Viêm mũi dị ứng: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị | BvNTP
Viêm mũi dị ứng có thể là bệnh lý đường hô hấp khá phổ biến. Tuy không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, thế nhưng nếu để kéo dài mà không chữa trị có thể gây ra biến chứng đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh. Do vậy, chúng ta cần trang bị những kiến thức về bệnh để có thể phòng ngừa cũng như kịp thời xử lý, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa hiện tại, các bệnh lý về đường hô hấp có xu hướng gia tăng.
Mục Lục
1. Vài nét khái quát về bệnh viêm mũi dị ứng
Về khái niệm, viêm mũi dị ứng là một dạng rối loạn dị ứng xảy ra khi niêm mạc mũi xoang tiếp xúc với các dị nguyên tồn tại trong không khí như: Phấn hoa, bụi bẩn, lông chó mèo, bông sợi trong quần áo…
Bệnh viêm mũi do dị ứng có thể gặp ở mọi đối tượng, bệnh xuất hiện do cơ chế dị ứng của từng người. Theo thống kê từ Khoa dị ứng miễn dịch Bệnh viện Tai-Mũi-Họng Trung ương cung cấp, tỷ lệ người bệnh viêm mũi do dị ứng chiếm khoảng 32% tổng số ca bệnh Tai-Mũi-Họng nói chung.
Người bệnh bị viêm mũi thường phải đối mặt với một số dấu hiệu như: Sổ mũi, ngứa mũi, chảy nước mắt, tăng áp lực xoang… Những triệu chứng lâm sàng vừa được liệt kê là hậu quả của sự giải phóng những hóa chất trung gian của các tế bào trong niêm mạc mũi và ở vòm họng. Không chỉ gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi, viêm mũi còn có thể làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Dựa vào thời gian phát bệnh, viêm mũi dị ứng được chia làm 2 loại đó là:
– Dị ứng theo mùa: Xảy ra đột ngột vào đầu mùa lạnh hoặc đầu mùa nóng,hay thời điểm mưa nắng thất thường, khí hậu nóng ẩm.
– Dị ứng không theo mùa: Bệnh không xuất hiện theo mùa và cũng không phụ thuộc vào thời tiết
2. Nhận biết viêm mũi dị ứng thông qua các biểu hiện
Tùy thuộc vào loại viêm mũi mắc phải mà ở người bệnh có thể xuất hiện những dấu hiệu khác nhau, các dấu hiệu cụ thể như sau:
2.1. Biểu hiện theo mùa
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dị ứng có liên quan đến phấn hoa và bào tử, bởi vì khi thời tiết thay đổi, nồng độ phấn hoa và bào tử ở trong không khí tăng mạnh khiến cho niêm mạc mũi dễ bị kích ứng. Cụ thể, một số biểu hiện của bệnh bao gồm:
– Hắt hơi, sổ mũi liên tục, bệnh nhân cảm thấy cay ở trong mũi
– Nước mũi chảy nhiều và trong như nước lá
– Cảm giác rát bỏng ở kết mạc hoặc vòm họng
– Váng đầu, mệt mỏi, uể oải, bệnh nhân đôi khi còn có biểu hiện sợ ánh sáng
– Triệu chứng dị ứng thường xuất hiện nhiều vào ban ngày, đặc biệt là thời điểm mới ngủ dậy và có xu hướng đến tối lại dịu đi. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh có thể tái đi tái lại và kéo dài trong nhiều năm liền.
– Ở một số bệnh nhân cao tuổi, viêm mũi khiến cho niêm mạc mũi bị thoái hóa và phù nề gây ngạt mũi, khó thở.
2.2. Viêm mũi không theo mùa
Với viêm dị ứng không theo mùa, nguyên nhân có thể là do bụi nhà. Bởi những hạt bụi li ti bám trên bề mặt các đồ vật ở trong gia đình sẽ làm cho chúng bị kích ứng, từ đó gây ra các phản ứng như hắt xì hay sổ mũi.
