Về triết lý ngoại giao truyền thống Việt Nam
Tác giả: GS.TS. Vũ Dương Huân (Học viện Ngoại giao)
Chúng ta nghiên cứu khá nhiều về ngoại giao truyền thống của cha ông ta. Tuy nhiên, vấn đề triết lý ngoại giao truyền thống vẫn là một chủ đề nghiên cứu mới mẻ. Triết lý ngoại giao truyền thống là gì? Đâu là nội dung và cội nguồn của triết lý ngoại giao truyền thống Việt Nam? Đây là đề tài hấp dẫn. Trong bài viết này, chỉ xin trình bày một số nhận thức ban đầu, mong được chia sẻ.
1. Một số nhận thức chung về triết lý
Triết lý là gì? Một câu hỏi mới nghe tưởng chừng rất đơn giản, ai cũng hiểu. Chúng ta thường được nghe những cụm từ đại loại như: Triết lý sống của ông ấy, bà ấy, hoặc triết lý của đạo Phật, triết lý phát triển, triết lý giáo dục, triết lý âm dương v.v… Song trên thực tế câu trả lời không đơn giản chút nào, rất phức tạp là đằng khác.
Từ điển Tiếng Việt giải thích: 1. Triết lý là lý luận triết học; 2. Quan niệm chung của con người về những vấn đề nhân sinh và xã hội. Ví dụ : Bài thơ chứa đựng một triết lý bi quan; Anh ta có một triết lý riêng về cuộc sống.[1] Theo tôi, nghĩa thứ hai phù hợp với khái niệm chúng ta đang tìm hiểu. Đại từ điển Tiếng Việt cũng đưa ra hai giải thích, về cơ bản cũng như Từ điển tiếng Việt. Tuy nhiên, nghĩa thứ hai được làm rõ hơn: Quan niệm chung và sâu sắc nhất của con người về những vấn đề nhân sinh và xã hội. Các tác giả nêu ví dụ: Bài thơ hàm chứa những triết lý về nhân sinh và xã hội.[2] Giáo sư Nguyễn Lân, trong công trình khoa học của mình cũng đề cập 3 khái niệm về triết lý. 1. Triết lý là lý lẽ. 2. Triết lý là lý luận về triết học. Ví dụ: Triết lý của những nhà học giả duy tâm cho rằng, tinh thần, ý thức có trước, tồn tại, vật chất. 3. Bàn cãi suông.Ví dụ: Các ông triết lý với nhau mãi thì nhỡ mất tàu (Nguyễn Công Hoan).[3]
Tại Hội thảo khoa học “Về triết lý giáo dục” do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức ngày 21/ 9/2007, các học giả, các nhà quản lý đã tranh luận khá sôi nổi về khái niện triết lý nói chung và nội hàm triết lý giáo dục nói riêng. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Giáo dục, nêu quan niệm: “Triết lý giáo dục là sự phát biểu niềm tin liên quan đến các vấn đề cơ bản của giáo dục, từ đó xác định mục đích và hướng đi cho nhà trường, người dạy, người học và xã hội”. Ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng Giáo dục, cho rằng “Triết lý giáo dục là các tuyên bố về mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược của một quốc gia về những vấn đề cơ bản của giáo dục”. Còn PGS.TS. Nguyễn Công Giáp, Học viện Quản lý giáo dục, khẳng định: “Triết lý là phương châm hành động trong một lĩnh vực cụ thể nhất định nhằm đáp ứng lợi ích trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, triết lý không mang tính vĩnh cửu, mà thay đổi theo thời gian”. Xuất phát từ nhận thức như trên về triết lý, tác giả nêu cụ thể triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay: “Giáo dục tư duy sáng tạo, năng lực hội nhập và giàu lòng yêu nước”. TS. Nguyễn Viết Châu, Học viện Quản lý giáo dục nêu nội hàm cụ thể của triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay là “Dạy thật tốt để mọi người Việt Nam học tốt, làm tốt và sống tốt”. Các nhà giáo dục còn cho rằng trong giáo dục, ngoài triết lý mang tầm quốc gia như nêu ở trên, nhà trường, nhà giáo có triết lý riêng của mình. Điều đó thấy rất rõ ở Hoa Kỳ, Canada… Có học giả cho rằng, có thể nhận diện được triết lý giáo dục, song chưa thể định nghĩa được khái niệm này.[4]
Nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo khi đóng góp ý kiến cho một cuốn sách giáo khoa văn học đã trình bày khái niệm triết lý của mình, khi nói về triết lý của tác phẩm. Ông viết: “Triết lý là những quan niệm, những tư tưởng sâu sắc nhất, khái quát nhất toát ra từ tác phẩm”.[5]
Triết lý truyền thống ở Việt Nam có đặc điểm riêng. Cái riêng được gọi là “triết lý hành động”. Do là triết lý hành động nên “chúng rất phong phú, nhưng vô cùng phức tạp, thiếu tính hệ thống, thiên về trực quan, trực giác, độ tin cậy phụ thuộc vào khả năng phân tích, so sánh đối chứng, của nhà nghiên cứu.
Khái niệm triết lý được giáo sư Nguyễn Văn Huyên trình bày khá cụ thể, toàn diện. Tác giả viết: triết lý “là sự luận giải, sự thuyết lý về một đối tượng (sự vật, hiện tượng, vấn đề) nào đó. Triết lý có thể thể hiện bằng một mệnh đề hàm súc những ý nghĩa về nhân tình thế thái; về tự nhiên, về xã hội; nó cũng có thể là một hệ mệnh đề tạo thành một quan niệm, một luận thuyết. Một triết lý đúng là một triết lý được luận giải, được thuyết lý một cách logic, chặt chẽ trong tính hệ thống, có nội dung phản ánh đúng với bản chất và thực tế khách quan cũng như hướng đi lên của nó trong tương lai. Triết lý đúng và khoa học thì nó trở thành cơ sở lý luận khoa học cho một hệ thống quan điểm, học thuyết; nó làm công cụ lý thuyết cho hành động hiệu quả của con người”.[6]
Qua các định nghĩa trên về triết lý có thể nêu vài nhận xét sau:
-
- Triết lý là nhận thức, quan điểm hoặc là tư tưởng sâu sắc nhất, khái quát nhất về một vấn đề hay sự vật hoặc hiện tượng;
- Triết lý có thể được biểu hiện là một mệnh đề hoặc hệ mệnh đề;
- Triết lý là lý luận khoa học, có tính hệ thống;
- Thông thường triết lý có tính thời gian, nghĩa là không phải có ý nghĩa vĩnh cửu;
- Có triết lý khoa học, phản ánh đúng thực tiễn khách quan; song cũng có triết lý không đúng, thiếu khoa học.
Bên cạnh khái niệm triết lý cũng cần làm rõ sự giống nhau và khác nhau giữa triết lý và tư tưởng; giữa triết lý và hệ tư tưởng; triết lý và triết học.
Trước hết triết lý và tư tưởng: Tư tưởng là quan điểm, ý nghĩ của con người đối với hiện thực khách quan và xã hội (nói tổng thể). Nhưng có tư tưởng không phải là lý luận. Không phải tất cả tư tưởng là triết lý. Triết lý phải có tính lý luận.
Triết học và triết lý: Triết học là tư tưởng, nhưng còn nhiều tư tưởng không phải là triết học.[7] Tư tưởng triết học là cái lõi, đóng vai trò thế giới quan và phương pháp luận.
Triết lý và hệ tư tưởng: Hệ tư tưởng là hệ thống tư tưởng và quan điểm thường phản ánh quyền lợi cơ bản khác nhau của các giai cấp, các tầng lớp xã hội.
2. Triết lý ngoại giao truyền thống
2.1. Nhận thức chung
Với nhận thức như trên về triết lý, triết lý ngoại giao là gì? Triết lý ngoại giao là những nhận thức, tư tưởng ngoại giao sâu sắc nhất, cô đọng nhất được ông cha ta đúc kết, được hệ thống hóa trở thành lý luận, lý thuyết ngoại giao, cho phép xác định mục tiêu cơ bản hoạt động ngoại giao, quan điểm, phương châm chỉ đạo hoạt động ngoại giao, phương hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của quốc gia. Triết lý ngoại giao là hệ thống quan điểm.
Triết lý ngoại giao hình thành từng bước, ngày càng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình hoạt động ngoại giao của nhà nước Việt Nam từ Văn Lang, Âu Lạc, trải qua Triệu,[8] Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê đến triều đại nhà Nguyễn. Gần đây, có khá nhiều nghiên cứu khẳng định dân tộc Việt còn có nguồn gốc từ nhà nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương (2879 TCN-2704 TCN).[9] Đây là nhà nước cổ đại các bộ tộc Bách Việt, văn minh nông nghiệp, mà Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng kế thừa sau đại chiến giữa Hoa tộc và Liên minh Xích Quỷ tại Trác Lộc năm 2704 TCN, Liên minh tan rã.
Triết lý ngoại giao có tính chất khá bền vững, ổn định lâu dài. Triết lý ngoại giao, đồng thời, là những bài học kinh nghiệm ngoại giao có sự kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Triết lý ngoại giao truyền thống còn nguyên giá trị, được ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh kế thừa vận dụng sáng tạo và phát triển.
Trong lịch sử Việt Nam, hầu hết các nhà tư tưởng đồng thời là các nhà hoạt động xã hội, các nhà hoạt động thực tiễn. Cho nên triết lý truyền thống Việt Nam có nét đặc trưng là triết lý hành động. Triết lý hành động rất phong phú, vô cùng phức tạp, thiếu tính hệ thống, thiên về trực quan, trực giác, độ tin cậy thuộc vào khả năng phân tích, so sánh, đối chứng của nhà nghiên cứu, lập luận logic nhiều khi không rõ ràng.[10] Triết lý ngoại giao truyền thống Việt Nam cũng là triết lý hành động, đương nhiên nhiều, ít cũng mang dấu ấn trên.
Nội hàm của triết lý ngoại giao truyền thống
Triết lý ngoại giao truyền thống Việt Nam có những nội dung chính sau đây.
Thứ nhất, coi trọng hòa hiếu với các nước, các dân tộc khác trên thế giới, trước hết là các nước láng giềng. Đây là bản chất của dân tộc Việt Nam, tư tưởng lớn, cơ bản, có tính chất chủ đạo của ngoại giao truyền thống Việt Nam. Vì hoà bình là khát vọng của của mỗi con người, bất kỳ dân tộc nào và của cả nhân loại, bởi trong thực tế tồn tại mầy nghìn năm qua, loài người chưa bao giờ được sống trong một thế giới hòa bình. Giải thích về nguồn gốc khát vọng đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành ghét sự dữ”.[11] Muốn có hòa bình lâu dài phải tạo lập trước hết một nền văn hóa hoà bình mà linh hồn của văn hóa hòa bình chính là lòng nhân ái, khoan dung. Hồ Chí Minh nhận xét: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái”.[12] Văn minh của người Việt chính là văn minh nông nghiệp, văn hóa lúa nước với tính cách là điển hình của văn hóa sản xuất vật chất ở Việt Nam từ thời xa xưa. Nghề trồng lúa nước buộc con người phải sống phụ thuộc, giao hòa với đất, với nước theo thời tiết thiên nhiên. Từ chỗ ứng xử chênh với tự nhiên đi đến thế ứng xử hòa điệu với tự nhiên ở miền đất thấp, miền đồng bằng châu thổ, theo khí hậu, theo nhịp mùa đi, theo địa hình cao thấp, theo điều kiện đất đai thổ nhưỡng phì nhiêu hay chua mặn… Trong sản xuất nông nghiệp, trong cách ăn, ở, mặc… người Việt Nam đều thể hiện sự thích nghi, hòa hợp với tự nhiên.
Đó chính là cội nguồn của tư tưởng hòa hiếu của người Việt. Trong kháng chiến chống quân Tống xâm lược vào đầu năm 1077, quân Đại Việt đã chặn đứng được 10 vạn quân Tống tại phòng tuyến sông Cầu. Nhiều lần, quân Tống cố vượt sông song đều thất bại. Tình hình khốn đốn vì nhiều quân lính đã bị tiêu diệt và thời tiết nóng nực đến gần, Lý Thường Kiệt quyết định “dùng biện sỹ giảng hòa. Không nhọc tướng tá khỏi tốn máu mủ mà bảo toàn được tông miếu”. Tướng Tống Quách Quỳ chấp nhận nghị hòa và rút quân. Trong kháng chiến chống quan Minh, Lê Lợi Nguyễn Trãi, cũng với tinh thần “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn; Lấy chí nhân thay cường bạo”, đã quyết định dùng ngoại giao vừa khéo léo thuyết phục, vừa làm áp lực mạnh mẽ, khiến 10 vạn quân Minh bị vây hãm trong thành Đông Quan chỉ còn một đường lựa chọn là: Đầu hàng và rút quân. Với “Hội thề Đông Quan” (10/12/1427), sau những lời thề độc: Không bao giờ dám sang xâm lược nước Việt lần nào nữa, kèm với lễ uống cạn những chén rượu pha máu, quân Minh đã được an toàn trở về nước! Chúng còn được chu cấp 500 chiếc thuyền, vài ngàn con ngựa với đầy đủ lương thực, có đường sá, cầu cống được sửa sang để rút lui!
Dưới thời Tây Sơn, ngoại giao là tiếp nối của quân sự, cực kỳ thành công trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, ngăn chặn âm mưu đánh báo thù của nhà Thanh. Tại Tam Điệp, khi chuẩn bị đem quân tấn công quân Thanh ở Thăng Long, Quang Trung nói với các tướng: “Chúng là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giời dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào mà làm như vậy. Đến lúc ấy, chỉ có người khéo lời lẽ mới dẹp nổi việc binh đao, không phải Ngô Thời Nhậm thì không ai làm được”.[13] Thực hiện chủ trương trên, sau đại phá quân Thanh (Kỷ Dậu 1789), nhiều sứ bộ ngoại giao đã được cử sang Thanh. Vua quan nhà Thanh đã hoàn toàn chấp nhận đề nghị của ta về giảng hòa, rút quân, phong vương… Hòa hiếu giữa hai nước nhanh chóng được khôi phục. Chưa bao giờ Vua Càn Long lại cho vẽ tranh cảnh đón sứ bộ Nguyễn Quang Hiển, tự đề thơ vào tranh, và đặc biệt là đón Quang Trung giả vô cùng long trọng, tốn kém. Thành viên Sứ bộ, Đoàn Nguyễn Tuấn phải thốt lên: “Từ trước đến giờ, người mình đi sứ Trung Quốc, chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang như thế”.[14]
Thứ hai, hòa hiếu là nền tảng của tư tưởng ngoại giao hòa bình của cha ông ta. Đồng thời, cha ông chúng ta cũng kiên quyết, kiên trì phát huy vai trò tiên phong của công cụ ngoại giao để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, tự tôn, tự hào dân tộc, lợi ích quốc gia-dân tộc.
Thương lượng đòi lại lãnh thổ: Mặc dù, quan dân Đại Việt đã đập tan cuộc xâm lược quân Tống năm 1077, song họ vẫn không chịu trả đất Quảng Nguyên. Đầu năm Mậu Ngọ 1078, vua Lý Nhân Tông cử sứ thần Đào Tông Nguyên sang nhà Tống đàm phán. Với tài ngoại giao, ông đã buộc nhà Tống cam kết trả lại Quảng Nguyên, song nhà Tống đã giữ lại châu Vật Dương, Vật Ác (Gần Cao Bằng) do các tù trưởng của nhà Lý đã nộp cho Tống. Năm 1082, Đào Tông Nguyên lại được cử đi sứ lần thứ hai để đòi đất, rồi dự Hội nghị Vĩnh Bình (6/1083) về Vật Dương, Vật Ác. Tại Hội nghị, ông đã đấu tranh quyết liệt, nhà Tống không trả, ông đã bỏ hội nghị ra về. Tại cuộc thương lượng khác, trạng nguyên Lê Văn Thịnh đã dùng lý lẽ luật pháp biện luận.
Ngoại giao bảo vệ tự tôn dân tộc: Năm 1637, Giang Văn Minh được cử đi sứ nhà Minh. Trong buổi tiếp sứ thần Đại Việt, nhằm làm nhục sứ thần, coi nước ta như một thuộc quốc của Trung Quốc, Vua Minh đã nhắc đến việc Mã Viện thời Hán dựng cột đồng ở Giao Chỉ bằng một vế đối: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (nghĩa là Cột đồng đến nay rêu đã phủ xanh). Giang Văn Minh lập tức đọc ngay vế đối: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ). Vế đối của ông ngụ ý nhắc lại ba lần thất bại thảm hại của phong kiến Trung Quốc trên sông Bạch Đằng. Vua Minh tức giận vì không làm nhục được sứ thần Đại Việt, và rất uất ức vì thua đau, buộc tội Giang Văn Minh “khinh mạn Thiên triều” và ra lệnh mổ bụng giết chết ông.
Đáp lại câu nói thô bạo của thượng thư nhà Nguyên: “Cái thành Thăng Long nhỏ xíu của nước ngươi, nếu quân Thiên triều lại tới, chỉ một cái đạp nữa là san bằng”, Sứ thần Đào Tử Kỳ (1293) đáp lại: “Các ông là nước lớn: chúng tôi là nước nhỏ, chúng tôi chỉ muốn yên ổn, bao giờ chúng tôi lại muốn sinh sự. Chỉ vì các ông cậy có người đông, sức mạnh đến đè đầu đè cổ chúng tôi nên vì lẽ phải giữ mình, chúng tôi phải chống lại. Người xưa có nói: “sự trực vi tráng, khúc vi lão”, nghĩa là: “việc chiến tranh vì lý thẳng thì thắng, lý cong thì thua”. Chúng tôi vì tự vệ nên chúng tôi thắng, các ông vì ăn cướp nên các ông thua. Đó là lẽ tất nhiên, không thể lấy thế mạnh yếu, nước to nhỏ mà bàn được. Cái thành Thăng Long kia chỉ là vật nhỏ mọn, để phòng những kẻ trộm cắp vặt, phá tan nó có khó gì. Còn như với kẻ địch bên ngoài đến chực ăn cướp nước chúng tôi thì chúng tôi đã có cả một toà thành vững vàng như núi, không thể nào phá được, đó là sức mạnh của toàn thể quân, dân chúng tôi”.
Khi tiếp sứ thần Đại Việt (1275) Hốt Tất Liệt gọi sứ ta sứ Nam man. Đinh Cũng Viên hiên ngang đáp: Nước Đại Việt là nước văn hiến xưa nay chưa từng tranh bờ lấn cõi nước nào, cũng không hà hiếp ai, không thể gọi là man được. Thấy sứ Đại Việt trả lời bình tĩnh và có khí phách nên Hốt Tất Liệt càng tức tối, đe doạ: Man chúa các ngươi không biết sức mình hay sao lại dám ngạo nghễ với Thiên triều?
Đinh Củng Viên bình tĩnh phân tích: do vẫn thần phục “Thiên triều” mới sang cống, sao gọi là ngạo nghễ? Nguyên Thế Tổ rất tức giận và đe dọa: “Quân trẫm đi đến đâu san bằng đến đấy, chỉ sông, sông cạn, chỉ núi, núi tan. Cớ sao Vua tôi nhà ngươi dám chống cự lại? Đinh Củng Viên vẫn ung dung tâu: Nếu Hoàng đế bệ hạ đem nhân nghĩa ra trị thiên hạ, tất ai cũng phải kính phục. Nhưng chỉ cậy binh hùng, tướng mạnh thì nước nào chẳng có binh có tướng, có sông núi hiểm trở. Vì thế nước chúng tôi tuy nhỏ, nhưng cũng sẵn sàng chống lại quân “Thiên triều”.
Xen giữa ba lần xâm lược, nhà Trần đã cử nhiều sứ bộ sang triều cống, thương lượng bác bỏ các yêu sách vô lý của nhà Nguyên, giải quyết hậu quả chiến tranh. Nền hòa bình tạm thời được giữ vững. Đánh giá về ngoại giao triều Trần, tác giả Lịch triều hiến chương loại chí viết: “Trong khoảng hơn trăm năm ngăn được sự nhòm ngó của Trung Quốc mà tăng thêm thanh danh cho văn hiến nước nhà đó là nhờ sự giao tiếp đắc nghị giúp sức vậy”.[15]
Thứ ba, khôn khéo thực hiện chính sách ngoại giao “thần phục Thiên triều”, trong xưng đế ngoài xưng vương nhằm bảo vệ, củng cố nền độc lập dân tộc của mình
Việt Nam thuộc Đông Nam Á, nằm trên bán đảo Đông Dương, ba mặt Tây, Nam, Bắc đều giáp các nước láng giềng, song thông hiếu với Trung Quốc là chủ yếu. Trung Quốc là quốc gia được hình thành từ các bộ lạc du mục vào thế kỷ 21 trước Công nguyên ở lưu vực giữa sông Hoàng Hà và sông Dương Tử. Từ một quốc gia nhỏ, nhờ xâm chiếm, thôn tính các nước xung quanh, dần dần Trung Quốc đã trở thành một đế quốc rộng lớn nhất, đông dân nhất, tiềm lực quân sự lớn mạnh nhất của mọi thời đại, không đối thủ nào sánh kịp. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc năm 221 TCN, Trung Quốc đã có biên giới sát Văn Lang.
Từ thời nhà Tây Chu, đã hình thành tư tưởng: Trung Quốc là chủ thiên hạ, còn các nước chung quanh là phên dậu, chư hầu, man, di. Sách phong và triều cống là hai công cụ chính của Thiên triều trong hàng nghìn năm để khuất phục chư hầu. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, nhưng một bên là tông chủ, luôn thực hiện chính sách bành trướng, bá quyền; một bên là chư hầu phải thần phục Trung Quốc. Đó là nhân tố quyết định hình thành quan hệ Đại Việt và Thiên triều.[16]
Chính vì vậy, ứng xử với người láng giềng lớn vô cùng quan trọng. Nhà sử học Phan Huy Chú rất đúng khi nhận xét: “Trong việc trị nước, hòa hiếu với láng giềng là việc lớn, mà những khi ứng thù lại rất quan hệ, cho nên nghĩa tu hiếu (việc giao hiếu) chép ở Kinh Xuân Thu, đạo giao lân (giao thiệp với các nước láng giềng) chép ở Hiền truyện (sách Mạnh Tử), chính là đem lòng tin thực mà kết giao, người có quyền trị nước phải nên cẩn thận”.[17]
Đứng trước một đối thủ mạnh, luôn thường trực tư tưởng bành trướng, bá quyền, để có được quan hệ hòa hiếu, các triều đại phong kiến Việt Nam đã phải thực hiện chính sách ngoại giao “thần phục thiên triều”, trong xưng đế, ngoài xưng vương. Đây là chính sách vô cùng khôn ngoan, sáng suốt, sự lựa chọn duy nhất đúng trong hoàn cảnh lịch sử bấy giờ. Việc xin thần phục Thiên triều được thể hiện qua việc các vua Đại Việt đều xin được Thiên triều phong vương và triều cống. Việc phong vương có ý nghĩa rất quan trọng là khẳng định tính chính danh, tính hợp pháp của Triều đại đó đối với Thiên triều. Thiên triều có nghĩa vụ đảm bảo an ninh, toàn vẹn lãnh thổ cho quốc gia được phong vương. Chỉ có vậy mới có quan hệ hòa hiếu, ổn định để giữ vững độc lập, chủ quyền và xây dựng, phát triển đất nước. Còn cống phẩm là các sản vật địa phương như voi, ngà voi, tê giác và sừng tê giác, chim trĩ và lông chim trĩ, trầm hương, vàng bạc, châu báu và thợ lành nghề, thày tu, thày bói…
Quan hệ thần phục được Thiên triều đáp lại ở nhiều mức khác nhau, từ chỗ được công nhận là người đứng đầu quận, huyện, đến được công nhận là phiên thuộc, rồi được đứng vào hàng chư hầu, triều hội nhà Minh Đường và sau cùng là được chấp nhận đứng đầu một nước với tư cách là quốc vương. Phan Huy Chú viết: “Nước ta thời Hùng Vương mới bắt đầu thông hiếu với Trung Quốc, nhưng danh hiệu còn nhỏ, không được dự vào hàng chư hầu triều hội ở nhà Minh Đường. Rồi bị Triệu Đà kiêm tính, nhà Hán phong Đà làm Nam Việt Vương, chỉ được sánh với chư hầu của Trung Quốc, chứ chưa được nêu là một nước, về sau nội thuộc nhà Hán, nhà Đường, bèn thành quận, huyện (của Trung Quốc). Đến khi Đinh Tiên Hoàng bình định các sứ quân, khôi phục, mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ sách phong của Trung Quốc mới nhận cho đứng riêng là một nước”.[18]
Việc phong vương không phải đơn giản, là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, phức tạp. Không phải vua Đại Việt nào cũng được phong vương ngay, nhất khi quyền lực của dòng họ này chuyển sang dòng họ khác hoặc sau những lần chiến thắng xâm lược, giết nhiều tướng tá của Thiên triều, làm Thiên triều mất mặt… Ví dụ Hoàng đế Lê Hoàn lên ngôi cuối năm 980, năm 981 đánh tan cuộc xâm lược của nhà Tống, uy danh lẫy lừng mà đến năm 986 vua Tống mới sai sứ sang phong cho Lê Hoàn chức Tiết độ sứ, rồi chức Kiểm hiệu Thái úy (năm 988), Đặc tiến (năm 990), Giao chỉ Quận vương (năm 993), Nam Bình vương kiêm Thị trung (năm 997).
Tính từ khi Ngô Quyền giành lại độc lập (năm 938), đến tận năm 1175 vua Tống Cao Tông mới phong vua Lý Anh Tông làm An Nam quốc vương.
Việc triều cống tưởng là đơn giản, song cũng là cuộc đấu tranh ngoại giao căng thẳng, không kém phần phức tạp. Triều Trần đã không chấp nhận yêu sách của nhà Nguyên đòi cống thợ và thày thuốc giỏi. Nhà Minh đã đòi vua Lê cống người vàng (từ năm 1431), trả nợ việc Liễu Thăng bị Lê Thái Tổ chém chết…. Đến tận năm 1718 sứ thần Nguyễn Công Hãng mới dùng lý lẽ bác được cống người vàng.
Mặc dù vua Đại Việt phải chấp nhận được Thiên triều phong vương, song bên trong thì các vua của ta đều xưng đế, coi mình ngang hàng các hoàng đế Trung Hoa, khẳng định Việt Nam là quốc gia độc lập, chủ quyền, không cho Thiên tử can thiệp vào công việc nội bộ của nước Nam. Đó là tinh thần:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
( Lý Thường Kiệt)
“Như nước Đại Việt ta từ thuở trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông, bời cõi đã chia, Phong tục Bắc Nam có khác.
Cùng Hán, Đường,Tống, Nguyên, mỗi đằng làm đế một phương”
( Bình Ngô đại cáo)
Thứ tư, nêu cao chính nghĩa, ngoại giao tâm công – tư tưởng lớn của ngoại giao truyền thống
Trong bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, mỗi bên đều tìm cách giành lấy lẽ phải về mình. Về phía ta, là người bị xâm lược, cuộc chiến tranh của chúng ta là chính nghĩa. Để cho nhân dân hiểu, và cũng nhằm chống lại luận điệu lừa bịp của kẻ địch, cho nên cha ông ta đều hết sức coi trọng đấu tranh giành ngọn cờ chính nghĩa. Đào Tử Kỳ, sứ giả của Vua Trần thế kỷ 13, nói “Sự trực vi tráng, khúc vi lão” (Lý thẳng thì thắng, lý cong thì thua, không phải lấy lẽ yếu, mạnh mà bàn được). Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại cáo viết:
“Rút cuộc lấy đại nghĩa để thắng hung tàn,
Đem chí nhân để thay cường bạo”.[19]
Các nhà ngoại giao đời Lý hiểu rất rõ âm mưu của nhà Tống, nội bộ triều Tống: mâu thuẫn giữa Vương An Thạch và các quan lại cũ trong triều nên đã kết hợp tấn công quân sự, phá căn cứ tập kết quân Khâm Châu, Ung Châu, với kêu giải truyền đơn tố cáo Vương An Thạch.
Tính chất chính nghĩa là cơ sở tiến hành một phương pháp ngoại giao tâm công. Đó là cách đánh vào lòng người bằng chính nghĩa, bằng lẽ phải, bằng đạo lý, nhân tính. Điển hình ngoại giao tâm công của Đại Việt là ngoại giao Nguyễn Trãi. Ông tuyên bố: Ta mưu đánh vào lòng người, không chiến mà cũng thắng. Khi quân Minh bị bao vây trong thành Đông Quan, Nguyễn Trãi đã gửi hàng chục bức thư cho Vương Thông và các tướng lĩnh quân Minh, vạch rõ tính chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa, tinh thần nhân đạo của quân dân ta, khẳng định sự thất bại tất yếu của kẻ xâm lược, làm cho quân giặc hoang mang. Ông đã chỉ ra cho họ con đường duy nhất là hòa, rút quân trong danh dự. Trong một lá thư gửi Vuơng Thông, Nguyễn Trãi phân tích hết sức thuyết phục những nguyên nhân tất yếu phải thất bại:
“… Nay tính hộ các ông thì có 6 điều phải thua:
– Nước lụt chảy tràn, tường rào đổ lở, lương cỏ thiếu thốn, ngựa chết, quân ốm. Đó là điều phải thua thứ nhất.
– Nay những nơi quan ải hiểm yếu đều có quân và voi của ta đồn giữ, nếu viện binh (của các ngươi) đến thế tất phải thua. Viện binh đã thua thế tất các ông bị bắt. Đó là điều phải thua thứ hai.
– (Ở nước các ông) Quân mạnh, ngựa tốt nay đóng cả ở miền Bắc để phòng bị quân Nguyên, không rỗi nhìn đến phía Nam. Đó là điều phải thua thứ ba.
– Luôn động can qua, liên tiếp đánh dẹp, (người nước ông) nhao nhao thất vọng. Đó là điều phải thua thứ tư.
– Gian thần chuyên chính, chúa yếu giữ ngôi, xương thịt hại nhau, gia đình sinh biến. Đó là điều phải thua thứ năm.
– Nay ta dấy nghĩa binh, trên dưới đồng lòng, anh hùng hết sức, quân sỹ càng luyện, khí giới càng tinh, vừa cày ruộng vừa đánh giặc. Quân sỹ trong thành đều mệt mỏi, tự chuốc diệt vong. Đó là điều phải thua thứ sáu.
Nay giữ cái thành cỏn con để chờ 6 điều thất bại, ta lấy làm tiếc cho các ông lắm. Cổ ngữ có câu “Nước xa không cứu được lửa gần”. Giá viện binh có đến cũng không ích gì cho sự bại vong”.
Nguyễn Trãi chỉ lối thoát duy nhất là rút quân về nước, và Đại Việt cam kết sẽ tạo mọi điều kiện và đảm bảo an ninh cho việc rút quân. Đồng thời, Nguyễn Trãi khẳng định Đại Việt: “giữ phận bề tôi, không thiếu chúc công…”.[20]
Ngoại giao tâm công đã trở thành bài học kinh nghiệm hay của cha ông ta, được vận dụng rất thành công trong ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh.
Thứ năm, kiên trì nguyên tắc, song rất mền mỏng, linh hoạt, “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong ứng xử ngoại giao
Trong đấu tranh ngoại giao của cha ông ta đã dần hình thành một cách ứng xử: rất kiên trì nguyên tắc, song rất linh hoạt, mềm mỏng, khéo léo. Nhân tố chủ yếu dẫn đến sự ra đời của nguyên tắc ứng xử này chính là đặc điểm láng giềng của chúng ta. Trung Quốc là đại cường quốc, có chung biên giới lại luôn có dã tâm xâm chiếm, đồng hóa nước Đại Việt. Chúng ta chỉ có thể thay đổi được bạn bè, không ai thay đổi được láng giềng. Nói như Phan Huy Chú: “xét lý thế thực phải như thế”.[21]
Để có thể chung sống với một nước như Trung Quốc, giữ vững được độc lập chủ quyền, chống lại được đồng hóa, ông cha ta đã thực hiện chính sách ngoại giao khôn khéo, thông minh là “thần phục Thiên triều” “ở trong thì xưng đế, mà đối ngoại thì xưng vương” như đã nói ở trên. Đồng thời, đi liền với đường lối ngoại giao đó là cách ứng xử mềm mỏng, linh hoạt, uyển chuyển. Khúc Thừa Dụ nhận chức Tĩnh hải quân Tiết độ sứ Đồng bình chương sự của Thiên triều. Ông xây dựng cơ cấu chính quyền theo mô hình có sẵn của Trung Hoa, nhưng thực chất là bãi bỏ các quan lại Trung Hoa mà thay vào là quan lại Việt. Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn khi lên ngôi đều đã xưng đế, song lúc đầu cũng chỉ xin “ Thiên triều” phong chức Tiết độ sứ… Trừ Ngô Quyền, còn tất cả các vua Việt đều nhận sách phong của Thiên triều.
Việc ứng xử mềm mỏmg của cha ông còn thể hiện dù đánh thắng quân xâm lược, song đều nhận trách nhiệm về mình. Lê Lợi, Quang Trung đều nhận lỗi về mình, và do sự khiêu khích của quan lại địa phương ở biên giới nên mới xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Đại Việt. Xin trích Biểu của Quang Trung gửi Hoàng đế Càn Long của nhà Thanh, do sứ bộ Hám Hổ Hầu chuyển ngay sau chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Biểu viết: “Mồng Năm tháng giêng năm nay (1789), tôi tiến đến Lê thành những mong Tôn Sỹ Nghị lại, họa may có thể đem ngọc lụa thay đồ can qua, xoay binh xa làm hội xiêm áo. Tôi nhũn nhặn xin yết kiến, nhưng Nghị không hề trả lời.
Qua bữa sau; quân Nghị xông vào đánh trước, vừa mới giao phong đã đổ vỡ, chạy tan bốn ngả…
Trộm nghĩ: binh đao là việc bất đẵc dĩ của thánh nhân. Đại hoàng đế tham nghiêm ngự nơi cửu trùng. Những chuyện cương thường, Tôn Sỹ Nghị không hề tâu rõ từng việc một. Hắn che lấp tai, mắt của nhà vua đến nỗi làm cho sự thể rối ren đến thế.
Châu chấu đá xe, tôi thật không dám. Song cửa nhà vua xa cách muôn dặm, hễ tôi nhúc nhích làm gì liền bị kẻ khốn thần hiếp đáp. Không sao nhịn nổi, nên hình tích mới dường như chống cự.
Thiết nghĩ nước tôi từ Đinh, Lê, Lý, Trần trở đi thế đại đổi thay, chẳng phải chỉ có một họ. Nếu ai có thể làm rào giậu ở phương Nam thì Thiên triều lượng rộng như biển, thường vẫn làm ngơ lỗi nhỏ…
Nay lòng người đã chán nhà Lê, con cháu họ Lê đớn kém, hèn yếu, không được lòng dân theo về.
Tôn Sỹ Nghị vì cớ nông nổi; không thấu suốt sự tình và lý do…Hắn gây mối binh tranh khiến cho bọn sinh linh phải cay đắng, khốn khổ…
Tôi đóng quân ở thành Long Biên, nghển cổ ngóng trông về cửa trời….
Tôi xin kính cẩn sai sứ sang cửa cung khuyết, xung phiên, sửa lễ cống. Lại đem số người hiện còn của nhà vua dâng nộp để tỏ tấc dạ thật này”.[22]
Tờ biểu phân tích sâu sắc, lập luận vô cùng chặt chẽ, lời lẽ hết sức mềm dẻo, nhún nhường.
Trong việc tiếp sứ thần Trung Quốc, Hoàng đế Lê Hoàn cũng rất linh hoạt, uyển chuyển. Đối với những sứ thần có thái độ ngạo mạn, có tâm địa xấu như Tống Cảo và Vương Thế Tắc, ông có đối sách mạnh, biểu dương sức mạnh quân sự, sự giầu có, thịnh vượng, uy hiếp tinh thần sứ Tống. Còn đối với sứ thần có học thức, giỏi văn thơ như Lý Giác, ông đón tiếp với cách ứng xử khác: rất văn hóa, nêu bật Đại Việt là nước văn hiến có nhiều nhân tài…
Ứng xử của cha ông ta trong ngoại giao với Trung Quốc là mềm dẻo, linh hoạt, uyển chuyển, song kiên quyết, không nhân nhượng nguyên tắc. Có nhiều ví dụ để chứng minh. Triều Lý đã kiên quyết, kiên trì đòi bằng được vùng đất bị nhà Tống chiếm, nhất là hai động Vật Dương, Vật Ác. Các Vua Trần rất kiên quyết bác bỏ những yêu sách phi lý của nhà Nguyên như: đòi vua Trần sang chầu, đòi kê khai dân số và quân dịch, và đặt quan Darugatri… và kiên quyết chống thái độ hống hách của các sứ thần Mông Cổ.
Thứ sáu, biết giành thắng lợi từng bước trong đấu tranh ngoại giao
Nước nhỏ không dễ gì chiến thắng ngay đối thủ mạnh. Trong cuộc đấu tranh với đối thủ mạnh hơn mình gấp nhiều lần là phong kiến Trung Hoa, phương cách tất yếu là phải biết giành thắng lợi từng bước. Đó là lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều. Phương sách này đã từng bước hình thành và trở thành một nguyên lý trong đấu tranh ngoại giao của Đại Việt.
Năm 905 Khúc Thừa Dụ giành được quyền tự trị, song phải đến 1175, nghĩa là gần 300 năm sau, Trung Quốc mới chịu công nhận nước ta là một quốc gia có chủ quyền, sách phong Vua Lý Anh Tông là An Nam quốc vương.
Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế năm 980, song chỉ được phong chức Tiết độ sứ, một chức quan đứng đầu quận, huyện mà thôi, đến năm 993 mới đấu tranh được chức Giao Chỉ Quận vương, và đến tận năm 996 mới đấu được chức Nam Bình vương, nghĩa là 16 năm sau chiến thắng quân xâm lược Tống.
Nhà Lý phải đấu tranh suốt 5 năm kể từ quân Tống bị đánh bại mới thu hồi được đất Quảng Nguyên. Nhà Trần suốt 35 năm đấu tranh quân sự, ngoại giao từng bước đẩy lùi những hành động ngang ngược, yêu sách láo xược, và ba lần đập tan chiến tranh xâm lược mới buộc quân Nguyên bãi binh. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh do Lê Lợi- Nguyễn Trãi lãnh đạo phải mất 10 năm mới giành được thắng lợi…
Trên đây là vài nhận thức ban đầu về triết lý nói chung, triết lý ngoại giao truyền thống của Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, xin mạnh dạn nêu một số nội dung của triết lý ngoại giao truyền thống của cha ông ta. Đó cũng là bài học kinh nghiệm và còn nguyên giá trị luôn được kế thừa và phát triển.
Đây là bản cập nhật, có bổ sung của một bài viết đã đăng trên tạp chí Nghiên cứu quốc tế (Học viện Ngoại giao Việt Nam), số 2 (73), tháng 6/2008.
————
[1] Viện Ngôn ngữ: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học, Hà Nội-Đà Nẵng-2001, tr.1035.
[2] Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Việt Nam: Đại từ điển tiếng Việt, Nxb., Văn hóa- Thông tin, Hà Nội- 1999, tr.1707.
[3] GS. Nguyễn Lân: Từ điển Từ và ngữ Hán- Việt, Nxb., Từ điển Bách khoa, Hà Nội -2002, tr.761.
[4] Triết lý giáo dục Việt Nam (Lan Hương tổng thuật), VietNamnet, ngày 21/9/2007.
[5] Google –Vietnam: Triết lý.
[6] Nguyễn Văn Huyên (Chủ biên): Triết lý phát triển C.Mác,Ph. Ăngghen.V.I. Lênin và Hồ Chí Minh, Nxb., Khoa học xã hội, Hà Nội -2000, tr.9.
[7] Trần Văn Giầu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam, từ thế kỷ XIX dế cách mạng Tháng Tám, t.1, Nxb., KHXH, Hà Nội-1973, tr. 10.
[8] Về nước Nam Việt của Triệu Đà(204-179 TCN) còn có ý kiến khác nhau, là quốc gia của người Việt hay người Hán.
[9] “Xích” là màu đỏ ngụ ý phương nam, từ “Quỷ” là từ chữ Vương của người Bách Việt, 3 chữ Vương ghép lại thành chữ “Quỷ”. Đế Thừa là cháu hai đời của Thần Nông (Viêm Đế), có ba con trai: Đế Minh, Đế Nghi, Đế Long. Ba người đều làm Vương ở 3 phương. Biên giới nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương: Bắc giáp Hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), Đông: Biển Đông, Tây giáp nước Thục. Năm 2879, Đế Minh phong cho con trưởng Để Nghi làm vua phương Bắc-nước Xích Thần, còn con thứ là Lộc Tục làm vua phương Nam (Xích Quỷ).
[10] TS. Huỳnh Công Bá: Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, 2006, tr.9.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ tư, Nxb. CTQG(Sự thật), Hà Nội-2011, tập 4, tr. 397.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 186.
[13] Ngô Gia Văn Phái: Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb., Văn Học, Hà nội- 1970, in lần thứ hai, tr.362-363.
[14] Nguyễn Thế Long: Bang giao Đại Việt, Nxb. Văn hóa-Thông tin, Hà Nội- 2005, t.1,tr. 29.
[15] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí t.2, tr.618
[16] Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Đại Việt, Nxb., Công an Nhân dân, Hà Nội-2000, tr.21.
[17] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Bang giao chí, Nxb., tr.533.
[18] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí..tr.534-535.
[19] Nguyễn Trãi: Bình Ngô đại cáo.
[20] Nguyễn Trãi: Quân trung từ mệnh tập, NXB. Văn-Sử -Địa, Hà Nội -1961, tr. 134.
[21] Phan Huy Chú: Lich triếu hiến chương loại chí…t.2,tr.533
[22] Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Đại Việt, tr.173-179.