Vì sao mạng xã hội Việt Nam vẫn chưa phổ biến?
Trong bảng xếp hạng 16 mạng xã hội được người Việt sử dụng nhiều nhất đến hết tháng 1 năm nay, thì chỉ có Zalo là nền tảng Make in Việt Nam xếp ở vị trí thứ 3. Trong khi đó, đứng đầu bảng xếp hạng các mạng xã hội và nền tảng chat được người Việt sử dụng nhiều nhất là Youtube và Facebook. Sau mạng xã hội Zalo của Việt Nam đứng thứ 3 thì tiếp đó vẫn là các mạng xã hội nước ngoài như Instagram, Tik Tok, Twitter, Skype… Vì sao, số lượng người Việt sử dụng mạng xã hội xuyên biên giới vẫn không ngừng tăng lên? Các mạng xã hội của người Việt cần làm gì để hấp dẫn người sử dụng?
Ảnh minh họa.
Hiện nay 2/3 dân số Việt Nam sử dụng Internet. Tính đến cuối năm ngoái, người Việt vào các mạng xã hội youtube.com, facebook.com lần lượt xếp thứ 4 và thứ 6 trong số 20 trang mạng được truy cập nhiều nhất. Trong số Top 10 mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, chỉ có duy nhất Zalo là mạng xã hội Make in Việt Nam, với khoảng 60.000.000 tài khoản. Có khá nhiều lý do người Việt nêu ra để nói về việc sử dụng mạng xã hội nước ngoài là chủ yếu.
Vậy liệu có hẳn lượng người truy cập mạng xã hội Việt có con số thấp? Câu trả lời là chưa hẳn như vậy. Nếu nhìn vào con số thống kê tính đến hết năm 2020, thì mạng xã hội Zalo có khoảng 60.000.000 thành viên, Mocha 12.000.000 thành viên, Gapo có 6.000.000 thành viên, Lotus có 2.500.000 thành viên. Ngoài các mạng xã hội được xây dựng trên ứng dụng điện thoại này, thì còn các mạng xã hội hoạt động trên website như các diễn đàn tinhte.vn, voz.vn, webtretho.com, otofun.net,… Các trang này thường chỉ tính được số lượt truy cập, ví dụ như tinhte.vn là 16 triệu lượt/tháng, voz.vn là 12.000.000 lượt/tháng, webtretho.com có khoảng 7.000.000 lượt/tháng, otofun.net có 4.000.000 lượt/tháng.
Từ con số này có thể thấy số lượt sử dụng mạng xã hội là các diễn đàn cũng khá thường xuyên. Đặc biệt, các mạng xã hội trong nước thường chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước, nên đã phần nào hạn chế được nhiều thông tin xấu độc, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng tốt hơn, thậm chí được sử dụng để cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành của chính quyền tới người dân.
Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Truyên truyền – cho biết: “Điều mà tôi rất ngạc nhiên, đó là huyện Bình Liêu và xa nhất của Bình Liêu là Đồng Văn – nơi đó có 100% người dân tộc thiểu số, toàn người Tày, người Dao, nhưng tất cả những thông tin mà chính quyền chuyển đến cho người dân đều thông qua mạng xã hội Zalo. Người ta sử dụng ít nhất 2 số điện thoại Zalo của người dân ở mỗi một gia đình, để thông báo tất cả những thông tin chính quyền, hoặc là kể cả những thông tin thời vụ, mùa vụ… Cần thông báo gì thì họ cũng thông báo qua Zalo. Vì vậy mà tôi nghĩ rằng, không phải là chỉ có ở những nơi thành thị, mà ngay cả những nơi miền núi xa xôi, thì hiện nay mạng xã hội đã chiếm ưu thế”.
Mạng xã hội là nền tảng trực tuyến được mọi người dùng để xây dựng các mối quan hệ với người khác có chung tính cách, nghề nghiệp, công việc, trình độ,… hay có mối quan hệ ngoài đời thực. Do đó, như xã hội thực khi càng có nhiều người dùng, thì nền tảng đó càng phổ biến. Với nhiều diễn đàn mạng xã hội đang hoạt động bằng nền tảng website, thì một phần do giới hạn thành viên nên số lượng người dùng đã ngừng tăng lên; hoặc cho phép thành viên đăng nhập theo tài khoản facebook, google (nên lại gián tiếp làm tăng số thành viên của các mạng xã hội nước ngoài). Chưa kể, mức độ kết nối, tương tác trực tiếp giữa các thành viên trên diễn đàn mạng xã hội hạn chế, nên đây cũng chính là một trong những điểm bất lợi của các diễn đàn mạng xã hội của Việt Nam.
Chuyên gia công nghệ Nguyễn Văn Nam – Ban Quản lý diễn đàn voz.vn – giải thích: “Ứng dụng mạng xã hội dễ sử dụng và có nhiều tính năng hỗ trợ giải trí, thể hiện cá tính của mỗi người dùng, lượng người dùng tiếp cận nhiều, khả năng kết nối cộng đồng nhiều,…nên đây cũng là những lý do mà những người dùng thích sử dụng mạng xã hội nước ngoài hơn”.
Ra đời sau, nền tảng mạng xã hội Việt sử dụng tiếng Việt, nên cũng chính là những điểm bất lợi đối với thu hút thêm người sử dụng từ các nước khác. Chưa kể, do tâm lý đám đông; cũng như trên mạng xã hội càng tìm kiếm, hay chia sẻ nhiều thông tin gây tác động đến xã hội, thì mạng xã hội đó lại càng được nhiều người biết đến.
Ông Nguyễn Hải Nam – Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh – nhấn mạnh: “Trên mạng xã hội bây giờ đôi khi là cái việc sản xuất ra một tấm hình có thông tin fake news, hoặc là vì video clip fake cũng rất là dễ dàng và lan truyền rất nhanh. Xét về mặt kỹ thuật, thì các thuật toán của Facebook rất là rõ ràng, tức là nếu chúng ta tìm kiếm thông tin gì,chúng ta tiếp cận nhiều với thông tin gì trên mạng xã hội, thì thuật toán đó sẽ tự động đem đến cho chúng ta những thông tin đó. Theo tâm lý đám đông là xu thế cứ tác động và cứ lan tỏa những thông tin xấu rất nhanh, thì từ vấn đề đó chúng ta cần phải có các nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp với xu hướng phù hợp với tâm lý và thị hiếu của cư dân mạng”.
Từ năm 2014 đến hết năm 2020, trong danh sách hơn 750 mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép mới và gia hạn thời gian hoạt động, thì chỉ có khoảng 10 mạng xã hội Việt được sử dụng nhiều. Vì thế, làm thế nào để có thể thu hút thêm người sử dụng trong nước luôn là câu hỏi đầu tiên của các đơn vị sáng lập mạng xã hội cho người Việt.
Theo các chuyên gia, các mạng xã hội Việt đang cần quan tâm đến nhiều hơn nữa đến việc kết nối với những người có uy tín, có thể đăng tải nội dung đúng sự thật và hấp dẫn người dùng như chia sẻ của ông Hoàng Viết Tiến – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam: “Tôi nghĩ việc mà thu hút người dùng thì không phải là cung cấp nền tảng hay là tính performance – tính mở, tức là nền tảng là một phần. Ví dụ khi truy cập vào các mạng xã hội được nhanh, nhưng quan trọng đấy là cái phần nội dung khi người dùng cung cấp trên các nền tảng đấy có thu hút người dùng không? Vì mạng xã hội nó giống như một cái website và bản thân nó cũng là một chỗ cung cấp nội dung và có các nội dung hữu ích trên mạng xã hội, để có thể là câu view người xem. Ví dụ là có những bài mang tính chất có chiều sâu, đấy một trong những hướng mà chúng ta có thể thu hút người dùng. Hay là có những nội dung sáng tạo, chúng ta có thể đẩy lên các mạng xã hội, thì có thể thu hút người dùng vào”.
Trong bối cảnh các mạng xã hội nước ngoài có ưu thế vượt trội thì bản sắc riêng, tìm thị trường ngách, phát triển bền vững có lẽ là hướng đi phù hợp hơn với các mạng xã hội Việt Nam, từ đó tạo sự lan tỏa là hướng đi của các mạng xã hội Việt vào lúc này. Trong đó, những xu hướng của mạng xã hội năm 2021 cũng cần được các mạng xã hội trong nước cập nhật, như tăng các dịch vụ tiện ích, gắn giải trí và thương mại, gắn thương mại và nhu cầu khám phá./.