Việc làm là gì? Phân tích vai trò và ý nghĩa của việc làm?
Việc làm là gì? Phân tích khái niệm, vai trò và ý nghĩa của việc làm. Hoạt động kiếm sống là hoạt động quan trong nhất của thế giới nói chung và hoạt động kiếm sống của con người được gọi chung là việc làm.
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, khi mà nước ta đang xây dựng một đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để hội nhập quốc tế thì vấn đề đầu tiên cần phải quan tâm là giải quyết việc làm cho người lao động do nước ta có nguồn lao động đang nằm trong độ tuổi lao động dồi dào. Việc làm là một trong những hoạt động lao động tạo ra thu nhập của bất cứ cá nhân nào trong xã hội mà không bị pháp luật cấm.
Lao động là một hành động diễn ra giữa con người với giới tự nhiên, trong lao động con người đã vận dụng trí lực và thể lực cùng với công cụ tác động vào giới tự nhiên tạo ra sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt , đời sống con người, lao động là một yếu tố tất yếu không thể thiếu được của con người, nó là hoạt động rất cần thiết và gắn chặt với lợi ích của con người.
Con người không thể sống khi không có lao động, có lao động thì mới tạo ra của cải, mới tạo ra thu nhập để trang trải cuộc sống, ổn định xã hội góp phần xây dựng nhà nước ngày càng vững mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Qua đó mỗi con người trong nền sản xuất xã hội đều chiếm những vị trí nhất định, và từ đây, con người bắt đầu ý thức được việc làm. Vậy việc làm là gì? Việc làm có vai trò gì? Ý nghĩa của việc làm ra sao?
1. Việc làm là gì?
1.1. Dưới góc độ kinh tế xã hội:
Hoạt động kiếm sống là hoạt động quan trong nhất của thế giới nói chung và con người nói riêng. Hoạt động kiếm sống của con người được gọi chung là việc làm.
Việc làm trước hết là vấn đề của mỗi cá nhân, xuất phát từ nhu cầu của bản thân nên tiến hành các hoạt động nhất định. Họ có thể tham gia công việc nào đó để được trả công hoặc tham gia vào các hoạt động mang tính chất tự tạo việc làm như dùng các tư liệu sản xuất kinh doanh nhằm thu lợi nhuận hoặc tự làm những công việc cho hộ gia đình mình.
Ngoài vấn đề cá nhân, việc làm còn là vấn đề của cộng đồng của xã hội.. Sở dĩ có sự phát sinh này là do: con người không sống đơn lẻ và hoạt động lao động của mỗi cá nhân cũng không đơn lẻ mà nằm trong tổng thể các hoạt động sản xuất của xã hội. Hơn nữa, việc làm và thu nhập không phảo là vấn đề mà lúc nào mỗi cá nhân NLĐ cũng quyết định được. SỰ phát triển quá nhanh của dân số, mức độ tập trung tư liệu sản xuất ngày càng cao vào tay một số cá nhân dẫn đến tình trạng xã hội ngày càng có nhiều người không có khả năng tự tạo việc làm. Trong điều kiện đó, mỗi cá nhân phải huy động mọi khả năng của bản thân để tự tìm việc làm cho mình, phải cạnh tranh để tìm việc làm.
Tóm lại, xét về phương diện kinh tế- xã hội, có thể hiểu việc làm là các hoạt động tạo ra, đem lại lợi ích, thu nhập cho NLĐ được xã hội thừa nhận.
1.2. Dưới góc độ pháp lý:
* Theo quan niệm quốc tế
ILO (International Labour Organization) đưa ra khái niệm người có việc làm là những người làm việc gì đó được trả tiền công, lợi nhuân hoặc được thanh toán bằng hiện vật hoặc những người tham gia vào hoạt động mang tính chất tự tạo việc làm vì lợi ích hay vì thu nhập gia đình không được nhận tiền công hoặc hiện vật.
Khái niệm này còn được đưa ra tại Hội nghịquốc tế lần thứ 13 của các nhà thống kê lao động ILO. Còn người thất nghiệp là những người không có việc làm nhưng đang tích cực tìm việc làm hoặc đang chờ được trả lại làm việc.
ILO còn có nhiều công ước và khuyến nghị liên quan đến vấn đề việc làm, trong đó có 1 số công ước quan trọng như công ước số 47 (1935), Công ước số 88 (1948), Công ước 122 (1964)…
* Theo quan niệm của Việt Nam
Đã được 14 năm kể từ khi đất nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, theo đó quan niệm về việc làm và vấn đề liên quan như thất nghiệp, chính sách giải quyết việc làm đã có những thay đổi cơ bản.
Điều 55 Hiến Pháp năm 1992 quy định: “ Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho NLĐ “.
Từ quan niệm nay đã mở ra bước chuyển căn bản trong nhận thức về việc làm. Trên cơ sở này, Bộ luật Lao động Việt Nam đã quy định:
“Mọi hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm” ( Điều 13 Bộ luật lao động).
Như vậy, dưới góc độ pháp lý, việc làm được cấu thành bởi 3 yếu tố:
_ Là hoạt động lao động: thể hiện sự tác động của sức lao động vào tư liệu sản xuất để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ. Yếu tố lao động trong việc làm phải có tính hệ thống, tính thường xuyên và tính nghề nghiệp. Vì vậy người có việc làm thông thường phải là những người thể hiện các hoạt động lao động trong phạm vi nghề nhất định và trong thời gian tương đối ổn định.
_ Tạo ra thu nhập: Là khoản thu nhập trực tiếp và khản năng tạo ra thu nhập.
