Về thăm Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Bảo tàng Tôn Đức Thắng - nơi lưu giữ nhiều hiện vật về Bác Tôn.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng – nơi lưu giữ nhiều hiện vật về Bác Tôn. 

Từ tư liệu quý

Bảo tàng Tôn Đức Thắng tọa lạc tại số 5, đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Đây là nơi duy nhất trong cả nước giới thiệu khá đầy đủ và có hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc trong quần chúng nhân dân và các thế hệ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Khánh Hằng – Phó giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng cho biết: Bảo tàng thành lập được 30 năm, hiện lưu giữ trên 17 ngàn hình ảnh, hiện vật, tư liệu liên quan đến Bác Tôn. Hàng năm, nơi đây đón khoảng 200 ngàn lượt khách đến tham quan. Hiện nay, Bảo tàng cũng lưu giữ nhiều băng hình, băng tiếng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước nói về Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ngoài việc trưng bày thường trực, Bảo tàng còn có trưng bày chuyên đề và tổ chức nhiều đợt triển lãm lưu động tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, Tây nguyên, Nam Trung Bộ. Tập trung đối tượng tuyên truyền là học sinh, sinh viên, công nhân…

Các tư liệu hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng đã phản ánh khái quát những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Bác Tôn từ thời niên thiếu ở quê nhà – làng Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, An Giang) đến khi trở thành một nguyên thủ quốc gia. Trong đó, có những mốc lịch sử quan trọng như: năm 1912, Bác Tôn tổ chức cuộc bãi khóa của học sinh Trường Cơ khí Á Châu (còn gọi là Trường Bá Nghệ – nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng), phong trào này đã được công nhân Ba Son hưởng ứng. Năm 1920, sau khi bị trục xuất khỏi nước Pháp, Bác Tôn về Sài Gòn thành lập Công hội bí mật, lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8-1925). Cuối năm 1929, Bác Tôn bị thực dân Pháp bắt và bị kết án 20 năm khổ sai, đày ra Côn đảo. Sau hơn 15 năm bị khổ sai ngoài Côn Đảo, năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám, Bác Tôn trở về đất liền tham gia Ủy ban Kháng chiến miền Nam. Bác Tôn trải qua nhiều vị trí quan trọng, đến năm 1969 là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1976 là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Bác qua đời ngày 30-3-1980 tại Hà Nội.

Qua quá trình hoạt động cách mạng của Bác Tôn, các nhà nghiên cứu lịch sử đã nhận định, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những chiến sĩ tiên phong của phong trào công nhân nước ta, không chỉ thể hiện tài năng tổ chức của một nhà lãnh đạo mà còn có nhiều đóng góp quan trọng về lý luận và để lại cho Đảng ta nhiều bài học quý giá, nhất là trong xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc. Người đã dành trọn cuộc đời mình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Đến những kỷ vật

Một cây bút tự “sáng chế” bằng xương cá và cây dương nước trong thời gian Bác Tôn bị khổ sai ngoài Côn Đảo, một chiếc nón lá và áo tơi được sử dụng trong thời gian hoạt động tại Việt Bắc, một đôi giày màu nâu sờn bạc được khoét lỗ ở ngón chân cái mà Bác thường dùng để tập thể dục hằng ngày, rồi đến cái hũ gạo kháng chiến mà hằng ngày Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã dành lại một phần gạo để nuôi quân, cứu đói trong kháng chiến, hay chiếc hòm gỗ đựng tài liệu của được bác giữ gìn cẩn trọng… Tất cả đều toát lên một phong cách sống của con người bình dị, ý chí và tình cảm.

Một góc trưng bày hình ảnh, sách báo về Bác Tôn tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

Một góc trưng bày hình ảnh, sách báo về Bác Tôn tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

Cuộc sống của bản thân đơn giản là vậy nhưng con người ấy lại dành sự quan tâm đến người khác, đến quê hương, đất nước nhiều hơn. Bác vẫn dành thời gian đến thăm các đồng chí đã từng hoạt động cách mạng trong những năm tù đày, gian khổ cùng Bác. Đặc biệt, người con của đất Nam Bộ thành đồng vẫn luôn canh cánh nỗi nhớ miền Nam trong suốt 30 năm dài xa cách. Vì khi trở về sau hơn 15 năm tù đày ngoài Côn Đảo, Bác Tôn trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, ra Bắc giữ nhiều trọng trách và giữ vị trí Chủ tịch nước. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bác Tôn mới có dịp về miền Nam, sum họp với gia đình và gặp lại bạn bè, đồng chí.

Trong bài viết gửi về quê hương miền Nam nhân dịp ngày Quốc khánh 2-9-1959, Bác Tôn đã viết: “Là người bạn đồng hương, người con của miền Nam, tôi còn có nhiều câu chuyện tâm tình với bà con thân thuộc. Vì đã hàng mấy chục năm xa cách, khi bôn tẩu ở nước ngoài, khi bị đế quốc giam cầm tù tội, mãi cho đến khi ngọn cờ cách mạng tháng Tám xuất hiện, chính bà con miền Nam đã cho tàu ra Côn Đảo đưa chúng tôi trở về. Tiếp ngay, kháng chiến bùng nổ, tôi lại tạm biệt lên đường đi kháng chiến… Tôi tin chắc đồng bào miền Nam, những con người đã từng tay không nhiều lần làm nên sự nghiệp to lớn, những con người kiên cường như thế thì không một thế lực nào khuất phục được”.

Một nhân cách lớn

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương của một nhân cách lớn. 92 tuổi đời (trong đó có hơn 60 năm hoạt động cách mạng), Bác Tôn đã đảm nhiệm nhiều trọng trách trong Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Mặt trận, là người lãnh đạo kính mến của giai cấp công nhân và nhân dân. Bác Tôn không chỉ là nhà yêu nước, mà còn là người chiến sĩ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Với hơn 50 hiện vật, tặng phẩm có giá trị về nội dung, phong phú về loại hình, chất liệu (là quà tặng từ khắp nơi gửi trao đến Bác Tôn khi bác còn hiện tiền) Bảo tàng đang trưng bày đã nói lên tình cảm của đồng bào trong nước và quốc tế đối với Bác Tôn. Điển hình như chiếc quạt tay của thương binh Lê Văn Thịnh – Trại Thương binh 4 tỉnh Hải Dương gửi tặng (tháng 6-1974), hay chiếc quạt tay do các đồng chí ở Côn Đảo gửi tặng (tháng 2-1976), chiếc gậy đầu rồng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh An Giang mừng thọ Bác Tôn tròn 90 tuổi (20-8-1978)… Rồi đến các món quà của bạn bè quốc tế gửi đến Bác Tôn như: chân dung Lênin do Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam trao tặng, đèn cắm nến do Đại sứ quán Cộng hòa dân chủ Đức trao tặng, lọ gốm hoa do Đại sứ Nhật Bản trao tặng…

Cả khi Bác Tôn đã đi xa thì công lao và nhân cách của bác vẫn luôn được các tầng lớp nhân dân tôn kính, tưởng nhớ. Hàng trăm ngàn lượt khách đến thắp hương và tham quan Bảo tàng mỗi năm đã nói lên điều đó. Chị Nhâm Thị Ngân Hà – người đã có hơn 20 năm làm công tác thuyết minh tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng chia sẻ, chị đã thuyết minh cho rất nhiều đoàn khách ở nhiều tầng lớp khác nhau, từ các đoàn thiếu nhi, học sinh, công nhân, lực lượng vũ trang đến cán bộ các cấp và có cả khách nước ngoài. Các đoàn đến tham quan thường xuyên trong cả năm, số lượng từ vài chục người đến vài trăm người (đặc biệt vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác Tôn thì số lượng đến tham quan có tăng lên). Chị Võ Đăng Uyên – cùng tổ thuyết minh tại đây đã bày tỏ sự yêu thích và có nhiều tình cảm với công việc mình sau thời gian hơn 8 năm gắn bó với bảo tàng.

“Đến tham quan tìm hiểu tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, được hiểu thêm về Chủ tịch Tôn Đức Thắng,  chúng tôi rất khâm phục trước tấm gương cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn. Chúng tôi nhận thấy cần phải cùng nhau thi đua thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác”, chị Vũ Thị Hồng – Phó chủ tịch công đoàn cơ sở Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.

“Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Tôn, Bảo tàng có tổ chức cuộc thi thiếu nhi vẽ tranh về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, buổi họp mặt kỷ niệm. Riêng việc phối hợp với Bảo tàng Bến Tre trưng bày chuyên đề Cuộc đời và sự nghiệp Tôn Đức Thắng là một trong những nội dung hoạt động phối hợp trưng bày ở bảo tàng các tỉnh miền Tây như: Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh… Qua việc đưa bộ sưu tập về trưng bày ở các tỉnh, chúng tôi mong muốn giới thiệu rộng rãi đến công chúng có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về Bác Tôn”.

(Bà Nguyễn Thị Khánh Hằng – Phó giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng)

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt