Vì sao cần chủ động xét nghiệm máu tổng quát để phát hiện bệnh?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lương Võ Quang Đăng, Bác sĩ Nội Tim Mạch – Trưởng khoa khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Xét nghiệm máu tổng quát là một phần trong quy trình khám sức khỏe tổng quát định kỳ hoặc khám chữa bệnh. Xét nghiệm máu tổng quát có thể giúp phát hiện một số bệnh lý (ở giai đoạn tiền lâm sàng) trước khi các bệnh này biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài. Thông qua xét nghiệm máu tổng quát, một số bệnh lý có thể được phòng ngừa để không xảy ra, hoặc điều trị ngay từ những giai đoạn rất sớm.
Tuy nhiên, thực tế là không phải tất cả các bệnh lý sẽ được phát hiện khi làm xét nghiệm máu tổng quát. Và không phải bệnh lý nào được phát hiện sớm bằng xét nghiệm máu tổng quát đều có thể được điều trị triệt để. Với kết quả xét nghiệm máu tổng quát, kết hợp với các thông tin sức khỏe từ tiền sử bệnh lý và thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ giúp bạn xác định các vấn đề sức khỏe hiện tại, hướng điều chỉnh khắc phục hoặc điều trị, và biện pháp phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe trong tương lai.
Mục Lục
1. Xét nghiệm máu tổng quát gồm những gì?
Để tiến hành xét nghiệm máu tổng quát bạn chỉ cần đến các cơ sở y tế để lấy mẫu máu 4-8 mililit (mL) từ tĩnh mạch. Mẫu máu sau đó được mang đến phòng xét nghiệm chuyên dụng. Xét nghiệm máu tổng quát bao gồm:
- Xét nghiệm công thức máu (Tổng phân tích tế bào máu): giúp bạn biết được mình có bị thiếu máu hay không; lượng các tế bào máu: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trong máu có ổn định không; thành phần các tế bào bạch cầu như thế nào, có bị nhiễm trùng máu, ung thư máu hay không?
- Xét nghiệm đường máu (Glucose): kiểm tra lượng đường trong máu có vượt mức bình thường không, xác định xem bạn có bị tiểu đường không? Nếu lượng đường trong máu lúc đói (đã nhịn ăn hơn 8 giờ) đo được cao hơn 126 miligam/decilit (mg/dl) có thể bạn bị tiểu đường. Bác sĩ sẽ cho bạn kiểm tra lại đường máu lúc đói vào một ngày khác, hoặc dùng các xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán bạn có tiểu đường hay không.
- Xét nghiệm các men của gan (AST/ALT/GGT): Nồng độ các chất này trong máu khi tăng cao hơn 2 lần ngưỡng bình thường giúp xác định tình trạng tổn thương tế bào gan. Tổn thương tế bào gan có thể do nhiều nguyên nhân. Các xét nghiệm này không giúp đánh giá chức năng gan. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân tổn thương tế bào gan và hướng khắc phục cụ thể.
- Xét nghiệm mỡ máu (Cholesterol, HDL-C, LDL-C và Triglyceride): Mỡ máu cao hơn ngưỡng bình thường khiến bạn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch về sau, như xơ vữa mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Mỗi trị số mỡ máu có một ý nghĩa khác nhau, bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp và đưa ra kế hoạch cải thiện các chỉ số này, từ đó giảm thiểu nguy cơ bệnh lý tim mạch sau này.
- Xét nghiệm chức năng thận (Ure, Creatinin): Thận là cơ quan điều hòa và bài tiết các chất dư thừa thông qua nước tiểu. Ure và Creatinin cũng là những chất được thận đào thải qua nước tiểu. Nồng độ 2 chất này tăng cao trong máu chỉ điểm chức năng bài tiết của thận bị suy giảm. Bác sĩ sẽ tư vấn và giúp bạn thực hiện các bước tiếp theo để tìm nguyên nhân hoặc bệnh lý về thận (nếu có).
2. Xét nghiệm máu tổng quát biết được bệnh gì?
Các xét nghiệm cơ bản trên sẽ giúp bạn nắm được tình hình sức khỏe sơ bộ, với mục tiêu tầm soát. Khi kết quả xét nghiệm có những vấn đề bất thường, bạn sẽ được bác sĩ giải thích và chỉ định làm thêm các xét nghiệm chuyên biệt hơn để đi đến kết luận chính xác như: các xét nghiệm máu chuyên sâu khác, siêu âm, chụp X Quang, chụp CT, chụp cộng hưởng từ…
Như vậy, xét nghiệm máu tổng quát sẽ giúp phát hiện các bệnh lý cơ bản: bệnh tiểu đường, tình trạng tăng mỡ máu, bệnh thiếu máu, tình trạng tăng men gan, tăng axít uric, suy giảm chức năng thận…, cho đến các tình trạng hoặc bệnh lý phức tạp hơn như: cô đặc máu, giảm tiểu cầu, suy giảm miễn dịch, viêm gan, nhiễm trùng máu, ung thư máu, rối loạn tăng sinh tủy, nhiễm ký sinh trùng, bệnh dị ứng, thiếu máu di truyền…
3. Những lưu ý khi xét nghiệm máu tổng quát?
Trước khi xét nghiệm máu tổng quát có cần nhịn ăn, nhịn uống không? Nên lấy máu xét nghiệm vào lúc nào là tốt nhất? Đây là thắc mắc của rất nhiều người khi có nhu cầu xét nghiệm máu tổng quát.