_ Hoạt động này phải hợp pháp: hoạt động lao động tạo ra thu nhập nhưng trái pháp luật, không được pháp luật thừa nhận thì không được coi là việc làm . Tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội, tập quán, quan niệm về đạo đức của từng nước mà pháp luật có sự quy định khác nhau trong việc xác định tính hợp pháp của các hoạt động lao động được coi là việc làm. Đây là dấu hiệu thể hiện đặc trưng tính pháp lí của việc làm.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tạo việc làm và tự tạo việc làm có thu nhập từ mức lương tối thiểu trở lên nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội, phát triển thị trường lao động.
Xem thêm: Một số chính sách hỗ trợ và giải quyết việc làm của Nhà nước
2. Vai trò và ý nghĩa của việc làm:
2.1. Trên bình diện kinh tế – xã hội:
Về mặt kinh tế, việc làm luôn gắn liền với vấn đề sản xuất. Hiệu quả của việc giải quyết tốt vấn đề việc làm cũng chính là hiệu quả của sản xuất. Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện để giải quyết tốt vấn đề việc làm và ngược lại, nếu không giải quyết tốt vấn đề việc làm và thất nghiệp thì đó sẽ là những yếu tố kìm hãm sự tăng trưởng của kinh tế.
Về mặt xã hội, bảo đảm việc làm là chính sách xã hội có hiệu quả to lớn trong vấn đề phòng, chống, hạn chế các tiêu cực xã hội, giữ vững được kỉ cương, nề nếp xã hội. Thất việc và việc làm không đầy đủ, thu nhập thấp là tiền đề của sự đói nghèo, thậm chí là điểm xuất phát của tệ nạn xã hội. Các tệ nãn của xã hội như tội phạm, ma túy, mại dâm, có nguyên nhân cốt lõi là việc làm và thất nghiệp.
2.2. Trên bình diện chính trị – pháp lý:
Hậu quả của việc thất nghiệp, thiếu việc làm không những ảnh hưởng tới kinh tế- xã hội mà còn đe dọa lớn đối với an ninh vã sự ổn định của mỗi quốc gia.. Chính vì vậy ở bất kì quốc gia nào, việc làm đã, đang và luôn là vấn đề gay cấn nhạy cảm đối với từng cá nhân, từng gian đình đồng thời cũng là vấn đề xã hội lâu dài, vừa cấp bách nếu không được giải quyết tốt có thể trở thành vấn đề chính trị.
Còn trên bình diện pháp lý, việc làm là phạm trù thuộc quyền cơ bản của con người, đóng vai trò là cơ sở hình thành, duy trì và là nội dung của quan hệ lao động. Khi việc làm không còn tồn tại, quan hệ lao động cũng theo đó mà triệt tiêu, không còn nội dung, không còn chủ thể.
Theo thực tế cho thấy các quốc gia nào giải quyết tốt các vấn đề về việc làm thì sẽ thúc đẩy nền kinh tế của đất nước đó phát triển đồng thời kéo theo sự phát triển về mọi mặt trong xã hội như là xã hội sẽ ổn định hơn, giáo dục văn hóa cũng phát triển hơn.
2.3. Trên bình diện quốc gia – quốc tế:
Đối với mỗi quốc gia, chính sách việc làm và giải quyết việc làm là bộ phận có vị trí quan trọng đặc biệt trong hệ thống các chính sách xã hội nói riêng và trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế xã hội nói chung. Chính sách xã hội của nhà nước ở hầu hết các quốc gia đều tập trung vào một số các lĩnh vực như thị trường lao động, bảo đàm việc làm, bhxh… Chính sách việc làm là chính sách cơ bản nhất của quốc gia, góp phần bảo đảm an toàn, ổn định và phát triển xã hội
Tuy nhiên trong thời đại ngày nay, vấn đề lao động việc làm không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia mà nó còn có tính toàn cầu hóa, tính quốc tế sâu săc. Vấn đề hợp tác, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng được đặt ra đồng thời với việc chấp nhận lao động ở nước khác đến làm việc tại nước mình. Điều này giúp cân bằng lao động.
Lao động từ nước kém phát triển sang làm việc ở nước phát triển, từ nước dư thừa lao động sang nước thiếu lao động. Trong thị trường đó, cạnh tranh không chỉ còn là vấn đề giữa những NLĐ mà còn trở thành vấn đề giữa các quốc gia. Từ đó vấn đề lao động việc làm còn được điều chỉnh hoặc chịu sự ảnh hưởng chi phối của các công ước quốc tế về lao động. Các nước dù muốn hay không cũng phải áp dụng hoặc tiếp cận với những “luật chơi chung” và “sân chơi chung” càng ngày càng khó khăn và quy mô hơn.
KẾT LUẬN
Vấn đề việc làm-giải quyết việc làm là vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những nước có nền kinh tế phát triển. Và để giải quyết vấn đề này, nhà nước có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau. Có những biện pháp nhằm trực tiếp giải quyết việc làm cho NLĐ nhưng cũng có biện pháp chỉ mang tính chất hỗ trợ. Các biện pháp mang tính hỗ trợ cho giải quyết việc làm như khuyến khích đầu tư, lập các chương trình việc làm, phát triển hệ thống dịch vụ việc làm, dạy nghề gắn với việc làm, thành lập các quỹ giải quyết việc làm, cho vay từ các quỹ chuyên dụng…Các biện pháp trực tiếp giải quyết việc làm như đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, khuyến khích tuyển dụng lao động và tự do lao động. Tất cả nhằm hướng tới mục đích làm giảm tình trạng thất nghiệp, mất cân bằng lao động…