Vì sao pate Minh Chay đắt gấp 2-3 lần pate thường?
Pate Minh Chay đắt gấp 2-3 lần sản phẩm pate chay trên thị trường hiện nay vì được quảng cáo là sản xuất bằng công nghệ hiện đại, nguồn nguyên liệu an toàn.
Một tuần sau khi Bộ Y tế cảnh báo khẩn pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới nhiễm độc tố khiến nhiều người bị ngộ độc, hiện cơ sở sản xuất của thương hiệu này đã đóng cửa, dán niêm phong.
Trên website, Minh Chay được giới thiệu là một thương hiệu xuất phát từ gia đình có truyền thống 30 năm ăn chay trường với mong muốn giúp đỡ và hỗ trợ cộng đồng để ngày càng có nhiều người ăn chay.
Ngoài kinh doanh nhà hàng chay tại số 30 Mã Mây, doanh nghiệp này còn sản xuất pate và các loại ruốc nấm hương, muối vừng bát bảo, giò lụa lúa mì… tại địa chỉ số 53, tổ 2 Thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Trên thị trường, giá bán pate chay khá rẻ chỉ dao động khoảng 90.000-150.000 loại 450 gram.
“Được tiệt trùng theo công nghệ Nhật Bản”
Sản phẩm pate Minh Chay đóng hộp thuỷ tinh loại 200 gram có giá niêm yết 149.000 đồng và loại 450 gram có giá 309.000 đồng. Sản phẩm được quảng cáo không phụ gia, chất bảo quản, giữ được 6 tháng trong tủ đông và đặc biệt được xử lý tiệt trùng theo công nghệ Nhật Bản có thể vận chuyển khắp toàn quốc mà chất lượng không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên theo nguồn tin từ quản lý thị trường, nhà xưởng này có diện tích khoảng 50 m2, với dưới 10 nhân công, máy móc sản xuất, chế biến thực phẩm khá thô sơ chỉ có vài tủ đựng nguyên liệu, máy sấy hấp thực phẩm…
Theo khảo sát của Zing, sản phẩm pate Minh Chay có mức giá đắt gấp 2-3 lần so với các sản phẩm pate chay trên thị trường hiện nay. Cụ thể, trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội giá bán pate chay chỉ dao động khoảng 60.000-80.000 loại 200 gram và 90.000-150.000 loại 450 gram.
Mặc dù có giá đắt hơn hẳn, pate Minh Chay vẫn được khá nhiều khách hàng ăn chay ưa chuộng. Thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy đến nay có ít nhất 11.700 khách hàng mua các sản phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới trong khoảng thời gian từ 1/7 đến 22/8, chủ yếu qua phương thức đặt hàng online, trong đó mua sản phẩm pate Minh Chay là 7.449 khách hàng. Phần lớn các sản phẩm này được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM…
Trong báo cáo của người đại diện và căn cứ bản tự công bố, cơ sở này sử dụng các nguyên liệu: chân nấm hương hữu cơ, chân nấm hương, mộc nhĩ, nấm hương khô, nấm hương khô organic, nấm đùi gà to, nấm đùi gà non, nấm sò yến, nấm sò (nấm bào ngư), nấm rơm… để sản xuất. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa xuất trình được đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm.
Cơ sở sản xuất pate Minh Chay khá nhỏ, chỉ nằm gọn trong một căn nhà cấp 4. Ảnh: Việt Hùng
Theo tìm hiểu, phần lớn những nguyên liệu trên đều được lấy từ trang trại riêng có diện tích 5.000 m2 của doanh nghiệp này ở Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội). Ngoài ra, Minh Chay còn nhập các loại nấm từ trang trại nấm Thuận Thiên (Đông Anh, Hà Nội), trang trại nấm Phú Gia (Đại Từ, Thái Nguyên), Công ty TNHH nấm Phùng Gia (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).
Quy trình sản xuất pate Minh Chay trải qua 8 công đoạn bao gồm lựa chọn nguyên liệu; sơ chế nguyên liệu; chế biến theo 9 bước; tiệt trùng lọ ở 121 độ C trong 30 phút; đóng gói sản phẩm; tiệt trùng sản phẩm; kiểm tra sản phẩm và xuất xưởng.
Các sản phẩm của Minh Chay được phân phối, bán chủ yếu qua kênh trực tuyến trên website minhchay.com, pate.1001monchay.com và các trang mạng xã hội với hình thức giao dịch thanh toán online, vận chuyển theo hình thức ship hàng. Ngoài ra, sản phẩm cũng có bán trực tiếp tại Nhà hàng Minh Chay (30 Mã Mây, Hà Nội) và bán hàng theo hình thức ký gửi với Hợp tác xã Thật Thà tại trung tâm thương mại Syrena (Hà Nội).
Vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ rút còn 5 tỷ
Theo tìm hiểu của Zing, Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 5/1/2018 và bắt đầu hoạt động từ ngày 1/5/2018, có địa chỉ tại số nhà 53, tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội. Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Thùy Trang.
Ban đầu, công ty có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, được sáng lập bởi hai thành viên với tỷ lệ 50:50 là ông Nguyễn Ngọc Minh và bà Nguyễn Thị Thùy Trang (hai cá nhân này có cùng địa chỉ thường trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tuy nhiên 2 năm sau, công ty đã giảm vốn điều lệ xuống còn 5 tỷ đồng, tỷ lệ nắm giữ vẫn được giữ nguyên.
Theo báo cáo của Chi cục thuế huyện Đông Anh, đến quý II/2020, doanh nghiệp sở hữu pate Minh Chay mới khai báo doanh thu 29 triệu đồng. Từ 1/7, doanh nghiệp này mới bắt đầu sản xuất liên tục với 13 sản phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, người đồng sáng lập thương hiệu Minh Chay cho biết ông và tất cả người nhà đang chia nhau đi gặp và hỗ trợ nạn nhân ở các tỉnh, đồng thời tích cực thông báo thu hồi sản phẩm tới khách hàng.
“Tôi đang phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ sự việc. Việc pate Minh Chay phát hiện có vi khuẩn độc là điều chúng tôi rất bất ngờ, công ty sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm nếu thực sự sản phẩm có độc tố”, ông Minh cho biết.
Sản phẩm của Minh Chay được bán trong trung tâm thương mại Syrena (Hà Nội).
Hiện nay công tác thu hồi sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Tính đến nay mới có khoảng hơn 300 sản phẩm được thu hồi trên cả nước.
Trước đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội trực tiếp đi kiểm tra cơ sở sản xuất sản phẩm pate Minh Chay và lấy mẫu pate xét nghiệm. Kết quả, cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với công ty này về các vi phạm: Để người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đeo khẩu trang; dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy; hàng hóa có nhãn ghi không đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định và ra quyết định xử phạt 17,5 triệu đồng.
Pate Minh Chay được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cấp chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm loại B trong tháng 1 nhưng đến tháng 8 thì phát hiện sản phẩm có vi khuẩn độc clostridium botulinum.
Hiện, cơ quan chức năng của Công an Hà Nội đã vào cuộc xác minh, điều tra nguyên nhân 9 người có dấu hiệu ngộ độc khi dùng sản phẩm pate Minh Chay.