Viêm phế quản ở trẻ em bao lâu thì khỏi? Chăm sóc như thế nào?

Viêm phế quản ở trẻ là một bệnh lý thường gặp, có khả năng tái đi tái, nhất là vào thời điểm giao mùa. Mặc dù bệnh không khó để điều trị nhưng không phải ai cũng biết cách điều trị dứt điểm. Vậy viêm phế quản ở trẻ em bao lâu thì khỏi? Bệnh được điều trị như thế nào là đúng cách? Cần lưu ý gì khi chăm trẻ bị viêm phế quản?

viêm phế quản ở trẻ em bao lâu thì khỏi

Viêm phế quản ở trẻ là bệnh gì?

Viêm phế quản ở trẻ hay còn gọi là viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng lớp niêm mạc, tiểu phế quản, chủ yếu do virus gây ra. Ngoài ra, vi khuẩn, nấm cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Mùa đông là thời điểm bệnh phát triển nhanh, dễ bùng phát thành dịch.

Tình trạng nhiễm trùng, viêm phế quản làm phế quản bị thu hẹp và tiết nhiều dịch nhầy làm tắc nghẽn đường thở. Điều này khiến không khí bên trong phế quản không thể lưu thông, trẻ cảm thấy khó thở, thở khò khè và bắt đầu xuất hiện các cơn ho dữ dội. Ho có thể có đờm đi kèm vì đây là phản ứng của cơ thể để đẩy đàm từ phổi ra ngoài, loại bỏ chất nhầy bên trong đường thở, giúp lưu thông ống thở. (1)

Bệnh viêm phế quản được chia làm 2 loại:

  • Viêm phế quản cấp tính: Các triệu chứng của bệnh kéo dài từ 7-10 ngày hoặc hơn. Nếu được chữa trị đúng cách, bệnh không tái đi tái lại nhiều lần.

  • Viêm phế quản mãn tính: Các triệu chứng xuất hiện dai dẳng, có thể kéo dài đến vài tháng, thậm chí là vài năm. Bệnh có thể làm suy giảm chức năng của phổi và gây ra những tổn thương vĩnh viễn ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ. Sau khi được điều trị, bệnh có nguy cơ tái phát cao.

    Các triệu chứng xuất hiện dai dẳng, có thể kéo dài đến vài tháng, thậm chí là vài năm. Bệnh có thể làm suy giảm chức năng của phổi và gây ra những tổn thương vĩnh viễn ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ. Sau khi được điều trị, bệnh có nguy cơ tái phát cao.

Phế quản bị viêm, sưng to và tiết dịch gây tắc nghẽn ống thở

Triệu chứng viêm phế quản ở trẻ em

Trẻ bị viêm phế quản thường sẽ có các biểu hiện sau: (2)

  • Ho khan, ho có đàm (đàm có màu trắng hoặc vàng). Đối với trẻ dưới 5 tuổi, đàm sẽ được đẩy ra ngoài khi trẻ nôn. Ho liên tục khiến trẻ cảm thấy ngứa, rát cổ họng. Trẻ ho dữ dội hơn khi nằm.

  • Nghẹt mũi, thở khò khè, khó thở;

  • Sốt;

  • Đau họng; 

  • Mệt mỏi, ớn lạnh, khó chịu;

  • Đau, nhức đầu;

  • Đau ngực;

  • Trẻ quấy khóc bất thường;

  • Bỏ bú, bỏ ăn;

  • Da tím tái, xanh hoặc xám;

  • Niêm mạc phế quản sưng đỏ, phù nề…

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh và khiến tình trạng bệnh cứ trẻ ngày càng nghiêm trọng hơn:

  • Trẻ thường xuyên dùng các món ăn, đồ uống lạnh;

  • Sống trong môi trường ô nhiễm, chứa nhiều bụi bẩn, khí thải,…;

  • Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá…

Trẻ khó thở, ho khan nhiều do bệnh viêm phế quản

Điều trị viêm phế quản ở trẻ nhỏ

Bệnh viêm phế quản ở trẻ được điều trị dựa theo loại bệnh mà trẻ mắc phải:

1. Đối với trẻ bị viêm phế quản cấp tính:

Việc điều trị viêm phế quản cấp tính thường hướng đến là giảm nhẹ và kiểm soát các triệu chứng. Nguyên nhân chủ yếu gây viêm phế quản cấp tính là do virus, do đó, thuốc kháng sinh thường sẽ không được sử dụng để điều trị trong trường hợp này. Thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng khi các xét nghiệm cho thấy vi khuẩn là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm nhiễm này. 

Để bệnh viêm phế quản cấp tính ở trẻ nhanh khỏi, phụ huynh có thể thực hiện các biện pháp điều trị sau:

  • Cho trẻ sử dụng các loại thuốc giảm đau nhức cơ, đau đầu, hạ sốt (paracetamol hoặc ibuprofen) cho trẻ theo đúng chỉ định của bác sĩ.

  • Trong trường hợp trẻ ho không có đờm, có thể cho trẻ dùng thuốc giảm ho.

  • Trong trường hợp trẻ ho có đờm, có thể cho trẻ dùng thuốc long đờm, trị ho.

  • Hỏi ý kiến bác sĩ về một số loại thuốc giúp lưu thông đường thở bị tắc nghẽn dành cho người ho kèm theo thở khò khè, mắc bệnh hen suyễn, hoặc có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản mạn tính.

2. Đối với trẻ bị viêm phế quản mạn tính:

Các phương pháp điều trị viêm phế quản mạn tính ở trẻ thường hướng việc kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa các tổn thương do bệnh gây ra và mở rộng đường thở cho trẻ. Một số loại thuốc được dùng để điều trị cho trẻ gồm:

  • Thuốc giảm đau, giãn phế quản: mở rộng đường thở, giúp trẻ thở dễ dàng hơn.

  • Corticosteroid đường uống: kiểm soát các đợt cấp của bệnh.

  • Corticosteroid đường hít: ngăn ngừa đợt cấp của bệnh.

  • Kết hợp thuốc giãn phế quản và Corticosteroid đường hít: kiểm soát triệu chứng ho dai dẳng.

  • Thuốc kháng sinh: kiểm soát nhiễm tùng ngắn hạn…

Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ, trẻ cần được sống trong một môi trường lành mạnh, không chứa khỏi bụi và các chất kích thích độc hại.

Viêm phế quản ở trẻ em bao lâu thì khỏi?

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh, cách điều trị, mức độ nghiêm trọng của bệnh,… thời gian khỏi bệnh của mỗi trẻ sẽ khác nhau. Đối với các trẻ có sức đề kháng và hệ miễn dịch tốt và được chăm sóc, điều trị đúng cách, thường sẽ khỏi bệnh sau 1-3 tuần kể từ khi trẻ phát bệnh. Tuy nhiên, đối với các trẻ nhỏ, sức đề kháng và hệ miễn dịch còn non yếu, việc điều trị viêm phế quản phổi cho trẻ có thể kéo dài hơn 1 tháng. (3)

Ngoài ra, thời gian điều trị viêm phế quản ở trẻ em còn được căn cứ vào loại viêm phế quản mà trẻ mắc phải. 

1. Đối với viêm phế quản cấp tính

Đa số trẻ bị viêm phế quản cấp tính là tình trạng nhiễm trùng do virus. Do đó, sau một vài tuần xuất hiện triệu chứng, bệnh sẽ dần có dấu hiệu cải thiện và có thể tự khỏi theo thời gian. 

Thông thường, bệnh sẽ kéo dài từ 7 đến 10 ngày nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh không được điều trị kịp thời và gặp các yếu tố có yếu tố khiến vi khuẩn phát triển mạnh và nhanh chóng, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn dẫn đến tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, phế cầu khuẩn,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp của trẻ. 

2. Đối với viêm phế quản mạn tính

Nếu không được điều trị đúng cách và dứt điểm, bệnh viêm phế quản cấp tính có thể kéo dài dai dẳng hoặc tái đi tái lại thành viêm phế quản mạn tính. Việc điều trị lúc này sẽ mất nhiều thời gian và công sức, đồng thời kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm. 

Nhiều phụ huynh có thói quen tự ý sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ thay vì đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hỗ trợ điều trị. Điều này khiến tình trạng viêm phế quản ở trẻ ngày càng tồi tệ hơn, khiến bệnh không được điều trị triệt để, gây ra các tổn thương kéo dài và trẻ có thể xuất hiện tình trạng kháng thuốc. Do đó, điều quan trọng nhất khi trẻ bị viêm phế quản là xác định chính xác loại bệnh mà trẻ mắc phải, từ đó thực hiện biện pháp điều trị phù hợp. Tốt nhất, khi trẻ bị viêm phế quản, bố mẹ đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra và hỗ trợ điều trị, tư vấn chăm sóc đúng cách giúp bệnh nhanh khỏi và được điều trị dứt điểm.

Cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản

Khi chăm sóc trẻ bị viêm phế quản, bố mẹ cần chú ý đến các triệu chứng đã xuất hiện và sự thay đổi của các triệu chứng này. Cần đưa trẻ đến bác sĩ để được kiểm tra và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, đúng cách và hiệu quả. Bố mẹ có thể thực hiện một số lưu ý sau để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh của trẻ, giúp giảm nhẹ các triệu chứng, bệnh nhanh khỏi hơn:

  • Cho trẻ uống nhiều nước, đảm bảo cung cấp đủ nước cho trẻ. Việc bổ sung đủ nước cho trẻ sẽ giúp trẻ hạn chế tình trạng mất nước, các phế quản được giãn ra, giảm tắc nghẽn ở phế quản và giúp đàm được bị đẩy từ phế quản ra bên ngoài dễ dàng hơn.

  • Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn. Để giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn, mẹ có thể cho trẻ nghỉ ngơi trong môi trường thông thoáng, hợp vệ sinh và nhiệt độ và độ ẩm phù hợp. Hơn nữa, để trẻ dễ thở hơn, bố mẹ có thể kê đầu trẻ lên một chiếc gối êm, có độ cao vừa phải.

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Viêm phế quản khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, bỏ bú, mẹ cần chú ý cho trẻ ăn uống đầy đủ, không bỏ bữa để cung cấp cho trẻ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Đối với trẻ còn bú mẹ, mẹ nên tăng số cữ bú cho trẻ. Các chất dinh dưỡng chứa trong sữa mẹ, thức ăn, vitamin và khoáng chất là các yếu tố quan trọng, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, cái thiện hệ miễn dịch.

  • Tập cho trẻ thói quen súc miệng và vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý. Điều này sẽ làm tăng nồng độ pH trong khoang miệng của trẻ, từ đó ngăn chặn sự lây lan và phát triển của vi khuẩn.

  • Xây dựng lối sống lành mạnh cho trẻ, thường xuyên cho trẻ tập thể dục, tránh xa những khu vực ô nhiễm, nhiều khói bụi.

  • Vệ sinh khu vực sống và vui chơi của trẻ sạch sẽ, thoáng đãng…

Trong quá trình chăm sóc tại nhà cho trẻ, nếu trẻ có các biểu hiện dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ hỗ trợ điều trị khẩn cấp:

  • Các cơn ho của trẻ xuất hiện thường xuyên hơn, ho kéo dài, dai dẳng và ngày càng nghiêm trọng hơn.

  • Sốt cao trên 39 độ C và không có dấu hiệu giảm nhẹ khi đã dùng thuốc hạ sốt và các biện pháp hạ sốt thông thường.

  • Trẻ bị khó thở nghiêm trọng, ho ra máu, bắt đầu xuất hiện các cơn thở rít.

  • Trẻ có các biểu hiện bất thường: lo lắng, dễ kích động, mệt mỏi quá mức, lừ đừ…

  • Mũi, miệng, móng tay dần trở nên xanh xao hoặc có màu xám.

  • Mất nước kéo dài, nghiêm trọng: trẻ khóc không có nước mát, khô môi…

Để biết thêm thông tin về sự phát triển và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ tới bệnh viện theo địa chỉ:

Qua những chia sẻ trên, hy vọng bố mẹ đã có đáp án cho câu hỏi “Viêm phế quản ở trẻ em bao lâu thì khỏi” và hiểu rõ hơn về cách điều trị và chăm sóc khi trẻ mắc bệnh. Ngoài ra, bố mẹ nên chủ động cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng ngừa các bệnh viêm phổi, viêm phế quản cho trẻ. 

Giản Đơn