Vì sao thu ngân sách nhà nước năm 2021 tăng cao hơn tăng trưởng kinh tế?
(TBTCO) –
Mặc dù có rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nền kinh tế tuy có tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn tăng trưởng 2,58%. Đây chính là cơ sở quan trọng đảm bảo số thu cho ngân sách nhà nước. Thêm vào đó, cùng với việc đổi mới chính sách quản lý thuế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác tổ chức quản lý thu nên chính sách thuế vừa tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm thu, lại vừa đảm bảo số thu ngân sách nhà nước vượt dự toán…
GDP tăng trưởng đảm bảo cơ sở cho tăng thu ngân sách
Năm 2021, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN). Thu NSNN năm 2021 đạt 1.565,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Vượt qua những khó khăn do kinh tế tăng trưởng chậm hơn so với dự báo do diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, thu NSNN năm 2021 đã vượt cả dự toán thu, tăng so với số thu thực hiện năm 2020 và tăng cao hơn tăng trưởng kinh tế (tỷ lệ tăng thu là 3,7%, còn tăng trưởng GDP năm 2021 theo ước tính của Tổng cục Thống kê là 2,58%).
Kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại trong quý IV/2021 tạo điều kiện cho số thu ngân sách tăng trong những tháng cuối năm.
Kết quả trên đến từ cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Có 3 nguyên nhân khách quan chủ yếu. Cụ thể:
Thứ nhất, nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân thực hiện đúng đắn chiến lược ứng phó với dịch bệnh và phát triển kinh tế nên cho dù có rất nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra, đặc biệt là sự đứt gãy chuỗi cung ứng và nguồn nhân lực, tăng trưởng GDP cả năm vẫn đạt mức 2,58%. Sau giai đoạn vô cùng khó khăn của quý III (GDP giảm 6,17%), nhờ sự thay đổi chiến lược phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí và nhiều giải pháp khác, kinh tế đã tăng trưởng mạnh trở lại trong quý IV với mức tăng trưởng 5,22%. Hiển nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế không cao như kỳ vọng đã tác động làm hụt thu so với dự toán. Tuy vậy, do GDP vẫn tăng trưởng so với năm 2020 nên đảm bảo cơ sở cho tăng thu NSNN.
Thêm vào đó, có một số lĩnh vực kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trong đại dịch Covid-19 như thương mại điện tử, sản xuất công nghiệp, thông tin và truyền thông… Tăng thu NSNN từ những lĩnh vực này đã bù đắp cho sự suy giảm của một số lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, lưu trú, dịch vụ ăn uống….
Thứ hai, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu (XNK) năm 2021 ước đạt 667,5 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2020. Đây chính là tiền đề quan trọng để tăng thu từ XNK. Nhờ vậy, thu từ khâu XNK đạt 189.000 tỷ đồng, tăng 11.000 tỷ đồng (tăng 6,1%) so với dự toán.
Thứ ba, khi nền kinh tế thế giới dần dần phục hồi sau khi hầu hết các quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó với Covid-19, chuyển từ Zero Covid sang chung sống an toàn với Covid, nhu cầu dầu thô toàn cầu tăng lên trong năm 2021 đã dẫn đến giá dầu thô tăng mạnh. Thêm vào đó, do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh duy trì các hạn chế về nguồn cung nên cũng làm giá dầu tăng mạnh. Kết quả là giá dầu thô tăng liên tục trong năm và đến thời điểm cuối năm 2021, giá dầu thô đã tăng khoảng trên 60% so với đầu năm. Mức độ tăng giá dầu thô trong thực tế đã cao hơn nhiều so với dự báo khi làm dự toán thu năm 2020. Nhờ vậy, thu từ dầu thô đạt 35.200 tỷ đồng, tăng 12.000 tỷ đồng (tăng 51%) so với dự toán.
Hoàn thiện chính sách quản lý thuế
Trên phương diện chủ quan, việc hoàn thiện chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý thu đã góp phần quan trọng đảm bảo số thu cho NSNN. Cụ thể như sau:
Việc thay đổi quy định về tạm nộp và tính tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã thúc đẩy các doanh nghiệp tăng số tiền tạm nộp thuế TNDN của quý III (thời hạn tạm nộp ngày 30/10) thay vì nộp dồn vào quý IV (thời hạn tạm nộp vào ngày 30/1 năm sau) như những năm trước. Theo quy định trước đây, trường hợp tổng số thuế TNDN tạm nộp của 4 quý trong năm thấp dưới 20% số thuế TNDN phải nộp khi quyết toán thuế thì doanh nghiệp phải tính tiền chậm nộp kể từ ngày kế tiếp ngày hết thời hạn nộp thuế của quý IV đến ngày nộp thuế vào NSNN. Với quy định này, những năm trước, các doanh nghiệp thường dồn nộp thuế TNDN tạm nộp vào quý IV, tức là nộp vào cuối tháng 1 năm sau. Như vậy, bản chất số tiền thuế của năm trước lại được nộp phần lớn vào năm sau.
Để khắc phục điểm bất hợp lý này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi quy định về tạm nộp thuế TNDN quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Theo đó, nếu tổng số thuế TNDN tạm nộp của 3 quý đầu năm dưới 75% số thuế phải nộp khi quyết toán thuế thì doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp thuế kể từ ngày kế tiếp ngày hết thời hạn tạm nộp thuế TNDN của quý III đến ngày trước ngày liền kề nộp thuế vào NSNN. Khi thực hiện quy định này, để tránh bị nộp tiền chậm nộp, các doanh nghiệp đã tạm nộp thuế TNDN nhiều hơn vào thời hạn nộp thuế của quý III/2021, tức là nộp chậm nhất vào ngày 30/10/2021. Điều này đã làm tăng thu NSNN thêm khoảng 50.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kể từ ngày 1/7/2020, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành. Những quy định pháp luật mới của Luật Quản lý thuế cùng với các quy định pháp lý được hoàn thiện bởi các nghị định và thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp để quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới, kinh tế chia sẻ… Trên cơ sở đó, cơ quan thuế các cấp đã phối hợp với các cơ quan chức năng khai thác tăng thu từ những lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ và nhiều tiềm năng thu nói trên.
Ngoài ra, cơ quan thuế và cơ quan hải quan các cấp đã tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế và thanh tra, kiểm tra thuế, qua đó, nâng cao tính tuân thủ thuế, hạn chế thất thu thuế. Năm 2021, ngành Thuế đã gửi hơn 4 triệu thư điện tử để cung cấp thông tin cho người nộp thuế; hỗ trợ, giải đáp hơn 250.000 lượt người nộp thuế qua zalo, fanpage của các cục thuế; tiếp nhận 5.231 câu hỏi qua hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế, đã trả lời 4.907 câu hỏi (đạt tỷ lệ 94%); đã tổ chức 151 hội nghị đối thoại với người nộp thuế. Cơ quan thuế và hải quan các cấp đã đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo hướng tăng cường ứng dụng quản lý rủi ro vào thanh tra, kiểm tra thuế; tăng cường kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế để vừa đảm bảo kiểm soát rủi ro và phát hiện gian lận thuế, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2021, toàn ngành Thuế thực hiện được 66.449 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 105% kế hoạch năm 2021; thực hiện kiểm tra 943.725 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 115% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra đạt 45.331 tỷ đồng, trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra đạt 10.328 tỷ đồng; giảm khấu trừ đạt 2.191 tỷ đồng, giảm lỗ 32.812 tỷ đồng.
Năm 2021, ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 1.565,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, vượt qua những khó khăn do kinh tế tăng trưởng chậm hơn so với dự báo thu ngân sách nhà nước năm 2021 đã vượt cả dự toán thu, tăng so với số thu thực hiện năm 2020 và tăng cao hơn tăng trưởng kinh tế (tỷ lệ tăng thu ngân sách là 3,7%, còn tăng trưởng GDP năm 2021 theo ước tính của Tổng cục Thống kê là 2,58%).