoài ra, người bệnh còn cần sử dụng những thuốc điều trị triệu chứng khác, vitamin, bổ sung dinh dưỡng nhằm nâng cao thể trạng.
Khi điều trị cho người bị viêm phổi bội nhiễm, bác sĩ phải phân loại chẩn đoán biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân theo mức độ nghiêm trọng của bệnh và xem xét liệu tình trạng mắc bệnh nhẹ, trung bình (không cần oxy bổ sung), nặng (cần oxy lưu lượng thấp), hoặc bệnh nguy kịch (trên HFNC, NIV, IMV, hoặc ECMO). Điều này có ý nghĩa chính đối với việc lựa chọn cách điều trị và quản lý bằng thuốc.
Bác sĩ Thiệu cũng đưa ra một số lưu ý cho người mắc Covid-19 trong quá trình điều trị nhằm giảm nguy cơ bội nhiễm. Đó là không nên tự ý dùng các thuốc ức chế miễn dịch như: thuốc corticoid (dexamethasone hay methylprednisolone); chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ hoặc được tư vấn bởi các chuyên gia y tế hay những người có kinh nhiệm trong khám và điều trị Covid-19. Người bệnh cần ngừng thuốc hoặc giảm liều ngay khi hết chỉ định theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Trong quá trình tư vấn và điều trị cho F0, bác sĩ Thiệu nhận thấy, nhiều người lạm dụng việc xông mũi, họng và thường làm theo hướng dẫn truyền tai nhau trên mạng xã hội. Việc xông mũi, họng quá nhiều lần trong một ngày, dễ làm tổn thương niêm mạc đường thở, mất khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng từ bên ngoài.
“Về nguyên tắc, xông mũi họng với gừng, sả… có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp trên, hỗ trợ làm giảm nhẹ triệu chứng nhưng không phải là phương pháp điều trị Covid-19”, bác sĩ nói. Đối với thuốc kháng sinh, người bệnh chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, được theo dõi y tế đầy đủ; và cần bù đủ nước, bổ sung vitamin 3B, vitamin C…
Sau khi khỏi, người bệnh vẫn cần lưu ý các vấn đề về dinh dưỡng nhằm nâng cao thể trạng, thực hiện những bài tập phục hồi như tập thở. Ngoài ra, F0 cũng cần tìm hiểu thông tin từ các nguồn tin cậy, tự theo dõi sức khỏe và biểu hiện của chính mình, giữ tinh thần lạc quan, điều chỉnh cuộc sống bằng các hoạt động tích cực với gia đình và xã hội. Tiếp tục tuân thủ thông điệp 5K nhằm tránh tái nhiễm hoặc lây chủng virus khác cũng rất quan trọng. Người khỏi bệnh có thể tiêm vaccine sau 2 đến 4 tháng và cần khám lại ngay khi có triệu chứng sốt, mệt mỏi, khó thở, lú lẫn…
Hải My