Ví điện tử là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt

Ảnh minh họa

NHNN Việt Nam cho biết, khoản 2, Điều 17 Luật NHNN năm 2010 đã có định nghĩa về phương tiện thanh toán bằng tiền mặt, là: “Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tuy nhiên, khái niệm các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thì chưa được làm rõ và còn lẫn lộn với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Trên thực tế, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt vẫn tồn tại và được sử dụng; phản ánh gián tiếp thông qua các văn bản quy định về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, hiện còn có phương tiện thanh toán mới bổ sung là ví điện tử. Cụ thể, thực hiện Nghị định 101, ngày 11/12/2014 NHNN đã ban hành Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có dịch vụ ví điện tử.

Vì vậy, một trong những sửa đổi, bổ sung chủ yếu là việc xác định rõ các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, Dự thảo Nghị định đã Bổ sung Khoản 6, 7, 8 vào Điều 4 Nghị định 101 như sau:

“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, ví điện tử và các phương tiện toán khác được Ngân hàng Nhà nước chấp tuận sử dụng trong giao dịch thanh toán.

7. Ví điện tử là phương tiện thanh toán được sử dụng trong các giao dịch điện tử do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (sau đây gọi là tổ chức cung ứng ví điện tử) cung ứng. Ví điện tử được tạo lập thông qua các phương tiện điện tử, trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính…), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán hoặc tiền mặt vào tài khoản đảm bảo thanh toán cho việc cung ứng ví điện tử của tổ chức cung ứng ví điện tử theo tỷ lệ 1:1.

8. Tài khoản đảm bảo thanh toán cho việc cung ứng ví điện tử là tài khoản bằng đồng Việt Nam của tổ chức cung ứng ví điện tử được mở tại các ngân hàng để đảm bảo cho việc cung ứng ví điện tử”.

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung thêm quy định về tài khoản đảm bảo thanh toán đối với các đơn vị khi cung ứng ví điện tử.

Theo đó, tổ chức cung ứng ví điện tử phải có tài khoản đảm bảo thanh toán cho việc cung ứng ví điện tử tại ngân hàng. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi cung ứng ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán cho việc cung ứng ví điện tử tại ngân hàng mình hoặc tại một ngân hàng khác.

Đồng thời phải có công cụ để kiểm tra, giám sát theo thời gian thực đảm bảo tổng số tiền trên tài khoản đảm bảo thanh toán cho việc cung ứng ví điện tử không thấp hơn tổng số tiền trên ví điện tử đã phát hành của tổ chức cung ứng ví điện tử.

NHNN cho biết, việc yêu cầu mở tài khoản đảm bảo thanh toán là cần thiết để NHNN có thể thực hiện vai trò quản lý của mình trong kiểm tra, giám sát cũng như đảm bảo an toàn và phòng tránh rủi ro trong quá trình cung ứng ví điện tử nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng bổ sung một Điều khẳng định rõ ràng: ngoài các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được quy định trong Nghị định này, các phương tiện thanh toán khác không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Việc quy định các phương tiện thanh toán khác không phải là phương tiện thanh toán trong giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý như Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tư Pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông… có căn cứ pháp lý cũng như cơ chế quản lý phù hợp hoặc ban hành văn bản pháp luật liên quan để xử lý theo thẩm quyền hoặc lĩnh vực phụ trách.