Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên huyện Cần Giờ – Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên huyện Cần Giờ – Cổng thông tin điện tử Huyện Cần Giờ

Cần Giờ là huyện ven biển, nằm về phía Đông Nam thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm huyện là thị trấn Cần Thạnh, cách trung tâm Thành phố khoảng 50 km theo đường chim bay, chiều dài từ Bắc xuống Nam của huyện là 35km, từ Đông sang Tây là 30km, có hơn 20km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam-Đông Bắc, có các cửa sông lớn của các con sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện là 70.445,34ha (đã bao gồm diện tích khu Gò Gia), chiếm 1/3 tổng diện tích toàn Thành phố.

 

 

Địa giới hành chính huyện Cần Giờ

Cần Giờ giáp ranh với huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), huyện Châu Thành, thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) về phía Đông và Đông Bắc. Giáp với huyện Cần Đước, huyện Cần Giuộc( tỉnh Long An) huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) về phía tây. Giáp với huyện Nhà Bè(TP.HCM) về phía Tây Bắc. Phía Nam giáp với Biển Đông.

Vị trí của huyện Cần Giờ ở từ 106 độ 46’12” đến 107 độ 00’50” Kinh độ Đông và từ 10 độ 22’14” đến 10 độ 40’00” vĩ độ Bắc.

Toàn huyện có 01 thị trấn Cần Thạnh và 06 xã: Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Long Hòa, Lý Nhơn và Thạnh An (xã đảo). Ranh giới hành chính của huyện được xác định như sau:

+ Phía Bắc giáp huyện Nhà Bè (thành phố Hồ Chí Minh) và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) – Ranh giới là sông Soài Rạp;

+ Phía Nam giáp biển Đông;

+ Phía Đông giáp biển Đông và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;

+ Phía Tây giáp huyện Nhà Bè (thành phố Hồ Chí Minh); huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) – Ranh giới là sông Soài Rạp.

 

 

Hệ sinh thái Rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESSCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Rừng Cần Giờ có chức năng chính là phòng hộ, có vị trí quan trọng về quốc phòng, nhưng đồng thời cũng mở ra triển vọng to lớn về du lịch sinh thái. Do tính năng quan trọng của rừng phòng hộ Cần Giờ, năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ được tổ chức UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển”.

 

 

Đường bờ biển dài hơn 20km chạy dài theo hướng Tây Nam-Đông Bắc

Biển là nguồn lợi to lớn của Cần Giờ, vì vậy trong cơ cấu phát triển kinh tế của huyện ngay từ sau giải phóng, ngành thủy sản luôn được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, là một trong những động lực phát triển kinh tế – xã hội.

Ưu thế lớn của Cần Giờ trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội là quỹ đất còn lớn, môi trường thiên nhiên trong lành, cảnh quan hấp dẫn và đặc biệt đây là một đơn vị hành chính thuộc thành phố Hồ Chí Minh- một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đồng thời lại giáp ranh với những vùng kinh tế năng động như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Dân số: Tính đến 31/12/2017 dân số toàn huyện Cần Giờ có 75.733 người (Nguồn: Chi cục thống kê huyện Cần Giờ), mật độ dân số 108 người/km2, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 0,73%, dân cư của huyện phân bố không đồng đều giữa các đơn vị hành chính cấp xã; tập trung cao nhất ở xã Bình Khánh và thấp nhất là xã Thạnh An (xã đảo).

 

 

Khí hậu mát mẻ quanh năm do Hệ sinh thái rừng ngặp mặn và hệ thống sông ngồi đặc biệt

Khí hậu: Huyện Cần Giờ mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có hai mùa mưa và nắng rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nền nhiệt độ cao và ổn định. Nhiệt độ trung bình của các tháng trong năm từ 25oC-29oC,  cao tuyệt đối là 38,20C, thấp tuyệt đối là14,40C. Độ ẩm trung bình từ 73% đến 85%, độ bốc hơi từ 3,5 đến 6 mm/ngày, trung bình 5 mm/ngày, cao nhất 8 mm/ngày. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.000 – 1.402 mm, trong mùa mưa lượng mưa tháng thấp nhất khoảng 100 mm, tháng nhiều nhất 240mm. Mùa mưa hướng gió chính là Tây – Tây Nam, mùa khô hướng gió Bắc – Đông Bắc.Sau 25 năm giải phóng, hệ sinh thái rừng và rừng ngập mặn của Cần Giờ đã được phục hồi ổn định và đang phát triển tốt sau những thiệt hại nặng nề do chiến tranh tàn phá.

Thuỷ văn: Thủy triều: toàn bộ sông rạch chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đều. Độ mặn: vì nằm trong vùng cửa sông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ bán nhật triều từ biển Đông truyền vào, các sông rạch của huyện Cần Giờ đều đóng vai trò “kênh dẫn triều” đưa nước mặn xâm nhập khắp địa bàn huyện làm cho khối nước mặt ở đây quanh năm bị mặn, lợ.

Tra cứu các chữ viết tắt trong bài viết.

Tr.Hiếu