Viêm đường tiết niệu: Căn bệnh không chừa một ai!
Viêm đường tiết niệu (Urinary Tract Infection – UTI) là căn bệnh rất phổ biến, ở mọi đối tượng, độ tuổi đều có thể mắc. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm thận – bể thận, áp xe quanh thận, nhiễm trùng huyết, suy thận,… vô cùng nguy hiểm. Tin vui cho bệnh nhân đó là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị sớm.
Mục Lục
Viêm đường tiết niệu là gì?
Viêm đường tiết niệu là tình trạng hệ tiết niệu bị xâm nhập bởi vi khuẩn gây viêm nhiễm. Trên thực tế, nước tiểu chứa trong bàng quang vô trùng, tuy nhiên vì một số lý do mà vi khuẩn có điều kiện xâm nhập vào niệu đạo rồi ngược dòng gây gây nhiễm khuẩn niệu quản, thận hay bàng quang… dẫn tới tình trạng nước tiểu bị nhiễm khuẩn và lây lan tới từng cơ quan của hệ bài tiết.
Viêm đường tiết niệu thường gặp ở trẻ gái và phụ nữ hơn so với bé trai và nam giới. Nguyên nhân chính do ở nữ giới, cấu tạo niệu đạo ngắn và gần hậu môn hơn so với nam giới khiến vi khuẩn cư trú tại hậu môn (khi không được làm sạch tuyệt đối) và ngoài môi trường (trong nước sinh hoạt) dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo.
Nữ giới trong độ tuổi sinh sản có tỷ lệ mắc viêm đường tiết niệu cao nhất trong các độ tuổi
Ngoài ra, ở nam giới, trong tuyến tiền liệt có chứa chất kháng khuẩn tự nhiên có khả năng hạn chế nhiễm trùng đường tiểu, do đó hầu hết trường hợp bị thường do bị dị tật gây tắc nghẽn đường tiểu, ứ đọng nước tiểu tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh.
Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng hệ tiết niệu bị viêm nhiễm là do vi khuẩn, trong đó E. coli (chiếm tới 60- 70%), Klebsiella, P. mirabilis, Enterobacter…
Vi khuẩn sau khi xâm nhập được vào đường niệu đạo sẽ gây viêm niệu đạo và bàng quang. Tuy nhiên cũng có trường hợp vi khuẩn xâm nhập, di chuyển theo đường máu và đường bạch huyết sẽ gây nhiễm khuẩn tại nhu mô thận, sau đó theo nước tiểu dẫn tới viêm đường tiết niệu thấp.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm đường tiểu là:
- Thói quen uống ít nước, nhịn tiểu.
- Sử dụng các loại xà phòng, hoá chất, mặc đồ lọt chật,… khiến độ pH tại âm đạo bị thay đổi, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
- Do vệ sinh thiếu khoa học trước và sau khi quan hệ tình dục, mắc một số bệnh lây qua đường tình dục.
- Ở nam giới mắc các bệnh lý như phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận, thủ dâm quá mức, dị tật niệu đạo gây hẹp đường tiểu.
- Ở nữ giới âm hộ gần hậu môn nên dễ bị lây vi khuẩn và nhiễm trùng đường tiết niệu. Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do tử cung lớn chèn ép bàng quang, thay đổi hình thái xương chậu dễ mắc viêm nhiễm hơn.
E.coli là tác nhân chính gây viêm đường tiết niệu
Triệu chứng viêm tiết niệu
Viêm đường tiết niệu là bệnh lý với nguyên nhân chính do vi khuẩn. Bệnh có thể không có biểu hiện gì cho tới những triệu chứng rất đặc trưng. Vậy viêm đường tiết niệu triệu chứng ra sao?
Biểu hiện bệnh tại chỗ
Người bệnh có những triệu chứng rõ khi đi tiểu tiện như cảm giác buồn tiểu nhưng không tiểu được, tiểu rắt, buốt. Nước tiểu có màu đục, mùi nồng, có lẫn mủ hoặc tia máu. Trường hợp nặng hơn có cảm giác đau vùng hạ vị (khi bị viêm bàng quang) hay đau vùng lưng hông (khi bị viêm thận – bể thận hay áp xe thận, có sỏi thận gây ứ nước).
Một số trường hợp lại không có biểu hiện mà vô tình xét nghiệm nước tiểu khi khám chữa bệnh lý khác. Người bị đái tháo đường, thai phụ hay phụ nữ có hoạt động tình dục,… thường gặp những biểu hiện này.
Viêm tiết niệu có thể có triệu chứng rõ rệt hoặc không
Biểu hiện bệnh toàn thân
Khi vi khuẩn theo đường niệu đạo sau đó tấn công vào thận có thể dễ dàng xâm nhập vào máu. Vi khuẩn theo đường máu lan tới mọi cơ quan trong cơ thể gây nhiễm khuẩn máu, có thể gây sốc nhiễm khuẩn nguy hiểm tới tính mạng. Người bệnh bị bệnh ở giai đoạn này có các biểu hiện như rét run, sốt cao, lưỡi dơ, môi khô, sụt cân nhanh, gương mặt xanh xao hốc hác,…
Triệu chứng viêm tiết niệu ở nam giới
Nam giới tuy ít mắc bệnh hơn nữ giới nhưng do sự bị động trong việc thăm khám và chủ quan với sức khỏe nên thường chữa trị khi bệnh đã khá nặng. Những biểu hiện của bệnh ở nam giới đó là:
- Người bệnh buồn tiểu và đi tiểu liên tục nhưng ít có nước tiểu, thậm chí không có nhưng luôn có cảm giác bí tiểu, bồn chồn khó chịu.
- Nước tiểu có màu vàng đục, mùi hôi nồng, có thể lẫn máu hoặc mủ.
- Miệng sáo có thể có mủ, gây đau rát, ngứa ngáy khó chịu.
- Bụng dưới và vùng thắt lưng bị đau, cơn đau dữ dội hơn khi quan hệ.
Triệu chứng viêm tiết niệu ở nữ giới
Tỷ lệ mắc viêm đường tiết niệu nữ cao gấp 5 lần so với nam giới, bệnh cũng có những biểu hiện dễ nhận biết như:
- Cảm giác buồn tiểu liên tục nhưng nước tiểu ít, khó chịu hơn vào ban đêm và có thể thấy đau tức vùng bụng dưới.
- Viêm đường tiết niệu ở nữ có biểu hiện tiểu khó, bí tiểu, cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
- Màu sắc của nước tiểu bất thường, màu vàng hoặc hồng do có lẫn máu, mùi hôi nồng.
- Vùng thắt lưng hay bụng dưới đau quặn thắt do tình trạng nhiễm khuẩn đã lan tới niệu quản và thận.
- Nặng hơn, người bệnh sẽ bị sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn.
Viêm đường tiết niệu có nghiêm trọng không?
Nhiều người thắc mắc rằng viêm đường tiết niệu có tự khỏi không? Thông thường, viêm đường tiểu dễ mắc nhưng nếu ở thể nhẹ thường rất dễ điều trị và không gây biến chứng nào. Tuy nhiên khi bệnh không được chữa trị sớm, viêm nhiễm lây lan tới các cơ quan hệ bài tiết và cơ thể người bệnh có sẵn các yếu tố làm tăng nguy cơ sẽ rất dễ đưa bệnh đến giai đoạn nặng và biến chứng rất nguy hiểm. Vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào máu có thể gây nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.
Viêm đường tiết niệu khi mang thai có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm với thai nhi
Các biến chứng của bệnh có thể kể đến là gây hoại tử nhú thận, phá huỷ chủ mô thận, suy giảm chức năng thận, suy thận mãn tính,… Theo thống kê, trong tổng số bệnh nhân bị suy thận, có tới 25% số ca xuất phát từ bệnh viêm đường tiết niệu.
Ở nam giới, viêm đường tiết niệu nặng gây viêm tinh hoàn, áp xe tuyến tiền liệt, tắc ống dẫn tinh, viêm mào tinh dẫn tới vô sinh. Ở nữ giới, bệnh có thể dẫn tới ảnh hưởng hệ sinh sản như viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến, tắc vòi trứng, nguy cơ ung thư cổ tử cung,…
Vậy viêm đường tiết niệu có lây không? Thực tế, bệnh lý này gây ra bởi vi khuẩn rất dễ lây nhiễm. Do đó người nhà có thể bị lây từ người bệnh qua nguồn nước tiểu chứa vi khuẩn hoặc khi quan hệ tình dục, bệnh có thể lây qua đối tác.
Phương pháp chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu sẽ được thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán qua các phương pháp sau đây:
Xét nghiệm nước tiểu cơ bản
Người bệnh sẽ được yêu cầu lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm tổng quan sức khỏe và tìm vi khuẩn, tế bào bạch cầu hay hồng cầu để chẩn đoán viêm nhiễm. Bạn cần lưu ý vệ sinh kỹ vùng kín và lấy nước tiểu giữa dòng để không bị sai lệch kết quả.
Mẫu bệnh phẩm sẽ được kiểm tra bằng mắt thường, que nhúng và kính hiển vi. Theo đó:
- Kiểm tra bằng mắt thường: Quan sát độ đục, có màu đỏ hay không và mùi bất thường.
- Kiểm tra bằng que nhúng: Que nhựa có chứa hoá chất sau đó nhúng vào nước tiểu. Que nhúng sẽ thay đổi màu sắc tuỳ thuộc vào các chất có mặt trong nước tiểu (đó là nitrit hoặc leukocyte esterase – sản phẩm của bạch cầu) và mức độ trên mức bình thường của chúng.
- Kiểm tra bằng kính hiển vi: Quan sát sự xuất hiện của tế bào bạch cầu hay vi khuẩn, nấm men để khẳng định dấu hiệu nhiễm trùng.
Xét nghiệm nước tiểu thông thường bằng que nhúng
Xét nghiệm viêm đường tiết niệu bằng nuôi cấy nước tiểu
Phương pháp xét nghiệm này thực hiện với mục đích tìm vi trùng trong nước tiểu và được đánh giá cao về độ chính xác nên được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán bệnh. Kết quả thường sẽ có trong 2-3 ngày nuôi cấy hoặc dài ngày hơn đối với một số loại vi khuẩn khác tránh bị sai kết quả.
Kết quả của phương pháp xét nghiệm này gồm hai trường hợp là âm tính – không bị nhiễm trùng tiểu và dương tính – bị nhiễm trùng tiểu. Xét nghiệm thường xác định ngưỡng là 103 hoặc 105 đơn vị hình thành khuẩn lạc (CFU) / mL nước tiểu tuỳ thuộc vào loại vi khuẩn được phát hiện.
Trường hợp trong mẫu nước tiểu có chứa 100 đến 100.000 đơn vị thì người bệnh tiếp tục chờ đợi để thực hiện quá trình nuôi cấy theo tiêu chuẩn. Nếu < 100 thì không kết luận là nhiễm trùng đường tiểu, tuy nhiên nếu người bệnh đã dùng kháng sinh điều trị thì vẫn được xác định là có nhiễm khuẩn.
Phương pháp xét nghiệm này sẽ có tác dụng trong việc xác định loại vi khuẩn hay nấm gây bệnh, từ đó lựa chọn được loại kháng sinh phù hợp, nhưng không xác định được vị trí nhiễm trùng. Có một số loại vi trùng kháng kháng sinh nên việc đánh giá độ nhạy của chủng vi khuẩn gây bệnh là rất quan trọng để điều trị cho từng đối tượng.
Xét nghiệm nhiễm khuẩn tiết niệu bằng phương pháp nuôi cấy vi trùng
Phương pháp dùng hình ảnh học của hệ tiết niệu
Thường được áp dụng với bệnh nhân là nam giới hay trẻ em. Khi này, các yếu tố bất thường của đường tiết niệu sẽ cần được đánh giá. Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm, chụp cộng hưởng từ ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính và tái dựng hình ảnh học của hệ tiết niệu. Ngoài ra, các cấu trúc này cũng có thể được sử dụng thuốc nhuộm tương phản để làm nổi bật hình ảnh.
Khi phát hiện các bất thường trong cấu trúc hệ tiết niệu như dị tật bẩm sinh, khối chèn ép tại chỗ hoặc xâm lấn,… thì các bác sĩ sẽ xem xét đến việc chỉ định can thiệp ngoại khoa để giải quyết tình trạng tắc nghẽn nhằm xử lý tái phát. Trường hợp nếu phát hiện ra những biến chứng do các lần viêm nhiễm trước đó gây tổn thương cấu trúc thì có khả năng bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật.
Chụp cộng hưởng từ ổ bụng xác định bất thường trong hệ niệu
Phương pháp nội soi bàng quang
Nội soi bàng quang sẽ thực hiện thám sát các vị trí tại đường tiểu dưới gồm niệu đạo, bàng quang. Phương pháp này thường được chỉ định trong trường hợp người bệnh bị tái phát thường xuyên. Khi này, bác sĩ sẽ dùng ống có gắn nguồn sáng và máy ghi hình, đưa vào niệu đạo và bàng quang để tìm ra các tổn thương trên bề mặt niêm mạc, xác định tình trạng và nguy cơ tiềm ẩn để có phương án xử lý các trường hợp viêm đường tiểu và kém đáp ứng khi điều trị bằng kháng sinh.
Phương pháp nội soi bàng quang chỉ định khi bệnh nhân bị bệnh tái phát nhiều lần
Các xét nghiệm khác trong chẩn đoán viêm đường tiết niệu
Ngoài những xét nghiệm kể trên, chuyên khoa tiết niệu tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông còn thực hiện các xét nghiệm hỗ trợ (nếu cần thiết) để xác định tình trạng nhiễm trùng tại chỗ, lây lan hay bội nhiễm ở các vị trí khác.
Các xét nghiệm viêm đường tiết niệu bổ sung này gồm: đo nồng protein C phản ứng viêm, men gan, các sản phẩm chuyển hoá của thận, tổng phân tích tế bào máu… Hay thực hiện điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp X-quang phổi ở các đối tượng bị bệnh lý tim mạch, người cao tuổi.
Những xét nghiệm này có tác dụng chẩn đoán và dự phòng nguy cơ khởi phát biến chứng do nhiễm trùng đường tiểu, đồng thời đánh giá chức năng gan thận, phổi để đánh giá khả năng đáp ứng thuốc và hướng dùng thuốc điều trị.
Điều trị viêm đường tiết niệu nhiễm khuẩn
Tuỳ vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, vị trí viêm nhiễm thấp hay cao, chủng vi trùng gây bệnh hay bệnh có tính chất cấp hay mạn tính mà bệnh sẽ được điều trị theo từng phương pháp khác nhau. Vậy viêm đường tiết niệu uống gì? Kháng sinh là biện pháp tốt nhất hiện nay dựa vào kháng sinh đồ. Thời gian và liều dùng của từng loại thuốc sẽ được bác sĩ xem xét cho từng bệnh nhân.
*Kháng sinh đồ chính là kỹ thuật bao gồm nuôi cấy nước tiểu để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn, đánh giá độ nhạy cảm của chúng với kháng sinh để chọn loại thuốc có hiệu quả nhất, nhạy cảm với vi khuẩn, dễ dàng hấp thu và gây ít tác dụng phụ nhất để điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ khác.
Các hướng dẫn dùng thuốc dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc:
Trường hợp viêm đường tiết niệu thấp (niệu đạo và bàng quang)
Dùng kháng sinh đường uống có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn thấp kết hợp với thuốc sát khuẩn tại chỗ. Loại kháng sinh thường dùng thuộc nhóm quinolon gồm Norfloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, ofloxacin,… có khả năng xử lý bệnh nhanh nhưng có tác dụng phụ là gây dị ứng trên da, tiêu chảy nhẹ, chống chỉ định với trẻ dưới 16 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú.
Kháng sinh là liệu pháp tốt nhất điều trị viêm đường tiết niệu
Nhóm kháng sinh beta lactam có tác dụng phổ rộng, ít tác dụng phụ, an toàn với phụ nữ, người già và trẻ em gồm amoxicillin, penicillin, cloxacillin, cephalosporin… Tuy nhiên do tình trạng lạm dụng kháng sinh trong người dân nên hiệu quả điều trị của nhóm này thường bị giảm sút. Ngoài ra, Sulfamethoxazole là loại kháng sinh khá thông dụng có hiệu quả trong điều trị viêm đường tiết niệu nhẹ nhưng hiện nay cũng bị giảm tác dụng do tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh cao.
Trường hợp viêm thận – bể thận
Gồm hai trường hợp là viêm thận – bể thận cấp hoặc theo đợt của viêm thận – bể thận mạn sẽ được chỉ định điều trị bằng cách phối hợp ít nhất hai loại kháng sinh đường tĩnh mạch. Viêm đường tiết niệu bao lâu thì khỏi? Thời gian điều trị bằng thuốc kéo dài ít nhất 14 ngày và loại kháng sinh cũng được lựa chọn dựa vào kháng sinh đồ.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp không thể trì hoãn việc điều trị, bác sĩ sẽ dựa vào loại độ tuổi, vi khuẩn thường gặp, bệnh lý kèm theo,… để chọn loại kháng sinh. Thông thường, thuốc được chọn là nhóm kháng sinh quinolon kết hợp nhóm beta lactam hoặc nhóm quinolon kết hợp với cephalosporin theo đường uống hoặc truyền tĩnh mạch.
Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác
Trong các phương án điều trị viêm đường tiết niệu, các bác sĩ chuyên khoa cũng đưa ra các chỉ định như dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, điều trị các yếu tố nguy cơ liên quan như sỏi tiết niệu (tán sỏi siêu âm, uống thuốc tan sỏi, phẫu thuật lấy sỏi…), điều trị u phì đại tuyến tiền liệt, dị dạng đường niệu và các bệnh kèm theo. Đồng thời, dự phòng điều trị biến chứng của bệnh như thiếu máu, tăng huyết áp, suy thận,…
Phòng ngừa viêm đường tiết niệu mọi lứa tuổi
Với mức độ dễ mắc phổ biến ở mọi độ tuổi cả hai giới, việc phòng ngừa sớm mắc bệnh và các biến chứng có thể xảy đến của viêm đường tiết niệu cần thực hiện đó là:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh vùng kín, đặc biệt là sau khi đi đại tiện, trước và sau khi quan hệ tình dục, thời điểm có kinh nguyệt.
- Uống nhiều nước, đi tiểu ngay khi mắc tiểu, không nhịn tiểu.
- Viêm đường tiết niệu nên ăn gì? Người bệnh nên tăng cường ăn rau xanh, các thực phẩm giàu vitamin C,…
- Viêm đường tiết niệu kiêng gì? Và viêm đường tiết niệu có quan hệ được không? Lời khuyên dành cho bệnh nhân là nên kiêng quan hệ vào thời điểm bệnh tái phát, không nên ăn các thực phẩm cay, nhiều đường, muối, uống các loại nước có chứa ga, tránh bia rượu,…
Uống nhiều nước giúp hệ tiết niệu được làm sạch và đào thải cặn bã thường xuyên
Viêm đường tiết niệu rất dễ mắc nhưng tỷ lệ chữa khỏi khá cao, việc chẩn đoán và điều trị sớm có ý nghĩa rất lớn đến thời gian và chi phí chữa trị. Tuy nhiên nếu quá chủ quan với bệnh có thể dẫn đến những biến chứng khó lường, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe về sau và tăng chi phí chữa bệnh. Mỗi người nên tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để sớm phát hiện ra các bệnh lý tiềm ẩn, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Liên hệ hotline 1900 1806 của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để đặt lịch khám sức khỏe tổng quát và các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa, cơ xương khớp và tầm soát ung thư nhé!