Vì sao giáo viên hợp đồng chưa yên tâm với phương án tuyển dụng của Hà Nội?
GDVN- Giáo viên hợp đồng đăng ký xét tuyển đặc cách phải thực hành thông qua giảng dạy để kiểm tra về năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển.
Câu chuyện tuyển dụng giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đang làm nóng dư luận xã hội trong những ngày gần đây.
Cách đây hơn 1 năm, 256 giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn bắt đầu gửi đơn thư kêu cứu khi đứng trước nguy cơ bị mất việc làm.
Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiêm xã hội từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.
Bộ Nội vụ sau đó cũng đã ra công văn số 5378 nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc xét tuyển đặc cách cho giáo viên trên tinh thần của Nghị định 168/2018/NĐ-CP.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành: Kế hoạch tổ chức xét tuyển vào viên chức các cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã năm 2020 đối với các trường hợp lao động hợp đồng làm công việc giảng dạy tác các cơ sở giáo dục công lập thuộc Thành phố 2015 trở về trước.
(Kèm theo Quyết định số 2363/QĐ-UBND ngày 9/6/2020 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội).
Trong quyết định số 2362/ QĐ-UBND nêu rõ: Thành phố sẽ xét tuyển 2 vòng theo quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ.
Nội dung xét tuyển gồm 2 vòng:
Vòng 1: Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển đăng ký tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu vị trí việc làm, nếu phù hợp thì người dự tuyển được tham gia vòng 2.
Vòng 2: Thực hành thông qua giảng dạy để kiểm tra năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển.
Việc tổ chức thực hành thực hiện theo quy chế tổ chức xét tuyển công chức, viên chức, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ban hành kèm theo Thông tư số 03/2019/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Căn cứ theo điều 11, Nghị định 161/2018/NĐ-CP, vòng 2 của kỳ tuyển dụng đặc cách được tổ chức như sau:
a) Phỏng vấn hoặc thực hành để kiểm tra về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định hình thức phỏng vấn hoặc thực hành tại vòng 2 này phù hợp với tính chất hoạt động nghề nghiệp và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
b) Điểm phỏng vấn hoặc thực hành được tính theo thang điểm 100.
c) Thời gian phỏng vấn 30 phút; thời gian thực hành do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định.
d) Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả phỏng vấn hoặc thực hành.”
Dựa theo điều này, một số địa phương trong đó có huyện Sóc Sơn, huyện Ba Vì… đã trả lời với giáo viên trong các buổi đối thoại: Sẽ không có phần phúc khảo với kết quả bài thi giảng, bài giảng không được ghi âm, ghi hình.
Thầy Nguyễn Văn Long, giáo viên hợp đồng tại Ba Vì cho rằng: “Với phương án xét tuyển dựa trên bài giảng đầu tiên sẽ gây tốn kém cho địa phương và nhất là các giáo viên.
Chẳng hạn như môn Vật Lý của tôi, giáo viên phải chuẩn bị dụng cụ để giảng dạy có khi lên đến hơn 1.5 triệu đồng.
Thế nhưng điều chúng tôi băn khoăn nhất là liệu kỳ thi có diễn ra minh bạch, công bằng hay không?
Nên nhớ đây là thi giảng chuyên môn không phải thi viết, thi trắc nghiệm hay phỏng vấn có giấy trắng mực đen làm bằng chứng.
Bất lợi nữa là chúng tôi không được phúc khảo điểm cũng như không có barem điểm cho bài thi nên vì thế điểm như thế nào thì chúng tôi chỉ biết như vậy.
Thậm chí có được 49.75 điểm thì chúng tôi cũng trượt.
Vấn đề là khi bị trượt mà không cảm thấy công bằng chúng tôi không biết kêu ai cả vì khi giảng dạy không được ghi hình, không được phúc khảo”.
Băn khoăn của thầy Long cũng là nỗi lo chung của nhiều giáo viên hợp đồng tại Hà Nội.
Theo một số giáo viên phản ánh, họ không sợ/ ngại thi, điều mà họ sợ nhất là việc tổ chức kỳ thi không diễn ra một cách minh bạch, công bằng.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hiệu, giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn phân tích:
“Trong buổi đối thoại với Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, Phó Chủ tịch huyện Sóc Sơn trả lời rằng: Việc xét tuyển 2 vòng thực hiện theo Nghị định 161.
Theo đó vòng 2 thi bằng bài giảng chuyên môn, không có phúc khảo, không được ghi hình.
Điều này làm cho chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng vì mấy lý do.
Thứ nhất, vòng 2 thi giảng chuyên môn nhưng không được ghi hình nên bài giảng hay hoặc dở chỉ có người giảng và người chấm là biết với nhau.
Thế ví dụ tôi cho rằng bài giảng của tôi hay nhưng lại được điểm thấp.
Vậy làm thế nào để tôi chứng minh được điều này khi không được ghi hình cũng không thi viết?.
Thứ hai, việc chấm bài giảng dựa theo tiêu chuẩn nào?
Ví dụ như chúng làm bài trên giấy thì sẽ có câu hỏi, có đáp án, có barem điểm.
Như vậy giấy trắng mực đen được điểm cao hay điểm thấp chúng tôi cũng chấp nhận.
Thế nhưng một bài giảng khi chấm mà không căn cứ theo tiêu chuẩn hoặc barem điểm thì làm thế nào để biết nó hay hoặc dở.
Vậy việc chấm bao nhiêu điểm phụ thuộc hoàn toàn vào cảm tính của người chấm, rất khó cho chúng tôi.
Thứ ba, chúng tôi được thông báo là không được phúc khảo điểm.
Nếu không được phúc khảo điểm thì làm sao chúng tôi yên tâm để thi dù cho có được đổi nguyện vọng 2 lần.
Thứ tư, liệu những người tuyển dụng có chắc chắn đảm bảo kỳ thi công bằng, minh bạch cho giáo viên không nhất là khi chúng tôi là những người đấu tranh đã nhẵn mặt trên báo chí?
Mà đấu tranh ai cũng hiểu là “tránh đâu”.
Vì thế phương án xét tuyển 2 vòng như trên rất bất lợi cho giáo viên hợp đồng”.
Một trong những vấn đề giáo viên còn quan tâm đó là chuyện phân bổ chỉ tiêu.
Chẳng hạn cô giáo Nguyễn Thị Tâm đã 21 năm công tác, giảng dạy ở Sóc Sơn.
Theo kế hoạch mà Sở Nội vụ công bố, nếu chỉ tiêu xét tuyển tại ngôi trường đang giảng dạy không còn buộc giáo viên phải đăng ký ở những quận, huyện khác như Nam Từ Liêm, Đông Anh, Ba Vì…
Đây là tình cảnh có thực của nhiều giáo viên tại các huyện ngoại thành do không có chỉ tiêu tại địa phương – nơi mình đang sinh sống, công tác, phải đăng ký chỉ tiêu tại các quận nội thành.
Cô giáo Nguyễn Thị Thơm cho rằng: Phương án xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng như trên sẽ đẩy giáo viên vào cảnh “tranh đấu” với nhau vì chỉ tiêu, vị trí việc làm.
Hiện nay, vấn đề tuyển dụng đặc cách cho hơn 2000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội vẫn được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đưa vào Nghị trường.
Trong thời gian tới, giáo viên hợp đồng Hà Nội vẫn mong muốn Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội sớm ban hành một phương án xét đặc cách thấu tình, đạt lý, được dư luận ủng hộ.
Vũ Ninh