Việc Làm Là Gì? Cơ Sở Lý Luận Về Việc Làm
Rate this post
Khái niệm việc làm là gì? Cơ Sở Lý Luận Về Việc Làm hiện nay có rất nhiều khái niệm liên quan đến việc làm, được nhiều trang web, mạng xã hội chia sẻ. Tuy nhiên để hiểu rõ hơn về khái niệm việc làm là gì thì có nhiều bạn học viên vẫn chưa hiểu hết, Luận văn Panda trong lúc làm bài luận văn thạc sĩ về giải quyết việc làm cho thanh niên tại nông thôn đã sưu tầm được một số khái niệm từ nguồn tin chính thống để chia sẻ đến các bạn học viên trong việc làm bài luận văn thạc sĩ về quản lý kinh tế. Các bạn cùng tham khảo bài chia sẻ dưới đây của Luận văn Panda để hiểu rõ hơn về khái niệm việc làm nhé.
Ngoài ra, có rất nhiều đề tài luận văn thạc sĩ ngành Quản Lý Kinh Tế được Luận văn Panda chọn lọc, nhằm hỗ trợ các bạn học viên đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn đề tài và tìm kiếm tư liệu để làm luận văn thạc sĩ quản lý kinh tế.
===>>> KHO 999 + Luận Văn Thạc Sĩ Ngành Quản Lý Kinh Tế
Khái niệm việc làm là gì?
– Việc làm: Việc làm là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Phân tích động thái thay đổi của việc làm cho phép đánh giá tác động của chuyển đổi kinh tế và đề xuất các chính sách việc làm phù hợp, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo tổ chức lao động quốc tế (ILO), khái niệm việc làm chỉ được đặt ra trong mối quan hệ với lực lượng lao động. Khi đó, việc làm được chia thành hai loại: loại có trả công và loại không được trả công nhưng vẫn có thu nhập. Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 13 của các nhà thống kê lao động (ILO.1993), tổ chức này đã thống nhất định nghĩa: “Việc làm có thể định nghĩa như một tình trạng trong đó có sự trả công bằng tiền hoặc hiện vật, do có một sự tham gia tích cực, có tính cá nhân và trực tiếp vào nỗ lực sản xuất” [42]. Theo khái niệm này, người có việc làm là người làm việc để được trả công bằng tiền hoặc bằng hiện vật, hoặc tham gia vào các hoạt động mang tính chất tự tạo việc làm vì lợi ích hay vì thu nhập của gia đình mà không được nhận tiền công hoặc hiện vật.
Tại Điều 13, Chương II, Bộ luật Lao động của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ rõ: “Mọi hoạt động tạo ra nguồn thu nhập, không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm” [29, tr.16]. Như vậy, theo Bộ luật này, những hoạt động được gọi là việc làm phải thoả mãn hai tiêu chí cơ bản:
Thứ nhất, hoạt động đó phải là hoạt động có ích và phải tạo ra thu nhập một cách trực tiếp cho cá nhân người lao động hoặc tạo ra thu nhập gián tiếp cho gia đình và xã hội.
Thứ hai, hoạt động đó không bị pháp luật ngăn cấm. Điều này chỉ rõ tính pháp lý của việc làm, được pháp luật bảo hộ.
Như vậy, quan niệm về việc làm của pháp luật Việt Nam rõ ràng hơn so với quan niệm của tổ chức ILO. Hoạt động có ích, hợp pháp tạo ra thu nhập không giới hạn về phạm vi, ngành nghề, được coi là việc làm. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của thị trường lao động Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập. Với tính chất pháp lý của “việc làm”, người lao động được đặt vào vị trí chủ thể, họ có quyền tự do tìm việc làm, thuê lao động, tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật.
Hai điều kiện trên có quan hệ mật thiết với nhau, là điều kiện cần và đủ để một hoạt động được thừa nhận là việc làm. Theo đó, nếu một hoạt động tạo ra thu nhập nhưng bị pháp luật cấm như: buôn bán trái phép chất ma tuý, buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, hành nghề mại dâm … thì không được thừa nhận là việc làm. Ngược lại, một hoạt động có ích, tuân thủ đúng pháp luật nhưng không tạo ra thu nhập như: hoạt động cứu trợ nhân đạo, từ thiện cũng không được gọi là việc làm có gắn với thu nhập.
Quan niệm về việc làm cho thanh niên cũng không tách khỏi quan niệm chung về việc làm. Tuy nhiên, với tư cách là một lực lượng lao động đặc thù về thể chất và tâm lý, việc làm cho thanh niên nhấn mạnh đến sự phù hợp của công việc với thể chất và tâm lý của lao động thanh niên, trong đó có tính đến xu hướng phát triển của đối tượng này.
Trong khi nói tới khái niệm việc làm, cần đề cập tới một số khái niệm có liên quan đến lĩnh vực này như: khái niệm nghề, người trong độ tuổi lao động, lực lượng lao động, lực lượng lao động xã hội, thất nghiệp.
– “Nghề là một dạng xác định của hoạt động lao động trong hệ thống phân công lao động xã hội; là tổng hợp những kiến thức và kỹ năng lao động mà con người tiếp thu được do kết quả của đào tạo chuyên môn và tích luỹ trong công việc” [44, tr.85]. Nghề có những đặc trưng cơ bản đó là công việc chuyên làm; là phương tiện sinh sống của con người; nghề bao gồm cả lao động trí óc và lao động chân tay; phù hợp với yêu cầu và có ích cho xã hội.
Khi mô tả về nghề thường đề cập đến các yếu tố: đối tượng lao động, công cụ lao động, quá trình công nghệ, tổ chức lao động, yêu cầu tâm, sinh lý đối với người hành nghề. Trình độ nghề là thước đo mức độ phức tạp về kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của lao động, phản ánh đặc điểm, tính chất và yêu cầu về trình độ kỹ thuật, trình độ tổ chức sản xuất, tổ chức lao động trong mỗi thời kỳ phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, muốn có việc làm phải có nghề, muốn có thu nhập cao phải giỏi nghề.
– “Người trong độ tuổi lao động” là những người có quyền lợi và nghĩa vụ về lao động theo quy định của pháp luật. Pháp luật mỗi nước quy định người trong độ tuổi lao động khác nhau. Pháp luật Việt Nam quy định “người trong độ tuổi lao động” là những người từ 15 đến 60 tuổi (đối với nam) và từ 15 đến 55 tuổi (đối với nữ)” [29, tr.12]. Người trong độ tuổi lao động được chia thành hai nhóm: những người thuộc lực lượng lao động xã hội và những người ngoài lực lượng lao động xã hội.
– “Lực lượng lao động xã hội” là những người trong độ tuổi lao động, đang làm việc hoặc đang có nhu cầu tìm việc làm. Những người ngoài lực lượng lao động xã hội là những người ngoài độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động nhưng bị ốm đau, tàn tật, mất sức lao động và những người không có nhu cầu tìm việc làm.
Cần lưu ý rằng, khái niệm “lực lượng lao động” đôi khi được sử dụng ở Việt Nam có khác so với khái niệm lực lượng lao động trên đây. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, “lực lượng lao động” (còn gọi là dân số hoạt động kinh tế) là những người từ 15 tuổi trở lên đang làm việc và có thu nhập từ việc làm đó” [43, tr.24]. Như vậy “lực lượng lao động” theo nghĩa này bao gồm cả những người trên 60 tuổi (đối với nam) và trên 55 tuổi (đối với nữ) hiện đang làm việc và có thu nhập từ việc làm đó. Những người thất nghiệp không thuộc lực lượng lao động. Trong khi đó, khái niệm “lực lượng lao động xã hội” bao gồm cả những người có việc làm và những người thất nghiệp.
Khái niệm “lực lượng lao động xã hội” ở trên trùng với khái niệm “lực lượng lao động trong độ tuổi” được sử dụng trong các cuộc tổng điều tra dân số và việc làm của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, “lực lượng lao động trong độ tuổi lao động” là những người từ 15 đến 60 tuổi (đối với nam) và từ 15 đến 55 tuổi (đối với nữ) đang làm việc hoặc không có việc làm nhưng có nhu cầu tìm việc làm [43].
Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam quy định về những người ngoài lực lượng lao động cũng giống như các nước khác. Theo đó, dân số trong độ tuổi lao động nhưng không làm việc do không có nhu cầu tìm việc làm không thuộc những người thất nghiệp. Đó là: những người làm nội trợ trong gia đình, học sinh, sinh viên đang học tại các trường, người mắc bệnh không có khả năng lao động, những người tàn tật, người nghỉ hưu đang hưởng lương của bảo hiểm xã hội, người có khả năng lao động nhưng không có nhu cầu tìm việc làm.
– “Thất nghiệp” là một trong những vấn đề trọng tâm của kinh tế học hiện đại. Thất nghiệp gia tăng sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, đe doạ sự tăng trưởng bền vững và ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội. Tổ chức Lao động Quốc tế ILO đã xây dựng một định nghĩa chung cho tất cả các nước, tạo tiền đề vững chắc cho sự so sánh. Theo đó, thất nghiệp được tính bằng số người đang tìm việc tích cực trong vòng 4 tuần qua và có thể nhận một việc làm ngay lập tức (trong vòng 2 tuần). Nhóm này cũng bao gồm các sinh viên chính quy đang tìm việc làm một cách tích cực và có thể tiếp nhận một việc làm. Định nghĩa này được dùng trong hầu hết các cuộc điều tra mẫu với mức độ tin cậy là 95% [42].
Việt Nam quan niệm về thất nghiệp một cách cụ thể hơn. Theo đó, người thất nghiệp là những người từ 15 tuổi trở lên mà trong tuần nghiên cứu thoả mãn đồng thời cả ba điều kiện: sẵn sàng làm việc, đã có những bước cụ thể để tìm việc làm nhưng không có việc làm. Nhóm này bao gồm cả những người hiện không làm việc nhưng đang chuẩn bị khai trương một hoạt động kinh doanh hoặc nhận một công việc mới sau thời kỳ tham chiếu; hoặc những người trong tuần nghiên cứu luôn sẵn sàng làm việc nhưng không tìm kiếm việc làm do ốm đau tạm thời, do bận việc riêng, do thời tiết xấu hoặc đang chờ thời vụ.
Trong khi đó, người có việc làm là người đang làm việc tại một thời điểm nhất định, không phụ thuộc vào việc làm của họ có được trả công hay không được trả công như: làm công ăn lương, tự làm kinh tế trong gia đình, là xã viên hợp tác xã hoặc lao động tự do. Thiếu việc làm là người có việc làm nhưng do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người lao động, họ phải làm việc không hết thời gian theo luật định, hoặc làm những công việc có thu nhập thấp, không đủ sống ở mức tối thiểu và muốn tìm thêm việc làm bổ sung.
Dù tiếp cận và phân loại thế nào đi nữa thì thanh niên vẫn là bộ phận quan trọng cấu thành lực lượng lao động của một quốc gia. Đó là bộ phận được đào tạo với trình độ học vấn, trình độ chuyên môn phù hợp, có cơ hội về việc làm. Hơn nữa thanh niên có nhu cầu lớn cho học tập, tiêu dùng, lập gia đình và những hoài bão khác, do vậy họ vẫn là đối tượng có nhu cầu bức xúc về việc làm. Do đó, giải quyết việc làm cho lao động nói chung và TNNT nói riêng là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi quốc gia, địa phương.
Để hỗ trợ các bạn học viên dễ dàng hơn trong việc tham khảo giá viết thuê luận văn thạc sĩ quản lý kinh tế, và quy trình viết thuê luận văn thạc sĩ. Các bạn có thể tham khảo bảng giá viết thuê luận văn thạc sĩ tại đây.
====>>> BẢNG GIÁ VIẾT THUÊ LUẬN VĂN THẠC SĨ
2. Khái niệm giải quyết việc làm – quan hệ giữa giải quyết việc làm và phát triển kinh tế – xã hội
Khái niệm giải quyết việc làm:
Giải quyết việc làm cho người lao động là việc tạo cho người lao động từ chỗ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, việc làm không đầy đủ trở thành người có việc làm và có thu nhập đảm bảo từ việc làm đó. Có thể phân tích một số khía cạnh liên quan đến giải quyết việc làm như sau:
– Giải quyết việc làm là tạo ra chỗ làm việc mới cho người lao động có nhu cầu về việc làm và có khả năng đáp ứng yêu cầu của việc làm đó. Khi người lao động hội tụ đủ những điều kiện này, họ tham gia làm việc và có thu nhập từ việc làm đó.
– Giải quyết việc làm là hỗ trợ người lao động tìm được việc làm phù hợp với nhu cầu và khả năng của họ như: cung cấp thông tin về cơ hội việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng cho người lao động, tổ chức ngày hội việc làm hoặc các sàn giao dịch việc làm để người lao động gặp gỡ người sử dụng lao động …
– Giải quyết việc làm còn là khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động tự tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm phù hợp với điều kiện, với khả năng và trình độ của bản thân.
Giải quyết việc làm chủ yếu hướng vào đối tượng thất nghiệp, những người chưa có việc làm và đang mong muốn được làm việc, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến lực lượng thanh niên – đối tượng mới gia nhập thị trường lao động.
Giải quyết việc làm thông qua hai cách với hai chủ thể: Theo khái niệm trên đây, việc làm có thể được giải quyết bằng cách các đơn vị thuê thêm lao động hoặc người lao động tự tạo việc làm. Đây chính là hai cách tạo việc làm gắn với hai chủ thể.
Một là, phát triển các doanh nghiệp, tổ chức để tăng cầu về lao động, tạo ra nhiều việc làm mới trong các doanh nghiệp, tổ chức này, từ đó người lao động có nhiều cơ hội tìm việc làm. Chủ thể trực tiếp giải quyết tạo việc làm ở đây là các doanh nghiệp, tổ chức thuê lao động. Nhà nước và các tổ chức khác đóng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.
Hai là, Người lao động tự tạo việc làm cho chính mình (và có thể cho cả những người khác) thông qua việc tự tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chủ thể tạo việc làm trong trường hợp này là bản thân người lao động. Trong trường hợp này, nhà nước và các tổ chức khác cũng đóng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích người lao động tự tạo việc làm, tự tiến hành sản xuất kinh doanh.
Như vậy, giải quyết việc làm gắn với hai chủ thể là các doanh nghiệp, tổ chức thuê lao động và bản thân người lao động. Trong nền kinh tế thị trường, việc làm được giải quyết việc làm thông qua quan hệ cung – cầu và quy luật cạnh tranh trên thị trường lao động. Các quy luật này có khả năng điều tiết việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực lao động của xã hội. Kinh tế thị trường có mặt tích cực là bảo đảm quyền tự do lựa chọn việc làm của người lao động và chọn người làm việc của người sử dụng lao động, kích thích tính tích cực, năng động, sáng tạo của cả hai chủ thể này, điều chỉnh một cách linh hoạt nhu cầu lao động xã hội. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của cơ chế này là tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt, dễ dàng loại bỏ những đối tượng yếu thế trên thị trường lao động như: người khuyết tật, người dân tộc thiểu số thiếu kiến thức, kỹ năng, chủ sản xuất kinh doanh nhỏ tiềm lực yếu… càng khoét sâu khoảng cách phân hoá giàu nghèo trong xã hội.
Bên cạnh đó, quá trình giải quyết việc làm có sự tham gia hỗ trợ của nhiều chủ thể có liên quan như nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng, các tổ chức quốc tế,… giải quyết việc làm, như thế, là trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, của nhà nước và của toàn xã hội. Trong đó, nhà nước có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, ban hành các cơ chế, chính sách tạo việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động và hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm cho mình. Vấn đề này đã được thể hiện rõ trong Điều 13, Chương II, Bộ luật Lao động của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Giải quyết việc làm, đảm bảo cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và toàn xã hội” [29]. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X tiếp tục chỉ rõ: “Giải quyết việc làm là yếu tố quyết định để phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển kinh tế, làm lành mạnh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và yêu cầu bức xúc của nhân dân” [13].
– Quan hệ giữa giải quyết việc làm và phát triển kinh tế
Giải quyết việc làm cho người lao động có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Việc làm có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, nó không thể thiếu đối với từng cá nhân và toàn bộ nền kinh tế, là vấn đề cốt lõi và xuyên suốt trong các hoạt động kinh tế, có mối quan hệ mật thiết với kinh tế và xã hội, nó chi phối toàn bộ mọi hoạt động của cá nhân và xã hội.
Giải quyết việc làm giúp phát huy, giải phóng nguồn lực lao động, mà nguồn lao động là một trong những nguồn lực quan trọng, là đầu vào của nền kinh tế, vì vậy, nó là nhân tố tạo ra của cải vật chất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu nhập quốc dân. Ngược lại, sự phát triển kinh tế sẽ tạo cầu về việc làm, do đó nó là cơ hội để giải quyết việc làm. Kinh tế càng phát triển càng nhiều cơ hội việc làm, với thu nhập cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn.
– Quan hệ giữa giải quyết việc làm và an sinh xã hội:
Giải quyết việc làm tạo ra thu nhập cho người lao động, từ đó nâng cao điều kiện sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động và gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Thông qua giải quyết việc làm, người lao động được nâng cao trình độ, tích lũy được kinh nghiệm làm việc, nâng cao ý thức kỷ luật lao động, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Giải quyết việc làm, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số, vùng biên giới, vừa góp phần nâng cao đời sống, thu hẹp khoảng cách xã hội, hạn chế các mâu thuẫn nội sinh trong xã hội, vừa góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, chống lại các âm mưu phá hoại đại đoàn kết dân tộc. Ngược lại, khi nền kinh tế không đảm bảo đáp ứng về việc làm cho người lao động có thể dẫn đến nhiều tiêu cực trong đời sống xã hội và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách con người, là nguyên nhân của các tệ nạn xã hội, tạo ra các hố ngăn cách giàu nghèo, nảy sinh các mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.