Thực tế là chỉ có 2 loại xét nghiệm bị ảnh hưởng kết quả nếu bạn đã ăn thức ăn hoặc uống nước có đường trước khi lấy mẫu máu xét nghiệm. Đó là xét nghiệm đường máu (Glucose) và Mỡ máu (Triglyceride). Lượng đường và chất béo trong thức ăn sẽ nhanh chóng được hấp thu vào máu và kết quả đo lường sẽ không phản ánh đúng tình trạng của cơ thể bạn. Hãy thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế biết nếu bạn đã lỡ ăn hoặc uống nước có đường trước khi lấy mẫu máu.
Các xét nghiệm máu khác hầu như không bị ảnh hưởng bởi việc ăn uống.
Để đảm bảo kết quả ít sai lệch nhất khi thực hiện xét nghiệm máu tổng quát, bạn vui lòng thực hiện theo các hướng dẫn sau đây:
- Nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu: Trong vòng 8 – 12 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm, bạn không nên ăn hay uống các loại nước ngọt, nước hoa quả, nước có gas, đặc biệt là rượu, bia, cà phê… Các chất có trong thức ăn có thể chuyển hóa thành đường glucose khiến kết quả xét nghiệm không chính xác, đặc biệt là các xét nghiệm liên quan đến tim mạch, đường huyết, mỡ máu. Đó chính là lý do vì sao xét nghiệm máu tổng quát thường được thực hiện vào buổi sáng. Sau khi lấy mẫu máu bạn có thể ăn uống bình thường.
- Không hút thuốc lá, không sử dụng chất kích thích trước khi làm xét nghiệm.
- Bạn có thể uống nước lọc một cách bình thường để đảm bảo cơ thể không bị mất nước. Nước lọc không gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Những người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim… có thể uống thuốc trước thời gian làm xét nghiệm. Tuy nhiên để đảm bảo kết quả xét nghiệm không bị sai lệch, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
4. Bao nhiêu lâu cần chủ động xét nghiệm máu tổng quát?
Xét nghiệm máu tổng quát giúp phát hiện sớm một số loại bệnh hoặc đưa ra những cảnh báo về các bệnh có thể mắc phải trong thời gian tới. Vì thế không chỉ người bệnh mà những người khỏe mạnh cũng cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong đó có thực hiện xét nghiệm máu tổng quát, đặc biệt là với người già và trẻ nhỏ.
Theo ý kiến các chuyên gia y tế, nhìn chung, mỗi người khỏe mạnh cần kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 – 12 tháng/lần. Tùy theo tình trạng bệnh tật của từng cá nhân, các bác sĩ có thể chỉ định lịch kiểm tra thường xuyên hơn hoặc thưa hơn.
Xét nghiệm máu tổng quát giúp bạn lắng nghe cơ thể, đọc được tình trạng sức khỏe chung của cơ thể bạn, để từ đó có những điều chỉnh về chế độ dinh dưỡng, luyện tập kịp thời.
5. Xét nghiệm máu tổng quát có dễ thực hiện không?
Chi phí xét nghiệm máu tổng quát tùy thuộc vào từng loại xét nghiệm, từng cơ sở y tế. Đây là loại xét nghiệm cơ bản, bạn có thể dễ dàng thực hiện tại hầu hết các bệnh viện, cũng như các cơ sở y tế tư nhân, thậm chí là sử dụng dịch vụ lấy máu và trả kết quả – tư vấn tại nhà.
Ngày nay, việc sinh hoạt không điều độ, ăn uống không lành mạnh diễn ra rất phổ biến. Những bữa ăn chứa quá nhiều chất béo, tinh bột, đường khiến các bệnh liên quan đến đường huyết, mỡ máu ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Việc vô ý sử dụng thực phẩm chứa chất độc hại, ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến chức năng thận, tổn thương gan. Áp lực công việc, stress cũng là một trong những nguyên nhân tác động xấu đến sức khỏe con người.
Việc chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong đó có xét nghiệm máu tổng quát, là phương pháp hữu hiệu giúp bạn bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và cả gia đình. Việc phát hiện bệnh sớm hơn sẽ giúp cho việc điều trị và phòng ngừa trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!