Vì sao gãy xương lâu lành | BvNTP

Khi xương bị gãy sẽ có tình trạng co mạch để hạn chế chảy máu từ phần mềm và xương. Ít hay nhiều ở vùng gãy xương cũng có khối máu tụ. Người ta nhận thấy trong khối máu tụ có nhiều tế bào gốc đa năng có thể biến đổi thành tế bào tạo xương osteblast. Khi hai đầu xương gãy được cố định sẽ có sự hoại tử một phần đầu xương gãy do thiếu máu nuôi tạm thời làm khe gãy rộng ra. Sau đó sẽ hình thành mô xơ nối hai đầu xương gãy.

Máu nuôi từ màng ngoài xương và trong tủy xương sẽ mang các tế bào tạo xương để tạo nên chất nền cho sự lành xương cũng như hình thành tế bào xương và sau đó là giai đoạn canxi hóa để biến thành canxi xương. Như vậy quá trình lành xương sẽ đi từ canxi xơ sang canxi sụn và kết thúc bằng canxi xương.

Có hai yếu tố giúp lành xương. Đầu tiên là yếu tố cơ học, hai đầu xương gãy phải được cố định vững chắc và chỉ cho phép hai đầu xương gãy có những cử động nhỏ để kích thích sự lành xương mà thôi. Yếu tố thứ hai là yếu tố sinh học, nghĩa là máu nuôi. Hệ máu nuôi đến từ các cơ bao xung quanh xương và máu trong lòng tủy xương. Nếu hệ thống này không bị phá hủy, ví dụ như trong trường hợp gãy xương có kèm giập nát mô mềm hay gãy xương mà được mổ mở banh, thì xương sẽ lành bình thường.

Xương là phần cứng nâng đỡ cơ thể khi di chuyển. Khi bị gãy ở một số xương như mâm chày, cổ xương đùi, trần chày hay gãy nát… không thể chịu được tải trọng vì sẽ di lệch khi đi đứng. Do vậy các bác sĩ sẽ phải cho bệnh nhân đi nạng không chống chân, đôi khi phải mang bột.

Quá trình liền xương bị gãy nhanh hay chậm phụ thuộc vào mức độ tổn thương và tuổi tác của người bệnh. Quá trình liền xương sẽ nhanh hơn ở những người trẻ. Chẳng hạn như bạn bị gãy xương bàn tay thì thời gian liền xương của bạn sẽ rơi vào khoảng từ 4-6 tuần.

Thời gian liền xương còn phụ thuộc người bị gãy xương có các bệnh lý mãn tính đi kèm không như tiểu đường, phổi, loãng xương… vì những bệnh lý này có thể khiến thời gian liền xương lâu hơn… đồng thời không được vận động. Xương liền thẳng hay cong là do vùng bị gãy có được cố định tốt hay không.

Sau 6 tháng kể từ lúc bị gãy xương được điều trị, người bệnh có thể tập luyện thể dục cần nhiều sức mạnh. Còn đối với những trường hợp bị gãy xương bàn chân, phải mất từ 3-4 tháng để liền xương. Không có phương thuốc nào giúp thời gian liền xương ngắn hơn thời gian liền xương sinh lý.

Để xương mau lành, cần phục hồi môi trường sinh học nhằm đảm bảo máu lưu thông tốt, xương được cố định vững chắc .

Nếu bạn phải bó bột gãy xương thì nên hạn chế đi lại trong 2-3 tuần đầu để bớt sưng. Có thể chườm lạnh để giảm đau nếu chỉ nẹp bột.

Bạn cần phải thực hiện chế độ ăn uống đủ chất và hạn chế đi lại để xương nhanh lành.

 

BS tư vấn: BS Hoàng Văn Triều, chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình