Vì sao bạn nghén khi mang thai?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Ốm nghén khi mang thai là tình trạng rất khó chịu đối với phụ nữ, có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên nghén khi mang bầu là hiện tượng sinh lý nên không ảnh hưởng gì đến em bé, ngoại trừ trường hợp nghén nặng.
Mục Lục
1. Tổng quan
Ốm nghén là dấu hiệu phổ biến của thai kỳ, được biểu hiện bằng cảm giác buồn nôn và đôi khi là nôn thật sự. Nghén khi mang thai có tên tiếng Anh là “morning sickness”, dấu hiệu này có thể gây khó chịu cho thai phụ vào bất cứ lúc nào trong ngày, chứ không chỉ riêng buổi sáng. Có đến 90% phụ nữ trải qua cảm giác buồn nôn hoặc nôn ở nhiều mức độ khác nhau khi mang thai.
Ốm nghén thường xuất hiện trong 14 tuần của thai kỳ và đây hầu như dấu hiệu đầu tiên cho biết một người phụ nữ đã mang thai. Một số phụ nữ cũng có thể bị ốm nghén kéo dài trong suốt thai kỳ.
Có nhiều cách khác nhau để giảm bớt ốm nghén, tình trạng này cũng rất hiếm dẫn đến biến chứng. Mặc dù còn nhiều tranh cãi, một số nghiên cứu đã chỉ ra phụ nữ ít hoặc không ốm nghén có tỷ lệ sảy thai cao hơn. Một giả thuyết khác cho rằng nghén khi mang bầu là cách tự nhiên giúp người mẹ có thể tránh xa các chất gây hại tiềm ẩn cho thai nhi mới phát triển.
2. Nguyên nhân gây ốm nghén
Không có nguyên nhân chính xác của tình trạng ốm nghén khi mang thai, và mức độ nghiêm trọng ốm nghén cũng khác nhau ở từng phụ nữ. Nồng độ hormone tăng trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ là nguyên nhân phổ biến nhất. Giảm lượng đường trong máu cũng là một lý do khác gây ốm nghén. Buồn nôn và ói mửa cũng thường được kích hoạt bởi một số mùi nồng, thức ăn cay nóng, nước bọt… hoặc thậm chí là không có tác nhân nào.
Người thường bị buồn nôn hoặc nôn do say tàu xe, đau nửa đầu, dị ứng với mùi hoặc vị nhất định cũng dễ bị nghén khi mang bầu hơn. Các yếu tố khác có thể làm nặng thêm tình trạng ốm nghén bao gồm:
- Lần mang thai đầu tiên;
- Sinh đôi hoặc sinh ba;
- Mang thai bé gái;
- Đã từng bị ốm nghén nặng trước đây;
- Gia đình có tiền sử bị ốm nghén nặng;
- Tiếp xúc với estrogen (ví dụ như trong thuốc tránh thai) trước khi mang thai;
- Thể trạng yếu, quá mệt mỏi;
- Béo phì (chỉ số BMI ≥ 30);
- Căng thẳng, dễ xúc động;
- Đi du lịch thường xuyên.
Ở một người phụ nữ, tình trạng ốm nghén cũng có thể khác nhau giữa các lần mang thai. Ví dụ bạn đã từng bị ốm nghén nặng khi mang thai đứa con đầu lòng, nhưng trong những lần mang thai kế tiếp bạn có thể bị nghén rất nhẹ.
Trường hợp hiếm gặp, buồn nôn hoặc nôn nghiêm trọng và kéo dài được gây ra bởi một bệnh lý không liên quan đến thai kỳ – chẳng hạn như bệnh tuyến giáp, gan hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
3. Biến chứng của ốm nghén
Buồn nôn và nôn dễ dẫn đến chán ăn, do đó nhiều bà bầu lo lắng rằng điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến em bé trong bụng. Thực tế thì ốm nghén nhẹ thường không gây hại. Nghén khi mang thai thường không nghiêm trọng đến mức cản trở sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi.
Đối với một số phụ nữ mang thai, cảm giác buồn nôn và nôn khiến họ sụt cân nghiêm trọng. Đây được gọi là hội chứng ốm nghén nặng (Hyperemesis Gravidarum – HG), gây mất cân bằng điện giải và giảm cân không kiểm soát. Nếu không được điều trị, tình trạng này có nguy cơ làm mất nước nghiêm trọng hoặc giảm hơn 5% trọng lượng cơ thể trước khi mang thai, nguy hiểm nhất là gây hại cho em bé của bạn.
Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có biểu hiện:
- Nôn liên tục, không kiểm soát;
- Giảm từ 1-2 kg trở lên;
- Sốt;
- Tiểu rắt / rắt, nước tiểu màu sẫm;
- Choáng váng, chóng mặt hoặc ngất xỉu;
- Tim đập nhanh;
- Buồn nôn dữ dội trong tam cá nguyệt thứ hai;
- Nôn ra máu;
- Đau đầu thường xuyên;
- Đau bụng;
- Xuất huyết hoặc có đốm máu âm đạo.
Thai phụ bị ốm nghén nặng thường phải nhập viện và truyền dịch tĩnh mạch (IV) để bù nước. Trường hợp vẫn bị ốm nghén sau 3 – 4 tháng đầu của thai kỳ, hoặc nếu bạn không tăng đủ cân khi mang thai thì cũng nên đến bệnh viện kiểm tra.
4. Điều trị ốm nghén
4.1. Thuốc kê đơn
Không có cách điều trị nào mang lại hiệu quả chắc chắn đối với chứng ốm nghén. Mỗi phụ nữ, thậm chí là mỗi lần mang thai ở một người, cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên bác sĩ có thể chỉ định viên uống bổ sung hoặc thuốc giảm buồn nôn và giúp bà bầu ăn uống khá hơn. Các loại thuốc kê đơn bao gồm:
- Thuốc kháng histamine: Giúp giảm buồn nôn và say tàu xe;
- Phenothiazine: Kiểm soát cơn buồn nôn và ói mửa nghiêm trọng;
- Metoclopramide (Reglan): Giúp dạ dày đẩy nhanh thức ăn vào ruột và chống buồn nôn, ói mửa;
- Thuốc kháng axit: Hấp thụ axit dạ dày và giúp ngăn ngừa trào ngược axit;
Lưu ý thai phụ không được tự ý dùng các loại thuốc này mà không có chỉ định của bác sĩ.
4.2. Liệu pháp thay thế
Một số người thấy rằng các biện pháp thay thế cũng có thể giúp giảm bớt nghén khi mang bầu, chẳng hạn như:
- Bổ sung vitamin B-6;
- Vitamin tổng hợp cho bà bầu trước khi sinh;
- Các sản phẩm chiết xuất từ gừng, như rượu, trà và siro;
- Bánh quy mặn;
- Châm cứu;
- Thôi miên.
Nếu muốn thử nghiệm những liệu pháp trên, thai phụ vẫn cần thảo luận trước với bác sĩ.
4.3. Xét nghiệm
Dựa trên các triệu chứng của bạn, bác sĩ có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm để đảm bảo rằng cả mẹ và bé đều được an toàn. Cụ thể:
- Xét nghiệm nước tiểu: Giúp xác định xem bạn có bị mất nước hay không;
- Sàng lọc sinh hóa máu: Bao gồm xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), điện giải đồ,… để xác định xem bạn có bị suy dinh dưỡng, hoặc thiếu một số vitamin, thiếu máu hay không;
- Siêu âm: Kiểm tra xem thai nhi có đang phát triển với tốc độ khỏe mạnh hay không.
5. Ngăn ngừa ốm nghén
Một số lời khuyên sau đây có thể giúp thai phụ ngăn ngừa hoặc giảm thiểu buồn nôn:
- Uống nhiều nước, trước và sau bữa ăn;
- Nghỉ ngơi;
- Để nhà cửa và nơi làm việc thông thoáng;
- Loại bỏ mùi hương khiến bạn buồn nôn;
- Tránh khói thuốc lá, thức ăn cay và béo;
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày;
- Ăn vặt trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng và trong suốt cả ngày;
- Uống thêm vitamin bổ sung vào ban đêm.
Nếu không có biện pháp nào có hiệu quả với bạn, hoặc nếu bạn vẫn bị nghén khi mang thai sau 3 – 4 tháng đầu, thì điều quan trọng là phải trình bày với bác sĩ. Ngoài ra, trước khi bắt đầu dừng bất kỳ loại thuốc hoặc thử nghiệm biện pháp nào, cần tham khảo rõ ý kiến bác sĩ về các lựa chọn này.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:
- Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao
- Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
- Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
- Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện
Thạc sĩ. Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền được đào tạo chuyên sâu về siêu âm sản khoa, phẫu thuật nội soi và nội soi tử cung tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và có hơn 13 năm kinh nghiệm công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.
Hiện bác sĩ đang là Bác sĩ Sản phụ khoa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com; mayoclinic.org; webmd.com; nhs.uk