Vi sinh vật là gì? Phân loại và môi trường sống của vi sinh vật
Vi sinh vật là gì? Vi sinh vật có đặc điểm như thế nào, được phân loại ra sao và thường sinh sống ở trong những môi trường như thế nào? Chắc hẳn đang là thắc mắc và băn khoăn của rất nhiều người hiện nay.
Để giải đáp được các câu hỏi này máy lọc nước Karofi mời bạn theo dõi ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vi sinh vật nhé!
Tìm hiểu vi sinh vật là gì?
Mục Lục
Vi sinh vật là gì?
Vi sinh vật là tất cả những sinh vật đơn bào hoặc đa bào nhân sơ hay nhân thực với kích thước rất nhỏ và không thể quan sát được bằng mắt thường, do đó người ta thường phải sử dụng đến kính hiển vi để có thể quan sát chúng. Thuật ngữ vi sinh vật không tương đương với bất kỳ đơn vị phân loại nào trong sinh giới. Các nhà khoa học khi nghiên cứu về sinh vật sẽ phải sử dụng đến phương pháp nuôi cấy vô khuẩn.
Vi sinh vật là loài sinh vật xuất hiện đầu tiên trên trái đất và nó bao gồm cả virus, vi khuẩn, nấm, tảo, nguyên sinh động vật.
Các đặc điểm của vi sinh vật
Vi sinh vật thường được đo bằng micromet, vì vậy có thể thấy nó có kích thước rất nhỏ bé, thế nhưng nó vẫn là một trong những thành phần và yếu tố quan trọng ở trong môi trường cũng như cần thiết đối với sinh vật sống. Ngoài ra, nó còn có những đặc điểm nổi bật cụ thể như sau:
- Sinh trưởng nhanh và phát triển mạnh. Khi so sánh với nhiều loại sinh vật khác thì nó có tốc độ sinh trưởng vô cùng lớn.
- Có khả năng hấp thu và chuyển hóa nhanh. Ví dụ như vi khuẩn lactic, theo nghiên cứu trong 1 giờ nó có thể phân giải một lượng đường lactose nặng hơn 1000 – 10.000 lần khối lượng của chúng.
- Thích nghi nhanh và dễ dàng tồn tại trong nhiều môi trường và điều kiện khác nhau
- Phân bố rộng ở khắp mọi nơi trên trái đất, ngay cả ở những vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất như ở trong nhiệt độ cao của núi lửa, nhiệt độ thấp ở Nam Cực hay áp suất lớn ở đáy đại dương.
- Nhiều chủng loại, hiện nay, vi sinh vật có khoảng trên 100.000 loài bao gồm cả 30.000 loài động vật nguyên sinh, 2.500 loài vi khuẩn lam, 1.500 loài vi khuẩn, 1.200 loài vi tảo, 1.200 loài virus và rickettsia, 69.000 loài nấm. Đặc biệt, nhờ tính chất dễ phát sinh đột biến nên số lượng vi sinh vật được tìm kiếm thấy ngày càng tăng, đơn cử như nấm trung bình mỗi năm sẽ được bổ sung thêm khoảng 1500 loài mới.
Phân loại vi sinh vật
Vi sinh vật được phân loại dựa trên lợi ích của chúng như sau:
- Vi sinh vật có hại: là các loài vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng, vật nuôi, con người,…
- Vi sinh vật có lợi: là các loài vi sinh vật thường xuất hiện ở trong thực phẩm, đường ruột hoặc vi sinh vật có lợi cho cây trồng.
Phân loại vi sinh vật
Môi trường sống của vi sinh vật là gì?
Môi trường sống là nơi mà các vi sinh vật sinh sống, bao gồm tất cả những gì bao quanh chúng. Có 3 loại môi trường chính là môi trường nước, môi trường trong đất và môi trường không khí.
Vi sinh vật trong môi trường nước
Môi trường nước là để chỉ tất cả những nơi có chứa nước, cả ở trên bề mặt hay ở dưới lòng đất. Ví dụ như nước ngầm, ao, hồ, sông, biển,… đều được gọi là môi trường nước. Mỗi một môi trường nước khác nhau sẽ có những tính chất hóa học và tính chất vật lý riêng biệt. Vì vậy, sự phân phối của các vi sinh vật cũng sẽ phụ thuộc vào những đặc trưng của từng môi trường nước đó.
Vi sinh vật xuất hiện ở khắp mọi nơi trong nguồn nước. Sự phân bố của chúng hoàn toàn không đồng đều mà sẽ tùy thuộc vào đặc trưng của từng loại môi trường nước. Các yếu tố môi trường quan trọng quyết định đến sự phân bố của các vi sinh vật là chất hữu cơ, độ pH, nhiệt độ, ánh sáng và hàm lượng muối.
Nguồn nhiễm của vi sinh vật không chỉ đến từ môi trường nước mà còn bị nhiễm từ các môi trường khác, ví dụ như từ đất hoặc chất thải của con người hoặc động vật.
Một số môi trường nước đặc trưng mà vi sinh vật sinh sống có thể kể đến nước nguyên chất, nước ngọt, nước ngầm và nước suối, nước ở ao hồ và sông, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước mặn nên cần phải xử lý qua lọc tổng đầu nguồn.
- Nước nguyên chất: đây không phải là một môi trường thuận lợi để cho vi sinh vật phát triển bởi nước nguyên chất không giàu dinh dưỡng.
- Nước ngọt: là những nơi có sự nhiễm khuẩn từ đất, hầu hết các nhóm vi sinh vật có ở trong đất thì đều xuất hiện ở trong nước nhưng với một tỷ lệ khác biệt.
- Nước ngầm và nước suối: thường có ít vi sinh vật bởi những nơi này nghèo chất dinh dưỡng. Ở trong các khu vực suối có hàm lượng sắt cao sẽ thường chứa các vi khuẩn như Leptothrix ochracea. Bên cạnh đó, ở các vùng suối chứa lưu huỳnh thì sẽ có nhóm vi khuẩn lưu huỳnh màu lục hoặc màu tía. Những dòng suối nước nóng thì sẽ chỉ có các nhóm vi khuẩn ưa nhiệt Leptothrix thermalis.
- Nước ở ao, hồ và sông: số lượng vi sinh vật phong phú hơn nhiều. Ngoài những vi sinh vật tự dưỡng thì còn rất nhiều các vi sinh vật dị dưỡng với khả năng phân hủy các chất hữu cơ.
- Nước thải sinh hoạt: là nguồn nước nhiễm bẩn do vậy nó thường xuất hiện các vi khuẩn đường ruột và nhiều vi sinh vật gây bệnh khác. Tuy những loại vi khuẩn này chỉ có thể sống trong nước một thời gian nhất định thế nhưng nguồn nước thải lại được đổ vào thường xuyên nên lúc nào vi sinh vật cũng có mặt. Đây chính là một trong những lý do vì sao vi sinh vật gây nguy hiểm tới đời sống và sức khỏe của con người.
- Nước thải công nghiệp: với các môi trường nước ở khu vực này vi sinh vật sẽ bị ảnh hưởng theo các chiều hướng khác nhau tùy thuộc vào tính chất của nước thải. Nguồn nước thải có nhiều axit sẽ làm tiêu diệt các nhóm vi sinh vật ưa trung tính ở trong môi trường nước này.
- Nước mặn: bao gồm hồ nước mặn và biển, số lượng vi sinh vật cũng vì thế mà cao hơn ở trong môi trường nước ngọt. Phụ thuộc vào thành phần cũng như nồng độ muối mà số lượng vi sinh vật cũng sẽ khác rất nhiều.
Vi sinh vật trong môi trường đất
Đất là một trong các môi trường thích hợp nhất đối với vi sinh vật, bởi trong đất nói chung và đất trồng trọt nói riêng có chứa một khối lượng lớn các chất hữu cơ.
Các loại môi trường sống của vi sinh vật
Các nhóm vi sinh vật có ở trong đất nhiều nhất gồm vi khuẩn, vi nấm, xạ khuẩn, tảo, virus, nguyên sinh động vật. Trong số đó, vi khuẩn là nhóm chiếm số lượng lớn nhất, chúng gồm cả vi khuẩn kị khí, vi khuẩn hiếu khí, vi khuẩn tự dưỡng, vi khuẩn dị dưỡng,… Nếu phân loại theo nguồn dinh dưỡng thì sẽ có nhóm tự dưỡng amin, tự dưỡng cacbon, dị dưỡng amin, vi khuẩn cố định nitơ,…
Số lượng và thành phần vi sinh vật ở trong đất là không đồng đều. Ở trên mặt đất, có rất ít vi sinh vật do độ ẩm của bề mặt đất không thích hợp để vi sinh vật phát triển. Ngoài ra, bề mặt đất còn ảnh hưởng của mặt trời chiếu rọi khiến vi sinh vật bị tiêu diệt.
Còn ở trong đất, số lượng và thành phần của vi sinh vật cũng có sự thay đổi tùy thuộc vào chất đất, bởi có những nơi đất giàu hữu cơ, giàu chất mùn và có độ ẩm thích hợp thì vi sinh vật có thể phát triển nhanh và mạnh như ở những khu vực đầm lầy, đồng nước trũng, cống rãnh, ao hồ,… Ngoài ra, ở những nơi mà đất có đá và cát thì lượng vi sinh vật lại ít hơn.
Vi sinh vật trong môi trường không khí
Không khí không phải là môi trường chính của vi sinh vật, tuy nhiên ở trong không khí cũng có rất nhiều các vi sinh vật tồn tại. Nguồn gốc của những vi sinh vật này đến từ đất, từ nước, con người, thực vật, động vật rồi theo gió, theo bụi phát tán bay đi khắp nơi trong không khí.
Một hạt bụi khi bay trong không khí có thể mang theo rất nhiều vi sinh vật, nhất là những vi sinh vật có bào tử với khả năng tồn tại lâu trong không khí. Nếu đó là vi sinh vật gây bệnh thì đó chính là nguồn gây bệnh trong không khí. Đơn cử như vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp thì có thể sẽ tồn tại lâu trong không khí. Những người có sức khỏe tốt khi hít phải không khí nhiễm khuẩn sẽ có khả năng nhiễm bệnh.
Sự phân bố của vi sinh vật ở trong không khí phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Phụ thuộc vào khí hậu trong năm: lượng vi sinh vật vào mùa đông sẽ ít hơn các mùa khác trong năm và sẽ nhiều nhất vào mùa hè.
- Phụ thuộc vào hoạt động sống của con người: Con người với động vật là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí hàng đầu. Ví dụ như trong giao thông, vận tải, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, bệnh tật,… sẽ khiến cho lượng vi sinh vật tăng hoặc giảm.
- Phụ thuộc vào khu vực địa lý: Lượng vi sinh vật ở những khu vực phát triển có đông dân cư, xe cộ bao giờ cũng sẽ nhiều vi sinh vật hơn những nơi ở vùng núi hoặc vùng biển. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc nhiều vào chiều cao lớp không khí. Không khí càng cao so với mặt đất thì lượng vi sinh vật càng ít.
Nhờ đặc trưng chuyển hóa mạnh mẽ và khả năng sinh sản nhanh chóng, vi sinh vật đã cho thấy được tầm quan trọng của chúng trong các hoạt động của đời sống. Ngày nay, vi sinh vật đã và đang được áp dụng vào nhiều lĩnh vực như trong nông nghiệp, chế biến thực phẩm, chăn nuôi thú ý, nuôi trồng thủy sản, y học, xử lý nước thải,…
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đến được cho bạn những thông tin hữu ích và cần thiết để bạn có thêm cho mình những kiến thức quan trọng về vi sinh vật.
►► Xem thêm: