Viêm bàng quang – bệnh lý thường gặp ở phụ nữ

Nếu đột nhiên một ngày bạn xuất hiện tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt, kèm theo đôi khi đi tiểu ra cả máu, đừng quá hoảng sợ, có thể bạn đã bị viêm bàng quang, một bệnh lý phổ biến thường gặp trong dân số nói chung, đặc biệt là ở phụ nữ tuổi trưởng thành. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cơ bản nhất về bệnh lý này cũng như biện pháp điều trị nếu gặp phải.

1. Viêm bàng quang là gì?

Bàng quang là một phần của hệ thống đường tiết niệu, đây là một túi cơ rỗng làm nhiệm vụ chứa nước tiểu. Khi nước tiểu trong bàng quang khoảng 300 ml, cơ thể người sẽ có phản xạ buồn tiểu và chỉ huy hệ thống cơ trơn tống xuất nước tiểu ra ngoài.

Viêm bàng quang – bệnh lý thường gặp ở phụ nữ

Viêm bàng quang – bệnh lý thường gặp ở phụ nữ

Viêm bàng quang là tình trạng bàng quang bị viêm nhiễm cấp tính do tác nhân vi khuẩn, nấm, đơn bào… dẫn đến hiện tượng tiểu buốt, rắt. Nếu bị tái đi tái lại nhiều lần, dần dần bệnh sẽ chuyển sang thể mạn tính và đôi khi gây tổn hại chức năng thận, cũng như kéo theo rất nhiều triệu chứng đường tiểu dưới gây khó chịu cho người bệnh.

2. Vì sao viêm bàng quang hay gặp ở nữ giới?

Một thực tế dễ nhận thấy là tỉ lệ viêm bàng quang ở nữ cao hơn nhiều so với nam giới. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này

– Niệu đạo ngắn: Niệu đạo là phần ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Niệu đạo ở nữ giới có chiều dài ngắn hơn nhiều so với niệu đạo nam giới, vì thế vi khuẩn dễ xâm nhập từ ngoài vào gây viêm nhiễm ở bàng quang.

Vì sao viêm bàng quang hay gặp ở nữ giới?

Vì sao viêm bàng quang hay gặp ở nữ giới?

– Đường tiết niệu gần cơ quan sinh dục và tiêu hóa: Lỗ thoát nước tiểu của nữ giới rất gần với hậu môn và âm đạo, do đó một viêm nhiễm phụ khoa hoặc đường tiêu hóa dễ dàng gây nhiễm trùng ngược dòng lên đường tiết niệu, đặc biệt là ở những người có tình trạng vệ sinh kém.

– Thói quen nhịn tiểu và ít uống nước: Những người ít uống nước và thường xuyên nhịn tiểu có nguy cơ mắc viêm bàng quang cao hơn nhiều lần so với người khác. Việc lưu trữ nước tiểu thời gian lâu trong bàng quang vô tình tạo ra hiện tượng “ao tù”, là môi trường tốt cho vi khuẩn bám dính và gây bệnh dễ dàng hơn. 

– Ngoài ra, một số loại thuốc tránh thai có tác dụng làm giảm nhu động cơ trơn cũng gây nên hiện tượng giảm trương lực bàng quang, dẫn đến còn nước tiểu tồn dư (sau khi đi tiểu) cũng góp phần làm gia tăng tỷ lệ viêm bàng quang ở nữ giới.

3. Triệu chứng của viêm bàng quang như thế nào?

Triệu chứng của viêm bàng quang cấp tính là tình trạng đột ngột xuất hiện tiểu buốt, tiểu rắt. Đôi khi tình trạng này xảy ra sau khi quan hệ tình dục khiến người bệnh lầm tưởng mình bị viêm nhiễm phụ khoa. Đi tiểu ra máu cũng là một triệu chứng thường được ghi nhận, nhưng luôn phải kèm theo hiện tượng tiểu buốt, rắt.

Người bệnh thường không sốt, không đau hông lưng. Nếu xuất hiện những triệu chứng này, cần cẩn thận vì có thể tình trạng nhiễm trùng đã lan lên các cơ quan ở vị trí cao hơn (niệu quản, thận) chứ không còn khu trú ở bàng quang nữa.

Đối với bệnh nhân bị nhiễm trùng bàng quang tái đi tái lại, quá trình viêm mạn tính sẽ xảy ra dẫn đến một loạt các triệu chứng đường tiểu dưới gây khó chịu như: tiểu nhiều lần, tiểu không hết bãi, tiểu đêm…

4. Cách điều trị viêm bàng quang

Đối với viêm bàng quang cấp tính, sau khi khẳng định chẩn đoán thông qua xét nghiệm nước tiểu và máu, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh cho bệnh nhân sử dụng. Thông thường, điều trị viêm bàng quang sẽ có liệu trình điều trị kháng sinh sẽ kéo dài từ 3 – 5 ngày đối với người khỏe mạnh bình thường. Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được tư vấn liệu trình kháng sinh dự phòng viêm bàng quang tái phát sau đó để hạn chế nguy cơ tái nhiễm.

Viêm bàng quang – bệnh lý thường gặp ở phụ nữ

Đối với trường hợp nhiễm khuẩn tái phát nhiều đợt, bạn có thể được yêu cầu cấy nước tiểu tìm vi khuẩn và điều trị kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ. Trong trường hợp tổn thương đã trở thành mạn tính, các triệu chứng thường chỉ giảm khi uống thuốc và rất khó để hết hẳn hoàn toàn. Khi đó, các can thiệp về lối sống như uống nhiều nước, không nhịn tiểu…đóng vai trò quan trọng giúp hạn chế bệnh tái phát. Các biện pháp này sẽ được trình bày chi tiết trong bài viết tiếp theo.

Tóm lại, viêm bàng quang là một bệnh lý thường gặp, không quá nguy hiểm tuy nhiên lại mang đến sự phiền phức và khó chịu cho người bệnh. Nếu điều trị không dứt điểm, viêm bàng quang dễ tái phát và trở thành mạn tính, do đó, người bệnh cần đi khám, tham vấn ý kiến bác sĩ thận tiết niệu và điều trị kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc về sau này.