Vì sao phải sử dụng đất hợp lý? Biện pháp sử dụng đất hợp lý?
Vì sao phải sử dụng đất hợp lý? Quy định pháp luật về việc sử dụng đất hợp lý? Các biện pháp sử dụng đất hợp lý.
Đất là gì? Vì sao phải sử dụng đất hợp lý? Những biện pháp sử dụng đất hợp lý trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước ta hiện nay. Trong phạm vi bài viết dưới đây công ty Luật Dương gia sẽ mang đến cho bạn những thông tin cần thiết về việc phải sử dụng hợp lý đất đai trong giai đoạn hiện nay.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý
– Luật Đất đai 2013
1. Đất là gì?
– Đất là một lớp mỏng khoáng chất trên bề mặt trái đất đã bị phong hóa phối hợp với thành phần hữu cơ. Đất là loại vật chất tồn tại ở thể rắn, thực vật phát triển trên đất do đó đất là một trong những yếu tố căn bản của nông, lâm nghiệp. Đất ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với người con người khi dân số trên thế giới ngày càng gia tăng diện tích đất ngày càng thu hẹp, mực nước biển ngày càng tăng cao.
– Dưới góc độ pháp lý khái niệm luật đất đai được hiểu theo hai nghĩa, thứ nhất đây là một ngành luật trong hệ thống pháp luật, nghĩa thứ hai là văn bản pháp luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành.
+ Dưới góc độ là một ngành luật khái niệm luật đất đai được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các loại đất như: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa được sử dụng trong mỗi nhóm đất lại được chia tha thành từng loại đất khác nhau theo quy định tại Điều 10 luật Đất đai 2013. Ngành luật đất đai điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội chuyên biệt, được các quy phạm pháp luật đất đai điều chỉnh và các chủ thể tham gia vào quan hệ đất đai được Nhà nước dùng pháp luật để tác động vào cách xử sự của họ đối với các phương pháp và cách thức khác nhau
+ Dưới góc độ các văn bản luật đất đai ta phải có sự phân biệt giữa văn bản luật đất đai và các hệ thống văn bản pháp luật về đất đai. Luật đất đai là một văn bản do Quốc hội ban hành cũng là là một trong các văn bản pháp luật về đất đai nhưng là văn bản quan trọng bậc nhất trong số các văn bản pháp luật về đất đai. Quá trình lịch sử xây dựng các văn bản luật đất đai không hề dễ dàng. Luật đất đai 1987, Luật đất đai 1993, Luật đất đai 2003, Luật đất đai 2013. Có thể thấy các văn bản luật đất đai luôn được cập nhật và thay đổi để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội. Như vậy, khái niệm luật đất đai được hiểu dưới góc độ các văn bản luật đất đai xuất phát từ các văn bản luật đất đai được ban hành trong thời gian vừa qua và là nguồn cơ bản của ngành luật đất đai.
2. Vì sao phải sử dụng đất hợp lý?
– Hiện nay quỹ đất chưa sử dụng ở Việt Nam ngày càng bị thu hẹp bởi việc khai thác đất đai chưa thực sự hợp lý. Chúng ta còn rất lãng phí trong việc khai thác, sử dụng tiềm năng đất đai. Vì vậy, với quá trình phát triển của đất nước, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần phải đi trước một bước để tạo cơ sở cho việc sử dụng đất một cách hợp lý nhất, bởi những lý do sau đây:
+ Sử dụng đất hợp lý để hướng đến phát triển bền vững với môi trường, thảm thực vật trong xanh, lành mạnh.
+ Đất đai là tư liệu sản xuất cho các ngành: Có thể thấy đất đai là một phần không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp,…Trong sản xuất nông nghiệp đất dùng để trồng cây lương thực, trồng cây lấy gỗ,…đất đai là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển cây cối. Đất tốt thì cây khỏe, tốt cho môi trường sống, tốt cho trái đất. Trong chăn nuôi đất là nơi để động vật phát triển, có quỹ đất rộng, môi trường đất tốt thì động vật mới phát triển được. Trong lĩnh vực công nghiệp đất đai có vai trò là cơ sở về mặt không gian và vị trí để hoàn thiện quá trình lao động. Ngoài ra trong các giao dịch bất động sản đất đai còn là đối tượng của hợp đồng mua bán đất đai tạo nên nguồn kinh tế cho cá nhân cũng như tổ chức.
+ Đảm bảo được nguồn lương thực thực phẩm đầy đủ cho con người. Trong thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa hiện nay các khu công nghiệp ngày càng mọc lên rất nhiều dẫn đến việc quỹ đất dành cho việc sản xuất lương thực, thực phẩm ngày càng ít đi. Nếu chúng ta không có những kế hoạch, quy hoạch hợp lý thì trong tương lai có thể con người sẽ rơi vào tình trạng thiếu lương thực.
+ Đảm bảo về chỗ ở cho con người. Tình trạng dân số ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu cao về nhà ở và các công trình công cộng dẫn đến quỹ đất ngày càng thu hẹp lại. Trong tương lai thế hệ sau có thể rơi vào tình trạng thiếu chỗ ở.
+ Nguồn tài nguyên mang lại giá trị cao cho con người. Đất có nhiều loại, ngoài loại đất dùng để sử dụng cho các ngành khác thì cũng có những loại đất hiếm dùng để sản xuất hợp kim, làm gốm.
Đất đai là nguồn tài nguyên có hạn, vì vậy nếu việc sử dụng đất không được quy hoạch một cách hợp lý phù hợp với từng khu vực trong từng giai đoạn phát triển thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng quỹ đất. Chính vì vậy chúng ta nên sử dụng quỹ đất một cách hợp lý.
3. Quy định của pháp luật về việc sử dụng đất hợp lý
Điều 6 Luật đất đai 2013 quy định về nguyên tắc sử dụng đất:
“Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
1.Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
2. Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
– Nhà nước ta thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật. Nhà nước ban hành luật đất đai và thiết lập hệ thống các cơ quan quản lý đất từ trung ương đến địa phương, đề ra các chủ trương , quy hoạch sử dụng đất đai một cách hợp lý.
– Nhà nước ta ưu tiên bảo vệ và phát triển quỹ đất nông nghiệp
+ Nhà nước ta có chính sách tạo điều kiện cho người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối có đất để sản xuất.
+ Nhà nước khuyến khích cá nhân cũng như tổ chức tích cực phủ xanh đồi trọc, đất trống phục vụ sản xuất nông nghiệp.
+ Nhà nước nghiêm cấm việc chuyển nhượng đất trồng lúa nước và nghiêm cấm mọi hành vi chuyển mục đích từ loại đất này sang sử dụng vào mục đích khác mà chưa được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Nghiêm cấm việc lấy đất nông nghiệp để mở rộng khu dân cư.
Tại điều 4 Luật đất đai 2013 có quy định về việc sở hữu đất đai: “Đất đai thuộc sở hữu của toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật”
– Nhà nước cho phép các tổ chức và các nhân sử dụng đất dưới sự quản lý của nhà nước. Nhà nước có quyền xác lập hình thức pháp lý cụ thể đối với người sử dụng đất. Nhà nước quy định về hạn mức giao đất cũng như thời hạn sử dụng đất, quyết định cho thuê đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Nhà nước còn quyết định giá đất thông qua bảng giá đất.Nhà nước còn có quyền thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân để phân phối lại đất phù hợp với quy hoạch và nhu cầu sử dụng hoặc để sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng.
– Người sử dụng đất có thể thỏa thuận với nhau về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp đất đai theo khuôn khổ của pháp luật.
– Nhà nước còn có chính sách cho thuê đất đối với những đối tượng có nhu cầu sử dụng.
4. Người sử dụng đất hợp pháp gồm những ai?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Luật đất đai 2013:
– Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai 2013
+Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự ;
+ Hộ gia đình, cá nhân trong nước;
+ Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;
+ Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo
+Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.
5. Biện pháp sử dụng đất hợp lý
– Sử dụng đất đai hợp lý và tiết kiệm: Một tình trạng đáng báo động ở nước ta hiện nay đó chính là tình trạng lãng phí đất trong việc khai thác và sử dụng tiềm năng đất đai. Chính vì thế trong quá trình hiện đại hóa đất nước công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần phải thật khoa học, phải hướng tới thế hệ tương lai.
– Nhà nước ta cần phải thường xuyên cải tạo đất và bồi bổ đất đai. Cần phải kết hợp giữa việc sử dụng đất và cải tạo đất
– Nhà nước đề ra những kế hoạch sử dụng đất phù hợp với từng địa điểm, khu vực.
– Nhà nước cần phát động những phong trào phủ xanh đồi trọc, chống xói mòn sạt lở đất.
– Tuyên truyền, giáo dục và phổ biến kiến thức, nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề sử dụng và bảo vệ, phát triển đất đai.