– Thời gian đầu nước mũi có thể trong, sau đó đặc lại thành mủ, nước mũi chảy thành từng đợt, có thể bị viêm loét vùng tiền đình mũi
– Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể hắt hơi liên tục nhiều giờ trong ngày
– Mệt mỏi, giảm trí nhớ, ngạt mũi thay đổi tùy theo thời gian, tình trạng nghẹt mũi kéo dài khiến bệnh nhân phải thở bằng miệng
– Ở một số trường hợp, niêm mạc mũi bị phù nề, phủ dịch nhầy loãng hoặc mủ đặc, có màu trắng hoặc vàng, xanh khi có bội nhiễm vi khuẩn.
3. Chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng thế nào?
3.1. Phương pháp chẩn đoán
Bên cạnh việc phát hiện bệnh thông qua những dấu hiệu lâm sàng, hiện nay bác sĩ chuyên khoa có thể chẩn đoán bệnh bằng nhiều cách khác nhau như:
– Test kích thích: Thông qua phản ứng dị ứng với dị nguyên khác nhau làm căn cứ để chẩn đoán bệnh.
Xét nghiệm dị ứng da: Dựa trên sự mẫn cảm tức thời của da (qua trung gian IgE) khi tiếp xúc với các dị nguyên.
Xét nghiệm máu: Thông qua hình thức kiểm tra hệ miễn dịch IgE, bác sĩ sẽ đưa ra dự đoán cụ thể về dạng dị ứng ở trong máu để qua đó đưa ra mức độ ảnh hưởng của tình trạng dị ứng.
Bên cạnh đó, ở một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm một số biện pháp chẩn đoán như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính.
3.2. Phương pháp điều trị
Sau khi đã nắm được chính xác tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn phương hướng điều trị phù hợp.
Cách điều trị viêm mũi do dị ứng phổ biến nhất hiện nay đó là sử dụng thuốc, một số loại thuốc thường được sử dụng phổ biến bao gồm thuốc kháng Histamine hoặc thuốc có chứa Decongestant. Đây đều là những loại thuốc có tác dụng thông mũi, làm giảm triệu chứng nghẹt mũi đồng thời giúp thông xoang. Tuy nhiên, bệnh nhân lưu ý trước khi sử dụng cần phải có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc mua ở bên ngoài hoặc dùng không đúng liều lượng có thể dẫn tới những tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Lưu ý không phải trường hợp bị viêm mũi nào cũng chỉ cần điều trị bằng thuốc. Với người bệnh xuất hiện Polyp, thoái hóa cuốn mũi hay có cấu trúc giải phẫu như là lệch vắn ngăn, gai vách ngăn thì lúc này bắt buộc phải được can thiệp bằng phẫu thuật.
4. Phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng thế nào?
Dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia giúp bạn có thể phòng ngừa bệnh từ sớm:
– Không nuôi động vật như chó, mèo trong nhà bởi lông động vật cũng là một tác nhân gây viêm mũi
– Vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm… để hạn chế vi khuẩn xâm nhập và phát triển
– Giữ cho nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, tránh để nhà cửa ẩm ướt nhằm hạn chế nguy cơ nấm mốc phát triển
– Vệ sinh răng miệng hàng ngày, lưu ý nên đánh răng 3 lần sau bữa ăn, buổi sáng ngủ dậy và trước khi đi ngủ
– Tránh và hạn chế tiếp xúc với bụi bẩn trên đường, tốt hơn hết cần đeo khẩu trang mỗi khi ra đường để bảo vệ sức khỏe của bản thân
– Giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa hoặc khi thời tiết thay đổi thất thường, những người có cơ địa dễ dị ứng càng nên chú ý mặc đủ ấm, quàng khăn giữ ấm cổ, tắm bằng nước nóng…
Trên đây là các thông tin cần biết về viêm mũi dị ứng. Như đã đề cập trước đó, mặc dù không phải bệnh lý gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nếu như để bệnh kéo dài có thể dẫn đến một số biến chứng như: Viêm xoang mạn tính, tắc lỗ thông xoang, Polyp mũi xoang.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp