Vì sao phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa?
Vì sao phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa?
(ĐCSVN)- Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình, sách giáo khoa hiện hành cũng như đáp ứng yêu cầu mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cần thiết phải xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa với những đổi mới căn bản, toàn diện về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, thi cử theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
>> Đại biểu Quốc hội bàn về đổi mới chương trình, sách giáo khoa
>> Chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng phải linh hoạt, phù hợp thực tế
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Bộ trưởng cho hay, từ lúc Việt Nam thành lập trường học cách mạng, tức là trong kháng chiến, chúng ta đã có một số nhà trường. Tính từ lúc đó đến nay, chúng ta đã cải cách giáo dục 3 lần. 3 lần đổi sách, mỗi lần cách nhau 10 năm, giờ là 12 năm. Đặc điểm đổi sách giáo khoa là mỗi năm đổi 1 cuốn theo dạng cuốn chiếu. Thế nhưng, các lần đổi sách đó chúng ta chỉ đổi nội dung chương trình, kiến thức, còn phương pháp vẫn giữ nguyên.
Ảnh minh họa. Nguồn: VA
Chia sẻ về những bất cập của chương trình, sách giáo khoa hiện hành, người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo nói: Sách giáo khoa ở nước ta vẫn đang được xây dựng theo lối truyền thụ kiến thức một chiều, nên thiết kế những môn học ở các trường phổ thông cũng tựa như các lĩnh vực khoa học ngoài đời. Điều đó dẫn tới kiến thức trong sách giáo khoa chủ yếu là kiến thức khoa học, nặng tính hàn lâm, xa rời cuộc sống. Trong khi đó, kiến thức khoa học của loài người tăng rất nhanh, chỉ 4 đến 5 năm đã tăng gấp đôi về lượng kiến thức. Do vậy, nếu cứ áp dụng phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều cổ điển sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu.
Thêm nữa, từ trước đến nay, ở Việt Nam chỉ có 1 chương trình và 1 bộ sách giáo khoa dùng chung cả nước. Giờ phải thay đổi. Quy định là 1 chương trình là pháp lý, cả nước phải giống nhau, nhưng phải nhiều bộ sách giáo khoa. Chẳng hạn, danh từ miền Nam, miền Bắc khác nhau. Nếu viết một kiểu thì chỉ được một vùng, nên không thiết thực. Rồi các em miền núi hiểu về những vấn đề trên rừng, các em ở vùng biển thì hiểu về những vấn đề vùng biển, ở thành thị có kiến thức về thành thị mà bắt các em học về những vấn đề các em không hiểu thì sẽ không hiệu quả.
Một khía cạnh không hợp lý khác được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đưa ra là lối truyền thụ kiến thức một chiều truyền thống theo kiểu dạy tập thể, học cá nhân, học sinh nào biết học sinh ấy, “học sinh quay qua quay lại trao đổi, nói chuyện với nhau trong giờ học cũng bị nhắc nhở”, sẽ dẫn tới thói quen làm việc theo cung cách cá nhân, khó hòa hợp với phương thức làm việc theo nhóm, thậm chí là làm việc theo nhóm ảo qua mạng, vốn đang thịnh hành trong thế giới hiện đại.
Nói về đề án đổi mới sắp tới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng khoa học phù hợp với lứa tuổi và trình độ học sinh. Cụ thể thay đổi theo hướng các cháu ở cấp dưới học những môn học tích hợp cao và phân hóa dần ở các lớp học trên. Ví dụ, môn Vật lý, Hóa học, Sinh học có thể học gộp thành một môn khoa học tự nhiên, không dạy thứ cao xa, mà rất gần với cuộc sống xung quanh; môn Sử, Địa lý có thể tích hợp thành một môn khoa học xã hội. Lên cấp 3, Bộ sẽ thiết kế chương trình phân hóa, tự chọn. Lúc đó các em học sinh sẽ được học theo năng lực, sở trường.
Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng thành một chỉnh thể nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12, tương ứng với hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông).
Việc viết sách giáo khoa cũng sẽ được thay đổi. Bộ trưởng chia sẻ: Trong lần đổi mới tới đây, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện chủ trương một chương trình giáo dục phổ thông và nhiều sách giáo khoa, trong đó chỉ có chương trình mới có tính pháp lý. Khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông thống nhất do Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Đề cập đến chuyện Bộ GD&ĐT sẽ chủ động viết một bộ sách rồi thì làm gì “còn chỗ” cho mọi người viết nữa? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích, băn khoăn ấy là từ tư duy từ trước đến giờ chỉ có một bộ sách. Nếu chúng ta có nhiều bộ sách thì bộ sách của Bộ GD&ĐT ban hành cũng chỉ là một bộ, và không “chiếm chỗ” của ai.
Việc biên soạn sách giáo khoa sẽ do các nhà giáo, nhà khoa học hoặc các tổ chức khác thực hiện trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Tất cả bộ sách giáo khoa sẽ được Hội đồng quốc gia bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục được lựa chọn công khai theo những tiêu chí chặt chẽ tổ chức thẩm định. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét và phê duyệt cho phép sử dụng. Và, việc lựa chọn sử dụng sách giáo khoa sẽ do các trường phổ thông tổ chức thực hiện theo quy định. Trong quá trình dạy và học, giáo viên và học sinh có thể tham khảo sách giáo khoa và các tài liệu dạy học từ nhiều nguồn khác nhau.
Hiện Bộ GD&ĐT đã ký kết chương trình phối hợp hành động với Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đó có nội dung liên quan việc xây dựng, thẩm định chương trình, sách giáo khoa mới./.